TTCT - Sáng chạy xe rà rà một hồi rồi quyết định tấp vào một quán trông có vẻ sạch sẽ và ấm cúng. Ngồi ngay ngắn bên bàn rồi mới nhìn rõ tấm biển treo trên nồi nước lèo to tướng có ghi: “Miến lươn, phở bò gà, hủ tiếu, bún mọc, bún măng. Kính mời!”. Phóng to Minh họa: Lê Thiết Cương Nhìn đi nhìn lại vẫn thấy chỉ có một nồi nước lèo ấy. Nồi rất to. Với các vị học giả, nhiều lúc chỉ cần một hiện vật tiêu biểu là đủ để biểu diễn cả thế giới bao la với những quy luật rắc rối bên trong nó. Chẳng hạn, giáo sư George Ritzer đưa ra khái niệm “the sameness” - có quá nhiều thứ giống nhau ở mọi nơi mọi lúc khiến cho tất cả trở nên nhàm chán - trong lý thuyết về một thế giới bị toàn cầu hóa theo kiểu McDonaldization. Cũng giống như sự lan tỏa của các nhà hàng thức ăn nhanh kiểu McDonald ra toàn thế giới, công nghiệp hóa và bài toán chi phí khiến đồ ăn dù đến bất kỳ nơi đâu cũng đều dần dà trở nên giống nhau. Gà công nghiệp rẻ hơn gà “đi bộ”, thịt đông lạnh và đồ hộp... khiến ta lên núi xuống bể vẫn gặp phải một thứ mùi vị giống hệt nhau trong bữa ăn hằng ngày. Cuộc sống nơi đô thị - trung tâm trên trục toàn cầu hóa - dần biến thành những động tác đơn điệu ngày qua ngày đều đặn, oái oăm là chính nó lại góp phần tạo ra một thứ bản sắc đặc trưng của thời hậu hiện đại. Nhưng sự giống nhau chỉ là một mặt của đồng xu bản sắc, mặt kia vẫn cứ là sự khác biệt, như một bài thơ của cố văn sĩ Ba Lan từng được giải Nobel năm 1996 Wisława Szymborska nói về sự khác nhau của hai giọt nước. Triết gia Ba Lan Barbara Skarga định nghĩa bản sắc là mối quan hệ thống nhất giữa hai phạm trù luôn mâu thuẫn nhau là sự giống nhau và nét khác biệt. Vì vậy mà khi có dịp đến một quốc gia khác, tôi đều muốn thử ăn đồ ăn ở tiệm McDonald. Không chỉ vì đây là thước đo tốt nhất để đánh giá cuộc sống trung bình của người dân ở đó, hay vì ở nơi xa lạ đã có sẵn món ăn quen thuộc, mà còn vì ở mỗi nước mạng lưới nhà hàng này nay cũng phải nghĩ thêm một số món hợp khẩu vị của dân địa phương, nơi này là món tôm lăn bột chiên, nơi khác là món gà thêm chút cà ri, chẳng hạn. Và cuộc sống cũng đầy những sự khác biệt mà tận cùng lại là sự giống nhau đến mức kỳ quái. Trong một chuyến công tác sang Brazil, ở lại một khách sạn tại Manaus giữa rừng già Amazon, bữa ăn sáng tự chọn được nấu từ một loạt sản vật địa phương: tôm cá dưới sông, thịt bò nuôi trong rừng và một đĩa manioka - được giới thiệu là đặc sản số một của vùng này - đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ai cũng xúc một thìa nhỏ manioka để ăn thử. Tôi hớn hở bỏ qua hết những thịt bò và tôm cá, xúc đầy một đĩa manioka đem về bàn. Muỗng đầu tiên vào miệng, má ơi, tôi chực trào nước mắt vì phát hiện cái món mình đang ăn chẳng qua là... khoai mì (sắn) ở quê nhà - thứ đồ ăn gợi lại cả một thời đói khổ ăn độn. Sự trớ trêu ấy chẳng khác gì một người họ hàng từ quê ra, được đãi một bữa tại nhà hàng sang trọng trên phố mà vẫn chưng hửng thất vọng vì thực đơn “đặc sản” lại là những ngao, sò, ốc, hến vốn rẻ như cho không dưới quê. Nhưng cuộc sống là như vậy, mọi sự vẫn “lên ngôi xuống hạng” theo thời gian. Và cái sự giống - khác trở về nằm nơi mỗi người. Rất nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài muốn thử một ly cà phê Starbucks, nhưng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài lâu thì lại không thôi hoài nhớ ly cà phê bít tất đầy mùi bắp rang với chiếc ghế đẩu trên vỉa hè vừa uống vừa dời theo bóng nắng. Đó là cái mà chúng ta thường hay đùa ăn rau muống mãi người ta mơ chén thịt bò, còn khi ăn quá nhiều thịt bò người ta lại thèm một đĩa rau muống. Khẩu vị của con người chính là văn hóa và ký ức. Trong thế giới toàn cầu, con người ta vẫn cứ muốn tìm về một ngôi làng nơi ký ức kiểu như vậy. Cho nên nếu một lúc nào đó xui rủi gặp nồi nước lèo (duy nhất) ấy, hãy cứ thử đòi một ít tỏi phi nếu gọi hủ tiếu, hay một nhúm hành răm khi quyết định ăn miến lươn. Còn nếu cứ nhất quyết phải ăn một tô bún mà không ưa nồi nước lèo dùng chung ấy, có thể làm như tôi, gọi một tô bún mắm. Tags: Phiếm đàm
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Đại biểu: Xăng là mặt hàng thiết yếu, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 09/05/2025 Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ xăng là mặt hàng thiết yếu của người dân, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các thành phố Nga bắt đầu duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng THANH HIỀN 09/05/2025 Các cuộc duyệt binh và những sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại sẽ diễn ra trên khắp nước Nga trong ngày hôm nay 9-5.
Học sinh lớp 3 bị tông chấn thương sọ não, phải 'sống đời thực vật' nhưng chưa ai chịu trách nhiệm KHẮC TÂM 09/05/2025 N. chở em ruột bằng xe đạp trên đường làng thì bị xe gắn máy chạy cùng chiều tông khiến cả hai phải vào bệnh viện. Người em bị thương nhẹ, còn N. bị chấn thương sọ não, tổn thương 90% nhưng công an không khởi tố vụ án hình sự.
Hồng y người Mỹ được bầu làm tân Giáo hoàng UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Hồng y Robert Prevost vừa được mật nghị bầu trở thành tân Giáo hoàng. Ngài lấy tông hiệu Leo XIV và là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên.