TTCT - Siêu bão Haiyan đi qua Philippines để lại những thành phố bị san phẳng cùng những xác chết rải rác khắp nơi ở miền trung nước này. Thị trưởng Rodrigo Duterte của thành phố Davao, miền nam Philippines, có mặt tại thành phố Tacloban đã gọi việc trợ giúp lúc này là “nghĩa vụ đạo đức của thành phố”. Cứu trợ lương thực tại một thị trấn dọc đường tới khu miền bắc của tỉnh Cebu - Ảnh: Thanh Tuấn Vào những ngày này, Joned Sodino, một blogger chính luận nổi tiếng ở Philippines, trở nên bận rộn với việc trả lời thư từ và điện thoại của người thân và bạn đọc. Và họ chỉ hỏi đúng một câu: “Anh có ổn không?”. Joned không thật sự thấy ổn, dù Manila, nơi anh sống, không chịu ảnh hưởng của siêu bão. “Philippines là một quần đảo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương. Những cơn bão như thế này, cùng với “họ hàng” của nó là động đất và núi lửa, thường xuyên là những vị khách hủy diệt. Có vài thứ mà ở đây bạn phải chấp nhận chung sống với nó” - Joned nói. Thứ mà Joned phải chấp nhận chung sống, hôm nay, được gọi tên bằng một thảm họa với số người thiệt mạng có thể vào khoảng 2.000-2.500 người, theo tuyên bố của Tổng thống Benigno Aquino với Đài CNN. Nỗ lực lập lại trật tự và cứu trợ “Người Philippines chúng tôi có một từ gọi là “bayanihan”, có nghĩa là nỗ lực trợ giúp cộng đồng. Mọi người đóng góp thời gian, tiền bạc, hàng hóa và nỗ lực của họ để giúp đỡ những người khác”. Thiết quân luật và lệnh giới nghiêm là điều mà nhiều người Philippines không muốn nhắc đến, bởi nó gợi nhớ lại thời kỳ hà khắc dưới chế độ độc tài của tổng thống Ferdinand Marcos, kéo dài chín năm, từ 1972-1981. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn tại Tacloban đã khiến một số nhà lập pháp địa phương cũng như tổng thống thúc giục chính quyền ban bố lệnh thiết quân luật. Hãng tin Rapper cho hay ngày 12-11, chính quyền thành phố Tacloban đã buộc phải loan báo lệnh giới nghiêm đối với toàn bộ cư dân trong khoảng thời gian từ 10g tối đến 6g sáng hằng ngày, trong một nỗ lực lập lại trật tự trên địa bàn. Tình trạng cướp bóc đã lan tràn tại Tacloban kể từ sau khi siêu bão Haiyan quét qua khu vực này ngày 8-11. Nhiều nhà bình luận cho rằng đây là phản ứng không thể tránh khỏi trước sự thiếu vắng hai điều kiện tối thiểu của một nền trị an: nhu yếu phẩm và quyền lực nhà nước. Trong khi nhu yếu phẩm thiếu thốn là điều dễ hiểu thì tình trạng mất kiểm soát lại khiến nhiều người hoài nghi về năng lực ứng phó của chính quyền. Trong số gần 400 cảnh sát làm nhiệm vụ tại Tacloban, hơn 300 người đã rời bỏ vị trí hoặc hi sinh. Toàn thành phố rơi vào hỗn loạn, các siêu thị và trung tâm cứu trợ trở thành mục tiêu của những người đang đói khát lương thực cũng như của những băng nhóm mới hình thành. Ít nhất hai người đã bị quân đội bắn chết vào ngày 12-11 khi tìm cách tấn công có vũ trang vào một trung tâm cứu trợ và cướp lương thực. Thậm chí ngày chủ nhật 10-11, hàng loạt tiếng súng đã vang lên tại khu vực trại giam thành phố khi nhiều tù nhân tìm cách trốn thoát. Lực lượng an ninh trại giam chỉ bắt giữ lại được một số người và chưa có thông tin gì thêm về số tù nhân chạy trốn còn lại. Tình hình chỉ bắt đầu được kiểm soát trở lại khi chính phủ điều động 300 cảnh sát, 100 binh lính và hàng loạt xe bọc thép đến hỗ trợ chính quyền địa phương. Bộ trưởng nội vụ Mar Roxas cho báo chí biết: “Lệnh giới nghiêm là công cụ chúng tôi sử dụng để giảm thiểu tình trạng cướp bóc và các cuộc đột nhập. Chúng tôi biết một số người không thể về nhà (trong giờ giới nghiêm), nhưng đây là cách hiệu quả hơn để chống lại các băng nhóm đang tìm cơ hội hoạt động. Chúng tôi muốn cho người dân, đặc biệt là những người có ý đồ xấu, thấy rằng chính quyền đã hoạt động trở lại”. Hãng tin GMA cho hay ngày 12-11, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã ra tuyên bố về kế hoạch hành động trị giá 301 triệu USD nhằm viện trợ cho các nạn nhân của siêu bão Haiyan và góp phần tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của bão. LHQ ước tính có 11,3 triệu người cần được hỗ trợ và 25 triệu USD cũng đã được tổ chức này viện trợ khẩn cấp cho Philippines trong nỗ lực giành giật sự sống cho các nạn nhân. Bà Valerie Amos, phó tổng thư ký LHQ phụ trách các hoạt động nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, cho biết: “Kế hoạch hành động này tập trung vào các lĩnh vực lương thực, y tế, vệ sinh môi trường, nhà ở, thu dọn rác cũng như các mảnh vỡ và tôi rất hi vọng rằng các nhà tài trợ sẽ hào phóng với chương trình này”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhận được 33 đề nghị hỗ trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài và tổng số tiền viện trợ của cộng đồng quốc tế tính đến ngày 12-11 xấp xỉ 2,6 tỉ peso, tương đương 60 triệu USD. Ngày 8-11, một ngày trước khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ nước này đăng lên một loạt hình ảnh được thiết kế theo cùng chủ đề, với cùng khẩu hiệu: “The Filipino spirit is stronger than any typhoon” (Tinh thần của người Philippines mạnh hơn bất kỳ cơn bão nào). Khẩu hiệu này nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng Facebook ước tính có 30 triệu người sử dụng ở Philippines. Cũng như các cộng đồng làng xã ở Việt Nam đã hình thành trước tiên từ nhu cầu chống thiên tai, người Philippines đã quá quen thuộc với việc ứng phó với thảm họa khi hứng chịu hàng chục cơn bão mỗi năm. Blogger Joned cho biết: “Người Philippines chúng tôi có một từ gọi là “bayanihan”, có nghĩa là nỗ lực trợ giúp cộng đồng. Mọi người đóng góp thời gian, tiền bạc, hàng hóa và nỗ lực của họ để giúp đỡ những người khác. Một số người dùng mạng xã hội để xác định các trung tâm cứu tế, trong khi một vài nhóm khác được lập ra để tìm người thông qua việc sử dụng các công nghệ của Google”. Các thiếu niên Philippines tại Manama thắp nến bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân siêu bão Haiyan - Ảnh: Reuters “Nói với họ là bạn vẫn ổn” Ngày 12-11, ba hãng điện thoại Sun, Globe và Smart đã ra tuyên bố chung về việc miễn phí tin nhắn trong nước cũng như ra nước ngoài đối với những người sử dụng tại các vùng chịu ảnh hưởng của bão Haiyan. Mỗi thuê bao được miễn phí 25 tin nhắn một ngày trong một chương trình kéo dài năm ngày. Hãng tin Rapper dẫn lời ông Peter Bithos, một quan chức cấp cao của Hãng Globe, cho biết: “Đây là cách công ty chúng tôi trợ giúp tới các khách hàng đang chịu sự tấn công của cơn bão, những người muốn liên lạc với gia đình, bạn bè của họ ở trong nước cũng như ngoài nước”. Trong khi đó, những người sử dụng dịch vụ Viber tại Philippines cũng nhận được tin nhắn thông báo họ có thể gọi điện thoại miễn phí tới các số điện thoại thông thường ở trong nước cũng như ra nước ngoài trong một chương trình hỗ trợ của hãng. “Hãy gọi cho gia đình bạn ngay bây giờ. Nói với họ là bạn vẫn ổn” - thông báo ghi. Việc các dịch vụ viễn thông mở cổng giao tiếp miễn phí ra nước ngoài cho người Philippines cũng là điều dễ hiểu, khi cứ chín người Philippines thì có một người đang làm việc ở nước ngoài, tương đương với 10 triệu người. Philippines nổi tiếng thế giới với việc cung cấp nguồn lao động giúp việc nhà và y tá chất lượng cao. Hầu hết các gia đình ở quốc đảo này đều có người đang làm việc tạm thời ở nước ngoài. Vào những ngày này, bất cứ ai đi qua chuỗi siêu thị Glorieta của hệ thống Ayala Malls trên toàn quốc đều dễ dàng nhìn thấy đoàn người xếp hàng dài trước các quầy quyên góp. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu quyên góp 25 triệu peso tiền mặt (tương đương trên 571.000 USD) cho chiến dịch này, chưa kể nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa khác. Các quầy quyên góp tương tự cũng được đặt tại hệ thống siêu thị SM và các cửa hàng Jollibee - chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất Philippines. Các doanh nghiệp khác cũng tích cực trong việc gây quỹ và quyên góp, gồm nhóm George Ty-led Metrobank, Toyota Motor Philippines and Toyota Financial Services Philippines (hơn 1 triệu USD), hệ thống siêu thị SM (hơn 2 triệu USD), Aboitiz family Aboitiz Foundation (600.000 USD), Ngân hàng Citi (250.000 USD). Hãng hàng không Philippine Airlines đồng ý vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ từ chính phủ và các tổ chức khác đến Tacloban, trong khi Cebu Pacific và AirAsia Zest tổ chức các chuyến bay miễn phí đến các khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Philippines đã chuẩn bị sẵn 2.000 hộp thức ăn, 4.000 chiếc chăn, 4.000 tấm thảm nhựa, 2.000 bộ dụng cụ vệ sinh và 10 lều cứu trợ y tế khẩn cấp, với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Nguồn tin của tổ chức này cho hay chỉ một ngày sau khi cơn bão đi qua, 3.365 người bị ảnh hưởng của bão đã được họ cung cấp thức ăn. Cho đến ngày 12-11, ít nhất 12 xe tải và xe cấp cứu của tổ chức này đã được điều động thêm tới vùng bão, cung cấp thêm thức ăn và 20.000 lít nước uống cho người dân nơi đây. Tags: PhilippinesCứu trợTaclobanSiêu bão HaiyanTinh thần Bayanihan
Dự kiến khởi công khu đô thị lấn biển Cần Giờ vào đầu năm 2025 THẢO LÊ 05/10/2024 Huyện Cần Giờ đang làm việc với chủ đầu tư làm các bước theo quy định để có thể khởi công xây dựng dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ vào đầu năm 2025.
Tòa án Pháp công bố đoạn video người phụ nữ bị chồng cũ và 50 người cưỡng hiếp KHÁNH QUỲNH 05/10/2024 Sau một thời gian dài tranh luận về tính pháp lý, ngày 4-10, tòa án Pháp quyết định công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc bà Gisèle Pélicot bị chồng cũ và 50 người khác cưỡng hiếp.
Ngắm Hà Nội vươn mình qua những công trình, hạ tầng hiện đại HỒNG QUANG 05/10/2024 Hà Nội đang chuyển mình từng ngày với những công trình hạ tầng được đầu tư bài bản, hiện đại.
Trực tiếp từ Seoul, Hàn Quốc: Hương phở Việt chính thức lan tỏa NHƯ BÌNH 05/10/2024 Ngày 5-10, giữa tiết trời thu Seoul Hàn Quốc, phở Việt đã chính thức gặp gỡ những thực khách Hàn Quốc để cùng trải trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.