Tôi viết bài thơ Em ơi, Hà Nội phố

PHAN VŨ 04/10/2010 17:10 GMT+7

TTCT - Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố - sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.

Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. 

Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.

Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.

***

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em, ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. 

Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em... còn có nghĩa “ta mất em...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. 

Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương... cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt.

Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

***

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. 

Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng...

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan... tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng! 

Tự họa của nhà thơ Phan Vũ

“Tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều năm 1985, khi gặp Phú Quang và đọc cho anh nghe một số đoạn trong bài thơ. Phú Quang rất thích, bảo tôi chép lại một khổ thơ ưng ý nhất để phổ nhạc. Phú Quang viết rất nhanh, sau đó không lâu tôi đã được nghe anh hát. Khi ca khúc được phổ biến trên sóng phát thanh, Lệ Thu hát quá hay... Bây giờ cô ấy đã định cư ở nước ngoài...”.

Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hoàng Điệp

Từ bài thơ đến ca khúc Em ơi, Hà Nội phố

“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết Em ơi, Hà Nội phố trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.

Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.

Tranh: Phan Vũ

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa./ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác/ Thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ.../ Ta còn em chấm lửa/ Xập xòe / Kỷ niệm.../ Một con đường/ Một ngôi nhà/ Khuôn mặt ai/ Dừng trong khung cửa.../ Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ/ Không tên người,/ Không tên phố./ Người gửi không tên./ Ta còn em chút vang động lặng im,/ Âm âm tiếng gọi/ Trong lòng phố...

Em ơi! Hà - Nội - phố... 

Ta còn em một gốc cây, / Một cột đèn/ Ai đó chờ ai?/ Tóc cắt ngang/ Xõa xõa bờ vai, Khung trời gió/ Con đường như bỏ ngỏ.../ Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ / Thoáng qua/ Khuôn mặt chưa quen / Bỗng xôn xao nỗi khổ / Mỗi góc phố một trang tình sử.

Tranh: Phan Vũ

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em chuỗi cười vừa dứtChút nắng còn le lói vườn hoang,Vàng ngọn cỏ.Cô gái khẽ buông rèm cửa,Anh chàng lệch mũ đi qua,Lời tỏ tình đêm qua dang dở...Ta còn em ngày vui cũ,Tàn theo mùa hạ.Tiếng ghita bập bùng tự sự,Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ...

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em vầng trăng nửaNgười phu xe đợi khách bến đầu ô.Tiếng rao đêm lạc giọngƠ hờ...Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổLão Mozart hàng xómBảy nốt cù cưa.Từng đêm quên giấc ngủ...

Ta còn em cây dương cầmTrong khung nhà đổLả tả trên thềmBettho và sonate Ánh Trăng.Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...Cô gái áo đỏ VeniseXa Hà Nội,Vẽ clavecin,Tập đànTrên phản gỗ...

Ta còn em, một đêm lộng lẫy,Những tràng pháo tay vang dậyCô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,Nước mắt lã chã trên tà áo đỏRồi một ngày tả tơi,Loạn gióVườn Ngọc HàMất một mùa hoa.Đường Quan ThánhBản giao hưởng ”Lặng Câm”Trong một ngôi nhà...

Ta còn em một đam mê,Một vật vã,Một dang dở,Một trống không,Một kiếp người,Những phím đàn long...

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.Đôi guốc bỏ quên bên ghế đáGã đầu trần thơ thẩn đường mưa...

Ta còn em một tên thật cũCổ NgưChiều phai nắngCành phượng vĩ la đàBông hoa muộn in hình ngọn lửa.Chiếc lá rụngKhỏi đầu nguồn gióLao xao sóng biếc Tây HồHoàng hôn xa đến tự bao giờ?Những bước chân tìm nhauVội vội.Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

Tranh: Phan Vũ

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm /Thoáng mùi sen nở muộn./Nhớ Nhật Tân / Mùa hoa năm ấy / Cánh đào phai. / Người dẫu ra đi vạn dặm dài./ Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ...

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh / Ướt bậc thềm / Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ. / Cô gái vội sang đường / Chợt hồng đôi má//Một chút xanh hơn/ Trời Hà Nội Hôm qua.../ Ta còn em cô hàng hoa / Gánh mùa thu qua cổng chợ/ Những chùm hoa tím / NgátMùa thu...

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em con đê lộng gió/ Dòng sông chảy mang hình phố./ Cô gái dựa lưng bên gốc me già / Ngọn đèn đường lặng thinh / Soi bờ đá...

Ta còn em mùa nước đổ / Mất tăm bãi Giữa / Dòng sông Hồng / Bè nứa xuôi nhanh,/ Con tàu nhổ neo, về bến. / Hồi còi vọng / Như một tiếng than dài:/ “Mùa này trăng vỡ trên sông”...

Ta còn em hàng cây khô,/ Buồn như dãy phố./ Người bỏ xứ / Quay nhìn lần cuối/ Đôi mắt nhòe với hạt sương tan / “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”... (1)Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt / Đành đoạn một lần dứt áo xanh.

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em một Hàng Đào. / Không bán đào. / Một Hàng Bạc / Không còn thợ bạc. / Đường Trường Thi / Không chõng, không lều/ Không ông nghè bái tổ vinh quy.

Ta còn em ngày đi/ Một nỗi mang tên nhớ./ Ngày về phố cũ bỗng quên tên./ Quên bậc đá,Quên mái hiên./ Quên cây táo trồng ngay trước cửa. / Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo.../ Ngày về ra rả tiếng ve / Võng trưa hè kẽo kẹt/ “À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền/ Nước mắt như mưa...”/  Bài tập đọc Quốc văn giáo khoa thư/ Bà ru cháu ngủ/ Người về sững sờ bên cánh cửa,/ Tiếng ơi à...Gợi lại mảnh đời quên.

Tranh: Phan Vũ

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em chiếc xe hoa / Qua hàng liễu rủ / Cánh tay trần trên gác cao / Mở cửa./ Mùa xuân trong khung / Đường phố dài/ Chi chít chồi sinh / Màu ước vọng in hình xanh nõn lá/ Giò phong lan./ Điệp vàng rực rỡ./ Những gót son dập dìu đại lộ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

Ta còn em tiếng trống tan trường./ Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ / Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ./ Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa./ Phường cũ lưu danh người đẹp lụa./ Bậc thềm nào in dấu hài hoa?

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em đường lượn mái cong/ Ngôi chùa cổ/ Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương./ Ai còn ngồi bên gốc đại già?/Chợt quên vườn hồng đã ra hoa./ Chợt quên bên đường ai đứng đợi.../ Cuộc đời có lẽ nào/ Là một thoáng bâng quơ!

__________

(1): Tống biệt hành: thơ Thâm Tâm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận