Trả hồn nhiên cho bóng đá trẻ

HUY ĐĂNG 18/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Một nhận định được đưa ra xuyên suốt từ giai đoạn vòng bảng cho đến tứ kết VCK U23 châu Á là U23 Việt Nam dưới tay tân HLV Gong Oh Kyun xem đã mắt và hồn nhiên hơn.

Tất nhiên chuyện gì cũng có hai mặt. Hồn nhiên thì khán giả xem thích mắt, cầu thủ được học hỏi nhiều để tiến xa; nhưng về mặt thành tích lại khó có cơ hội gây bất ngờ trước những đội bóng mạnh.

Chọn thành tích hay chọn cảm xúc

Những thống kê phản ánh hành trình của U23 Việt Nam trên đất Uzbekistan: Trong trận hòa Hàn Quốc, các cầu thủ của HLV Gong tung ra đến 8 cú dứt điểm. Đó là thông số vào diện xưa nay hiếm trong lịch sử đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và các đội bóng hàng đầu châu lục.

 
 U23 Việt Nam có một trận đấu quả cảm trước Saudi Arabia. Ảnh: VFF / AFC

Đơn cử như trận Việt Nam hòa Nhật Bản ở lượt đấu cuối cùng vòng loại World Cup 2022, tuy gặt hái được thành tích khả quan nhưng trên thực tế, các tuyển thủ VN chỉ thực hiện 1 cú dứt điểm ở trận đấu đó, còn lại phần lớn thời gian trận đấu là “ôm đầu chịu trận” trước sự áp đảo hoàn toàn của đối thủ.

Đến trận tứ kết gặp Saudi Arabia, các cầu thủ U23 Việt Nam thậm chí còn gây bất ngờ lớn khi chủ động tấn công trong khoảng 30 phút đầu trận. Nếu may mắn hơn, đội bóng của HLV Gong có thể đã ghi ít nhất một bàn từ khoảng 3-4 tình huống tấn công nguy hiểm (gồm một cú dứt điểm dội xà).

Đó là thái độ nhập cuộc hoàn toàn khác với HLV Park Hang Seo - người nổi tiếng với phong cách phòng ngự chặt chẽ, đặc biệt khi đụng độ những đối thủ mạnh hơn. Bóng đá nghiệt ngã ở chỗ chơi tấn công nhiều cũng đồng nghĩa nhiều rủi ro, và không ghi được bàn sớm thường phải trả giá. 

U23 Việt Nam bại trận trước Saudi Arabia vì một khoảnh khắc “hồn nhiên” của toàn bộ hệ thống phòng ngự (không truy cản quyết liệt khi thấy đội bạn có cầu thủ bị đau nằm sân). 

Điều gì sẽ xảy ra nếu HLV Park, hoặc những chiến lược gia có tư duy đặt nặng kết quả cầm quân ở trận đấu này? Khả năng dễ xảy ra nhất, U23 Việt Nam sẽ chọn phương án phòng ngự triệt để, rình rập phản công và hướng trận đấu vào loạt đá luân lưu. 

Đó là phương án hoàn toàn có thể giúp U23 Việt Nam tái hiện kỳ tích của 4 năm trước, đặc biệt khi Saudi Arabia cũng không mấy sắc sảo trong dứt điểm.

Phòng ngự hay tấn công, mạo hiểm hay chặt chẽ là cuộc tranh cãi không bao giờ có hồi kết về chiến thuật trong bóng đá. Gần đây nhất, làng túc cầu có trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Liverpool để làm ví dụ. 

Jurgen Klopp sôi nổi, nhiệt huyết và triết lý bóng đá tấn công không ngừng nghỉ của ông đã bại trận đầy cay đắng trước một Carlo Ancelotti lọc lõi, mưu mẹo, sẵn sàng để đội bóng nép mình chờ thời trong một trận chung kết.

Vì chung cuộc U23 Việt Nam đã bại trận, nhiều ý kiến tiếc nuối lại được nêu ra. Thế hệ cầu thủ trẻ hiện tại từng bị đánh giá kém tài, kém kỹ thuật hơn so với lứa đàn anh Quang Hải, Xuân Trường, Đình Trọng… 

Theo lẽ thường, HLV Gong càng nên chọn lối đá phòng ngự hơn. Nhận định đó sẽ hợp lý nếu xét ở trường hợp của đội tuyển Việt Nam. Nhưng đây là đội U23, thi đấu tại một giải bóng đá trẻ.

Cơ hội trải nghiệm

Nếu thực sự xem trọng thành tích ở vòng chung kết U23 châu Á, Nhật Bản chắc đã mang theo tiền vệ Takefusa Kubo - ngôi sao 22 tuổi hiện thuộc biên chế Real Madrid vẫn được ca tụng là “Messi châu Á”. 

Tương tự, U23 Hàn Quốc cũng sẽ không để Jeong Woo Yeong (từng khoác áo đội trẻ Bayern Munich) đứng ngoài. Nhiều đại gia khác của châu lục như Úc hay Iran cũng không mang đến giải U23 châu Á các tuyển thủ quốc gia.

U23 là một lứa tuổi vào diện “nửa nạc nửa mỡ” trong bóng đá. Rất nhiều cầu thủ khi đến tuổi đôi mươi đã được triệu tập lên tuyển quốc gia, và từ đó họ không còn tham gia các giải đấu thuộc cấp độ trẻ nữa, đặc biệt là lứa U23.

Riêng vòng chung kết U23 châu Á còn có đặc điểm khác, tuy diễn ra 2 năm/lần, nhưng giải chỉ khốc liệt sau mỗi 4 năm. Lý do là vào các năm diễn ra trước thềm Olympic, giải U23 châu Á mang ý nghĩa của vòng loại môn bóng đá cho kỳ Thế vận hội mùa hè, các đội mạnh khi đó mới tập trung toàn lực. 

Ví dụ như giải năm 2020, U23 Nhật triệu tập đến 15 tuyển thủ từng khoác áo tuyển quốc gia - mục đích của họ là chuẩn bị cho kỳ Olympic Tokyo trên sân nhà. Một nửa đội ngũ của Iran, Úc, Qatar năm đó cũng vậy.

Các giải bóng đá trẻ luôn có những câu chuyện lạ lùng, bất quy tắc. Ở vòng chung kết U23 hai năm trước, Hàn Quốc dự giải với đội ngũ vô danh gần tương tự như Nhật lúc này. Kết quả họ vô địch đầy ấn tượng với 6 trận toàn thắng, đánh bại Iran, Uzbekistan, Úc và Saudi Arabia trên đường đến ngôi vương. 

Giải năm nay, HLV Hwang Sun Hong tỏ ra nghiêm túc hơn khi triệu tập một số ngôi sao trẻ đang chơi bóng ở châu Âu như Lee Kang In và Hong Hyun Seok, nhưng rồi họ lại bất ngờ bị “đội bóng U21” của Nhật đè bẹp 3 bàn không gỡ ở tứ kết.

Những ai theo dõi U23 Nhật Bản trận đó sẽ thấy họ chơi bóng rất hồn nhiên trước một đối thủ già dặn và được đánh giá cao hơn hẳn. 

Đó chưa chắc là công thức chiến thắng, nhưng lại là phong thái phù hợp với một nền bóng đá mạnh thật sự ở cấp độ trẻ. Ở cấp độ tuyển quốc gia, Hàn Quốc - Nhật Bản là cặp đấu kỳ phùng địch thủ của cả châu Á, nhưng ở cấp độ trẻ, đó chỉ là một cơ hội trải nghiệm.

Về khoản này, HLV Gong đã làm rất tốt. Ông tạo cơ hội cho gần như toàn bộ đội bóng được ra sân (chỉ duy nhất thủ môn số 3 Đặng Tuấn Hưng là không đá phút nào), và để các học trò được “chơi bóng” đúng nghĩa - trước những đối thủ tầm châu lục. ■

Có nên tổ chức giải U23?

Sự tồn tại của vòng chung kết U23 châu Á đang thực sự bị đặt một dấu chấm hỏi, bởi độ tuổi U23 trong thế giới bóng đá ngày nay không còn được coi là trẻ nữa. 

Rất nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới và đã có vài chục trận khoác áo đội tuyển quốc gia vẫn chưa quá độ tuổi này, Kylian Mbappe hay Erling Haaland chẳng hạn.

Ở châu Âu, UEFA chỉ tổ chức giải U23 đúng 3 lần (từ 1972 đến 1976) và sau đó thay thế bằng giải U21, tồn tại đến nay. Giải U23 châu Á hầu như chỉ mang tính tuyển chọn cho Olympic. Trong quá khứ, bóng đá Olympic từng không giới hạn tuổi. 

Nhưng rồi FIFA cho rằng nếu cứ như vậy, Olympic và World Cup sẽ đối chọi nhau, không tốt cho thương hiệu của cả đôi bên. Từ năm 1992, Ủy ban Olympic quốc tế và FIFA thống nhất rằng môn bóng đá nam ở Olympic sẽ dành cho lứa tuổi U23.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận