Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới

HỮU NGHỊ 28/12/2024 07:48 GMT+7

TTCT - Triển lãm trước hết là dịp phô diễn năng lực và khả năng phòng vệ của quốc gia, thứ đến để các nước thể hiện mức độ tin cậy lẫn nhau trong quan hệ, đồng thời cũng cho thấy niềm tin của dân chúng nơi chính sách quốc phòng.

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 1.

Khu trưng bày các khí tài quân sự ngoài trời của Mỹ. Phía Mỹ lần này mang tới triển lãm một máy bay vận tải C130J, hai máy bay A10, một xe thiết giáp Stryker, một pháo M777 trên diện tích 3.000m2. Ảnh: NAM TRẦN

Trong cái nhìn đó, Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024, VNDF 2024) thành công hơn mong đợi khi phải mở cửa thêm một ngày để đáp ứng sự quan tâm của quần chúng.

Vòng tay ngày càng mở rộng

Từ ngày 19 đến 22-12, phái đoàn Ủy ban Công nghiệp quốc phòng của Bộ Công nghiệp công nghệ cao Armenia đã đến thăm Việt Nam và tham dự VNDF 2024. 

Phái đoàn có một số buổi làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam và các công ty lớn thuộc Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm (Bộ Ngoại giao Armenia ngày 22-12). 

Trước đó ba ngày, hãng tin Azernews 19-12 cho biết phái đoàn Bộ Công nghiệp quốc phòng Azerbaijan đã tham dự VNDF 2024, nơi có trưng bày "các loại vũ khí, đạn dược, hệ thống phòng không và không quân, hệ thống và thiết bị tàu quân sự, máy bay không người lái, trực thăng, hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường, xe vận tải bọc thép, thiết bị trinh sát và tác chiến điện tử...".

Hai tin tức trên chìm mất trong rừng thông tin về VNDF 2024 cả trong lẫn ngoài nước, một phần do quy mô nhỏ của Azerbaijan (86.000km2, hơn 10 triệu dân) và Armenia (chỉ 29.700km2, 3 triệu dân). 

Song, diễn biến trên là minh họa cho tính kết nối quốc tế của VNDF 2024 trong tinh thần "Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển". Hai phái đoàn của hai nước Liên Xô cũ vừa tranh chấp nhau bằng vũ lực khu vực Nagorno-Karabakh, với những vụ đọ súng gần nhất mới là cuối năm ngoái, đã cùng có mặt tại VNDF 2024.

Tất nhiên, cả Armenia lẫn Azerbaijan đều có nhu cầu quan sát, chọn lựa, mua sắm vũ khí khi ngân sách quốc phòng hai nước này là rất lớn so với quy mô kinh tế của họ: với Armenia là khoảng 5,6% GDP (tương đương 1,4 tỉ USD), còn với Azerbaijan là 4,5% (3,8 tỉ USD, theo CIA Word Factbook 2023).

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 2.

Ảnh: vietnamdefence.vdi.org.vn

Lộ trình của Azerbaijan

Lý do còn có thể do Azerbaijan cũng là một nước buôn bán vũ khí: cuối tháng 9-2024, họ đã tổ chức Triển lãm quốc phòng ADEX lần thứ 5 tại thủ đô Baku với sự tham gia của 270 đơn vị, 14 tập đoàn quốc gia và 53 phái đoàn quân sự quốc tế.

ADEX đã đạt tới tầm một khu chợ thực sự, kết nối người mua với người bán trực tiếp. Cũng chính bởi chủ trương này, ADEX có số khách chọn lọc, chủ yếu là giới chức nhà nước, chớ không mở cửa cho đại chúng. 

Một số mặt hàng đáng chú ý được giới thiệu ở ADEX năm nay là xe bọc thép chở quân ITX-15 và ITX-20, xe chống mìn Tufan, hay xe chở quân Babir-3M, thể hiện năng lực của ngành quốc phòng Azerbaijan. 

Azernews 30-9 tự đánh giá: "Những phát triển này không chỉ tăng cường quân đội của quốc gia mà còn định vị Azerbaijan là một nước xuất khẩu vũ khí đang phát triển, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm của nước này". 

Đây là kết quả của những nỗ lực đầu tiên từ năm 2008 được đài BBC lưu ý: "Azerbaijan sẽ bắt đầu sản xuất vũ khí, phần cứng quân sự vào năm 2008".

Con đường phát triển công nghiệp quốc phòng của Azerbaijan có thể là gợi ý cho một số nước "đồng trang lứa": 

"Baku đã chuyển từ mối quan hệ người mua - người bán truyền thống sang hướng tới phát triển và sản xuất chung với các đối tác… Ngành quốc phòng hiện cung cấp sản phẩm cho hơn 10 quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Pakistan, Jordan, Israel và Trung Quốc", theo Azernews 30-9.

Chuyện hai nước Armenia và Azerbaijan đang động binh đao với nhau, nay có thể cùng dự VNDF 2024, cho thấy tính kết nối của triển lãm này. 

Nhưng VNDF 2024 không chỉ có họ. Ngay từ trung tuần tháng 11, Thông tấn xã Mehr của Iran đã loan tin, vào lúc Iran và Mỹ cùng Israel đang hầm hè nhau ở Trung Đông: "Iran, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga sẽ tham dự triển lãm quốc phòng Việt Nam". 

Mehr cho biết thêm: "Các nguồn tin cho biết các công ty sản xuất vũ khí của chế độ Zionist (cách Iran gọi Israel) cũng sẽ tham dự triển lãm".

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 3.

Tên lửa Nga S125-2TM ở VNDF 2022. Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng của đối tác lâu đời

Trong không khí "quần anh tụ hội" của VNDF 2024 Gia Lâm đó, các đại kình địch nay trưng bày vũ khí trước mặt nhau - độ mở tùy mỗi nước. 

Nga thì muốn tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ từ thời kỳ Liên Xô và tận dụng sự quen thuộc của Việt Nam với sản phẩm quốc phòng Nga, đặc biệt trong bối cảnh đã có một số chứng thực từ thực tế chiến trường.

"Toàn bộ sản phẩm của chúng tôi đã được cả thế giới công nhận về hiệu quả thực chiến. Đây không chỉ là khẩu hiệu quảng cáo, mà là minh chứng từ các chiến dịch thực tế. Từ hệ thống Pantsir, phiên bản mới nhất Pantsir-S1M, đến các dòng xe chiến đấu bộ binh hiện đại hóa, tổ hợp chống tăng Kornet, và đặc biệt là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Iskander - tất cả đều khẳng định chất lượng", đại diện Tổ hợp vũ khí chính xác của Tập đoàn nhà nước Rostec chia sẻ trên Sputnik 20-12.

Nga còn chú trọng đến hợp tác trong phát triển các thế hệ tiếp theo của tổ hợp tên lửa vác vai Igla, đồng thời tiếp tục duy trì hỗ trợ kỹ thuật cao cho đối tác. 

Nhân dịp này, Nga cũng trình làng phiên bản xuất khẩu hệ thống tên lửa Iskander, mà theo Sputnik, là tổ hợp tên lửa duy nhất trên thế giới đảm bảo tấn công mục tiêu một cách đáng tin cậy mà không thể bị bắn hạ. "Hiệu quả của nó đã được chứng minh trên toàn cầu", Rostec quảng cáo thêm.

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 4.

Lần đầu tiên nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport thuộc Tập đoàn Rostec của Nga giới thiệu các sản phẩm xe bọc thép chống mìn Typhoon-K MRAP tích hợp hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với giáp tăng cường và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Rubezh-ME ngoài lãnh thổ của Nga. Ảnh: NAM TRẦN

Cũng theo Sputnik, "Nga nhận định đây là cơ hội vàng để phát triển hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Đáng chú ý, nhu cầu này trải dài trên toàn bộ danh mục vũ khí của Nga, được chứng minh hiệu quả vượt trội trong các chiến dịch quân sự thực tế". 

Sputnik lưu luyến thời vàng son: "Nước Nga chiếm 80% nhập khẩu vũ khí của Việt Nam từ 1995 tới 2023, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI)".

Chính vì vậy, Nga tăng cường trưng bày ở VNDF 2024, như Eurasianet 17-12 xác nhận: "Lần đầu tiên bên ngoài nước Nga, Matxcơva sẽ giới thiệu các mô hình kích thước đầy đủ của hệ thống tên lửa bờ biển Rubezh-ME, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với khả năng bảo vệ bổ sung và xe bọc thép Typhoon-K với hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM". 

Được biết, hệ thống Rubezh-ME tích hợp thùng chứa vận chuyển, radar, kiểm soát hỏa lực, liên lạc và thiết bị kiểm soát chiến đấu trên nền tảng duy nhất. Nga cũng sẽ lần đầu tiên ra mắt hệ thống không người lái Lancet-E tại Đông Nam Á trong sự kiện này, cùng các UAV khác như Orlan-10E và Orlan-30 và hệ thống đạn bay như Kub-E.

Nga tích cực hơn là dễ hiểu. Cách đây hai năm đúng, nhân VNDF lần thứ nhất, Defense News dẫn dữ liệu của SIPRI để nhắc rằng tuy Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam từ 2017 đến 2021, chiếm 56% tổng lượng nhập khẩu, song Israel đứng thứ hai (19%), tiếp theo là Hàn Quốc (6,6%). 

Ngoài ra, mong muốn thay thế thiết bị cũ của Việt Nam là rất rõ ràng, cụ thể là các ví dụ như hệ thống thời chiến tranh lạnh như xe trinh sát BRDM-2 và tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44 Redut-M.

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 5.

Tên lửa Spyder của Israel. Ảnh: Times of Israel

Đa dạng hóa danh mục mua sắm

Những sản phẩm mới được nhắc là máy bay vận tải chiến thuật Airbus C295 (châu Âu), phiên bản tầm ngắn và tầm trung của hệ thống phòng không Spyder (Công ty Rafael, Israel). 

Tại VNDF năm nay, đại diện Công ty Rafael giới thiệu phiên bản nâng cấp của Spyder với hệ thống radar và quan sát có khả năng hoạt động độc lập hoặc tích hợp vào cấu trúc chiến đấu lớn hơn để tăng hiệu quả tổng thể, hoạt động được bất kể ngày đêm, trong cả điều kiện thời tiết bất lợi, khi phương tiện chuyên chở đang di chuyển, và có năng lực chuyển trạng thái chiến đấu trong khoảng 3 phút. (Báo Quân Đội Nhân Dân 13-12: "Israel giới thiệu tổ hợp Spyder AIO "tất cả trong một" tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024").

Trong khi đó, 3 máy bay C-295M của Airbus, nhập về từ Seville, Tây Ban Nha vào tháng 11-2014, đã được biên chế cho Lữ đoàn không quân 918 (báo Quân Đội Nhân Dân 25-4: "Lữ đoàn 918: An toàn trong từng chuyến bay"). 

Dòng máy bay hai động cơ này có thể chở 71 người, tải trọng 9.250kg, trọng lượng cất cánh tối đa 23.200kg, có tầm bay đầy tải 1.300km. Mới rồi, lại có tin Việt Nam quan tâm tới máy bay C-130J của Mỹ, nhân VNDF 2024. (Báo Quân Đội Nhân Dân 16-12: ""Ngựa thồ" C-130J của Mỹ tham gia Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024"). 

Đây là máy bay vận tải vượt trội so với C-295: 4 động cơ, tải trọng 21.319kg, trọng lượng cất cánh tối đa 40.030kg, tầm bay 3.667km, chở được 91 người, hạ cánh được trên đường băng khoảng 1km.

Được biết hồi tháng 4, Nhật Bản và Hàn Quốc từng phái máy bay vận tải quân sự C-130 này đến giải cứu công dân mắc kẹt tại Sudan. 

Thiệt ra, ngay từ 25-7, Reuters đã đưa tin: "Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận về việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules cho Hà Nội, trong dấu hiệu cho thấy sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa hai cựu thù". 

Triển lãm quốc phòng Việt Nam: Trong những đòi hỏi mới - Ảnh 6.

Một số trang thiết bị của Mỹ ở VNDF 2024. Ảnh: Reuters

Cũng theo Reuters, Hoa Kỳ còn có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho Việt Nam như một phần của thỏa thuận bán hàng. Một quan chức Hoa Kỳ cho biết số tiền có thể lên tới hàng chục triệu đô la để trang trải chi phí bảo dưỡng và các chi phí khác.

Còn nhớ ở VNDF 2022, Mỹ mới trưng bày một mô hình C-130J trong gian triển lãm rất khiêm tốn. Cũng phải thôi, thời điểm 2022 đó, quan hệ Việt - Mỹ mới chi là đối tác toàn diện. Tới 10-9-2023, hai bên mới nâng cấp lên mức quan hệ cao nhất: đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Năm nay, Mỹ cử đoàn có quy mô lớn gấp đôi so với năm 2022 dự triển lãm VNDF, dẫn đầu là đô đốc Samuel Paparo, tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Sản phẩm họ mang tới triển lãm cũng hùng hậu hơn hẳn: ngoài máy bay vận tải C-130J, còn có máy bay cường kích A-10, xe bọc thép Stryker, hệ thống đại bác M777... 

Nhân dịp này, ông Paparo đã có bài phát biểu về việc nâng cấp quan hệ, mà ông gọi là "niềm tự hào rất lớn đối với cả Mỹ và Việt Nam". Cũng nhân dịp nay, đại sứ Mỹ tại Việt Nam phát biểu trước chiếc C-130J trưng bày: 

"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng Việt Nam có những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển, trên không, trên bộ và trên không gian mạng. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã tham gia mạnh mẽ trong sự kiện này, một sự tham gia thực sự mang tính lịch sử và chưa từng có của Chính phủ Hoa Kỳ và khu vực tư nhân, và nó phản ánh cam kết của chúng tôi đối với Việt Nam và nguyện vọng của Việt Nam". (Báo Quân Đội Nhân Dân 19-12: "Hoa Kỳ chia sẻ thông điệp "Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển" của Việt Nam"). ■

Thành tựu của công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Tại VNDF 2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã trưng bày hơn 120 sản phẩm công nghiệp quốc phòng và gần 30 sản phẩm dân sự công nghệ.

Gian hàng trưng bày được bố trí giống một trận địa, với các hệ thống vũ khí, công nghệ liên tục như một thế trận phòng thủ kiên cố trên một diện tích 2.600m2.

Tất cả sản phẩm đều do Viettel làm chủ, từ nghiên cứu, thiết kế, gồm các dòng UAV đa năng, cảm tử và trinh sát, trong đó có máy bay không người lái cự ly 1.000km; tác chiến điện tử; thông tin quân sự; quang điện tử, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, hệ thống mô hình mô phỏng; đến giải pháp quân sự cho quân binh chủng, trang bị cho người lính tích hợp AI.

Nổi bật là tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn sử dụng tên lửa Sông Hồng có tầm bắn khoảng 80km, hành trình bay thấp bám đỉnh sóng ở pha cuối để hạn chế các biện pháp phòng vệ và ngăn chặn của đối phương.

Một trong những "cái đinh" thu hút khách tham quan là súng trường tấn công tiêu chuẩn STV-380 sử dụng đạn cỡ 7,62x39mm do Viện Vũ khí thiết kế và Nhà máy Z111 (cùng thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) sản xuất hàng loạt để thay thế dần tiểu liên AK-47 có tuổi đời cao hay súng bắn tỉa SBT12M1 sử dụng đạn cỡ 12,7x108mm, xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, được tích hợp tên lửa chống tăng B72 trên bệ phóng cố định trên pháo chính cho phép tấn công phương tiện hạng nặng của đối phương ở ngoài khoảng cách pháo chính cỡ 73mm vươn tới.

Có thể tóm tắt: công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang bám sát những biến hóa của chiến trường hiện đại, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, điển hình là 16 hợp đồng trị giá 286 triệu USD đã ký kết. Một bước đầu khá khích lệ.

(theo báo Quân Đội Nhân Dân và chinhphu.vn)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận