Trung Quốc: Hết thời "Vĩnh bất gia phú"?

NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/07/2023 10:26 GMT+7

TTCT - Từ khi cải cách mở cửa tới nay, về cơ bản chính quyền Trung Quốc đã tuân thủ lời dặn của vị đệ nhất quân chủ nước này Khang Hi trước khi ông qua đời: "Vĩnh bất gia phú" (vĩnh viễn không tăng thuế), nhưng tình hình đang phải thay đổi.

Thị trường bất động sản ảm đạm đã ảnh hưởng tới doanh thu của nhiều địa phương Trung Quốc. Ảnh: CNN

Thị trường bất động sản ảm đạm đã ảnh hưởng tới doanh thu của nhiều địa phương Trung Quốc. Ảnh: CNN

Chính phủ Trung Quốc không phải là chính phủ duy nhất trên thế giới đang gặp vấn đề thâm hụt ngân sách, đặc biệt sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề ở Trung Quốc đang diễn biến xấu một cách nhanh chóng. Điều này đã đặt chính quyền Trung Quốc trước bài toán phải tăng nguồn thu từ các loại thuế hay phải giảm chi (vốn không dễ dàng gì) trong thời gian tới.

Chính sách thuế thúc đẩy sức cạnh tranh

Hơn 15 năm trước khi tôi nhận được học bổng khá hào phóng của một quỹ khuyến học Mỹ để du học tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc, thì một điều thuận lợi với tôi lúc đó là không phải đóng thuế với số tiền học bổng. Nhưng vài năm sau, khi tôi lại được một học bổng du học Mỹ khá danh giá, tôi đã phải đóng thuế. 

Điều đáng nói là hiện giờ, Trung Quốc cũng không còn miễn thuế cho các học bổng lớn kiểu này nữa: 10 năm qua, chính phủ nước này đã thực hiện một loạt cải cách thuế để tạo cơ sở thuế lớn và rộng, mang tính bao phủ hơn. Vận hành nền kinh tế số 2 thế giới đòi hỏi chính phủ phải chi tiêu lớn hơn nhiều.

Chính sách thuế hiệu quả cũng là nền tảng cho tham vọng kinh tế của Trung Quốc trong thế kỷ 21 khi họ muốn có nguồn ngân sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra "xã hội khá giả". Tuy nhiên nước này có những vấn đề lớn về thuế khi cơ sở thuế của họ hiện khá hẹp: chính quyền chỉ thu thuế được từ khoảng 10% dân số. 

Trong năm 2020, tỉ lệ thuế trên GDP của Trung Quốc là 20,1%, thấp hơn mức trung bình của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) là 33,5%. Thậm chí tỉ lệ này của Việt Nam còn cao hơn của Trung Quốc: 22,7%.

Nhiều cải cách về thuế ở Trung Quốc đã diễn ra những năm gần đây, đặc biệt là với thuế thu nhập cá nhân, khi mức cao nhất hiện lên tới 45%. Tin tức về các ngôi sao giải trí như Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, Đặng Luân phải nộp phạt hàng trăm triệu USD do trốn thuế nếu không muốn vào tù cũng chính là một phần của cuộc cải tổ đó.

Nhưng nhìn vào bức tranh lớn hơn, thu ngân sách từ thuế của Trung Quốc hiện vẫn không đủ để bù đắp cho chi tiêu của chính quyền. Tình hình trở nên trầm trọng khi Chính phủ Trung Quốc phải tăng chi để duy trì chính sách zero Covid, gây ra gánh nặng lớn với các kho bạc của nhà nước. 

Chi tiêu ngân sách cho y tế tăng 17,8% vào năm 2022, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng chi của bất kỳ hạng mục nào khác. Trong khi đó, nhà nước phải giảm thuế để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng sau đại dịch. Chính phủ đã hứa sẽ cải thiện các chính sách ưu đãi thuế trong năm nay, đưa ra nhiều cắt giảm và hoàn thuế hơn, để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tại cuộc họp Lưỡng hội tháng 3-2023, thì năm 2022 Trung Quốc thâm hụt 3,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (NDT) (khoảng 505 tỉ USD): thu ngân sách 22,8 nghìn tỉ NDT và chi 26,2 nghìn tỉ NDT.

Thâm hụt đang có vẻ sẽ còn tệ hơn vào năm 2023 này. Cuối tháng 3-2023, Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành chính sách thuế ưu đãi với một số doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh để hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến cuối năm 2024, nhà nước sẽ đánh thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, so với mức tiêu chuẩn 25%, với các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu hằng năm dưới 1 triệu NDT (khoảng 145.000 USD). Ngân sách năm 2023 dự kiến thu là 23,6 nghìn tỉ NDT và chi tiêu dự kiến là 27,5 nghìn tỉ NDT, tương đương mức thâm hụt dự kiến gần 3,9 nghìn tỉ NDT (khoảng 564 tỉ USD).

Nguy cơ cạn kiệt nguồn thu từ đất

Tình hình ngân sách khó khăn càng thêm phức tạp khi thị trường bất động sản, vốn là nguồn thu chính cho nhiều chính quyền địa phương, trầm lắng và vẫn chưa thoát nguy cơ vỡ nợ. 

Giống như ở Việt Nam, luật định tại Trung Quốc là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng tốc vài thập niên qua, đất đai trở thành "con bò sữa" cho nhiều chính quyền địa phương. Báo cáo năm 2017 của OECD cho thấy nguồn thu chính của các chính quyền đô thị Trung Quốc là phí cho thuê đất công. 

Cho đến năm ngoái, thu ngân sách từ cho thuê đất chiếm 7% nền kinh tế Trung Quốc. Để so sánh, mức trung bình với thuế bất động sản ở 38 nền kinh tế OECD chỉ là 1,9%.

Vấn đề thuế ở Trung Quốc cũng bộc lộ mối quan hệ gập ghềnh giữa chính quyền trung ương và địa phương: thu thuế là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng họ không có nhiều động cơ mở rộng cơ sở thuế ra ngoài đất đai do chính sách phân chia phần thuế thu được hiện giờ. 

Cụ thể, 60% tiền thuế mà chính quyền địa phương thu từ doanh nghiệp phải được nộp lại cho chính quyền trung ương, trong khi tất cả nguồn thu từ đất thì địa phương được giữ lại.

Với quy mô thị trường bất động sản Trung Quốc, doanh thu từ cho thuê đất dài hạn (20-70 năm) trong vài thập niên qua đã giúp nước này duy trì các loại thuế khác ở mức thấp nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Ngân sách thu được từ bán và cho thuê đất cũng đã giúp nhiều chính quyền địa phương trang trải chi phí phát triển hạ tầng, giáo dục và y tế công lập... Nhưng sự sụp đổ của thị trường bất động sản vài năm gần đây khiến hàng chục hãng địa ốc lớn vỡ nợ trái phiếu, hàng loạt dự án dang dở, chứ đừng nói đến phát triển những dự án mới. Nguồn thu của nhà nước vì vậy cũng cạn dần.

Khi doanh thu ngân sách từ đất đai yếu, thâm hụt ngân sách cao và nợ phải trả tăng lên, lo ngại về rủi ro vỡ nợ bắt đầu xuất hiện với các chính quyền địa phương khi họ không có được nguồn thu đủ đa dạng để tài trợ cho các khoản chi tiêu cần thiết. 

Những chính quyền địa phương đang nợ đầm đìa của Trung Quốc đang trên bờ vực vỡ nợ ngay trong năm nay là Thiên Tân, Trùng Khánh, Giang Tô, Vân Nam và Quý Châu - 5 khu vực có tỉ lệ nợ cao nhất năm 2021, theo tính toán của công ty chứng khoán Trung Quốc GF Securities. Một số thành phố ở các địa phương đó đã phải giảm lương công chức.

Các gói hỗ trợ ngân sách của chính quyền trung ương là một khả năng để giải cứu các địa phương này, nhưng Trung Quốc cho tới giờ đã không chuyển sang nguồn thu vốn là lựa chọn hiển nhiên ở nhiều nước khác: thuế bất động sản. 

Ngân sách ở Mỹ chẳng hạn, đặc biệt phụ thuộc vào thuế bất động sản. Nguồn thu từ loại thuế này chiếm khoảng 3% GDP nước Mỹ, là nguồn thu chủ lực của các chính quyền địa phương, phần lớn được chi tiêu cho hệ thống giáo dục công lập.

Vì sao ngại thuế bất động sản?

Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn không đánh thuế định kỳ trên diện rộng với tài sản nhà ở. Dù ngay từ năm 2003, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định: "Khi điều kiện cho phép, một loại thuế tài sản thống nhất và tiêu chuẩn hóa sẽ được đánh vào bất động sản". 

Nhưng cho tới nay sắc thuế này vẫn chưa được triển khai trên thực tế, một thực tế khác thường với những nền kinh tế tầm cỡ. Các chuyên gia nói chung nhất trí rằng thuế bất động sản định kỳ là có cơ sở rộng, ổn định, đặc biệt giá trị để tăng doanh thu ở cấp địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhưng Trung Quốc rồi cũng phải thay đổi. Một trong những nỗ lực đặt nền móng cho thuế bất động sản của chính phủ nước này là thiết lập hệ thống đăng ký bất động sản toàn quốc. 

Ngày 25-4-2023, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết sau một thập kỷ nỗ lực, họ đã số hóa được hơn 1,5 tỉ hồ sơ sở hữu nhà đất trên toàn quốc và sẽ cập nhật theo thời gian thực. Tuy nhiên, tình hình thị trường nhà đất quá mong manh hiện nay có thể khiến việc triển khai sắc thuế này là bất khả trong tương lai gần.

Báo Mỹ New York Times tháng 5-2023 chạy bài "Tại sao Trung Quốc không có thuế bất động sản?" cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không sớm áp thuế bất động sản định kỳ. Các e ngại bao gồm từ kỹ thuật đánh thuế đến vấn đề kinh tế (gây tổn hại cho các chủ sở hữu nhà vào thời điểm nhạy cảm với thị trường bất động sản) đến chính trị (gây thiệt hại cho chính giới quan chức, vốn cũng là những người sở hữu nhiều nhà đất).

Ngoài ra, sự phản đối của công chúng với thuế bất động sản cũng phải tính tới: nhiều người Trung Quốc phải dành dụm cả đời mới mua được nhà, họ không muốn lại phải trả thêm một khoản tiền thuế như vậy hằng năm; tâm lý chung vẫn chưa quen với một sắc thuế như thế này; và cả chuyện dân chúng thiếu niềm tin vào hệ thống thuế khóa công bằng. ■

Ông Lâu Kế Vĩ - cựu bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, người ủng hộ mạnh mẽ cải cách hệ thống tài khóa Trung Quốc - viết trên Twitter vào tháng 2: "Thuế bất động sản là loại thuế phù hợp nhất dưới dạng thuế địa phương và nên được thí điểm càng sớm càng tốt sau khi nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng bình thường". Nhưng vấn đề là động lực chính trị cho việc áp loại thuế này cần phải vượt qua các e ngại khác.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận