TTCT - LTS: 35 năm gắn bó với sân khấu, nghệ sĩ Lê Khanh vẫn tha thiết với nghề. Bên trong nữ nghệ sĩ có vẻ ngoài rất nhu mì kia lại ẩn tàng một sự quyết liệt - “lửa”, để tác phẩm đầu tay với tư cách đạo diễn của chị: Nhà Osin, chuyển thể từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, gây nhiều dư luận. TTCT giới thiệu cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Văn Thọ với nghệ sĩ Lê Khanh. Phóng to Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh - Ảnh: Nguyễn Việt Thanh Sự nghỉ ngơi của người nghệ sĩ như tra tấn * Thưa chị, có người nói Nhà Osin là hài kịch châm biếm, nghệ sĩ Doãn Châu gọi là kịch chính luận. Vậy theo chị, chúng ta gọi nó là chính kịch trên cơ sở nào, hay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết vở này cho hài kịch?! - Về bản chất, Nhà Osin có hai yếu tố hài kịch và chính luận, dùng cái hài để nói cái bi, để hóa giải những điều bất thường đang diễn ra một cách bình thường. Tiếng cười ở đây "có sức mạnh đương đầu với sự phi lý khắc nghiệt của cuộc sống, là sự hòa giải tối cao để sau đó chuyển dần vào sự suy ngẫm" (Claudio Magris - học giả Ý). Bi - hài châm biếm chính là "chất" độc đáo và hấp dẫn của Nhà Osin. “Nếu nhìn từ góc độ nhân văn, không suy diễn thì Nhà Osin đặt vấn đề về những giá trị con người. Khi các giá trị con người trong xã hội bị đảo lộn sẽ làm hỏng “ngôi nhà” của chúng ta. Nhà Osin với đạo diễn Lê Khanh là một sự nhắc nhở, một sự cảnh tỉnh, xác định mọi giá trị xã hội phải quay về đúng vị trí của nó. Tôi hoan nghênh Nhà hát Tuổi Trẻ đã dựng vở kịch chính luận này, đội ngũ tập thể diễn viên diễn khá tốt, đặc biệt vai đại tá do Chí Trung đảm nhiệm, tôi đánh giá là vai diễn tốt nhất từ xưa tới nay của anh. Điều cần khắc phục ở đạo diễn Lê Khanh là cần tô đậm thêm điểm nhấn nào đó, bởi lớp lang chưa khúc chiết rõ ràng. Cần làm sao cho đường dây của vở minh bạch hơn, rõ hơn về thông điệp cần trao gửi, không bị nhòe như cảm giác hiện nay”. * Lý do như thế nào để chị chọn chính kịch làm đứa con đầu tay? Có phải vấn đề thị trường, người xem hay sự bức xúc về một nền nghệ thuật mà sân khấu hài hề đang lấn át chính kịch? - Chuyện thật dài. Sân khấu có lịch sử của nó và cá nhân người nghệ sĩ cũng có lịch sử riêng không thoát ra ngoài sự thăng trầm của lịch sử sân khấu. Tôi gắn bó với sân khấu và thành danh sau 30 năm gắn kết với nền chính kịch của VN. Rồi đổi mới, thị trường bung ra, sau những thành công vang dội của những đạo diễn gạo cội như các nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi, Ngô Xuân Huyền, Đoàn Văn Thắng, Phạm Thị Thành, Lê Hùng hay Lưu Quang Vũ... sân khấu kịch chìm xuống. Nhưng từ giữa thập niên 1990, nhu cầu sân khấu của công chúng trở lại. Con người ta sau những ngày, tuần và tháng mệt mỏi vật lộn với cuộc sống mong nhận được tiếng cười. Tôi thăng hoa từ chính kịch với những tác phẩm sân khấu lớn của kịch trường Việt Nam, song như nhiều người, sự nghỉ ngơi của người nghệ sĩ như tra tấn. Nhận thấy có nhu cầu giải trí trên sân khấu xã hội, chúng tôi - Nhà hát Tuổi Trẻ - họp nhau lại và dựng những vở hài kịch đầu tiên. Đời cười 1 ra đời, bắt đầu từ sáng kiến của nghệ sĩ ưu tú Chí Trung. Đời cười 1 rồi 2, 3 và liên tiếp những Đời cười kéo người xem đông nghịt. Hài kịch đã hút khán giả trở lại sân khấu và cho đám nghệ sĩ chúng tôi làm nghề. * Cái khao khát làm nghề mà chị nói có phải là một ẩn ức không? - Là người nghệ sĩ thật buồn khi phải bỏ nghề, không sống với nghề mà đi làm nghề khác, để thiên hạ nhìn mình thương hại. Chúng tôi không muốn sự thương hại! Do vậy hài kịch phần nào thỏa mãn nhu cầu ấy, lại đáp ứng nhu cầu khán giả xả hơi sau những ngày lao động mệt mỏi, và đó là hai lý do cho tiếng cười vang lên, để hài kịch có sức sống hơn chục năm qua. Tôi có thể đi dạy học, thậm chí có thể làm việc khác để mưu sống, nhưng như thế là đầu hàng, là thỏa hiệp. Và, tôi sợ nhất sự thỏa hiệp, khi mà mọi sự thỏa hiệp đều có lý do chính đáng lại càng sợ hãi hơn, với một nghệ sĩ như tôi. * Tôi đồng ý với chị, mọi loại hình sân khấu đều mang lại giá trị, nhất là khi đạo diễn và diễn viên thể hiện các kịch bản mà tiếng cười mang âm hưởng những giá trị văn hóa sâu sắc, như các vai diễn hề chèo cổ điển của cha ông ta. Song gần đây hình như hài kịch cũng xuống cấp, ta tạm gọi là hài hề. Mà khi chọc cười vô lối sẽ phản tác dụng trong việc bồi đắp mỹ cảm cho công chúng. Ðó có phải lý do chị quay lại chính kịch? - Nhà hát Tuổi Trẻ chúng tôi đã dựng nhiều vở mà tiếng cười rất sâu sắc. Đó là giai đoạn đầu khi chuyển thể từ những vở hài kịch của nước ngoài. Những vở diễn tác giả trong nước viết kịch bản cũng có những thành công song đuối dần... Có lẽ lý do chính nằm ở khía cạnh khác khi tôi quay lại với chính kịch và chọn nó cho kịch bản Nhà Osin của anh Nguyễn Huy Thiệp. * Có thể nói chị muốn bắt đầu lại từ chính kịch vì dù sao chính kịch cũng là cái đế của sân khấu? - Tôi nhắc lại tôi thăng hoa ở chính kịch. Năm 1999 không xa tôi nhận vai Lý Chiêu Hoàng trong vở chính kịch Rừng trúc do nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi đạo diễn, sự thành công của tôi ở vai này sau những khó khăn phải tự vượt qua hồi ấy, khi nhớ lại cũng là cú hích của chính kịch, mà lại gặp ngay kịch bản của anh Thiệp. Rồi những diễn viên lâu năm nhưng nhiều năm nay không có vai diễn. Cần phải đưa họ trở lại sân khấu. Thứ ba nữa là gần đây tôi tham gia đào tạo diễn viên sân khấu. Các học trò của tôi rất khó khăn trong việc xác định ra trường sau này sống ra sao. Như vậy ở cái nhập nhoạng hôm nay, đã đến lúc phải quay về với chính kịch, cho một thế hệ gạo cội nhiều khát vọng nhưng luôn mờ mịt, thỏa mãn giấc mơ thánh đường nghệ thuật. Và ở cương vị người thầy dìu dắt thế hệ trẻ, nếu tôi làm điều gì đó cho học trò, xác lập sự thành công bước đầu ở các học trò sân khấu sẽ củng cố lòng tự tin... Những cái bất chợt như thế gặp nhau và tôi quyết định dàn dựng Nhà Osin. Nhà Osin thật sự là sân chơi cho các học trò của tôi thử sức. Lớp tôi vừa đào tạo có một em tốt nghiệp khá, song dự kiến sẽ vào Sài Gòn làm nghề khác. Tôi phân vai cho em và ngay sau đêm công diễn, sự thành công ít nhiều mang lại "hào quang sân khấu" đã thay đổi ý định bỏ nghề của học trò này... Em cảm động nói: Cô ơi cháu đã hiểu... Điều nhỏ này làm tôi xúc động lắm. Nó không hề kém những tràng pháo tay ào ào trước sân khấu khi chúng tôi thành công một vai diễn. Cần sự cố gắng của nhiều thế hệ * Ta xâu chuỗi nhé: chị bắt gặp vở chính kịch chị yêu quý. Những xót xa của chính mình, sự trăn trở ở vai trò nghệ sĩ và những học trò có thể sẽ bơ vơ khi ra trường... Vậy chị bắt đầu như thế nào? - Trước hết tôi rất thích kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Kịch bản ấy không có xung đột, thiếu kịch tính song lại giàu hành động trong ngôn ngữ thâm hậu. Ngoài sức mạnh ngôn ngữ thoại của kịch bản Nguyễn Huy Thiệp, các nhân vật lại rất rõ về tính cách. Những nhân vật của anh ấy đều có thể nhận ra ngoài xã hội. Về phía cá nhân, trong quá trình giao tiếp với tác giả, tôi thấy ít ai là tác giả kịch bản lại yêu tác phẩm của họ như anh Thiệp. Điều này làm tôi suy nghĩ. Người nghệ sĩ trước hết trân trọng mình thì sẽ trân trọng được người. Vì thế, là tác phẩm đầu tay, tôi ý thức dựng cho thật chuyên nghiệp vở diễn này, dù thật khó. Như khi mới gặp anh Thiệp lo sợ liệu tôi có thể dựng vở của anh ấy, anh bảo: Nếu làm được chuyên nghiệp thì hãy làm! Tôi không thỏa hiệp! Về cơ bản, kịch bản Nguyễn Huy Thiệp phản ánh hiện thực rất rõ. Còn tôi phải vượt qua kịch bản để chọn một hình thức thể hiện như đã diễn. Để bảo đảm cho việc dựng, tôi mời bốn diễn viên gạo cội như anh Chí Trung, còn lại sử dụng kể cả vai chính đều là học trò lứa tôi vừa đào tạo. Trước hết tạo cho các em có sân diễn. * Như sự học và hành? - Vâng. Tôi rất mừng khi các nghệ sĩ như Chí Trung tới các nghệ sĩ tương lai đều chia sẻ với tôi. Có những ngày tập năm buổi, vô cùng mệt mà không ai kêu ca. Có những đêm đang tập mất điện, tất cả diễn viên đã đồng loạt bật điện thoại và sân khấu trở nên thăm thẳm, chỉ còn tiếng động, lời thoại, những hình ảnh chập chờn làm tôi vô cùng xúc động. Những sự kiện như vậy tác động vào trí tưởng tượng của tôi rất nhiều và có thể chính vì thế tôi bỏ hết các dàn tăng âm. Lời thoại ba chiều như âm thanh 3D dội vào khán giả. Sự hăng say của tập thể diễn viên cũng lôi cuốn cả nhiều nghệ sĩ khác hăng say sáng tạo với vở, từ thiết kế sân khấu, thời trang, ánh sáng, âm nhạc... Tất cả như chất xúc tác làm chúng tôi thêm quyết tâm dựng vở chính kịch rất khó dựng này. * Tôi dự đêm diễn thứ ba thấy đa số là khán giả đứng tuổi, các văn nghệ sĩ và thành phần trí thức. Sự thiếu vắng giới trẻ ở chính kịch? Chị có dự kiến gì cho tương lai để kéo giới trẻ quan tâm? - Những cái được của người đạo diễn tôi đã nói hết cả rồi. Tôi đã vượt qua được điều hết sức khó khăn, hơn 10 năm trăn trở, đau đớn về thứ sàn diễn nghiệp dư hóa sân khấu khi trở về với chính kịch. Vui nhất là anh thấy đấy, khi diễn viên học trò tôi ra về với nét mặt rạng rỡ và chính người diễn viên tương lai sẽ không bỏ nghề. Còn một sự thay đổi ban đầu tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, ngay cả sự chia sẻ giữa tôi và anh Nguyễn Huy Thiệp cũng là nhiều điều đáng bàn. * Anh Nguyễn Huy Thiệp nói với tôi là đêm diễn đầu diễn viên thuộc thoại, đạt điểm 7/10, như thế thành công quá rồi. - Vài buổi diễn đã diễn ra, ý kiến ngược nhau của nhiều giai tầng khán giả. Kể cả đôi khi diễn viên chịu áp lực quá của thực tế đời sống đã diễn theo nhu cầu bản năng. Điều này có thể hiểu rằng làm mới một điều gì không phải cá nhân một đạo diễn mà đòi hỏi sự cố gắng của nhiều thế hệ. Tôi nghĩ rằng ai cũng không thỏa hiệp thì chính kịch sẽ trở lại sự huy hoàng của nó. * Cảm ơn chị. NGUYỄN VĂN THỌ thực hiện Tags: Đối thoạiNữ nghệ sĩNghệ sĩ Lê KhanhNhà văn Nguyễn Văn Thọ
Công an triệu tập nhóm vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở TP Thanh Hóa HÀ ĐỒNG 29/11/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đang triệu tập nhóm vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới tại TP Thanh Hóa ngày 24-11, để làm rõ có hay không việc vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính: Quản lý doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng theo ba rem thì không có người tài NGỌC AN 29/11/2024 Người đại diện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nên cần có cơ chế quản lý, đánh giá gắn chế độ đãi ngộ phù hợp.
Xác minh clip người đàn ông bám trước đầu xe tải đang chạy trên đường ở TP Thủ Đức MINH HÒA 29/11/2024 Mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi cảnh người đàn ông đu bám trước đầu xe tải đang chạy trên đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (TP.HCM).
Nổ lớn trên đỉnh núi ở Làng Nủ, đang xác minh nguyên nhân CHÍ TUỆ 29/11/2024 Sáng 29-11, người dân nghe thấy tiếng nổ lớn kèm theo bụi mù mịt trên đỉnh núi Con Voi thuộc Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) - nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng hồi tháng 9-2024.