Trời hạn, nông nghiệp phải thông minh hơn

D.KIM THOA 02/08/2022 06:30 GMT+7

TTCT - Những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn. Nông dân ở bất cứ đâu giờ cũng bất an và thấp thỏm hơn trước những đỏng đảnh của ông trời. Biến đổi khí hậu là "tội đồ" được gọi tên nhiều nhất. "Ông trời" đã biến đổi, không lẽ nông nghiệp vẫn đứng yên?

Trời hạn, nông nghiệp phải thông minh hơn - Ảnh 1.

Ảnh: IAEA


Đã có nhiều giải pháp lớn nhỏ được tìm ra từ nỗ lực của các nhà khoa học nông nghiệp - những người bạn đồng hành quan trọng của nhà nông trên khắp thế giới. Nhờ họ, nông nghiệp đang trở nên thông minh và sáng tạo hơn, phần nào thích ứng và giảm bớt được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với mùa vụ.

Lúa chịu nắng thu hoạch sau 100 ngày

Nhắc tới nắng nóng, Ấn Độ là quốc gia không thể thiếu trong bất cứ danh sách nào. Năm 2022 có những vùng ở quốc gia Nam Á này ghi nhận mức nóng kỷ lục và kéo dài liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, nhiệt độ lên tới 47 độ C.

Trong số những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có các vùng nông nghiệp lớn như các bang Punjab, Uttar Pradesh và Madhya Pradesh. Năm nay, thiệt hại mùa màng ở những vùng chuyên sản xuất lúa mì này rất nghiêm trọng, sản lượng giảm khoảng 50% vì nắng nóng dữ dội trong tháng 3. Cũng vì thế mà tháng trước Chính phủ Ấn Độ đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực nội địa.

Cùng "ngồi trên đống lửa" với nông dân, trong năm nay, các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) đã công bố thành tựu là giống lúa mì mới "Pusa Ahilya" (hay HI 1634) có khả năng "chấp" cả nắng nóng cực đoan và cho sản lượng hơn 7 tấn/ha.

Báo The Print (Ấn Độ) dẫn mô tả của các nhà khoa học cho biết giống lúa mì này có đặc điểm thích ứng với khí hậu của vành đai địa lý chạy từ các bang Rajasthan, Gujarat ở phía tây, xuyên qua bang Madhya Pradesh và tới nhiều phần của bang Uttar Pradesh. Họ cũng nói nông dân có thể yên tâm trồng giống lúa mì chịu nắng nóng ngay cả khi thời gian xuống giống muộn hơn bình thường.

Sau 3 năm thử nghiệm, giống lúa đặc biệt này đã sẵn sàng để đưa vào canh tác trong vụ mùa tới tại các bang nói trên. Lúa mì Pusa Ahilya có thể trồng muộn hơn, trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 1, và thu hoạch sau 100 ngày, tức vào khoảng tháng 3. Thông thường, vụ trồng lúa mì ở Ấn Độ bắt đầu xuống giống sớm hơn, vào khoảng tháng 10, tháng 11 và thu hoạch vào tháng 3 cho tới tháng 4.

"Giống lúa HI 1634 hay Pusa Ahilya dành cho các điều kiện gieo trồng muộn, nghĩa là với các nông dân muốn trồng lúa mì sau khi đã trồng khoai tây và các rau màu khác, trồng vào tháng 12 hoặc tháng 1 - bà Divya Ambati, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt lấy dầu thuộc ICAR ở bang Madhya Pradesh, cũng là thành viên nhóm nghiên cứu phát triển giống lúa mì HI 1634, nói với The Print - Đây là giống lúa mì rất hữu dụng trong làm món chapatis [một loại bánh mì dẹt là món ăn truyền thống của người Ấn Độ], bánh quy và bánh mì".

Theo nhà khoa học S. V. Sai Prasad tại Viện Nghiên cứu lúa Ấn Độ thuộc ICAR, cũng là người chủ trì nghiên cứu giống lúa mì Pusa Ahilya, giống này vừa chịu nắng tốt, vừa cho năng suất cao. Cũng phải nói thêm, lúa mì vốn là giống đặc biệt nhạy cảm với nắng nóng trong giai đoạn làm đòng. Nếu phải chịu nhiệt độ cao hơn mức trung bình 23 độ C, bông lúa sẽ dễ lép hơn, kéo theo sản lượng giảm.

Ứng dụng công nghệ hạt nhân

Tháng 11-2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã có một hội thảo bên lề đáng chú ý của các chuyên gia quốc tế. 

Tại đây, các đại biểu bàn rất sâu về những giải pháp và tiềm năng ứng dụng khác nhau của khoa học và công nghệ hạt nhân giúp các nước và các cộng đồng thích ứng và ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong đó một phần rất đáng chú ý là ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Với sức mạnh của các nguyên tử, chúng ta đã có những công cụ để tăng cường sự bền vững trước biến đổi khí hậu", Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi phát biểu tại sự kiện sau khi chia sẻ báo cáo của IAEA về các kỹ thuật hạt nhân có thể giúp thế giới ứng phó những biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng dày đặc ra sao.

Nhờ sự hỗ trợ của IAEA, nhiều nước đã có thể vận dụng các kỹ thuật chiếu xạ để tạo ra những giống cây trồng mới - những loại có khả năng kháng bệnh và kháng cả điều kiện thời tiết cực đoan - trong quá trình nhân giống đột biến. 

Theo số liệu của IAEA, đã có hơn 3.200 giống cây được tạo ra từ phương pháp này chính thức được đưa vào canh tác tại hơn 70 quốc gia. Một trong những "câu chuyện thành công" được trình bày tại COP26 là của Zimbabwe.

"Chúng tôi đã có các chương trình hiện đại hóa và tối ưu hóa việc nhân giống cây trồng hiệu quả" - ông Prince Matova, tiến sĩ nghiên cứu giống lúa thuộc Viện Nhân giống, lai tạo giống lúa thuộc Bộ Nông nghiệp Zimbabwe, chia sẻ.

Tháng 11-2017, viện của ông Matova đã công bố giống đậu đũa đầu tiên được phát triển ở Zimbabwe nhờ hợp tác với IAEA và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO). "Tất cả những giống cây mới đều có khả năng chịu hạn, nóng và đất nghèo dinh dưỡng ở những vùng đất rất khô hạn của Zimbabwe", ông nói.

Với giống đậu đũa mới, nông dân Zimbabwe tăng sản lượng từ 10-20%. Không những thế, nhờ khả năng chịu hạn và kháng côn trùng tốt hơn của nó, các nông dân yên tâm hơn với mùa vụ trước các tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tại những vùng dễ bị khô hạn. 

Đậu đũa cũng là nguồn dinh dưỡng tự nhiên giàu protein, kẽm, sắt và các vitamin khác, trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho nguồn cung thực phẩm tại quốc gia châu Phi 15 triệu dân này.

"Biến đổi khí hậu, hạn hán, côn trùng và bệnh dịch tàn phá, đất đai bạc màu... khiến người nghèo chúng tôi rất vất vả. Chúng tôi từng chủ yếu trồng ngô, nhưng tới nay đã bổ sung thêm đậu đũa vào kho lương thực - trang web của IAEA dẫn lại chia sẻ của chị Tafirenyika Gumbomunda, một nông dân Zimbabwe - Chúng tôi đang chiến đấu với biến đổi khí hậu bằng công nghệ tiên tiến giúp tạo ra những cây đậu chịu được hạn hán".

Tại các vùng khô khát ở Zimbabwe và nhiều khu vực châu Phi hạ Sahara, lượng mưa trung bình mỗi năm chỉ khoảng 250-300mm, thật đáng mừng khi giống đậu đũa mới được phát triển có thể sinh trưởng và cho năng suất tốt ở những điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Không chỉ thế, các kỹ thuật hạt nhân như chiếu xạ thực phẩm với trái cây và rau củ tươi được sử dụng để cải thiện an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm lấn xuyên biên giới của các loài côn trùng, giảm tình trạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra.

Cũng phải nhắc đến là sự phổ biến của kỹ thuật côn trùng vô sinh (Sterile Insect Technique - SIT) - tức kiểm soát côn trùng gây hại bằng chiếu xạ ion hóa để triệt sản chúng, mà không làm hại tới côn trùng có lợi và môi trường. 

Ở Việt Nam, kỹ thuật này đã được áp dụng tại Bình Thuận trong dự án thí điểm từ năm 2016 để diệt ruồi giấm, bảo vệ các vườn thanh long và tới năm 2019 đã ghi nhận những hiệu quả thực tế.■

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

"Biến đổi khí hậu đang buộc các nhà sản xuất lương thực và người nông dân thay đổi cách tiếp cận với nghề nông - bà María Caridad González Cepero, nhà khoa học tại Viện Khoa học nông nghiệp quốc gia Cuba, nói - Những giống cây trồng mới, như những giống lúa và đậu "bất chấp khí hậu", mang lại một lựa chọn bền vững khi phải thích ứng với một số tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà điều quan trọng là phải đảm bảo an ninh lương thực cho hôm nay và tương lai". Cuba cũng đã đưa vào trồng giống lúa mới Guillemar có khả năng chịu hạn tốt và tăng sản lượng hơn 10% so với các giống khác.

Việc phát triển giống cây trồng mới ngoài việc giúp nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cơ chế chịu tác động của cây trồng trước những thay đổi cực đoan của thời tiết, từ đó tinh chỉnh và cải thiện quá trình nhân giống hiệu quả hơn.

FAO ước tính sản xuất lương thực phải tăng ít nhất 60% để đáp ứng nhu cầu của 9 tỉ người - dân số dự kiến trên quả đất vào năm 2050. Hiện cứ 8 người lại có 1 người thiếu ăn, theo FAO.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận