TTCT - Đây chỉ là những tác động được nhìn trực diện sau đại dịch COVID-19 đối với các sinh viên sẽ ra trường năm nay. Rất nhiều sinh viên chỉ còn một bước cuối cùng để chạm vào tấm bằng tốt nghiệp, nắm lấy cơ hội công việc nhưng lại phải tạm dừng bước. Sinh viên Trường ĐH KHXN&NV thực tập tại Công ty Elite PR School. Ảnh: Hương Giang Những trầy trật khởi đầu PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết dù trường có uy tín và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn nhưng trong thời gian dịch bệnh, việc đưa sinh viên đến trải nghiệm, thực tập tại các DN đều phải ngừng hoàn toàn. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.700 sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay. Theo ông Nguyễn Phong Điền, các ngành đào tạo khối kỹ thuật công nghệ sẽ không có cách nào khác thay thế cho thực tập tại cơ sở sản xuất, kinh doanh: “Các xưởng sản xuất, thực hành thí nghiệm của trường chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu. Đây đang là giai đoạn rất căng đối với sinh viên năm cuối khi vừa phải gấp rút hoàn thành nốt chương trình học vừa tham gia các đợt thực tập trong hè”. Mặc dù Việt Nam đã hết giãn cách xã hội, các DN đang dần quay lại nhịp hoạt động bình thường nhưng việc nhận sinh viên thực tập, nhất là với số lượng lớn, khiến nhiều nơi e ngại. Dẫu vẫn cần lực lượng sinh viên thực tập nhưng nhiều nơi nhận sinh viên chỉ vì trách nhiệm với đào tạo và vì mối quan hệ lâu năm với trường. Một số địa chỉ thực tập mà sinh viên được đón chào đều có cựu sinh viên trường làm chủ. “Hậu COVID-19, các DN đều đang phải giải quyết khủng hoảng. Để sinh viên có nơi thực tập, nhà trường cũng phải chia sẻ, ví dụ trong các hợp đồng cho sinh viên thực tập, trường phải có các ràng buộc như chi trả tiền tiêu hao vật tư, bố trí nhân lực hướng dẫn sinh viên” - ông Điền cho biết. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang phải rút ngắn thời gian làm thủ tục tốt nghiệp cho sinh viên để các bạn không ra trường quá trễ. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), cho biết cả 25 ngành đào tạo của trường đều bắt buộc phải có các đợt thực tập, đi thực tế, không thay thế được bằng các hình thức học tập khác trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt là những ngành có tính ứng dụng cao như quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị văn phòng, quản trị thông tin... việc đi thực tế, thực tập còn được thiết kế với thời lượng nhiều hơn một số ngành khác. “Trong một số ngành khoa học cơ bản, sinh viên có thể khai thác tài liệu qua hệ thống mạng, thư viện số để viết luận văn tốt nghiệp, nhưng những ngành có tính ứng dụng thực tế cao thì sinh viên không chỉ hoàn thành các đợt thực tập để đảm bảo điều kiện tốt nghiệp mà cả việc thực hiện các đề tài luận văn tốt nghiệp cũng cần có các khảo sát, trải nghiệm thực tế từ công việc” - GS Tuấn cho biết. Ngoài số sinh viên đã tìm được địa chỉ thực tập từ tháng 1-2020, theo GS Tuấn, trường phải tìm kiếm địa chỉ thực tập cho một số sinh viên năm cuối trong nửa đầu tháng 5-2020. Với những ngành đặc thù, hoặc ngành bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng hơn, việc tìm kiếm nơi nhận thực tập khó khăn hơn. “Chúng tôi đang cố gắng để sinh viên năm cuối hoàn thành cơ bản kế hoạch thực tập vào tháng 6-2020, nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 7-2020” - ông Tuấn cho biết. Khu vực phía Nam, một số trường ĐH cũng nói về khó khăn đang gặp khi tìm nơi thực tập cho sinh viên năm cuối. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã phải dừng đợt thực tập được thiết kế từ 2,5-4 tháng vì dịch. Tới thời điểm hiện tại, theo lãnh đạo một số khoa của trường này, các DN vẫn dè dặt trong việc nhận sinh viên thực tập, nhất là các ngành dược, du lịch, khách sạn, nhà hàng... Nhưng mặt khác, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, khó khăn trong thực tập, kết nối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh của sinh viên năm cuối còn tùy thuộc một phần vào năng lực của chính sinh viên. “Các sinh viên gặp khó khăn khi liên hệ thực tập chủ yếu do có kết quả học tập không cao hoặc chưa kịp đăng ký thực tập học kỳ 2-2020. Tương tự, những sinh viên bị chậm, không tốt nghiệp đúng hạn thường là những em chưa hoàn thành các học phần khác của chương trình đào tạo do học phần đó không kịp tổ chức đào tạo trong học kỳ 2-2020 do dịch Covid-19” - ông nói. Ở khối CĐ nghề, một số trường linh động cho sinh viên thực hành tại xưởng trường, mời chuyên gia từ các DN đến hướng dẫn. Có trường chuyển một phần thực hành sang chuyên đề trực tuyến và mời chuyên gia trao đổi, thực hiện các thao tác thực hành trên mô hình hoặc tại phân xưởng sản xuất, quay video hoặc phát trực tiếp để sinh viên theo dõi qua mạng. Theo TS Đồng Văn Ngọc - Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, do có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn lớn nên việc phối hợp đào tạo và cho sinh viên thực tập không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều tập đoàn tham gia đào tạo sinh viên tại nhà máy, xưởng sản xuất để sử dụng luôn nhân lực từ các trường. Tuy nhiên, những ngành đào tạo thuộc khối dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn do các DN trong lĩnh vực này phải ngừng hoàn toàn hoạt động trong thời điểm dịch bùng phát, hậu quả vẫn còn kéo dài tới lúc này. Tương lai việc làm bất định Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, những thay đổi về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2020 là tất yếu. Thị trường tuyển dụng hiện tại kém sôi động hơn so với các năm trước. “Sinh viên tốt nghiệp thời điểm tháng 8-2020 nói chung có cơ hội việc làm thấp hơn các sinh viên năm trước và theo thông thường sẽ tìm được việc tốt trong quý 4-2020. Thị trường du học cũng khá ảm đạm do nhiều nước chưa kết thúc dịch Covid-19 nên nhìn chung các em tốt nghiệp năm nay xin việc khó khăn hơn”. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cũng cho biết các sinh viên năm cuối của trường ông không bị làm khó về thực tập do các đợt thực tập đều bố trí từ tháng 1-2020, nhưng tiếp cận cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ gặp nhiều trở ngại. “Những năm trước, vào khoảng tháng 5-2020, thường trường tôi phối hợp với các đơn vị bên ngoài tổ chức hội chợ việc làm, thu hút được khá nhiều DN tham gia, cung cấp thông tin, kết nối cho khoảng 5.000-6.000 sinh viên của trường và các trường ĐH cùng khối kỹ thuật công nghệ. Năm 2019, khoảng 600-700 sinh viên tìm được việc làm ngay trong hội chợ. Nhưng năm nay không những không tổ chức được sự kiện này mà cũng rất ít DN đặt vấn đề với trường về tuyển dụng. Chúng tôi rất lo cho đầu ra của sinh viên ra trường trong năm nay. Những ngành như công nghệ thông tin, cơ khí, quản lý vận tải những năm trước thuộc “hàng sáng sủa”, năm nay cũng thưa vắng nhu cầu tuyển dụng. Các ngành đào tạo thuộc khối công trình gặp khó khăn hơn do các DN cũng đang chật vật vượt khó sau dịch. Nhiều đơn vị không triển khai được tiếp các dự án, không giải ngân được nên sẽ khó khăn trong việc mở rộng quy mô hoạt động và tuyển dụng lao động” - ông Chương nói. Theo lãnh đạo một số trường ĐH-CĐ khu vực phía Bắc, khối các ngành dịch vụ, DN vừa và nhỏ, đặc biệt là khu vực tư nhân sẽ gặp khó khăn hơn. Cũng từ nhận định này, ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH và sau ĐH Trường ĐH Thủy lợi, cho biết những sinh viên tốt nghiệp các ngành kế toán, quản trị kinh doanh của trường mà không đủ xuất sắc để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt, trông chờ vào vị trí việc làm ở các DN nhỏ, cơ sở tư nhân thì cũng dễ bị thất nghiệp. Theo TS Đồng Văn Ngọc, trong bối cảnh khó khăn chung này, cách tìm đầu ra cho sinh viên của các trường, cũng để duy trì sự ổn định trong đào tạo, là tiếp cận, hợp tác sâu với các tập đoàn lớn để cùng xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có thời gian làm tại DN. Sinh viên vừa được học, thực tập, cũng chính là lực lượng tương lai được DN bảo đảm sau khi tốt nghiệp. Nhưng đây là “cửa hẹp”, không phải trường nào cũng vươn tới được. Tình trạng sinh viên thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ mở ra một giai đoạn xáo trộn về cơ cấu ngành đào tạo của các trường khi phải chuyển dịch theo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực ngành nghề. Trước mắt là nguy cơ sinh viên làm trái nghề, chấp nhận công việc phổ thông khi không xin được việc làm đúng ngành đào tạo.■ Doanh nghiệp khó khăn, sinh viên thực tập “thấm đòn” Trần Hải Đăng (23 tuổi, sinh viên chuyên ngành du lịch Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho biết bạn đang trong thời gian thực tập tại một công ty chuyên cung cấp tuyến du lịch tới Mỹ. Dịch Covid-19 ập tới, Đăng phải tạm dừng đợt thực tập vốn được thiết kế thông thường ở mức tối thiểu 3 tháng. Công ty nơi Đăng thực tập thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, cho nhân viên nghỉ 2 tháng không lương. Khi công ty của Đăng phải chuyển hướng sang làm tour nội địa, “đồng nghĩa với việc mọi thứ phải xây dựng lại từ đầu về sản phẩm cũng như đội ngũ về sale, về tài chính” - Đăng nói. Đối với những thực tập sinh ngành du lịch, “cơn bão tố” dịch bệnh đã khiến những hi vọng và ước mơ về một tương lai nghề nghiệp xán lạn tan biến. Trước ngưỡng cửa tốt nghiệp, những sinh viên sắp tốt nghiệp giờ phải tính toán lại kế hoạch sắp tới, và nỗi lo “cơm áo gạo tiền” chực chờ họ. Nguyễn Trung Đức (22 tuổi, chuyên ngành kiểm toán kế toán, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đang thực tập tại Công ty kiểm toán AASC cho biết bạn “không thể tới công ty khách hàng để kiểm tra hóa đơn, chứng từ...”, một trong những khâu quan trọng nhất mà kiểm toán viên phải thực hiện. Vì cần làm việc toàn thời gian tại văn phòng suốt tuần, giai đoạn gián đoạn do dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhịp độ làm việc của Đức. Không được đi làm thường xuyên tức là không được trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, là thiệt thòi rất lớn của thực tập sinh vì đa số họ chỉ có cơ hội thực tập duy nhất này trước khi ra trường. Đức may mắn hơn nhiều bạn vì có thể quay lại công việc thực tập vào đầu tháng 5, nhưng “các bạn tôi thực tập tại các công ty kiểm toán lớn thì không được tạo điều kiện như vậy” - Đức kể. Bạn cho biết công ty của mình “không hứa hẹn gì về tương lai” công việc, muốn làm nhân viên chính thức, Đức vẫn phải trải qua bài kiểm tra đầu vào và phỏng vấn. Với Đinh Quốc Thắng (21 tuổi, sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự), việc làm trực tiếp tại chỗ thực tập có nhiều ích lợi, nhất là được những người có kinh nghiệm đi trước chỉ vẽ cặn kẽ, điều mà người làm online ở nhà không thể có được. Khác với hình dung về ngành công nghệ thông tin “chỉ cần máy tính nối mạng”, làm việc từ xa trong ngành này khiến Thắng mất rất nhiều công đoạn, từ lấy dự án từ trên kho chung, đồng bộ với nhóm và nhất là khó khăn trong vấn đề bảo mật của dự án. Thắng hiểu rõ việc các công ty công nghệ thông tin đánh giá cả “màn thể hiện” của thực tập sinh trong việc hòa đồng với đồng nghiệp, vấn đề chuyên môn, thái độ làm việc... để chọn ra những thực tập sinh sáng giá nhất làm việc hoặc giới thiệu cho đối tác. Dịch COVID-19 đã lấy đi cơ hội thể hiện hiếm hoi đó của các sinh viên thực tập, khiến hi vọng tìm việc làm của họ trở nên mong manh hơn. Hà Quân Tags: Việc làmThực tậpSinh viên năm cuốiDoanh nghiệp khó khăn
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác công nghệ cao, hạ tầng giao thông với Việt Nam DUY LINH 15/10/2024 Đây là bày tỏ của ông Chang Ho Jin, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh của tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
La Nina sắp xuất hiện, thời tiết ở Việt Nam sẽ ra sao? CHÍ TUỆ 15/10/2024 Dự báo từ tháng 11 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và mùa mưa ở Trung Bộ có thể kết thúc muộn, miền Bắc khả năng xuất hiện rét đậm rét hại kéo dài.
NÓNG: Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Nhà chức trách Hàn Quốc công bố 11 khu vực nguy hiểm ở biên giới liên Triều, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Tập đoàn Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe ĐỨC PHÚ 15/10/2024 Sun Group đề xuất làm đường ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài 78,2km từ 8-10 làn xe, thay vì chỉ 3-4 làn.