TTCT - Bản tin của World Nuclear News (WNN, Tin tức hạt nhân thế giới) 27-11 trịnh trọng loan báo: “Tổ máy [điện hạt nhân] Hỏa Long 1 đầu tiên thế giới nối vào lưới điện”, trong đó cho thấy năng lực kỹ thuật hạt nhân dân dụng của Trung Quốc nay đang có bước tiến như thế nào! Thế nhưng, Hỏa Long 1 thực sự là gì, từ đâu ra, lại là một câu chuyện khác. Lò phản ứng Hỏa Long 1 ở Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, “cất nóc” vào tháng 5-2018. Ảnh: ReutersMẩu tin của WNN cho biết “tổ máy số 5 của Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc hôm nay lần đầu tiên được kết nối với lưới điện vào lúc 00:41 giờ địa phương, Tổng công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) thông báo”. Tin này quan trọng bởi những cái “nhất” của sự kiện. Theo WNN, tổ máy này là “lò phản ứng đầu tiên trong số hai lò phản ứng “trình diễn” Hỏa Long 1... đã đạt được phản ứng dây chuyền bền vững lần đầu tiên vào ngày 21-10”.WNN cho biết thêm CNNC đang liên tiếp xây dựng các lò phản ứng Hỏa Long 1 tại Nhà máy Phòng Thành Cảng ở khu tự trị Quảng Tây - các tổ máy này dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2022. CNNC còn bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng Hỏa Long 1 tại Nhà máy Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến, cộng với hai đơn vị đầu tiên tại Thái Bình Lĩnh ở Quảng Đông.Chi tiết xây một lò Hỏa Long 1 tại khu tự trị Quảng Tây đáng lưu ý do lẽ trước giờ Trung Quốc thường tập trung xây các nhà máy điện hạt nhân ở bờ biển đông nam nước này, vốn là vùng kinh tế phát triển nhất.Ý nghĩa chính trịỞ Trung Quốc, không có thứ gì là không mang ý nghĩa chính trị: CNNC nhận định, với lò phản ứng Hỏa Long 1, Trung Quốc đã “phá vỡ thế độc quyền về công nghệ điện hạt nhân của nước ngoài và chính thức bước vào hàng ngũ các nước tiên tiến về điện hạt nhân”.Điều này “nâng cao hơn nữa niềm tin của các nước vào Sáng kiến Vành đai - con đường: Đánh thức rồng”.Có thể thấy qua mẩu tin rằng đây không phải tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, mà chỉ là tổ máy đầu tiên “phá thế độc quyền về công nghệ điện hạt nhân của nước ngoài”, qua đó Trung Quốc nay “chính thức bước vào hàng ngũ các nước tiên tiến về điện hạt nhân”.Chi tiết này là mới mẻ so với thực tế năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc và cả với lịch sử nghiên cứu hạt nhân của nước này.Thật vậy, Trung Quốc đã là nước sở hữu công nghệ hạt nhân sau vụ thử từ năm 1964 và trở thành cường quốc hạt nhân thứ 5 thế giới, sau Mỹ (thử lần đầu năm 1945), Nga (1949), Anh (1952), và Pháp (1960).Trên một bình diện khác, tính đến đầu năm 2018, Trung Quốc đang làm chủ một hệ thống gồm 38 lò phản ứng hạt nhân hoạt động ngày càng nhiều, với công suất sản xuất lắp đặt là 35.820 MW, theo Diễn đàn hạt nhân (Forum nucleaire) trụ sở ở Bỉ!Cũng theo diễn đàn này, so với năm 2000, Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động để giảm sự phụ thuộc vào điện chạy bằng than và dầu hỏa, qua đó trở thành nước có sự tiến triển năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới.Chọn lựa năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có mục đích rõ rệt là để giảm thiểu tiêu thụ than và dầu hỏa, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trầm trọng ở hàng loạt thành phố lớn của Trung Quốc, chưa kể ô nhiễm nước và suy thoái đất cũng đáng ngại không kém.Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng mạnh tỉ trọng sản xuất điện bằng năng lượng không từ carbon, trong đó điện hạt nhân lên tới 50% (năm 2017 là 29%). Nói là làm, năm 2017, các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc sản xuất điện nhiều hơn năm 2016 những 16,5%.Với những người đã trải qua các biến cố toàn cầu đầu thập niên 1960, có thể cảm nhận rằng về mặt truyền thông, những tin tức về Hỏa Long 1 vừa qua cũng gây tác động không kém bản tin “Hôm 16-10-1964, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, đưa nước này trở thành quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân thứ 5 sau Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp” (có thể đọc lại bản tin đó trên trang ctbto.org, với một tấm hình khá kinh dị là một hàng người dài đứng giơ tay ăn mừng trong khi đám mây hình nấm bốc cao!).56 năm sau ngày đi vào “đài danh vọng hạt nhân” 1964 đó, Trung Quốc nay còn trở thành “ông lớn” trong tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp hạt nhân trên quy mô quốc tế, từ thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo dưỡng.Thật vậy, Trung Quốc hiện giờ, do đã kiểm soát toàn bộ dây chuyền sản xuất điện hạt nhân, có thể xuất khẩu công nghệ ra khắp thế giới.Họ đã bán 4 lò phản ứng cho Pakistan, ký hợp đồng với Romania để hoàn thành việc xây dựng các lò phản ứng ở Cernavodă, cùng các thỏa thuận khác với Argentina, Anh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Sudan, Armenia và Kazakhstan đang được đàm phán. Song song, cho đúng với mục tiêu phát triển “Vành đai - con đường”, hai lò phản ứng HPR1000 khác đang được xây dựng tại Nhà máy điện hạt nhân Karachi của Pakistan - các tổ máy dự kiến đi vào hoạt động thương mại các năm 2021 và 2022, cũng theo Diễn đàn hạt nhân.Một nghiên cứu của Yan Xu, Junjie Kang, và Jiahai Yuan năm 2018 tựa đề “Triển vọng của năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc” cũng khẳng định: “Việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Trung Quốc đã đóng góp vào sự hợp tác quốc tế của ngành công nghiệp hạt nhân và cụ thể hóa Vành đai - con đường”.Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc ở Tân Cương ngày 16-10-1964. Ảnh: SCMPHợp tác hạt nhân ra sao?Ai cũng rõ rằng Trung Quốc đã cho nổ hạt nhân lần đầu tiên vào năm 1964 và thử bom khinh khí năm 1967, song do tập trung quá nhiều vào phát triển vũ khí hạt nhân, nên lĩnh vực hạt nhân dân sự đã có lúc không được ưu tiên; chính vì thế càng cần đến hợp tác nước ngoài.Bản tin của WNN ngày 9-12-2013 tựa đề “Trung Quốc và Pháp tăng cường hợp tác hạt nhân” cho thấy nước nào đã sát cánh với Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, và từ khi nào.Bản tin cho hay: “Công ty hạt nhân Pháp Areva đã ký một loạt thỏa thuận với các công ty Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đánh dấu kỷ niệm 30 năm hợp tác hạt nhân giữa hai nước”.Năm 2013 mà hai nước đã hợp tác hạt nhân được 30 năm rồi, đây không phải là điều nhiều người biết!Trong số các thỏa thuận mà Công ty Areva đã ký có một ý định thư (LOI) với CNNC về việc liên doanh phát triển một cơ sở zirconium, trên cơ sở cung cấp nguyên, nhiên liệu dẫn đến sản xuất zirconium, từ khâu khai khoáng và tinh chế, chuyển đổi, làm giàu và thành phẩm, cùng một thỏa thuận về hợp tác năng lượng tái tạo.Nhân dịp này, CNNC còn ký kết hợp đồng với Công ty Siemens của Đức cung cấp hệ thống thiết bị đo lường và điều khiển (I&C) cho tổ máy Phúc Thanh 5 và 6.Qua các nội dung ký kết năm 2013 đó, có thể thấy thực trạng công nghệ hạt nhân Trung Quốc như thế nào, cần những gì, từ nguyên nhiên liệu cho tới thiết bị đo lường lẫn công nghệ tái tạo (chất thải hạt nhân).Thỏa thuận Areva - CNNC về thành lập liên doanh chế tạo và chuyển hóa zirconium ở Trung Quốc có nêu mức công suất tới 600 tấn zirconium mỗi năm cho thị trường nước này đến năm 2017.Zirconium là chất được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân để tạo lớp bọc bên ngoài cho các thanh nhiên liệu hình trụ cung cấp năng lượng cho lò phản ứng.Trong các hợp đồng ký kết năm 2013 đó, còn có việc Areva cung cấp hệ thống I&C cho 9 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, bao gồm 5 tổ máy đã hoạt động và 4 tổ máy đang xây dựng gồm Phúc Thanh 3 và 4 và hai lò phản ứng áp lực (EPR) - tức lò phản ứng thế hệ 3+ do Pháp thiết kế được xây dựng ở Đài Sơn, Quảng Đông.Thỏa thuận “trồng cây” năm 2013 đấy đã được đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “hái quả” nhân chuyến thăm Trung Quốc tháng 11-2019, nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.Trong “Kế hoạch hành động” của ông Macron có nêu: “Lãnh đạo hai bên hoan nghênh việc khởi động thành công hai lò EPR đầu tiên tại Đài Sơn, đây là hai lò EPR đầu tiên được đưa vào vận hành thương mại trên thế giới”. Hai bên cũng hoan nghênh việc ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng nhà máy tái chế - xử lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng”.Có thể tóm tắt câu chuyện hợp tác này thế nào? Có thể Trung Quốc có nhân lực nắm vững lý thuyết cùng một số kỹ thuật hạt nhân, còn thì từ nguyên, nhiên liệu, và cả xử lý chất thải, cho tới thiết kế lò phản ứng, vẫn cần “hợp tác” - coi như từ A tới Z.Nhưng với Hỏa Long 1, tình hình có vẻ đang thay đổi chóng vánh.■Một đòn bẩy ngoại giao mới?Trong bài báo đề ngày 30-10 vừa rồi, trang tin chuyên thể loại điều tra của Úc The Klaxon cho biết: “Các cơ quan tình báo Pháp và Mỹ cảnh báo rằng Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách bổ sung nhà máy điện hạt nhân vào bộ công cụ “ngoại giao bẫy nợ”, trong những động thái có thể làm suy yếu nghiêm trọng an ninh quốc tế và khu vực”.Cáo giác này không mới. Cho đến nay vẫn có hai cách “thu gom công nghệ”: bằng các nỗ lực cá nhân “nằm vùng” trong các viện nghiên cứu, đại học, nhà máy… nước ngoài; hoặc bằng việc mua đứt công nghệ thông qua thâu tóm các doanh nghiệp nhạy cảm dưới danh nghĩa “hợp tác quốc tế”, mà đồng tiền rải ra từ “gốc” của các chính sách.Một ví dụ của trường hợp thứ hai: Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc - hiện có 33% cổ phần trong một dự án nhà máy điện hạt nhân trị giá 18 tỉ bảng Anh ở Somerset - bị cáo buộc tìm cách thu thập trái phép các thông tin kỹ thuật. Còn với Pháp, chính là thỏa thuận CNNC - Avera nói trên. Tags: Trung QuốcHạt nhânDịch vụ 3GMạng 3GCước 3G
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.