Tránh thai: đừng quá dựa dẫm vào công nghệ

HOA KIM 02/11/2017 21:11 GMT+7

minh họa
Ảnh minh họa


Một ứng dụng trên điện thoại thông minh với khả năng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ nhằm giúp họ biết ngày nào “an toàn” để quan hệ tình dục nghe có vẻ là một sự thay thế tuyệt vời cho thuốc tránh thai vốn có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Nhưng hiệu quả của chúng thật sự đến đâu?

Việc tính ngày rụng trứng để tránh thai không hề mới, vì nó đã được biết đến từ những năm 1930 khi hai bác sĩ phụ khoa người Áo và Nhật Bản Hermann Knaus và Kyusaku Ogino công bố các phát hiện độc lập của mình về sự rụng trứng ở phụ nữ, từ đó chỉ ra rằng phụ nữ chỉ có khả năng mang thai trong một giai đoạn nhất định của chu kỳ kinh nguyệt - thường là trong vòng ±5 ngày quanh ngày rụng trứng.

Ngày nay, phụ nữ có nhiều công cụ để giúp tính ngày kinh chính xác hơn. Khác với những bánh xe tính chu kỳ kinh nguyệt thô sơ ban đầu, nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh hiện nay cho phép người dùng nhập các thông số liên quan đến thời điểm rụng trứng như thân nhiệt, thời điểm xuất hiện dịch nhầy cổ tử cung hay thậm chí là tâm trạng để đưa ra kết quả có độ cá nhân hóa và chính xác được cải thiện đáng kể.

Một khảo sát do Natural Cycles - một trong những ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt phổ biến với hơn 100.000 lượt tải về - tiến hành trên gần 23.000 người dùng cho thấy trong số những người sử dụng ứng dụng thường xuyên như một biện pháp tránh thai có 8,3% mang thai trong vòng 13 chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Nếu con số trên phản ánh tỉ lệ tránh thai thất bại của phương pháp này thì nó còn hiệu quả hơn cả bao cao su hay thuốc tránh thai - có tỉ lệ thất bại trên thực tế lần lượt là 18% và 9% theo các cuộc điều tra quốc gia tại Mỹ.

Thế nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên quá tin tưởng vào những con số như mơ mà các công ty đưa ra để quảng bá cho sản phẩm của mình.

“Những phụ nữ tham gia khảo sát là một nhóm có sự tự chọn lọc rất cao. Nhiều người trong số họ chủ động tìm đến ứng dụng này - có thể do đã gặp thất bại với những biện pháp tránh thai khác - và do vậy có động lực rất lớn (để theo dõi và áp dụng chu kỳ kinh nguyệt một cách nghiêm túc)” - Guardian dẫn lời tiến sĩ Sarah Hardman của Hiệp hội Bác sĩ sản khoa và phụ khoa Hoàng gia Anh.

“Tôi sẽ không gọi đây là một cuộc nghiên cứu, mà chỉ là một chiêu trò tiếp thị” - chuyên gia tránh thai David Grimes của Đại học North Caroline (Mỹ) nhận xét.

Và cũng như mọi biện pháp tránh thai khác, cách tính thời điểm rụng trứng không thể đảm bảo khả năng tránh thai tuyệt đối cho người áp dụng, cho dù là với sự giúp sức của công nghệ và các thuật toán phức tạp.

Thứ nhất, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ rất khó đoán và có thể bị ảnh hưởng bởi vô số yếu tố, trong đó có thể kể đến stress, cường độ tập luyện thể thao, và tần suất quan hệ tình dục - những thông số chi li khó lòng ước lượng chính xác.

Hơn nữa, tinh trùng có thể sống trong ống dẫn trứng trong nhiều ngày, khiến cho dù thời điểm quan hệ tình dục có rơi vào ngày “an toàn” thì tinh trùng vẫn có thể tiếp cận trứng vào những ngày tiếp theo. Về mặt tâm sinh lý, những cặp đôi có nhu cầu tình dục cao vẫn phải viện đến các biện pháp tránh thai khác hoặc chấp nhận rủi ro mang thai để “vượt rào” vào những ngày không an toàn.

Không thể chối cãi rằng nhu cầu tránh thai mà không phải sử dụng các phương pháp vật lý, xâm lấn hay can thiệp hormone là có thật. Sử dụng bao cao su có thể khiến “cuộc vui” bị gián đoạn, trong khi đó thuốc tránh thai hay đặt vòng có thể có một số tác dụng phụ như gây đông máu, trầm cảm hay hành kinh bất thường ở một số người.

Theo bà Bekki Burbidge đến từ Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình (Anh), việc sử dụng các ứng dụng tính chu kỳ kinh nguyệt có mặt tích cực là giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về cơ thể mình, nhưng điều quan trọng là họ phải ý thức được các rủi ro khi dùng chúng như một biện pháp tránh thai.

“Họ cần phải biết đó có phải là một thứ hiệu quả dành cho mình hay không, trước khi bỏ tiền ra để sử dụng ứng dụng” - bà nói với Guardian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận