Trung Quốc đã khai sinh nền văn minh hiện đại?

TTCT - Vào cuối thời Trung cổ, các sứ giả của đế quốc Trung Hoa đã có mặt tại Florence và phổ biến các kiến thức khoa học của mình ra khắp châu Âu. Các khảo luận của họ đã khởi hứng cho những phát minh lớn nhất của các nhà bác học Ý, khởi đầu cho thời kỳ Phục hưng và văn minh hiện đại... như quả quyết của một nhà nghiên cứu người Anh... TTCT giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Phóng to

Đô đốc Trịnh Hòa -nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại - với những chuyến hải trình lâu nhất, xa nhất...

Năm 1434, trong lúc châu Âu Trung cổ còn chìm trong cuộc chiến tranh 100 năm và những trận dịch tả triền miên, đã có một đoàn người Trung Hoa đổ bộ lên thành phố Florence để gặp giáo hoàng Eugène IV. Trong hầm tàu của mình, những người khách lạ này đã mang theo những bộ từ điển bách khoa, những quyển lịch thiên văn và những quả địa cầu cho biết nhiều vùng đất lạ.

Được truyền bá khắp vùng Florentines, các kiến thức mới lạ này đã giúp châu Âu thoát ra khỏi thời kỳ tăm tối và khởi đầu thời kỳ Phục hưng. Thời điểm lịch sử này, ở đó các nhà bác học châu Âu đã thực hiện được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực toán học, hội họa, kỹ thuật, thiên văn... lại chính là quà tặng của người Trung Hoa! Giả thuyết này được trình bày trong một quyển sách mang tựa đề 1434 vừa xuất bản tại Mỹ là một phát hiện gây chấn động giống như ném một tảng đá xuống mặt ao bèo! Nếu tin theo tác giả Gavin Menzies thì lịch sử nhân loại phải được... viết lại từ đầu!

Những bản đồ thiên văn của người Trung Hoa cho thấy Trái đất quay quanh Mặt trời chứ không phải ngược lại!

Phóng to

Là nhà sử học nghiệp dư, vị cựu thiếu tá chỉ huy trưởng một chiếc tàu ngầm thuộc Hải quân hoàng gia Anh Gavin Menzies đã bắt đầu lục lạo các tư liệu cổ. Điểm xuất phát cho giả thuyết của ông là một bức thư được cất giữ tại Thư viện Colombina ở Seville. Nó được nhà thiên văn Paolo Toscanelli viết năm 1474, kể lại cuộc hội ngộ diễn ra tại Florence, 30 năm trước đó, với các sứ giả người Trung Hoa tại triều đình của giáo hoàng, lúc đó được đặt tại cung điện Medicis.

Toàn bộ giới tinh hoa của châu Âu đều có mặt ở đó: giáo hoàng và triều đình của ông, các đại diện của gia tộc Medicis, các chủ ngân hàng đầy thế lực đang cai trị vùng Florence bằng bàn tay thép. Toscanelli viết: “Vị sứ giả quả quyết với chúng tôi tình cảm của dân tộc ông đối với Kitô giáo. Sau đó tôi nói chuyện với ông ta rất lâu về nhiều đề tài: sự vĩ đại của các hoàng cung Trung Hoa, chiều dài và độ sâu đáng kinh ngạc của các dòng sông và nhiều thành phố nằm trên bờ sông của Trung Hoa (...). Có nhiều nhà bác học, triết gia, thiên văn học và nhà khoa học tự nhiên đang cai trị vương quốc vĩ đại này”.

Gavin Menzies nói rằng người Trung Hoa đến để giới thiệu với giáo hoàng La Mã về vị hoàng đế thứ 5 của triều đại nhà Minh tên là Minh Thành Tổ và quả quyết người phương Tây sẽ đưa lễ vật sang cống nộp ở Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh như một cử chỉ tuân phục. Còn ông ta có sứ mệnh khai hóa các dân tộc “man di mọi rợ” để họ tìm đường hướng về đế quốc Trung Hoa. Đó là lý do vì sao vị sứ giả mang theo một quả cầu và nhiều tấm bản đồ, trên đó ghi lại những hải cảng lớn của thế giới đã từng đi qua. Họ cũng tặng một quyển lịch gọi là Shoushi và những bàn tính để xác định vị trí của sáu hành tinh, Mặt trời, các ngôi sao và sao chổi. Có cả một phương pháp để dự đoán trước các ngày xuân phân và thu phân, kể cả tại vùng Florence. Trước những quà tặng này, Toscanelli như chết điếng: những bản đồ thiên văn cho thấy Trái đất quay xung quanh Mặt trời và tự quay trên chính mình.

Phóng to
Nicolas Copernic đưa ra lý thuyết “Mặt trời là trung tâm” từ những khảo luận của Trung Hoa
Phát hiện này nghe như tiếng sét ngang trời! Cho đến lúc này các nhà thông thái Kitô giáo đều suy nghĩ giống như giáo hội: Trái đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời phải xoay quanh Trái đất. Dù sao chính ở thời kỳ này mà Toscanelli và các nhà bác học khác đã làm lại các phép tính, dẫn đến luận điểm mới về việc Trái đất quay xung quanh Mặt trời. Điều đó bắt đầu phổ biến tại các trường đại học lớn ở châu Âu. Theo Gavin Menzies, những quan sát của các nhà bác học tại Florence (tính vĩ độ và kinh độ, xác định độ nghiêng tối đa của Mặt trời, tức góc tạo thành với đường xích đạo), đều xuất phát từ việc nghiên cứu các tư liệu của người Trung Hoa. 50 năm sau tại Cracovie, Ba Lan, Copernic đã tìm thấy công trình của các nhà bác học Ý. Lý thuyết của ông về “Mặt trời làm trung tâm” được gọi là “Cuộc cách mạng Copernic” tạo cho châu Âu một cái nhìn mới về vũ trụ.

Menzies kể lại: đến Florence năm 1434 sau cuộc hành trình kéo dài ba năm (xem bản đồ), xuất phát từ Nam Kinh (cố đô Trung Hoa), đi qua Calicut tại Ấn Độ, Le Caire, Alexandrie rồi đến Venise, đoàn tàu Trung Hoa được một “con sói biển” dẫn đầu, đó là hoạn quan Trịnh Hòa. Ông đã từng thực hiện bảy cuộc hành trình đến Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, với một đoàn tàu lên đến 100 chiếc. Con tàu lớn nhất, đóng bằng gỗ tếch gọi là Baochuan dài 120m, gấp ba lần những tàu buồm của châu Âu. Đoàn tàu Trung Hoa là một pháo đài nổi có thể chở được hơn 20.000 người, được bảo vệ bằng đạn pháo miểng, tên lửa và đại bác bắn phân vào kẻ thù! Trên đó có 180 lương y để chăm sóc sức khỏe cho binh sĩ. Để luôn có thịt ăn, người ta nuôi nhái dưới khoang tàu. Hàng tấn rau và đậu nành được trồng không cần đất cho phép họ không mắc bệnh scorbut (do thiếu vitamin C). Để củng cố cho giả thuyết người Trung Hoa đến châu Âu, Gavin Menzies còn cho biết các tù binh châu Á của họ đều có gốc gác tại Hvar, một hòn đảo nằm giữa Venise và Alexandrie. Dân chúng ở đây có hệ di truyền rất hiếm đối với người châu Âu nhưng lại phổ biến ở Trung Á. Nếu luận điểm này đúng thì người Trung Hoa trở thành những nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại! Chưa ai từng đi xa đến như thế, lâu như thế, với nhiều chiến thuyền và đoàn người đi theo hỗ trợ đông đảo đến như thế.

Chiếc trực thăng của Leonard de Vinci, xuất phát từ một đồ chơi của Trung Hoa

Phóng to
Những con tàu của Trịnh Hòa chở theo phân nửa kiến thức của nhân loại. Chúng chứa đầy những quyển sách in (chữ in đã xuất hiện tại Trung Hoa vào thế kỷ 11, 400 năm trước Gutenberg). Menzies quả quyết các thủy thủ đã bán đồ đạc tại các hải cảng Ý để cải thiện thu nhập. Trong số đó có quyển từ điển bách khoa Nung Shu, với những hình vẽ mô tả máy móc nông nghiệp, cối xay gió, kỹ thuật tưới tiêu... Những hình vẽ này người ta tìm thấy giống hệt các phác họa của Leonard De Vinci! Vòi nước, nắp cống, súng, nhảy dù... hầu hết các phát minh của bậc thầy khoa học hiện đại đã có sẵn trong những quyển sách được mang đến từ bên kia địa cầu! Phác họa chiếc máy bay trực thăng của Vinci cũng thế: nó xuất phát từ một món đồ chơi của người Trung Hoa nhập vào xứ Ý trong những năm 1440. Gavin Menzies cho rằng Leonard de Vinci chỉ là một người... sao chép lại! Dù sao cũng có điều chắc chắn: ra đời năm 1452, Leonard chưa bao giờ có thể gặp được người Trung Hoa. Vào thời của ông, kiến thức phương Đông đã xâm nhập rộng rãi vào giới trí thức Ý.

Chẳng hạn như nghệ thuật hội họa. Phát minh lớn của thời Phục hưng là luật phối cảnh. Nhà toán học Leon Battista Alberti đã hệ thống hóa thành lý thuyết trong quyển khảo luận De

pictura, ảnh hưởng rất lớn đến các họa sĩ lừng danh như Raphael, Michel Ange và cả... Leonard de Vinci! Menzies nói Alberti vốn là cố vấn của giáo hoàng và đã từng gặp các sứ giả Trung Hoa vào năm 1434! Ông hết sức kinh ngạc với học thuyết thực dụng của người Trung Hoa. Trong lúc cả châu Âu chỉ nhìn thấy bàn tay Chúa ở khắp mọi nơi thì người Trung Hoa đã khám phá ra trật tự và đưa tinh thần duy lý soi rọi vào mọi việc. Khi Alberti xuất bản cuốn De pictura năm 1435, ông đã thấm nhuần quan điểm nhìn sự vật mới mẻ này. Ông khuyên các nghệ sĩ thoát ra khỏi các quy ước tôn giáo (như vẽ các thiên thần bay trên bầu trời óng ánh vàng) và mô tả cảnh vật thực tế, trong đó tác dụng chiều sâu của tranh sẽ có được nhờ những đường thẳng hội tụ về một điểm.

Phóng to

Christophe Colomb và tấm bản đồ Trung Hoa năm 1434

Paolo Toscanelli rất quen thân với Alberti. Hai người thường gặp nhau ở các buổi tiếp tân sang trọng được tổ chức tại lâu đài Palazzo Vecchio của dòng họ Medicis, và họ có thể đã tiết lộ những bí mật của nền khoa học Trung Hoa cho giới trí thức Florence, nơi lý tưởng để khai sinh ra học thuyết nhân bản Quattrocento. Nhưng Toscanelli còn quen biết với cả Christophe Colomb. Năm 1474, chính ông đã viết cho nhà thám hiểm tương lai này bức thư kể lại cuộc gặp gỡ của mình với các sứ giả Trung Hoa. Ông viết: “Tôi biết rõ anh có chí lớn là muốn đi về hướng tây. Cuộc hành trình này sẽ mang lại lợi ích vô số kể và danh tiếng lẫy lừng cho anh trong thế giới Kitô giáo”. Để giúp bạn mình vượt biển, ông gửi tặng một tấm bản đồ, vẽ ra con đường đi đến Ấn Độ và những vùng đất mà người châu Âu chưa từng biết: châu Mỹ và quần đảo Antilles! Colomb đến được quần đảo Bahamas 18 năm sau đó bởi sự gan lì và... thông tin mách nước của người Trung Hoa! Giả thuyết này có kỳ quái? Không! Trong quyển nhật ký, nhà thám hiểm này đã từng thú nhận: nhìn thấy quần đảo Caribê trên một tấm bản đồ... Đối với Menzies, đó chính là chứng cứ người Trung Hoa đã phát hiện ra tân thế giới ít nhất là từ... 60 năm trước đó.

Nếu Menzies có lý, vai trò của người châu Âu trong lịch sử nhân loại hoàn toàn bị đảo lộn. Colomb, Amerigo Vespucci, Magellan... đều bị “xuống hạng”! Chỉ có điều chứng cứ của họ đã được xác nhận rồi.

Phóng to
Leonard De Vinci: cùng với phác thảo cây nỏ của mình được phỏng theo từ điển bách khoa Nung Shu của Trung Hoa, xuất bản năm 1313
Felipe Fernandez - Armesto, giáo sư lịch sử Trường đại học London, cho rằng: “Không có gì cho thấy Toscanelli dựa vào các sứ giả Trung Hoa. Không có gì chứng minh chắc chắn các sứ giả đã đến bằng tàu. Phần Leonard De Vinci, giáo sư lịch sử Trường đại học Oxford Martin Kemp nói “thiếu cơ sở chắc chắn” trong phân tích của Menzies. Ông nói: “Không phải vì hai sự việc giống nhau mà cho rằng cái này sao chép cái kia”. Theo ông, thời kỳ Phục hưng đã bắt đầu từ rất lâu, trước khi người Trung Hoa đến, vào lúc châu Âu phát hiện các văn bản cổ bằng tiếng Hi Lạp và Latin. Có nghĩa là vào cuối thế kỷ 13. Khi đó các nhà bác học lao vào các thảo luận thiên văn của Samos, vào thời đại Aristote. Ông này đã từng mô tả Trái đất quay quanh Mặt trời vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ngoài ra còn phải kể đến sự bảo trợ của các gia tộc thương buôn lớn tại Venise, Florence và Gênes. Họ hào phóng bỏ tiền tài trợ cho mọi lĩnh vực nghiên cứu. Chính điều đó đã dẫn đến thời kỳ Phục hưng. Cuối cùng sự xuất hiện của người Trung Hoa chỉ làm tăng tốc thêm cho một phong trào đã có từ trước đó.

Sau cái chết của hoàng đế năm 1435, Trung Quốc tự bế quan tỏa cảng

Phóng to
Dù sao Gavin Menzies cũng đã nhắc nhở chúng ta nhớ rằng người Trung Hoa đã từng dẫn đầu nền văn minh khoa học kỹ thuật nhân loại. Họ từng khống chế được đại dương, phát minh ra giấy, máy in, súng và cả la bàn. Họ đi trước châu Âu với khoảng cách “nhiều năm ánh sáng”. Với những chuyến phiêu lưu đến châu Phi và châu Á của mình, Trịnh Hòa là nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Nhưng sau cái chết của hoàng đế nhà Minh năm 1435, Trung Hoa đã tự bế quan tỏa cảng. Những cuộc thám hiểm bị xem là quá tốn kém, những báo cáo của đô đốc Trịnh Hòa bị hủy bỏ, các xưởng đóng tàu bị ngưng hoạt động, việc học tiếng nước ngoài bị cấm. Cùng lúc đó, người châu Âu bắt đầu khai thác tài nguyên của Trái đất. Họ đi đến châu Mỹ, châu Phi, châu Á, đi vòng quanh thế giới. Còn Trung Hoa chìm trong bảo thủ và tự cô lập mình cho đến... cuối thế kỷ 20. Ngày nay cường quốc kinh tế thứ ba thế giới này đã khôi phục vinh quang cho đô đốc Trịnh Hòa vào năm 2005. Như để nhắn gửi với thế giới rằng đóng cửa là chết, là lụi tàn, mở cửa là con đường phát triển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận