TTCT - Trước khi đi lính sang đây, tôi cũng biết sông nước kênh rạch phương Nam rất sẵn cá, nhưng cá nhiều đến mức phải "rẽ cá ra để lấy nước" như một bài học trong sách giáo khoa ngày bé thì lúc bấy giờ mới chứng kiến tận mắt. Bình minh trên biển Hồ mùa nước nổi. Ảnh: Trung SỹTôi là một người lính trong cuộc chiến tranh chống lại bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ. Sư đoàn tôi đã hành quân qua gần hết những nẻo đường xa xôi trên đất bạn Campuchia. Hoàn cảnh chiến trường ngặt nghèo hung hiểm, nhưng thật may, số phận vẫn bù trì cho chúng tôi - những người lính trẻ ham sống và giàu hy vọng, được thấy những sinh cảnh thiên nhiên kỳ thú, những trải nghiệm cuộc đời thật không dễ gì có được.Chuyện thường ngày đời lính trên xứ sở hoang sơĐầu tiên là chuyện cá nước chim trời - nguồn thực phẩm tự nhiên trong những ngày dài tác chiến. Trước khi đi lính sang đây, tôi cũng như nhiều đồng đội đã đọc các tác phẩm của Sơn Nam, Đoàn Giỏi… biết sông nước kênh rạch phương Nam rất sẵn cá, nhưng cá nhiều đến mức phải "rẽ cá ra để lấy nước" như một bài học trong sách giáo khoa ngày bé thì lúc bấy giờ mới chứng kiến tận mắt.Chốt biên giới mùa mưa năm 1978, mưa ngập trời, nước trắng đồng dâng ngập tràn hầm hào trận địa phòng ngự. Để có một chiếc hố chiến đấu khô ráo, phải khoét đất, chôn âm xuống những chiếc lu mái vú. Những hố cạnh dòng chảy chỉ cần ken cắm cọng điên điển rào lối cá đi, xoa bùn nhẵn quanh miệng lu xuống đến mớn nước là cá rô cá lóc nhảy vào liên tục.Đêm gác thụt đầu sát miệng lu, lấy nền trời sáng sao mờ mờ làm phông quan sát địch. Anh lính mới bỗng giật mình đau điếng vì bị con cá lóc cỡ bắp tay phi thẳng mặt, rớt vào trong lu quẫy đùng đùng. Tiếng cá trê, cá lóc lớn đớp nhái lọp tọp rộ trước chiến hào. Tân binh mới được bổ sung vào chốt nhiều anh nghe không quen, tưởng bước chân lội nước của trinh sát địch, mất bình tĩnh kéo cò liên thanh, đánh thức cả đơn vị dậy gác cùng.Chiến dịch giải phóng Phnom Penh tháng 1-1979 là thời gian bắt đầu mùa khô. Nước trên cánh đồng đã rút xuống sông Svay Rieng, để lại những vũng cạn. Tổ anh nuôi cùng liên lạc chạy lên ngay sau lưng xung kích. Anh em tranh thủ vồ những con cá lóc đen bự tổ chảng mắc cạn trên ruộng bùn đang giãy đành đạch nhốt vào xoong quân dụng, thản nhiên như tát ao bắt cá ở quê nhà. Tan trận cắm cờ, những người còn lại sẽ được nồi canh chua cá tươi nóng hổi ấm lòng.Cùng tháng hai năm đó, tàu há mồm hải quân đón tiểu đoàn tôi ngược dòng Tonle Sap lên đánh trận Oudong. Cửa mũi tàu hạ mở, hàng đàn cá linh giật mình nhảy rào rào trên mặt sóng. Những con cá linh lớn cỡ trái chuối tiêu, vùn vụt bay vào lòng tàu như những thoi bạc lạnh. Lính ngồi trên mặt boong nhớn nhác hò nhau ầm ĩ, nhặt vội những con cá đang giãy tưng tưng trên sàn thép ném trả lại dòng sông.Khmer Đỏ tan chạy, rút vào rừng. Những trận đánh lớn thưa dần. Sư đoàn tôi về đóng gần thị xã Kampong Chnang ven biển Hồ, bảo vệ hỗ trợ dân bạn xây dựng cuộc sống mới. Biển Hồ như một hồ chứa nước điều hòa thiên nhiên khổng lồ. Mùa mưa, dòng Tonle Sap đổ nước vào, phân lũ cho sông Mekong. Mùa khô, Tonle Sap lại chảy theo chiều ngược lại, trả nước cho vùng hạ lưu trù phú. Tonle theo tiếng Khmer nghĩa là sông. Mùa nước cạn đi dưới tán rừng cây mưng cổ thụ ven sông, ngước mắt nhìn lên thấy xác lục bình khô từng búi giắt trên ngọn cây cao cả chục mét thì biết mức nước dâng của biển Hồ.Vào mùa mưa, đường tiếp liệu hậu cần bị nước chia cắt. Căn cứ doanh trại đơn vị nằm sâu trong rừng ngập bị nước bao vây tứ phía. Vẫn may sao có một loài cá là món thực phẩm thường xuyên của chúng tôi mà tụi lính miền Tây gọi là cá rô biển, dù nó vẫn là cá nước ngọt. Cá rô biển giống cá rô phi nhưng nhỏ hơn, mỏng mình và lưng đầy gai. Mấy con lạch nước tù trong tiểu đoàn 4 hồi đóng quân ở Stoung dày đặc loại cá này. Người đi câu vừa nhàn vừa khoái. Chỉ với một đoạn ghim giấy uốn móc làm lưỡi câu buộc thêm đoạn cước, thả cần là giật như máy. Mỗi buổi câu chiều xách về cỡ nửa bao xác rắn. Đứa ở nhà vừa làm cá vừa chửi thề vì ngồi ê mông, lại bị gai vây cá đâm quá trời.Cá trèn khô bày bán ở chợ thị trấn Stoung ven biển Hồ. Ảnh: Trung SỹLoại rô biển này chỉ có kho nhừ cả đêm cho mục xương ăn tàm tạm chứ không làm cách gì ngon. Mở vung chiếc nồi 20 kho cá, trên mặt nổi lên một lớp mỡ cá trong vắt dày cỡ 2 phân. Hồi đầu chúng tôi còn chắt mỡ đổ đi, một thời gian sau mấy đứa lính mới lấy giẻ áo cũ nhúng mỡ cá để đêm đốt ngoài lán vì sợ ma. Mỡ cá cháy tanh mù dụ gọi chim cú đến kiếm mồi. Cú rúc cả đêm như ma về, lại càng không ngủ được.Tháng 10 nước bắt đầu rút dần, cũng là lúc người dân Khmer chuẩn bị chặn đăng, đóng đáy. Chắn ngang dòng chảy là những hàng phên cật tre đan kín, neo buộc kiên cố với cột đáy gỗ tràm bằng dây choại. Giữa dòng chảy qua đăng chắn họ mở vài ba cửa đáy. Đón trên từng cửa là những lồng đáy tre đan, thu nhỏ và nâng dần về phía hạ lưu. Chót cuối lồng được quây lại bằng lưới.Vào mùa đánh bắt cá từ tháng 12 đến tháng 4 tháng 5, những cửa đáy này hoạt động hết công suất. Cá từ biển Hồ đổ về sông Mekong dồn dập trong khoảng từ mùng 8 âm lịch đến hết rằm hằng tháng. Ban đêm cá về nhiều hơn ban ngày cả chục lần. Triệu triệu con cá lớn cá bé bơi theo con nước tuần trăng, bị tấm đăng chắn lại. Chúng bức bối chen nhau quẫy tìm lối thoát qua cửa mở, rạch trườn lên ngập tràn lồng đáy. Hàng chục thanh niên đứng xung quanh giàn cừ, luân phiên thay nhau xách quai cần xé xúc cá liên tục đổ lên thuyền. Mỗi đêm như vậy chủ đáy thu hàng chục tấn tôm cá. Có những đêm cận rằm cá về căng ních đáy, đám ngư dân phải hò nhau xả lối cho cá thoát đi tự do, kẻo vỡ toang cả lưới lẫn lồng.Cạnh bến cá thị xã Kampong Chnang ngày ấy có một dãy nhà dựng trên hàng cột tràm mảnh khảnh, néo giằng với nhau cắm xuống bãi bùn. Những ngôi nhà lợp lá thốt nốt vắt vẻo cao lênh khênh, trông xa như những con chim giang sen khổng lồ đứng sắp hàng. Nơi ấy có những lò than hầm âm ỉ cháy sấy cá trèn, cá kết. Những chiếc lò ven sông tỏa khói mù mịt ngày đêm khiến mùi cá sấy ám vĩnh cửu vào tường nhà mái phố quanh vùng. Cá kết sấy khô ươm mỡ vàng trong như hổ phách, dân buôn xếp chục con vào một kẹp. Có kẹp cá kết khô thơm khói nhậu với đôi ống nước thốt nốt chua, còn gọi là "bia Pô-chen-tông", tưởng không gì hợp vị và sảng khoái cuộc đời hơn thế.Cũng ở chợ này mỗi sáng ta có thể thấy những con cá hô nặng trên nửa tạ với lớp vảy đồng to như miệng chén đang ngáp. Cá thác lác chấm đuôi đen cỡ đồng bạc hoa xòe, dài lượt thượt cả mét. Có cả những con lóc bông lớn hơn chục ký, trùi trũi thân hình nằm sõng sượt trên phản. Cái miệng rộng ngoác đầy răng sắc cùng bộ vảy vằn đen vằn đỏ khiến nó nom như một loài thủy quái. Cá lóc bông lớn cỡ này khi nuôi con rất dữ, có thể tấn công cả người nếu đàn con nó bị đe dọa. Nên khi đi tắm sông, thấy đám lòng ròng to như cái chiếu đỏ màu chu sa quần lên lộn xuống sủi bọt lăn tăn thì chúng tôi phải tránh cho xa, chớ dại mà lội vào có ngày sứt chân mất giống.Sang năm sau, sư đoàn tôi lật cánh sang bờ bên kia biển Hồ, đóng quân gần thị trấn Stoung tỉnh Kampong Thom. Sông Stoung và sông O Klong bao quanh vùng này là những con sông nhỏ mà nông. Mùa khô nước cạn đục ngầu, mặt sông dày đặc bổi rác trôi từ trên đồng cao xuống mắc lại. Những ngày đi thuyền tuần tiễu truy quét địch qua các gò cạn trong rừng ngập, thấy lưng cá gồ lên chen nhau rẽ sóng lội đen mặt nước. Những loài chim lớn như già đãy, giang sen, điêng điểng lẫn bồ nông rất dạn người. Chúng thò thụt cái cần cổ dài ngoẵng trong những bụi tràm non, thờ ơ lãnh đạm nhìn xuồng chúng tôi bơi qua sát bên, như không thèm để ý đến những loại khách không mời.Rừng thốt nốt ven thị xã Kampong Chnang. Ảnh: Trung SỹTiếng hát loài cá một thuởVào cữ cuối tháng năm, mây kéo về xám xịt bầu trời. Không gian ì ầm tiếng sấm báo hiệu mùa mưa bắt đầu. Sau một vài trận mưa lớn, đứng trên cầu Kun, cầu Stoung nhìn ra xung quanh đã thấy dòng sông bỗng phổng phao nảy nở nhanh như người thiếu nữ đến tuổi dậy thì. Lũ nguồn cuốn trôi rửa sạch rác bổi, nhận chìm các gò cây bụi thấp. Diện tích mặt nước biển Hồ nhanh chóng phình to ra gấp nhiều lần so với mùa khô. Từng đàn cá lên theo dòng nước, luồn lách khắp các cánh rừng ngập để sinh sôi nảy nở. Thức ăn của đàn cá là ấu trùng, giun dế, là xác những loài thú nhỏ chạy không kịp nước dâng đang đầy ngập dưới dòng lũ xiết.Có những ngày mưa đã tạnh từ lâu nhưng không gian vẫn rì rầm những tiếng vang lạ lùng mênh mang trên sông, thoạt nghe tựa tiếng những bụi tre dày cọt kẹt cọ mình vào nhau trong gió. Hỏi những lão ngư dân già sống ven bờ, họ nói đó là tiếng những đàn cá đang hát khúc ca hoan lạc trong mùa sinh nở. Chúng vừa ôm bụng trứng đầy vừa gọi nhau khi ngược dòng nước từ biển Hồ lên rừng ngập đẻ. Không phải loài cá nào cũng kêu được, song những tiếng vọng lên từ đáy sông của chúng khi rủ nhau về nơi nguồn cội đã thức tỉnh trong tôi lòng kính ngưỡng trước sự vĩ đại của đất trời tạo hóa. Thiêng liêng làm sao những mùa hội thực thi gieo truyền nòi giống muôn đời.Chiều sau những cơn mưa có anh lính Việt ra sông tắm, lặn xuống nghe tiếng cá "hát" váng tai. Cá heo xanh nhạt có bộ vây vàng cam kêu eng éc như lợn bị chọc tiết. Cá trê, cá ngạnh kêu kèn kẹt như cóc nghiến răng. Cá chốt, loài cá đông đảo nhất, khua râu bơi nổi ngược sông kêu ọt ẹt. Tôm càng xanh búng lóc chóc. Cá trà sóc nhai ốc, kêu lọc cọc từng tiếng như người mù chống gậy dò đường… Tất cả những tiếng vọng từ đáy nước ấy hòa trong gió sông lồng lộng thành một bản tổng phổ âm thanh hỗn tạp mà tràn đầy sức sống. Đó chính là tiếng vọng màu nhiệm, tiếng đời nảy nở sinh sôi từ mẹ thiên nhiên kỳ diệu.Ngư dân trên dòng Tonle Sap. Ảnh: Siv Channa/Cambodia DailyRồi một ngày sau, quanh các phum chài ven sông có những tiếng súng đì đoàng nối nhau bắn chỉ thiên. Đó là hiệu lệnh đình chỉ đánh bắt khi mùa cá đẻ đến của chính quyền cách mạng. Chính quyền nào thì cũng vẫn tuân thủ nề nếp văn hóa cùng sinh cảnh cũ vốn tồn tại từ nhiều đời. Người dân Campuchia có tập tục bảo vệ nguồn lợi cá thiên nhiên này từ rất lâu trong phong tục cổ truyền.Từ mai trở đi, đám ngư dân tự giác tạm nghỉ giăng câu đóng đáy. Họ kéo thuyền lên bờ, úp lên triền đà sửa chữa, xảm lại dầu chai. Làng chài đợi đàn cá đẻ xong, đến mùa khô mới bắt đầu vụ đánh bắt mới. Có anh bạn lính của tôi đã từng cảm thấy rất xấu hổ khi bị một ông già nhắc nhở lúc anh câu nhử con cá lóc mẹ đang nuôi đàn lòng ròng.Ba mươi mấy năm sau chiến tranh, chúng tôi trở lại thăm bến cá xưa. Tháng ba đang giữa mùa cá mà bến thuyền Kampong Chnang heo hắt tiêu điều. Biển Hồ ít nước về, rút ra cả một quãng xa, chừa lại những trảng bùn cát trống bốc, nứt nẻ trong nắng mùa khô. Dãy nhà sàn sấy cá không còn. Vào một quán ăn trưa ven sông, tôi gọi món cá cóc, một loại cá thật bình thường ngày trước nay đã trở thành đặc sản. Cá cóc cũng không có nốt.Trở về nhà đọc các tài liệu tham khảo, biết dung tích nước biển Hồ cùng trữ lượng cá nay đã giảm đi một nửa. Điều đáng buồn này chính bởi dòng sông mẹ Mekong đã bị chặn mấy lần trên thượng nguồn để xây các nhà máy thủy điện. Nước không về, sinh cảnh rừng ngập co ngót diện tích nên cá không còn nhiều chỗ đẻ. Chẳng biết trên những dòng sông xưa khi mùa mưa về, đàn cá còn cất lên tiếng hát hay không?■(*) Bài viết có sử dụng nhật ký, tư liệu ghi chép của các bạn lính Lê Thái Thọ, Nguyễn Đình Phương, cùng đơn vị sư đoàn 9. Tags: Mùa nước nổiCampuchiaBiển HồTonle SapTrung SỹNhà văn Trung SỹHồi ức
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Lào Cai tìm thấy 70 người dân nghi mất tích do sạt lở đất THÀNH CHUNG 12/09/2024 17 hộ dân tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu đã được chính quyền địa phương tìm thấy khi đang dựng lán trại trên đồi để ở, tránh lũ lụt và sạt lở đất.
Katinat xin lỗi sau thông báo trích 1.000 đồng/ly nước ủng hộ đồng bào miền Bắc gây tranh cãi NGỌC HIỂN 12/09/2024 Cách đây ít phút, chuỗi thức uống Katinat đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng khi việc quyên góp 1.000 đồng đối với mỗi ly nước mà chuỗi này bán ra để ủng hộ đồng bào miền Bắc gặp những ý kiến trái chiều.