Trong cơn say im lặng

TTCT- Lâu lắm rồi mới có một vụ cháy nhà ở làng quê này. Mà cháy đúng cái nhà to nhất, giàu nhất làng. Hàng xóm phá được cổng sắt thì lửa đã ùn lên tận nóc. Ngôi nhà như một ngọn núi lửa phun nham thạch.

Minh họa: Bích Khoa

Tiếng hô hào ồn ào réo nhau lấy xô chậu bắc vòi nước cứu chữa. Nhưng rồi họ khựng lại vì chợt nhớ ra trong nhà có mấy cái bình gas. Thế là thay vì nhảy vào chữa cháy, người ta né ra thật xa đứng nhìn chỉ trỏ. Nhà rường ốp tường gỗ kín mít, bắt lửa cháy giòn.

Chỉ có một người xông vào hồ hởi là anh Đảm nhà ở ngay bên cạnh. Tính anh vốn nhiệt tình, việc gì ai nhờ cũng làm rất vô tư, nên giờ thấy nhà hàng xóm cháy anh lao vào như thiêu thân.

Người ta nhảy vào kéo Đảm ra, đằng nào nhà cũng cháy rồi, người mới quan trọng. Đảm vùng vằng quơ tay đạp chân cứ như gã điên. Một người giáng cho Đảm cái tát bảo phải nhà mày đâu mà lao vào đó, người ta giàu có người ta xây nhà lại, còn cái thân mày lo giữ chứ. Mày càng lao vào người ta càng nghi mày đốt, đồ ngu.

“Ờ, tôi đốt đấy, để tôi vào chữa” - Đảm thốt lên ngon ơ rồi hùng hục xông vào nhà cháy.

Nó say quá rồi, nói năng lung tung, kéo nó đi. Thế là xảy ra cái đám lộn xộn ngay tại đám cháy. Vài người đến sau không hiểu chuyện cứ tưởng Đảm là thủ phạm đốt nhà, họ lao vào góp tay giữ Đảm, tiện thể giáng vài cú đấm đá. Người ta lôi được Đảm ra ngoài ruộng mà Đảm vẫn chưa hết vùng vẫy.

Xe cứu hỏa từ thành phố về đầu làng không vào được đường hẹp. Kéo ống xong xuôi thì cả cái nhà đã thành đống than. Đến lúc đó Đảm mới chịu thua. Thua bọn người. Thua đám cháy. Hay thua chính câu nói của Sung, chủ nhà: “Tôi tính sang năm làm nhà mới, giờ nó cháy thì thôi. Bà con lao vào lỡ có chuyện chi, tôi mang thêm họa mệt”.

Đám người ra về trong ê hề tức giận. Cái thằng nhà giàu miệng nói không biết dớp. Mất của mà cứ dửng dưng như không. Chỉ tội thằng Đảm nhiệt tình thái quá, lại bị nghi ngờ.

Sáng hôm sau Đảm vẫn còn ê ẩm khắp người. Vợ vừa xoa dầu vừa nói ai đời ngu như anh không, tự dưng rước khổ vào mình. Đảm nhăn răng cười, tại hôm qua tôi say rượu, tưởng nhà mình cháy chứ. Vợ chụp luôn cánh tay đang bóp bẻ quặp ra sau lưng. À, phải ông hay lóm lém chui qua nhà đó nên nhầm, đúng không.

Vợ nổi cơn nghi ngờ không phải không có lý. Đảm với Sung bạn bè từ nhỏ. Lớn lên đi gò đi ghẹo cùng nhau. Cuối cùng cô gái xinh nhất vùng chọn Sung mà không phải Đảm. Vì Sung đẹp trai hơn, gia đình khá giả hơn, lại không ham mê rượu chè.

Đảm thì được cái nhiệt tình nên bị người ta nhờ vả nhiều. Nhờ xong trả công không lấy, chủ nhà phải bày biện cơm rượu. Nhiệt tình làm nhiệt tình uống. Rượu uống nhấm nháp thành quen. Thỉnh thoảng thấy Đảm khật khưỡng đi ngoài đường, Sung nói thằng bạn mình thất tình lâu rứa bây.

Thế nên không phải vô cớ mà người ta nghi anh cu Đảm đốt nhà Sung. Ai vào đó nữa. Từng là bạn bè, rồi thành tình địch. Giờ bạn vừa được vợ đẹp, vừa khá giả nên Đảm mới sinh ra nóng mặt ghen tị. Chuyến này tiền đâu mà đền, chắc đi tù mục xương.

Thằng cu con Đảm đi chơi nghe người ta đồn thổi như thế, về khóc nói cha đi tù thiệt răng cha? Vợ Đảm tức tối chửi cha mấy đứa bịa chuyện đặt điều. Xong lại quay qua hằm hè Đảm, sáng mắt chưa, con cái không thương đi quan tâm người ta.

Công an mời Đảm lên huyện làm việc. Mời bằng giấy tờ hẳn hoi chứ không phải bắt, không phải điều, không phải trấn áp. Mời Đảm là đúng rồi vì anh ở ngay cạnh nhà bị cháy. Hỏi gì Đảm cũng bảo không biết, không rõ, không thấy. Thì đúng là có thấy gì đâu. “Tại lúc đó tôi say” - Đảm trả lời với công an như đùa.

Về nhà vợ hỏi Đảm trên đó họ có đánh đập tra khảo không. Đảm trợn mắt, đến cô cũng nghĩ tôi đốt nhà thằng Sung, huống chi người ta. Vợ bảo chỉ có trời biết đất biết và người ấy biết.

Mấy ngày sau vụ cháy nhà, Đảm thôi uống rượu. Người ta cũng không còn nhờ Đảm đi sửa cái mái nhà, làm hàng rào hay đào cái mương nữa.

Không ai ra vào nhà Đảm uống trà nói chuyện như trước dù sáng nào Đảm cũng súc ấm pha trà thơm phức. Đảm mặc áo quần chỉn chu, sẵn sàng để lỡ người ta có vào điều tra chi thì trả lời. Vợ bảo hôm lên huyện thì không nói, giờ ngồi chờ chi nữa.

Rồi cũng có người cần Đảm. Chính là Sung. Sung nhờ Đảm qua nhà phụ dọn dẹp đống tro lụi. Tất nhiên là Đảm nhận lời ngay, bạn bè mà. Vui sướng nữa là đằng khác vì như thế chứng tỏ Sung không gắp cục nghi ngờ bỏ tay Đảm.

Người làng ra vào nhà Sung thăm chơi, động viên. Dù biết Sung chẳng tiếc nuối chi cái nhà, như bữa Sung nói câu ráo hoảnh đó. Người ta thấy anh cu Đảm bưng cả cái cột nhà cháy ném ra góc vườn, khen Đảm mạnh quá.

Thấy Đảm xúc đầy một xe rùa gạch vỡ đi khỏe re, khen Đảm cứ làm như việc nhà mình ấy nhỉ. Siêng năng là bản tính lâu nay rồi, Đảm mà, cần gì phải khen.

Cuối chiều, Sung bày mâm mồi rượu đãi hàng xóm qua phụ giúp. Đảm không uống một ly, không ăn một miếng nào. Ai mời gì Đảm cũng kiên quyết không uống.

Ai gắp lỡ miếng dồi lòng bỏ vào chén Đảm cũng mặc kệ. Anh chỉ ngồi chơi nghe người ta chuyện trò, thử coi bà con có nghi ngờ ai không. Nếu nghi ngờ một ai đó, chắc Đảm mừng lắm, sẽ uống liền ba ly rượu như chơi. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai nói chuyện thủ phạm lúc này, việc đó đã có bên công an lo.

Hay người ta nghi Đảm thật, nên có Đảm ngồi đây không tiện nói ra? Nghĩ thế, Đảm đứng dậy bảo đi tiểu chút. Lát sau quay lại vào mâm, xếp chân ngồi.

Đám người đang rộn ràng trò chuyện chợt khựng lại khi thấy Đảm vào. Một người nói ông Đảm vừa đi chữa cháy đấy à. Đâu có, lửa đâu mà chữa. Đảm nhìn quanh quất rồi liếc xuống ống quần, thấy có ướt nhèm một vạt. Tất cả được một trận cười. Riêng Đảm gượng gạo, run run.

Hôm sau Đảm vẫn qua nhà Sung sớm nhất, loay hoay xúc đẩy mấy thứ ngổn ngang. Suốt ngày vừa làm vừa nghe ngóng. Mấy chú công an đưa máy lên chụp ảnh, hí hoáy ghi chép rồi trao đổi gì đó chỉ đủ cho nhau nghe.

Đảm đứng đầu xa chạy đến hỏi mấy anh tìm ra căn cớ chi không. Anh công an bảo, nóng ruột thế cha nội, ông không nói làm răng tụi tôi biết.

Ba ngày dọn dẹp xong cái đống tro cháy thì cũng có kết luận bên công an. Nhà cháy do chập điện. Không có ai đốt vào đây cả. Kết luận xem ra hợp tình hợp lý. Nhưng Đảm không thích kết luận này. Thế thì đơn giản quá, cần chi phải điều tra. Phải có một ai đó đốt chứ.

Cháy do chập điện, tin được không? Thỉnh thoảng gặp người làng Đảm hỏi. Người ta đáp tin chớ, không tin công an thì tin ai, chẳng lẽ tin lời ông, hả Đảm? Ờ, có lý, chẳng lẽ tin cái lời tự thú của anh cu Đảm nát rượu lúc xông vào chữa cháy. Công an không tin lời Đảm là may, nếu không đã cho anh đi đếm kiến trong nhà lao rồi.

Sung xây lại nhà mới ngay trên nền cái nhà cũ. Nhà mới làm kiên cố hơn, to hơn, chắc chắn hơn. Đúng như lời Sung nói hôm đám cháy, đằng nào cũng xây lại nhà, nên nó cháy thì thôi.

Nhưng người ta đã khéo quên câu nói bất cần này của Sung, câu nói tỏ vẻ khinh bạc và coi thường những người đến giúp đỡ. Thế mà người ta lại nhớ rất dai câu thú nhận qua quýt của anh cu Đảm: Tôi đốt đấy.

Một lần Đảm sang nhà Sung chơi gặp nhóm người làng. Có người bảo Sung phải cảm ơn Đảm đấy nhé. Ý là sao, ý ông là tôi đốt nên mới có cái nhà to đùng này hay sao.

Đảm định hỏi nhưng thôi, biết lòng người ta thế, biết lời người ta thế là có ý xỏ xiên. Hỏi ra, thể nào cái gã nọ chả bảo ô không, ý tôi là nhờ có Đảm sang phụ dọn dẹp đống cháy.

Nhưng đấy là những lần người ta nói trước mặt Đảm, còn đằng sau lưng nữa, những gì Đảm không nghe được chắc còn vô số lời đàm tiếu nghi ngờ.

Lại có bữa một người làng gặp Đảm, rút điếu thuốc ra xin chút lửa châm hút. Đảm nói tao bỏ thuốc rồi, không có lửa đâu. Người kia cười cười bỏ đi. Đảm tức, chắc nó nghĩ Đảm luôn sẵn lửa trong người để đốt mọi thứ đấy. Đảm định túm cổ gã kia đấm cho một phát, may kiềm chế được.

Sau cái vụ cháy Đảm càng phải kiềm chế hết sức, cái lần xốc vác năng nổ bữa cháy nhà đã khiến Đảm sống cực nhọc quá rồi.

Mà đúng là Đảm không hút thuốc từ bữa đó. Đảm sợ lửa. Lửa đốt cháy được những thứ nhỏ như đầu thuốc và đốt cháy được cả những thứ to như ngôi nhà. Lửa lòng cũng ác lắm.

Lửa có thể đem gắp bỏ tay người như chơi. Người ta đã gắp bỏ cho Đảm rồi đấy còn gì. Nhẹ tâng. Cũng có phần của Đảm trong đấy, chính Đảm đã ngửa tay cho người ta bỏ, còn trách ai được.

Nên Đảm không hút thuốc, không giữ thêm lửa trong người làm gì nữa. Vì đã có lúc Đảm tính đốt nhà mình thật. Để người ta nghĩ rằng đất xóm này có ông hỏa bà hỏa nào đó cai giữ, cháy là chuyện căn cơ đất địa.

Hoặc Đảm chờ công an về điều tra vụ cháy nhà mình và lại kết luận do chập điện. Và người ta thấy rằng chuyện chập điện là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều đám cháy, không riêng gì nhà Sung hôm bữa. Để tin hơn một lời kết luận mà ở đó không có bóng dáng của bàn tay con người, không có bóng dáng của sự đố kỵ.

Hoặc sẽ có một sự chia sẻ mùi mẫn hơn, cháy cái nhà Đảm thì người ta quên đi cái vụ cháy nhà Sung, người ta thương hại mà xí xóa được trong lòng cái nghi ngờ bấy lâu: kể ra anh cu Đảm cũng tội, đừng nghĩ oan cho anh ta nữa.

Hôm đó Đảm đem chai rượu trắng ra, định nốc cạn rồi đốt nhà thật. Chỉ có uống rượu vào mới đủ can đảm đốt nhà mình. Đảm ngắm, cỡ nhà mình châm một phát xóm làng chạy chưa đến kịp thì nó đã thành tro cả. Lỡ cháy rồi lấy gì làm lại nhà đây, chẳng phải như Sung khá giả bỏ đi làm lại mấy hồi.

Hay biết đâu, cũng trong tình trạng Đảm đang có men rượu, người ta lại suy luận ra mệnh đề: rượu cộng Đảm bằng đốt nhà. Và càng khẳng định chắc chắn trong cơn say, Đảm đã hơn một lần không kiềm chế được bàn tay châm lửa. Nghĩ xong, Đảm đem cất chai rượu góc giường. Lâu rồi Đảm không đụng đến rượu, quyết tâm bỏ là bỏ hẳn, đụng đến không khéo lại nghiện nặng.

Việc cúng lễ chạp trong xóm trong làng hồi trước có tay Đảm đâu ra đấy, từ mổ heo giết gà cho đến xếp bàn xếp ghế. Giờ Đảm không dây vào đấy nữa. Mặc kệ thiên hạ ai muốn làm gì thì làm. Từ bữa đó, nhớ lời vợ dặn việc gì ngoài nhà mình thì đừng nhiệt tình quá. Ít làm ít sai, đời là thế.

Đến lúc ăn cỗ người ta nhồm nhoàm ăn uống, Đảm không đụng đến chén rượu. Có ai đó nói đùa, anh Đảm bữa nay tu nhân tích đức rồi, đừng ép nữa. Đảm tức tối định ném phăng cái bát vào gã kia rồi quát, tao làm gì thất đức mà phải tu.

May Đảm nhìn lại thấy đây là cỗ làng, không nên gây lộn xộn thất lễ. Và Đảm cũng chưa quên lời vợ dặn, nói năng phải hạn chế đi. Một câu bất cẩn trong cái đám cháy bữa trước đã như châm lửa tự đốt mình rồi. Nói nhiều thì vấp, đời là thế.

Một hôm, Đảm sang nhà Sung ngồi chơi rất lâu rồi mới hỏi:

- Sung này, hỏi thật mày có nghi ai đốt nhà không?

Sung cười đáp không, công an kết luận đúng đấy.

- Mày có nghi tao đốt không?

- Không.

- Chắc chắn không?

- Chắc.

- Hay là mày tự đốt nhà mày hả Sung? Phải thế thì bảo cho cả làng cả xã biết đi, để họ khỏi nghi ngờ tao.

Sung trợn mắt:

- Ơ cái thằng Đảm này. Bỏ rượu rồi mà nói năng cứ như thằng say. Hay là mày cũng chập như điện rồi. Thôi được rồi, cứ thế đi, cứ coi như là tao tự đốt nhà đi.

Đảm bắt tay Sung nói cảm ơn rồi ra về.

Những ngày sau đó, nhiều ngày sau đó Đảm tìm cách tung thông tin Sung tự đốt nhà. Nhưng Đảm không mở miệng ra được. Chẳng ai đề cập đến vụ cháy đó nữa, người ta bận trăm công nghìn việc, ai hơi đâu đi nhắc lại một chuyện chẳng hay ho gì.

Với lại, chắc gì Đảm nói ra người ta đã tin. Dại mồm dại miệng đúng cái lúc nước sôi lửa bỏng, nên mất công bào chữa hoài chỉ khiến người ta nghĩ có tật giật mình. Ai tin được lời kẻ say. Thế mà người ta tin lời Đảm đêm say ấy. Sau đó Đảm tỉnh táo đi thanh minh thì người ta chỉ cười xuề. Tội nghiệp lời nói đặt không đúng chỗ.

***

Sáu mươi tuổi, cha tôi trông già rất nhiều. Tôi chứng kiến hai chục năm nay ông luôn sống trong dằn vặt, kể từ cái đám cháy nhà hàng xóm. Cha mong có cách gì đó giãi bày, mong có ai đó hỏi cha một câu rằng có phải cha đốt nhà chú Sung không. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám hỏi.

- Người ta không hỏi là người ta còn nghi ngờ đó con ạ. Giá người ta hỏi, để cha trả lời một chữ “không” cho sướng miệng.

Thương cha, tôi uống rượu một lần thật say, lấy can đảm về nhà hỏi:

- Có phải cha đốt nhà chú Sung không?

Cha tôi cười rất đã, rồi nghiêm mặt.

- Mày tưởng cha không say à, cha vẫn say hai chục năm nay đó thôi. Đừng dại nói nhiều lúc say con ạ. Vì những lời nói đó dễ bị đánh tráo, dễ bị nghi ngờ, dễ bị mang họa. Tốt nhất khi đã say thì nên im lặng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận