Trật tự thế giới mới sẽ như thế nào?

HỮU NGHỊ 12/11/2023 09:47 GMT+7

TTCT - Không phải đợi tới bây giờ mới nổi lên câu hỏi sốt ruột "bao giờ đế chế Mỹ sụp đổ?". Ngay từ trong nội bộ nước Mỹ cũng đã tự hỏi từ lâu. Vấn đề là sau đó sẽ là gì, như thế nào?

Ảnh: Dallas Morning News

Ảnh: Dallas Morning News

Hình ảnh nước Mỹ đứng đầu thế giới mà trẻ em giữa thế kỷ trước trầm trồ nhiều nhất, có lẽ không phải một nước Mỹ chiến thắng trong hàng loạt phim truyện về Thế chiến II mà là, theo trí nhớ của tôi, tòa tháp Empire State ở New York kèm theo chú thích gồm 102 tầng, cao 443,2m, cao hơn nhiều so với tháp Eiffel chỉ 324m. Đó là thời kỳ mà học trò say mê trước 7 kỳ quan thế giới, qua sách báo, thời kỳ hoàng kim của tờ Paris Match.

Một hình ảnh khác, toàn cảnh hơn, là các xa lộ bạt ngàn xe Huê Kỳ. Có lẽ hào quang của đế chế lộng lẫy ấy đã khởi sự tắt từ mấy phát đạn ở Dallas cách đây tròn 60 năm kết liễu cuộc đời và sự nghiệp ông tổng thống tài hoa John F. Kenndy. Sau Kennedy, bắt đầu là Lyondon B. Johson, không tổng thống Mỹ nào khác làm dấy lên lại uy danh của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ như trước.

Những nghiên cứu về sự suy tàn của Mỹ

Không đợi tới ông Joe Biden nêu câu hỏi về vị thế của nước Mỹ năm 2023 này, ngay từ năm 1996, K. R. Dark của Đại học Cambridge và A. L. Harris của Đại học Reading đã cho xuất bản quyển The New World and the New World Order (Thế giới mới và trật tự thế giới mới) cùng tựa phụ: "Sự suy thoái tương đối của Hoa Kỳ, sự bất ổn trong nội bộ nước Mỹ và kết thúc của Chiến tranh lạnh". 

Các tác giả xem xét lại đặc điểm của Hoa Kỳ và đánh giá lại mối quan hệ của nước này với trật tự quốc tế sau Chiến tranh lạnh.

Hoa Kỳ thường được coi là hình mẫu của tự do dân chủ, một nước phản đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân và là "siêu cường đơn độc" của thế giới hậu Chiến tranh lạnh. 

Tuy nhiên đây là một quan điểm đáng ngờ. Không giống các nghiên cứu trước đây về vai trò của Mỹ sau Chiến tranh lạnh, cuốn sách kết nối các vấn đề nội bộ của Mỹ với những thay đổi mang tính hệ thống. Đặc biệt, trong chương hai, các tác giả đề xuất "để xem xét vấn đề suy tàn của Hoa Kỳ, người ta phải nhìn vào các vấn đề nội bộ của chính Hoa Kỳ".

Qua đầu thế kỷ 21, tiếp tục có những dấu hỏi đặt ra với thế thống trị của Mỹ, như Charles A. Kupchan, trong biên khảo Hồi kết của kỷ nguyên Hoa Kỳ, do Hội đồng đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) xuất bản tháng 11-2002, tức đúng một năm sau vụ 11-9, mà sau đó Tổng thống Georges W. Bush đã huy động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. 

Theo tác giả, sự suy sụp vị thế bá chủ của Mỹ sẽ diễn biến nhanh chóng bởi sự phản đối nội bộ ngày càng tăng với vai trò cảnh sát toàn cầu nặng nề của nước này. Mặc dù tạm thời lại được đánh thức bởi chủ nghĩa khủng bố, song mong muốn tham gia quốc tế của Mỹ đang suy yếu dần, trong khi ác cảm với những can thiệp ở nước ngoài đang quay trở lại.

Tới gần giữa thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này, thì những bài khen chê và những cuốn sách dự báo về kỷ nguyên Hoa Kỳ kết thúc, hầu hết được in ở chính... nước Mỹ, có lẽ đã đủ để lập cả một thư viện kha khá. Cơ bản ai muốn nói gì tùy thích trong bối cảnh một xã hội vận hành trên tinh thần của tu chính án số 1: "Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào... hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí".

Thậm chí từ Malaysia, tờ Malayia Now mới hôm 5-10 cũng đăng bài "Sự suy tàn của đế quốc Mỹ" của một tác giả trong nước. Báo chí thế giới tha hồ bình luận về khả năng suy thoái của đồng USD và đồn đoán sự thay thế bởi một đồng tiền khác. 

Chính The New York Times hôm 4-9 cũng giựt tít: "Đế chế Hoa Kỳ đang suy, song không có nghĩa là phải sụp đổ". Còn Forbes 23-10 đặt câu hỏi: "Chúng ta đang suy thoái phải không?". Cách đặt vấn đề, rồi mặc tình đề quyết thế này thế kia, diễn ra ở một nền báo chí thoải mái, được luật pháp bảo vệ gần như tuyệt đối.

Trật tự thế giới mới nổi lên từ đâu?

Cuối năm 2023, đời sống nhộn nhịp đến nỗi dường như nhiều người đã quên mất đại dịch COVID-19 đã hoành hành cỡ nào. Trước đại dịch, công luận còn bàn nhiều về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, song bất ngờ con vi rút thế hệ mới xuất hiện cuối năm 2019 và gây khủng hoảng toàn cầu. Sẽ không quá đáng khi nhận định rằng đế chế Mỹ bắt đầu suy vi từ đại dịch này.

Ở thời điểm hậu COVID hiện tại, câu hỏi "nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ hay Trung Quốc?" càng trở nên nhiều ý nghĩa, khi các xã hội toàn cầu hầu hết đều đang phải đối mặt không ít sóng gió ba đào. 

Từ Doha (Qatar), Al Jazeera 6-6-2023 viết: "Sống với Trung Quốc mộng: trật tự thế giới mới của Bắc Kinh". Bài báo dẫn lời nhà nghiên cứu Yao Yuan Yeh đang dạy môn Trung Quốc học tại Đại học St Thomas ở Hoa Kỳ cho rằng một trật tự mới sẽ phần nào thay thế và định hình lại hệ thống quốc tế thành một cấu trúc mới phù hợp hơn với thế giới quan của Trung Quốc.

Mới đây, hôm 18-10, tại lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai con đường lần thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hé lộ trật tự đó: "Chúng ta cần phải tỉnh táo và bình tĩnh trong một thế giới đầy biến động, đồng thời cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với lịch sử, nhân loại và thế giới. Chúng ta đã học được rằng nhân loại là một cộng đồng có chung tương lai. Khi Trung Quốc khỏe mạnh, thế giới sẽ khỏe mạnh hơn".

Tất nhiên, nói phải đi đôi với làm. Việc tàu sân bay Sơn Đông của hải quân Trung Quốc hôm thứ hai 6-11 đi vào Biển Đông, rồi qua vùng biển giữa Philippines và Đài Loan được không ít nước theo dõi, chứ không chỉ Hoa Kỳ hay Nhật Bản. 

Sự xuất hiện này bổ sung cho sự cố xảy ra hôm 29-10 khi một chiến đấu cơ J-11 của hải quân Trung Quốc áp sát một trực thăng của khinh hạm HMCS Ottawa thuộc hải quân Canada ở khoảng cách 30m và thả pháo sáng "dằn mặt". 

Vụ này xảy ra không đầy một tuần sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc "va chạm" một tàu Philippines chở hàng hóa cho tiền đồn của Philippines trên bãi cạn Scarborough.

Cũng từ cuối đại dịch COVID-19, ở châu Âu nổ ra những xung đột mới, như ở Ukraine. Tại Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai diễn ra tại Sochi từ 2 tới 5-10 với chủ đề "Đa cực công bằng: làm thế nào để đảm bảo an ninh và phát triển cho tất cả mọi người", Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã trình bày ý kiến về một trật tự thế giới mới: 

"Các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi, đặc biệt là Mỹ, không chỉ tùy tiện thiết lập những quy tắc, mà còn dạy ai nên thực hiện chúng, và thực hiện như thế nào; ai nên cư xử ra sao. Đây là biểu hiện của tư duy thuộc địa. Đã đến lúc phải loại bỏ lối suy nghĩ như vậy. Thời kỳ đó đã qua lâu rồi, và sẽ không bao giờ quay trở lại".

Ông Putin cho thấy ông có cơ sở để tự tin: 

"Chúng tôi đã hoàn thành việc chế tạo các loại vũ khí chiến lược hiện đại mà tôi từng nói đến và công bố cách đây vài năm. Chúng tôi đã thử thành công Burevestnik, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và động cơ nguyên tử. Chúng tôi cũng đã hoàn tất quá trình phát triển tên lửa hạng nặng Sarmat. Những gì còn lại là thủ tục hành chính, chuyển sang sản xuất hàng loạt và đưa chúng vào chiến đấu. Và chúng tôi sẽ hoàn thiện những điều này trong tương lai gần".

Trong bối cảnh đó, chiến cuộc Israel - Hamas từ một tháng qua càng cho thấy Mỹ, "ông chủ" của trật tự thế giới cũ, đang bó tay ra sao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận