Trung Quốc và hai cơn gió ngược tài chính

NGUYỄN THÀNH TRUNG 09/12/2024 09:33 GMT+7

TTCT - Nợ địa phương của Trung Quốc vừa được cơ cấu với khoản tiền khổng lồ 1.400 tỉ đô la sau nhiều năm phình to vì phát triển cơ sở hạ tầng ồ ạt, trong khi một cuộc thương chiến mới với Mỹ đang chực chờ cùng tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trung Quốc và hai cơn gió ngược tài chính - Ảnh 1.

Ảnh: Finimize

Nền kinh tế Trung Quốc do đó được dự báo sắp đứng trước một ngã ba đường khó khăn.

Tỉnh miền núi Quý Châu của Trung Quốc từng được biết đến là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nhưng giờ đây nơi này nổi tiếng vì có cây cầu Bắc Bàn Giang được sách kỷ lục Guinness công nhận là cây cầu cao nhất thế giới. 

Cao 565m so với mặt sông bên dưới, tương đương tòa nhà 200 tầng, và tổng trọng lượng gần 30.000 tấn, cây cầu dài 1.341m nối hai tỉnh Quý Châu và Vân Nam bắc qua khe núi sâu được mệnh danh là vết nứt của trái đất. 

Nó là công trình tiêu biểu cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Quý Châu để giúp tỉnh này thoát nghèo, và nhận được nhiều tán dương từ giới lãnh đạo trung ương.

Tuy nhiên, những thứ hoành tráng thường rất đắt đỏ. Theo báo Financial Times (Anh), nợ công của tỉnh Quý Châu lên tới 1.200 tỉ nhân dân tệ (165,7 tỉ USD) vào cuối năm 2022. 

Với tỉ lệ nợ trên tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) là 62%, Quý Châu là một trong những tỉnh mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc. Nếu bao gồm cả nợ ngoài sổ sách, con số này có thể lên tới 137%!

Quý Châu cũng không phải là ngoại lệ, khi nhiều địa phương khác ở Trung Quốc đang nợ nần chồng chất. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) tháng 7-2024 có bài viết tiêu đề: "Hàng ngàn tỉ USD nợ tiềm ẩn từng thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng giờ đây đe dọa tương lai nước này". 

Theo bài báo, các chính quyền địa phương đã phải gánh khoản nợ ngoài sổ sách lên tới 11.000 tỉ USD để xây dựng các khu công nghiệp, hệ thống giao thông và dự án nhà ở..., nhiều dự án đó giờ coi như đã thất bại khi thị trường bất động sản lao dốc.

Hôm 8-11, chính quyền trung ương Trung Quốc công bố gói "giải cứu" tổng trị giá 10.000 tỉ tệ (1.400 tỉ USD) trong vòng 5 năm để giải quyết vấn đề nợ công địa phương, đồng thời phát đi tín hiệu sẽ có thêm hỗ trợ vào năm tới. 

Gói tài chính này bao gồm tăng trần nợ cho chính quyền địa phương thêm 6.000 tỉ tệ trong ba năm, để họ có thể đảo nợ với các khoản nợ ẩn được ước tính ở mức 14.300 tỉ tệ vào cuối năm 2023. Nhà chức trách cho biết các biện pháp mới sẽ cắt giảm khoản nợ xuống còn 2.300 tỉ tệ vào năm 2028.

Trung Quốc và hai cơn gió ngược tài chính - Ảnh 2.

Cầu Bắc Bàn Giang nối hai tỉnh Quý Châu và Vân Nam. Ảnh: Wikipedia

Gói tài chính không đưa ra khoản vay mới nào, mà chủ yếu để giảm bớt căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương và ổn định tăng trưởng kinh tế đang suy yếu. 

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,6% trong quý 3-2024, không đạt mục tiêu 5% đề ra hồi đầu năm. 

Theo ông Larry Hu, kinh tế gia tại tập đoàn quản lý tài sản Macquarie, giới chức Trung Quốc đã kiềm chế việc công bố gói kích thích kinh tế trực tiếp, mà tập trung vào hoán đổi nợ, do cần chờ chính sách thương mại của Mỹ dưới thời tổng thống đắc cử Donald Trump.

Nợ địa phương

Ở Trung Quốc có sự phân biệt rõ ràng giữa khoản vay của chính quyền trung ương và nợ của chính quyền địa phương. Bảng cân đối kế toán của chính phủ trung ương hiện vẫn gọn gàng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính nợ tồn đọng của Bắc Kinh chỉ khoảng 24% GDP vào cuối năm 2023, vào loại thấp nhất trong các nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải là nợ của chính quyền trung ương, mà là ở các tỉnh thành địa phương. Theo IMF, nợ chính thức của chính quyền địa phương lên tới 31% GDP vào cuối năm 2023. 

Chưa hết, khoản nợ ngầm không hiển thị trên bảng cân đối kế toán còn lớn hơn nhiều. Nợ ngầm này tích lũy qua các công ty đầu tư tài chính địa phương (LGFV), được chính quyền địa phương sử dụng để lách giới hạn nợ chính thức, chiếm tới gần 48%. 

Nợ của các quỹ chính quyền địa phương khác chiếm thêm 13%, khiến tổng nợ các thể loại ở địa phương tăng thêm tới 116.000 tỉ tệ, tức khoảng 16.000 tỉ USD. Đây là mức tăng 35% so với năm 2018.

Hệ quả là chính quyền Trung Quốc phải căng mình đối phó. Theo tờ South China Morning Post, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã chi mạnh tay cho cơ sở hạ tầng qua các LGFV. 

(Theo định nghĩa của IMF, nợ ẩn là khoản vay chính quyền phải chịu trách nhiệm cuối cùng, nhưng không được công bố công khai).

Tất nhiên, chính quyền địa phương mạnh dạn phóng tay là do có sự chỉ đạo và cho phép từ trên. Trong hệ thống chính trị Trung Quốc, không có chuyện địa phương "độc lập tác chiến" như ở Mỹ, những động thái quan trọng của họ đều cần cấp trên "bật đèn xanh". 

Chính quyền địa phương được yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong kế hoạch kích thích tài chính năm 2008 trị giá khoảng 4.000 tỉ tệ (552 tỉ USD) thời tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, đồng thời phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm các khoản vay ngân hàng qua các LGFV và những nền tảng khác.

Các công ty tài chính địa phương cũng được phép phát hành trái phiếu địa phương và vay ngân hàng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, qua đó nâng cao giá trị bất động sản, lúc bấy giờ là nguồn thu chính để họ trang trải nợ vay. 

Ngân hàng về cơ bản coi các LGFV là khách hàng an toàn, nhưng các khoản nợ qua LGFV chưa bao giờ xuất hiện trên sổ sách của chính quyền địa phương.

Cách thức tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy giúp hàng loạt tỉnh thành Trung Quốc phát triển thịnh vượng trong suốt hai thập kỷ tăng trưởng thần tốc vừa qua, khi họ vay nợ ồ ạt để đầu tư ồ ạt vào hạ tầng. 

Trung Quốc và hai cơn gió ngược tài chính - Ảnh 3.

Một dự án bất động sản đã hoàn thành nhưng vẫn hoang vu gần thành phố Hàng Châu. Ảnh: Reuters

Những cây cầu ấn tượng như Bắc Bàng Giang, những tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc mọc lên chi chít, trong khi bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương không xuất hiện thêm các khoản nợ mới. 

Thị trường bất động sản bùng nổ trong giai đoạn này đã giúp mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khi phần lớn thu nhập của chính quyền địa phương là từ bán quyền sử dụng đất và các loại thuế liên quan đến bất động sản. Nhưng nguồn thu đó bắt đầu tiêu tan khi lĩnh vực bất động sản đứng hình, rồi sụt giảm, vào năm 2021.

Cơn hăng say đầu tư công hẳn còn chưa dừng lại nếu không có đại dịch COVID-19. Ba năm kiểm soát chặt chẽ bằng chính sách zero COVID và sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã làm cạn kiệt kho bạc của nhiều chính quyền địa phương. 

Doanh số bán căn hộ giảm xuống chỉ còn 9,6 triệu đơn vị vào năm 2023 - thấp nhất kể từ năm 2012, và thấp hơn nhiều so với mức cao gần 14 triệu căn năm 2021.

Thu nhập giảm trong khi nợ ngày càng phình to khiến một số chính quyền địa phương phải giảm lương công chức và tăng thêm nợ nần. 

Vấn đề đã trở nên trầm trọng đến mức một số thành phố Trung Quốc hiện không thể cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, bao gồm dịch vụ vận tải công cộng và trợ cấp nhiên liệu, giữa mùa đông khắc nghiệt. Nguy cơ vỡ nợ đang gia tăng, nếu chính quyền trung ương không can thiệp.

Giải pháp

Khi thảo luận về kế hoạch hỗ trợ tài chính tại cuộc họp báo tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề nợ chính quyền địa phương. 

Trung Quốc và hai cơn gió ngược tài chính - Ảnh 4.

Dự án bất động sản cao cấp gồm toàn biệt thự trở thành khu đô thị ma ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Getty

Lo lắng ở Bắc Kinh hiện nay là không dấn sâu nữa vào nợ nần. Suy nghĩ này cho rằng bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào cũng sẽ chỉ dẫn đến tích tụ nợ nhiều hơn và cuối cùng đe dọa đến an ninh tài chính.

Nhà chức trách đã tăng số nợ mà chính quyền địa phương được phép huy động qua trái phiếu đặc biệt thêm 6.000 tỉ tệ (836 tỉ USD) trong ba năm tới. Điều này nâng hạn ngạch trái phiếu đặc biệt của họ lên 35.520 tỉ tệ và trần nợ tổng thể lên 52.790 tỉ tệ.

Có thể quy mô hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh cho các địa phương sẽ còn phải tăng sau khi ông Trump - người đã đe dọa áp thuế ít nhất 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - nhậm chức vào tháng 1-2025. 

Trung Quốc hiện cần tiết kiệm "đạn dược" tài chính để chuẩn bị đối phó với chiến tranh thương mại Trump 2.0. Trả lời phỏng vấn, ông Lam Phật An nói Chính phủ Trung Quốc "sẽ có biện pháp" với vấn đề này, nhưng không cho biết chi tiết. 

Hiện Trung Quốc vừa phải lo giải quyết "nợ trong nhà", nhưng cũng phải trông chừng ngoài ngõ khi sắp có cơn gió ngược thổi vào. "Lưỡng nan tài chính" trong thời gian tới quả thật không dễ chịu chút nào đối với chính quyền Bắc Kinh. ■

Tờ Nhất Tài Toàn Cầu chuyên về tài chính dẫn dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết năm 2022, nợ của chính quyền địa phương là 35.000 tỉ tệ (5.200 tỉ USD).

Theo truyền thông nhà nước vào tháng 1-2023, các khoản thanh toán lãi trái phiếu chính quyền địa phương đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỉ tệ (148 tỉ USD).

Còn theo ước tính của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc lớn hơn nhiều, tới 94.000 tỉ tệ vào cuối năm 2022.

IMF, được hãng tin Reuters dẫn lại, cho rằng tổng nợ phát sinh qua các nền tảng tài chính công địa phương đã lên tới 60.000 tỉ tệ (8.300 tỉ USD) vào cuối năm 2023, tương đương gần 48% GDP.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận