Tôi phải bước nhanh qua các di tích

TTCT - Cứ mỗi lần nghe tin người ta sắp trùng tu một di tích nào đó ở Huế, việc đầu tiên là tôi đến di tích đó chụp hình để lưu lại những hình ảnh mà tôi lo sợ sẽ mất đi vĩnh viễn.

Phóng to
Thật không ngờ là chỉ cần chạm tay vào một số nơi vừa được trùng tu, màu vôi đã bám đầy tay (ảnh chụp tại Thế Miếu - Đại nội Huế) - Ảnh: Đ.T.Q.

Nếu không có mặt ở Huế, thể nào tôi cũng nhờ bạn bè chụp lại cho bằng được để lưu giữ lại sau này cho mình. Nói thật là tôi không yên tâm cách trùng tu thời gian qua bởi quá nhiều di tích đã bị “mới hóa” một cách lòe loẹt khiến bất cứ ai, dù không phải chuyên môn cũng dễ dàng nhận ra sự cẩu thả về chất lượng và mỹ thuật của công trình mới. Thật khó tin khi chỉ cần dùng tay quẹt vào vạt tường mới, lập tức màu vôi mới sẽ bám ngay vào tay bạn.

Ngược lại, những dự án trùng tu của các chuyên gia nước ngoài, dù ít ỏi hơn nhiều về số lượng nhưng chất lượng rất đáng cho ta học hỏi. Chẳng hạn việc trùng tu nội thất cung An Định của chuyên gia Ba Lan, hay Bửu Thành môn và bình phong tại khu lăng mộ Tự Đức của chuyên gia CHLB Đức thực hiện. Với cách làm cẩn trọng, chuyên gia nước ngoài cố ý giữ lại được nét xưa, các họa tiết trang trí truyền thống vẫn được gìn giữ làm bật lên hồn xưa nét cũ cha ông để lại.

Sao cũng trong một quần thể di tích Huế nhưng tồn tại một nghịch lý: chuyên gia nước ngoài cố ý để lại càng nhiều chi tiết cũ càng tốt, còn chuyên gia của ta thì làm mới càng nhiều càng tốt?

Là một hướng dẫn viên du lịch, khi ngang qua các di tích đã bị làm “mới hóa”, bao giờ tôi cũng nhanh chân bước qua bởi càng ở lâu, du khách càng dễ dàng nhận ra sự vụng về của việc “trùng tu” mà tôi rất khó giải thích với họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận