Toa thuốc chồng chất, bệnh nhân muốn ngất

HỒNG VÂN 09/06/2023 06:32 GMT+7

TTCT - Hệ thống y tế ngày nay dường như là con đường một chiều nơi các bệnh nhân được kê toa và phụ thuộc vào thuốc.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Emily Reeve, dược sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở Adelaide (Úc), cho rằng hệ thống y tế ngày nay dường như là con đường một chiều nơi các bệnh nhân được kê toa và phụ thuộc vào thuốc, không phải để giúp họ ngừng thuốc khi phù hợp.

Uống thuốc cả nắm

Reeve thường xuyên thấy biểu cảm bất ngờ và ái ngại của bệnh nhân trước số thuốc họ được kê để uống mỗi ngày. Nhiều người phàn nàn với chút cường điệu rằng lượng thuốc đó đủ no với họ. Nữ dược sĩ còn lo rằng một số loại thuốc theo đơn nhiều người đang uống hoặc vô dụng hoặc có hại cho họ. Và tình trạng uống nhiều thuốc quá mức cần thiết đã phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là các nước giàu, theo The Economist.

"Dùng thuốc quá nhiều" (polypharmacy) chỉ việc sử dụng từ 5 loại thuốc trở lên (cả thuốc kê đơn và không kê đơn) đối với một bệnh nhân. Đây là một trong những vấn đề quan trọng phải giải quyết trong chương trình quản lý sử dụng thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo số liệu chính thức, khoảng 15% người dân xứ England thuộc Vương quốc Anh uống từ 5 loại thuốc theo toa trở lên mỗi ngày. Tỉ lệ này cao hơn ở nhóm cao niên. Theo báo cáo "Hại nhiều hơn lợi" về sử dụng thuốc ở người cao tuổi tại England, có hơn 10% người trên 65 tuổi dùng ít nhất 8 loại thuốc kê đơn khác nhau mỗi tuần; ở những người trên 85, tỉ lệ này là 20%. 

Người già có xu hướng có nhiều bệnh hơn nên lượng thuốc mà họ uống cũng có xu hướng tăng theo số tuổi. Trong số những người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, 2/3 dùng ít nhất 5 loại thuốc mỗi ngày. Ở Canada, 1/4 trong số những người trên 65 tuổi dùng 10 loại thuốc mỗi ngày hoặc nhiều hơn.

Theo The Economist, một nửa số người Canada lớn tuổi dùng ít nhất một loại thuốc không phù hợp với họ theo một cách nào đó. Một đánh giá về việc kê đơn quá mức ở Anh năm 2021 kết luận rằng ít nhất 10% đơn thuốc do bác sĩ gia đình, dược sĩ kê lẽ ra là không nên kê. Ngay cả những loại thuốc được kê đơn đúng cũng có tác dụng phụ.

Ảnh: Physiopedia

Ảnh: Physiopedia

Lợi bất cập hại

Thuốc chữa bệnh và mang lại điều thần kỳ, nhưng quá nhiều thuốc tạo gánh nặng và gây hại cho bệnh nhân. "Nhiều người tâm sự hầu như toàn bộ cuộc sống của họ chỉ xoay quanh việc uống thuốc đúng hướng dẫn. Càng phải uống nhiều loại thuốc thì khả năng uống nhầm thuốc càng cao" - Michael Steinman, giáo sư khoa y tại Đại học California, San Francisco, nói.

Ngoài ra, càng uống nhiều thuốc, càng có nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có hại. Nghiên cứu gần đây tại một bệnh viện ở Liverpool cho thấy gần 1/5 số ca nhập viện là do phản ứng bất lợi với thuốc. 

Viện Lown, một tổ chức tư vấn của Mỹ, ước tính từ 2020 - 2030, tình trạng sử dụng thuốc quá nhiều ở Mỹ có thể gây ra hơn 150.000 ca tử vong sớm và 4,5 triệu ca nhập viện dù bản chất của thuốc là để cứu người.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Còn có những vấn đề thuần y học khác: bệnh nhân được các bác sĩ khác nhau kê nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng có cùng tác dụng sinh học, dẫn đến quá liều. Chẳng hạn, thuốc kháng cholinergic dùng để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và một số loại thuốc như thuốc chống dị ứng, thuốc kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ, thuốc chống trầm cảm ba vòng đều có tác dụng ngăn chặn hoạt động của acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh. 

Không phải lúc nào bác sĩ này cũng biết bác sĩ kia đã kê thuốc gì, thế là bệnh nhân "lãnh đủ": uống thuốc trị 2 bệnh khác nhau nhưng vẫn bị quá liều. Lượng thuốc kháng cholinergic đưa vào cơ thể để ức chế acetylcholine mạnh đến mức có thể làm bệnh nhân bị choáng váng. Nhưng những biểu hiện này dễ bị quy cho tuổi già hoặc một loại bệnh nào đó, nên họ không biết là do 2 loại thuốc gây ra.

Mặc dù có cơ sở dữ liệu để kiểm tra tương tác thuốc, vẫn có thể có những tương tác mới phát sinh nếu người bệnh dùng thêm các thuốc không kê toa khác. Vì thế, ngoài quá liều, các loại thuốc có thể "đụng" nhau theo những cách có hại không ngờ.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng uống thuốc quá nhiều phổ biến là do tâm lý sợ bệnh, uống thuốc cho an tâm và tin vào lợi ích được quảng cáo quá mức của thuốc. Một nghiên cứu năm 2023 được đăng trên JAMA Open Network cho biết hơn 70% các loại thuốc theo toa quảng cáo trên truyền hình có "giá trị điều trị thấp".

Quảng cáo không giải thích đầy đủ các tác dụng phụ và có thể ảnh hưởng xấu đến quyết định của bệnh nhân và bác sĩ. Những quảng cáo này đánh vào tâm lý tuyệt vọng của bệnh nhân và tâm lý sẵn sàng thử một phương pháp khác của bác sĩ. 

Nghiên cứu ghi nhận những bệnh nhân yêu cầu các loại thuốc được quảng cáo có khả năng được kê đơn cao hơn gần 17 lần so với những người không yêu cầu bất kỳ loại thuốc nào.

Bác sĩ ngại giảm kê toa?

Có nhiều người dành cả ngày uống thuốc vì họ không được dặn về việc ngừng thuốc. Ở Mỹ, cứ 5 bệnh nhân được cho dùng gabapentin, một loại thuốc giảm đau mạnh sau phẫu thuật thì có 1 người vẫn tiếp tục dùng thuốc này đến tận 90 ngày sau dù chỉ nên uống thuốc tối đa trong 4 tuần. Nghiên cứu ở một số quốc gia cho thấy có 9/10 bệnh nhân sẵn sàng ngừng thuốc nếu bác sĩ khuyên họ làm vậy.

Cái khó là bác sĩ cũng "rén" khi thiếu bằng chứng khoa học. Trang Financial Review cho biết chưa có nhiều nghiên cứu và hướng dẫn dựa trên bằng chứng cho thấy giảm kê đơn cải thiện bệnh cho bệnh nhân nên các bác sĩ ngại thử nghiệm việc này. Kinh phí cho các nghiên cứu để giảm kê đơn rất ít. Các công ty dược - nhà tài trợ chính cho các thử nghiệm thuốc - không có động lực thực hiện các nghiên cứu này.

Giáo sư Sarah Hilmer, trưởng khoa dược lâm sàng tại Bệnh viện Royal North Shore ở Sydney - cho biết giảm kê đơn an toàn có thể thực hiện trên cơ sở thử nghiệm cá nhân nếu bệnh nhân cảm thấy tốt hoặc tốt hơn khi ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, vì đây là một quá trình phức tạp và tốn thời gian nên cần có hướng dẫn thực hiện.

Giáo sư Ian Scott, giám đốc khoa nội và dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queensland, một người vận động giảm kê đơn - cho biết: "Chúng tôi chưa thấy số ca tử vong hoặc nhập viện giảm vì giảm kê toa, nhưng cũng không thấy có điều gì cảnh báo rằng bệnh nhân sẽ gặp nguy hoặc tái phát bệnh do giảm các loại thuốc. 

Ảnh: Pharmaceutical Journal

Ảnh: Pharmaceutical Journal

Giảm thuốc được thực hiện dưới sự giám sát cẩn thận, chặt chẽ. Nếu có bất kỳ triệu chứng tái phát nào, chúng tôi sẽ khởi động lại hoặc tăng liều lượng. Giảm thuốc là an toàn, nó chắc chắn làm giảm gánh nặng thuốc thang cho bệnh nhân và giảm chi phí cho hệ thống y tế".

Gần đây, nhiều bác sĩ, dược sĩ và cá nhân đã lập và tham gia các hoạt động vận động giảm kê đơn. Năm 2021, dịch vụ Y tế quốc gia của Anh công bố mục tiêu giảm kê đơn quá mức. Một hội nghị quốc tế đầu tiên về giảm kê đơn diễn ra năm 2022 tại Đan Mạch.

Bằng chứng về cách giảm, ngừng thuốc bắt đầu được xây dựng. Tại Canada, ngành y tế đã in một số tờ rơi để giúp bệnh nhân ngừng một số loại thuốc phổ biến như thuốc ngủ. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể chọn liệu pháp trị liệu hành vi, nhận thức thay vì uống thuốc trị mất ngủ.

Các công cụ và hướng dẫn ngừng tự động gia hạn đơn thuốc với một số loại thuốc cũng đã được phát triển. GS Scott cho rằng các bác sĩ nên xác định một khoảng thời gian để đánh giá lại toa thuốc xem nó có còn cần cho bệnh nhân nữa không.

Tình trạng phổ biến hiện nay là bệnh nhân tự mua thuốc theo toa cũ ít nhất 5 lần trước khi tái khám. Trong khi đó, bác sĩ cũng quá bận bịu với việc trị các triệu chứng cấp bách mà không có thời gian và công sức hỗ trợ bệnh nhân giảm thuốc. Nếu làm được, tác động tiềm năng của những nỗ lực giảm lượng thuốc bệnh nhân phải uống chắc chắn là đáng kể.■

Trong bài viết "Uống thuốc quá nhiều đã giết chết con tôi" trên Time ngày 19-5, Andrea Sonnenberg, một luật sư và diễn giả, nói việc quảng cáo rộng khắp mà phớt lờ tác dụng phụ của thuốc là một trong các nguyên nhân khiến con trai bà giã từ cõi đời. "Con tôi được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất hiện có, nhưng đặc quyền ấy cũng không thể cứu nó" - Sonnenberg viết.

Bradley đột ngột qua đời khi đang ngủ, sau khi được kê một lô lốc các loại thuốc. Theo bà, bác sĩ tâm thần khi kê đơn đã không phối hợp với nhà trị liệu hoặc các bác sĩ khác của bệnh nhân, xem họ đã được kê thuốc gì trước đó. Sonnenberg nói đây là vấn đề chung, và con trai bà sẽ không phải là nạn nhân duy nhất. Vì thế, bà nguyện dành phần đời còn lại để giúp những người có vấn đề sức khỏe tâm thần khác, nhất là tránh chết vì uống thuốc quá nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận