Trung học tổng hợp xưa và cái nhìn nay

TTCT - Trước năm 1975, trong chương trình cải tổ giáo dục, Trường THPT Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa vinh dự là một trong 12 trường toàn miền Nam thực hiện theo chương trình Giáo dục tổng hợp (Comprehensive education), mang ý nghĩa là nhóm trường dẫn đạo.

Từ năm 1969 trường có tên Trường trung học tổng hợp Nguyễn Huệ.

Mô hình trường trung học tổng hợp xưa

Khi mô hình “Trung học kiểu mẫu” thành công ở Huế (từ năm 1964), ở Thủ Đức (từ năm 1965), ở Cần Thơ (từ năm 1966), Bộ Giáo dục triển khai thêm cho một số trường với tên gọi “Giáo dục tổng hợp” (xem box). Giáo dục tổng hợp là sự kết hợp giữa giáo dục phổ thông và kỹ thuật chuyên nghiệp ngay trong một trường học.

Trường trung học tổng hợp Nguyễn Huệ Phú Yên liên kết với phân khoa sư phạm của Đại học Huế và Đại học Sài Gòn. Giáo viên đến giảng dạy tốt nghiệp từ hai trường này, cập nhật thường xuyên giáo trình và phương pháp giảng dạy mới. Bộ Giáo dục điều hành chương trình cải cách thông qua khoa sư phạm từ các trường đại học.

Trường Nguyễn Huệ có hai phòng thí nghiệm (lab) lý hóa lớn, có vườn vạn vật và địa lý, có hàng trăm máy khâu cho nữ sinh thực tập nữ công gia chánh, có xưởng điện cơ, xưởng công kỹ nghệ, có máy công cụ tiện được sản phẩm, có lò nấu chảy được kim loại để đổ khuôn... Thầy Trịnh Quang Dương, phụ trách xưởng, chế tạo được chiếc thủy phi cơ bằng những sản phẩm làm ra từ xưởng.

Trường có thư viện lớn lấy tên Thư viện La Sơn Phu Tử. Những dãy phòng học khang trang, hiện đại ngày ấy đến nay trên 50 năm vẫn không thua kém bất kỳ một trường nào vừa mới xây dựng gần đây.

Ngoài chương trình phổ thông phân ban, trường còn dạy (tự chọn) các môn: nhạc, họa, canh nông, kinh tế gia đình, doanh thương, công kỹ nghệ... Nói chung, nếu học sinh nghỉ học giữa chừng có thể ra đời sống được bằng nghề đã học (trường cấp giấy chứng nhận) như đánh máy chữ, sửa điện nước, đầu bếp, may mặc, nhạc công, vẽ quảng cáo... tất nhiên là phải học hỏi, tìm tòi thêm.

Trường có đội ngũ giáo viên được đào tạo chất lượng, giảng dạy hướng đến từng cá nhân, theo cách nói bây giờ là lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi giáo viên rành một sinh ngữ (Anh, Pháp, Hoa) hoặc tối thiểu đọc được tài liệu chuyên môn tiếng nước ngoài là điều hết sức bình thường. Giáo dục được coi là giá trị thêm vào (value added) cái người học đã có, không cứng nhắc áp đặt. Dự kiến dùng điểm chữ để đánh giá lực học: A (giỏi), B (khá), C (trung bình), D (yếu)... như Trường trung học kiểu mẫu Huế.

Và cái nhìn ngày nay

Nhiều người cho là việc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” hiện nay cần tham khảo mô hình “Giáo dục tổng hợp” ở miền Nam xưa. Những giáo viên giảng dạy từ thời đó ở Trường Nguyễn Huệ, sau năm 1975 tiếp tục dạy, nay đã nghỉ hưu, đưa ra những nhận định chung sau:

a) Hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay vẫn có hướng nghiệp, dạy nghề nhưng phân mảnh, không kết hợp hài hòa trong một trường học. Dạy nghề cho học sinh chỉ để lấy có, cộng điểm thi tốt nghiệp, không tích hợp trong môn học (ví dụ xưa: nghề đánh máy, kế toán nằm trong môn học doanh thương). Không giải quyết được trường hợp học sinh có năng khiếu nghề hay học sinh không muốn theo đuổi chương trình trung học chuyên sâu.

b) Nhiều trường phổ thông nay được đầu tư thiết bị, đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm tốn kém không thua gì trường trung học tổng hợp ngày trước nhưng trang thiết bị luôn lỗi thời, chóng hỏng. Có học cụ không dùng được hoặc chỉ dùng đúng một lần mà chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Học cụ thường không được trang bị trọn gói mà chắp vá, nay được cái này, mai cho cái kia dẫn đến sử dụng thiếu hiệu quả, khó bảo quản.

c) Học sinh thiếu động lực học tập, mất tính tự học (do dạy thêm, học thêm) và lớp học quá đông. Học sinh bám rễ lối học từ chương và mơ sau này ngồi bàn giấy hơn là làm thợ.

d) Sách giáo khoa thì có thể viết lại và chắc sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để tự chọn nhưng quản trị thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỷ cương thì khó lòng chuyển biến. Ví dụ quản lý giờ dạy của giáo viên bằng giáo án, bằng các loại sổ sách, bằng các tiêu chí thi đua ngoài chuyên môn.

e) Vì chạy theo phổ cập hình thức, công bằng hình thức, ngành giáo dục chưa mạnh dạn phân hóa, phân luồng triệt để học sinh từ cấp THCS như trung học tổng hợp ngày trước đã làm.

Nếu khắc phục được những điểm yếu trên thì giáo dục phổ thông hiện nay đã/ sẽ không khác mấy mô hình giáo dục tổng hợp xưa.

Theo kế hoạch ban đầu của Bộ Giáo dục, trong năm 1969 có tất cả 12 trường trung học dẫn đạo trên khắp miền Nam như sau:

• Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), Gia Hội (Huế) và Ban Mê Thuột tại Vùng 1.

• Nguyễn Huệ (Tuy Hòa), Lý Thường Kiệt và Cộng Đồng tại Vùng 2.

• Quốc Gia Nghĩa Tử (Sài Gòn), Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn) và Bến Tre tại Vùng 3.

• Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) tại Vùng 4.

(Trích: http://hocthenao.vn/2013/11/18/mot-mo-hinh-kieu-mau-duong-thieu-tong-phong-tran/)

Nguồn: Trò chuyện với các thầy: Nguyễn Hữu Phước, Phan Long Côn, Nguyễn Đình Chúc dạy tại Trường trung học tổng hợp Nguyễn Huệ trước năm 1975, sau 1975 tiếp tục dạy. Thầy Nguyễn Hữu Phước làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ này trước khi về hưu năm 2010.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận