Trôi nổi "thuốc lá điện tử"

NGỌC KHẢI 11/11/2015 17:11 GMT+7

TTCT - Một thú chơi mới với tên gọi “thuốc lá điện tử” đang mê hoặc một số người trẻ Sài Gòn hiện nay. Bên cạnh đó là những tác hại khôn lường.

Một bộ thuốc lá điện tử giá 3,2 triệu đồng bán tại cửa hàng của ông Phú - Ảnh: Ngọc Khải
Một bộ thuốc lá điện tử giá 3,2 triệu đồng bán tại cửa hàng của ông Phú - Ảnh: Ngọc Khải


Để thay đổi “công nghệ” và đáp ứng nhu cầu “nhả khói” của người chơi, các nhà sản xuất đã cho ra đời một thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay với nhiều mẫu mã, tính năng vượt trội so với “anh cả” shisha. Đi kèm là hàng chục loại tinh dầu hóa chất độc hại trôi nổi trên thị trường để phục vụ các “thượng đế”.

Phong - nhà ở Q.12, TP.HCM - cho hay: “Qua nhóm bạn giới thiệu, tôi mới chuyển qua chơi thuốc lá điện tử hơn tháng nay. Ban đầu mua một cây về chơi thử, ai ngờ ghiền luôn. So với shisha, loại này cho ra nhiều khói hơn, cảm nhận nhiều vị hơn”.

B.T. giới thiệu một số mẫu thuốc lá điện tử -Ngọc Khải
B.T. giới thiệu một số mẫu thuốc lá điện tử -Ngọc Khải

Chưa được cấp phép kinh doanh

Theo chân một mối bán lẻ thuốc lá điện tử, chúng tôi tìm đến cửa hàng của ông Phú tại hẻm 540 Cách Mạng Tháng Tám (Q.3). Quán nhộn nhịp kẻ ra người vào. Ông Phú cùng hai nhân viên luôn tay đóng hàng cho khách.

Bên trong chiếc tủ kính trưng bày la liệt bộ dụng cụ thuốc lá điện tử cùng hàng trăm chai tinh dầu các loại. Ông Phú cho biết thời gian gần đây mặt hàng này rất được giới trẻ ưa chuộng. Ngoài thị trường chính là TP.HCM, khách hàng của ông còn ở khắp tỉnh thành khác.

Hiện cửa hàng ông Phú có vài chục loại dụng cụ hút với nhiều mẫu mã, chất lượng và giá tiền khác nhau. Bán chạy nhất là hàng của Canada và Mỹ có giá 1,1 - 3,2 triệu đồng/bộ. Theo ông Phú, hàng nhái của Trung Quốc xuất hiện khá nhiều, giá chỉ 200.000 - 300.000 đồng/bộ, hút vài ngày là hư.

Tại một điểm kinh doanh thuốc lá điện tử trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), chúng tôi được chào bán gần chục mẫu dụng cụ hút công suất lớn với giá 5 triệu đồng/bộ. Khi biết chúng tôi có ý định mở quán kinh doanh, ông chủ giới thiệu bốn loại thông dụng có giá 1,5 - 2 triệu đồng/bộ, nếu mua 10 bộ bớt 10% đơn hàng. Khi hỏi có xuất hóa đơn được không, ông chủ nói: “Hàng xách tay làm gì có hóa đơn”.

Giống như shisha, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử cũng trôi nổi khắp nơi. Ông Phú cho biết cửa hàng ông có hơn 10 hương vị khác nhau, mỗi chai 10ml có giá bán lẻ 130.000 đồng. Khách mua 3 tặng 1, mua 10 chai trở lên giá 85.000 đồng/chai.

Còn tại tiệm của ông Nguyên cũng trên đường Phan Đình Phùng có đến 40 mùi tinh dầu được chia thành bốn nhóm gồm: the, bánh, trái cây và thuốc lá. Giá tinh dầu Hong Kong 110.000 đồng/chai 10ml, Malaysia 330.000 đồng/chai 30ml. Ngoài ra cửa hàng còn có loại tinh dầu đặc biệt tự pha giá 200.000 đồng/chai 50ml. Nhân viên ở đây cho biết sắp tới sẽ bổ sung 40 mùi nữa.

Hỏi về tính pháp lý của mặt hàng này, ông Phú cho biết: “Hiện ở Việt Nam thuốc lá điện tử chưa được cấp phép kinh doanh nên chỉ nhập lậu bằng đường xách tay. Cửa hàng không thể xuất hóa đơn VAT cho khách mà chỉ ghi hóa đơn bán lẻ”.

Một số mẫu hàng ông Phú giới thiệu cửa hàng đang bán chạy -Ngọc Khải
Một số mẫu hàng ông Phú giới thiệu cửa hàng đang bán chạy -Ngọc Khải

Lạc vào “mê trận” khói

Thuốc lá điện tử ra đời năm 2003, do một dược sĩ đông y người Trung Quốc sáng chế với mục đích ban đầu giúp người nghiện cai thuốc lá. Để cai thuốc, người nghiện phải có sự quyết tâm cao, hút thuốc lá điện tử trong thời gian ngắn, giảm dần tần số và liều lượng để rồi bỏ thuốc lá hoàn toàn. Nhưng thực tế cho thấy thuốc lá điện tử không giúp cai được thuốc lá, ngược lại làm người ta lệ thuộc vào nó và nghiện từ lúc nào không hay.

Theo thời gian, thuốc lá điện tử đã biến tướng thành một thú chơi rất nguy hiểm. Theo quảng cáo, thuốc lá điện tử không tạo khói nhưng thực tế lượng khói từ tinh dầu thuốc lá điện tử gấp nhiều lần thuốc lá thật (xem ảnh), do đó không thể loại bỏ các chất độc. Hơn nữa, hàm lượng nicotine trong tinh dầu trôi nổi trên thị trường rất lớn, từ 10-50mg.

Ngoài ra, theo điều tra của TTCT, đối tượng chơi thuốc lá điện tử hiện nay là giới trẻ, đặc biệt nhiều em đang là vị thành niên, chưa từng có tiền sử hút thuốc lá.

Tối 23-10, chúng tôi đi cùng L., sinh viên một trường Anh ngữ, vào quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Vừa bước qua cánh cửa, chúng tôi phải mò mẫm từng bước vì căn phòng lúc này đặc quánh khói thuốc.

Bên trong có gần 20 thanh niên nam nữ đang ngồi mơ màng nhả khói. Trên những chiếc kệ trưng bày hàng chục bộ “đồ chơi” với nhiều mẫu mã và hàng trăm chai tinh dầu.

Có năm nhân viên túc trực tại quầy thay nhau châm tinh dầu, hút biểu diễn để giới thiệu hàng. L. đến quầy lấy dụng cụ rít một hơi dài. Sau vài hơi thuốc, L. bắt đầu lắc lư theo điệu nhạc sôi động. Chơi chừng một tiếng, L. nhận điện thoại của bạn rủ đi nhậu.

Sau chầu nhậu sương sương trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), khoảng 21g30 L. quay lại quán cà phê cùng nhóm bạn mới. Trên đường đi L. phóng như bay, liên tục vượt đèn đỏ và suýt chút nữa gây tai nạn tại ngã ba Phan Đình Phùng - Cô Bắc (Q.Phú Nhuận). Vào quán, L. “nuốt” mấy hơi liền như thể đang “vã” thuốc. L. cho biết mỗi ngày “đốt” hết một bình tinh dầu, hôm nào nhậu hoặc có bạn thì “chơi” 2-3 bình mới đủ “đô”.

Hào, một khách hàng, cho biết: “So với shisha thì “thằng” này nặng hơn, nuốt vài hơi là tưng tưng liền”. Hỏi sao không ở nhà chơi cho tiện, ra quán chi cho cực, lại còn tốn thêm tiền nước, Hào cười: “Ra đây mới có không khí. Hơn nữa gặp bạn bè trao đổi tinh dầu, coi như một bữa chơi được vài mùi khác nhau”. Chiều 24-10, chúng tôi đi cùng Chảy - một “tín đồ” shisha lâu năm, nay chuyển sang chơi “thuốc lá điện tử” - đến quán VC (Q.Phú Nhuận).

Lúc này quán đã đông khách, đứng sau quầy phục vụ là một cô nhân viên trẻ trung giới thiệu sản phẩm cho khách. Cứ sau mỗi câu mời chào, cô lại ngậm bình hít từng hơi dài rồi phà khói ra bằng miệng, mũi trông rất điệu nghệ.

 

Các tay chơi trẻ đang nhả khói trong quán cà phê V.C. -Ngọc Khải
Các tay chơi trẻ đang nhả khói trong quán cà phê V.C. -Ngọc Khải

 

 Chợt thấy một vị khách nữ chừng 15-16 tuổi bước vào, Chảy khều nhẹ: “Bé V.L., khách ruột ở đây”. Vừa ngồi vào bàn, V.L. lấy bộ đồ hút, gọi thêm một chai tinh dầu. Xong, cô bé bắt đầu rít thuốc rồi nhả khói hình chữ o đủ kích cỡ.

Tại quầy, chúng tôi làm quen với hai nhân viên phục vụ là B.T. và L.. B.T. cho biết bình hút rất dễ sử dụng, chỉ cần bỏ tinh dầu vào trong buồng đốt và bấm nút để hút, hết tinh dầu lại bơm vào. L. góp lời: “Có nhiều loại khác nhau, quan trọng là tinh dầu anh hút là tinh dầu gì”. Nói xong, L. cầm bình rít từng hơi rồi nhả khói mù mịt. “Người chơi muốn khói nhiều hơn, ngon hơn, đậm hơn sẽ dùng những cây công suất lớn” - L. tư vấn. Khi nghe chúng tôi cần mua hàng về miền Tây bán lại, L. hào hứng: “Em gửi hàng xuống trong ngày. Nhận được hàng mới trả tiền”.

Bi Tây liên tục nhả khói - Ảnh: Ngọc Khải
Bi Tây liên tục nhả khói - Ảnh: Ngọc Khải



Ngay các đầu nậu cũng thừa nhận hút thuốc lá điện tử rất có hại cho sức khỏe. Ông Phú quả quyết: “Nói không có hại là không đúng. Chỉ khi nào không hút mới không ảnh hưởng đến sức khỏe”. Còn L. huỵch toẹt: “Trong tinh dầu chứa nhiều nicotine là chất gây nghiện đó”. Một số đầu nậu cũng cho rằng hàm lượng nicotine của những loại tinh dầu rất cao.Rất nguy hại

Trong khi đó theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM), thuốc lá điện tử có hai phần: đầu lọc chứa nicotine (chất gây nghiện) và hỗn hợp chất tạo mùi thơm. Thay vì chứa thuốc lá, thân là một thiết bị điện tử khi kích hoạt sẽ phun hỗn hợp hơi để đi qua đầu lọc, hòa tan nicotine và chất tạo mùi thơm. Khi người hút rít hơi, hơi nicotine và mùi thơm sẽ vào miệng và hệ hô hấp như khói thuốc.

Nicotine trong thuốc lá điện tử không hề nguyên chất mà bị nhiễm nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, nicotine không tan trong nước nên hỗn hợp hơi trong thuốc lá điện tử để hút có khói phải là dung môi hữu cơ và được xác định là propylen glycol hoặc dietylen glycol là các chất độc hại cho sức khỏe con người.

Cũng theo ông Đức, việc sử dụng thuốc lá điện tử mua bán trôi nổi rất nguy hiểm vì chất lượng sản phẩm này không rõ nguồn gốc, rất dễ có nguy cơ chứa các chất rất độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Cần nói thêm để tăng sự hấp dẫn, người ta trộn vào tinh dầu các chất gây nghiện nguy hiểm mà người hút không biết. Hơn nữa, quảng cáo trên mạng về thuốc lá điện tử thường là tiếp thị “có cánh”, quyến rũ người chưa từng hút thuốc lá tò mò hút thử và dễ dàng trở thành nô lệ của khói thuốc.

Cơ quan Kiểm soát dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đã ra cảnh báo về sự thiếu thử nghiệm lâm sàng khoa học chứng thực độ an toàn của thuốc lá điện tử. Một số nước như Úc, Canada, Brazil... nhận thấy thuốc lá điện tử có hại nhiều hơn có lợi nên đã cấm lưu hành sử dụng. Nước ta nên tham khảo để tính việc cấm lưu hành sản phẩm này.

Mặc dù không gây nghiện như ma túy, nhưng người nghiện thuốc lá điện tử sẽ bị lệ thuộc về mặt tâm lý, tạo thành thói quen rất khó bỏ và phải tăng “đô” theo thời gian. Thông thường khi đã quen hút shisha, thuốc lá điện tử thì rất dễ chơi thử bồ đà, thuốc lắc, “hàng đá”. Đến lúc này không ai dám chắc người hút sẽ không thử heroin.■

 

Căn cứ các văn bản của Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan thì chỉ có Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) được phép nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử. Việc mua bán thuốc lá điện tử của một số cá nhân, tổ chức không phải đại lý hay nhà phân phối của VINATABA là trái quy định và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự.

Đến thời điểm hiện nay, về pháp lý liên quan việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Bởi lẽ các văn bản trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Để xử lý hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điện tử hiện đang tràn lan trên thị trường hiện nay, các cơ quan chức năng cần kiến nghị Chính phủ bổ sung kịp thời mặt hàng thuốc lá điện tử vào danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, trên cơ sở này mới có thể kiểm soát, quản lý được việc kinh doanh thuốc lá điện tử.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận