Trường Sa - không chỉ là biển, đảo

NGUYỄN TUÂN 17/03/2013 02:03 GMT+7

TTCT - Quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng đã được các thế hệ Việt Nam khai phá và gìn giữ - ngày càng có vai trò trọng yếu đối với Việt Nam trên biển Đông và trong các mối quan hệ với thế giới.

Những hòn đảo, bãi đá, cồn cát nơi đây vẫn ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá và công bố. Trường Sa không chỉ là đảo nhỏ, là biển cả mà còn là sự sống, danh dự và tương lai của Việt Nam.

Ảnh: Imagery © TerraMetrics, Map data © Google

Thống kê của Việt Nam cho biết quần đảo có tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Bình Nguyên, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang - Thám Hiểm với 137 đảo, đá, bãi, cồn.

Phía đông nam của biển Đông có cả một vùng hình chữ nhật diện tích 52.000 hải lý vuông, được biết đến với tên “khu vực nguy hiểm” (dangerous ground). Chưa hề có một khảo sát hệ thống nào được thực hiện tại khu vực này, rất có thể ở đây có những mảng san hô và bãi cát ngầm chưa được ghi tên trên hải đồ. 

Đảo Song Tử Đông (North East Cay) ở tọa độ 11°27’B, 114°21’Đ, dài khoảng 0,4 hải lý theo hướng đông bắc - tây nam và viền quanh bởi một rạn đá lúc chìm lúc nổi kéo dài 0,5 hải lý về hướng đông bắc. Đảo cao 3m, bề rộng tối đa 91m và được phủ bởi cây bụi. Trên Song Tử Đông, một cột mốc chủ quyền Việt Nam (trong hình) được xây dựng. Philippines hiện chiếm đóng đảo này.

Đảo Song Tử Tây (South West Cay) nằm về phía đông nam của một bãi cạn cao hơn mức thủy triều thấp, có cây cối phủ dày đặc. Hòn đảo (do Việt Nam kiểm soát) có một số công trình xây dựng và một hải đăng gần trung tâm. Tàu thuyền có thể ghé vào bờ phía đông nam của đảo hoặc trú bão trong âu tàu được hoàn thành năm 2008. 

Mốc chủ quyền Việt Nam (Song Tử Đông 1963) - Ảnh: hoangsa.org

Đảo Thị Tứ (Thitu) lớn thứ hai trong quần đảo, tọa độ 11°03’B, 114°17’Đ (hiện Philippines chiếm đóng), ở phần tây nam của một rạn đá san hô lúc chìm lúc nổi. Đảo có chiều cao 4m với nhiều cỏ và cây bụi. 

Có thể lên đảo ở giữa bờ tây khi gặp gió mùa đông bắc, hoặc neo đậu phía bên ngoài rạn đá khoảng 1 hải lý về phía tây nam của đảo ở độ sâu 18m. Có một cồn cát nổi nằm cách đảo khoảng 3,5 hải lý về phía tây. Tàu thuyền cũng có thể đi vào phá qua lối phía đông của cồn cát này, với chỗ cạn nhất là 9m ở giữa kênh.

Đảo Bến Lạc (West York, đảo Dừa) lớn thứ ba trong quần đảo Trường Sa, ở phía đông cụm Loại Ta (hiện Philippines chiếm đóng). Đảo ở tọa độ 11°05’B, 115°00’Đ, có cây và lùm bụi bao phủ cùng một số cây dừa cao ở đầu phía nam. Rạn đá viền của đảo này mở rộng ra xa hơn 1,25 hải lý ở phía cạnh bắc so với những chỗ khác.  

Cụm đảo Nam Yết (Tizard Bank) cách cụm đảo Loại Ta 30 hải lý về phía nam, có chiều dài hơn 30 hải lý. Cụm này gồm một phá tiếp giáp với các bãi cạn có độ sâu bất thường và với các rạn đá lúc chìm lúc nổi. Trong phá có một số mảng san hô với độ sâu 6,8-12,8m. 

Có nhiều lối đi xuyên qua các rạn san hô viền và phá bên trong, các lối đi này đều có rất nhiều chỗ nguy hiểm khó có thể vượt qua nếu không thông thạo địa hình. Chỉ nên sử dụng những lối đi này trong các điều kiện thuận lợi nhất về ánh sáng, thời tiết và phải di chuyển rất thận trọng. Rất có thể có các chỗ sâu ít hơn 3,7m trên các bãi san hô và hình dạng của các rạn đá cũng thay đổi đáng kể. 

Đảo Song Tử Đông hiện nay - Ảnh: Imagery © TerraMetrics, Map data © Google

Đảo Ba Bình (Itu Aba, lớn nhất quần đảo Trường Sa, tọa độ 10°23’B, 114°22’Đ) cao 2m, ở góc tây bắc của cụm đảo Nam Yết, có một rạn đá thường có sóng tràn bao quanh và bên trên có xác tàu nằm mắc kẹt. Đảo được bao phủ với lùm bụi và cây cao nhất khoảng 30m. Đài Loan hiện chiếm giữ bất hợp pháp đảo Ba Bình. 

Đảo Nam Yết (Namyit Island, 10°11’B, 114°22’Đ) nằm trên cạnh nam của cụm đảo Nam Yết, cách đảo Ba Bình khoảng 12 hải lý về hướng nam, cao 18m, có cây nhỏ và lùm bụi bao phủ. Đảo nằm trên một rạn đá, rạn đá này kéo dài hơn 1 hải lý về phía tây và 0,5 hải lý về phía đông.

Cụm đảo Sinh Tồn (Union Atoll, 9°45’B, 114°25’Đ) cách đá Suối Ngọc 70 hải lý theo hướng tây - tây bắc, kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam và bao quanh phá. Phá này dài khoảng 28 hải lý và rộng 7,5 hải lý, có rất nhiều lối vào xuyên qua các rạn đá và có một nơi neo đậu bên trong. Rìa của đảo san hô vòng có rất nhiều rạn đá lúc nổi lúc chìm và nhiều cồn cát nhỏ. 

Đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef) là một đảo cát nhỏ được Việt Nam kiểm soát, cách Đá Ba Đầu - cực đông của cụm Sinh Tồn - 5 hải lý về hướng tây nam. Đảo được hình thành bởi những bãi biển cát với hai mỏm đá đen nằm trên mặt nước về phía nam. Ở phía tây có phá với độ sâu 5,5-14,6m xen lẫn với đầu san hô và chỉ có tàu thuyền nhỏ mới ra vào được. 

Đảo Nam Yết - Ảnh: Imagery © TerraMetrics, Map data © Google

Đá Hoa Lau (Swallow Reef) nằm 60 hải lý về phía đông nam của đảo An Bang và tạo thành một vành đai san hô vây quanh một phá cạn, dài 3,8 hải lý từ đông sang tây và rộng 1,2 hải lý. Ở khu vực đông và đông nam có vài mỏm đá cao 1,5-3m, mỏm cao nhất ở vị trí 7°23’B, 113°49’Đ. Ở cực tây của đá có một xác tàu mắc cạn từ năm 1959. Vào ban ngày Đá Hoa Lau có thể được nhìn thấy từ khoảng cách 8 hải lý. Malaysia đã chiếm đóng Đá Hoa Lau. 

Đảo Trường Sa (Spratly Island/Storm Island, 8°38’B, 111°55’Đ) có cỏ bao phủ, cao 2,4m, phẳng và dài dưới 0,5 hải lý, nằm khoảng 22 hải lý về hướng tây nam của Đá Tây, ở đầu nam của một bãi san hô ngầm kéo dài hơn 1 hải lý.

Đảo có viền cát trắng và san hô vỡ, được các gờ đá ngầm lúc chìm lúc nổi và các mỏm san hô vây quanh. Một ụ đá cao khoảng 5,5m nằm gần điểm nam đảo. Bờ đông của đảo có sườn dốc đứng, độ sâu hơn 18m khi cách bờ hơn 0,1 hải lý. Độ sâu dưới 14,6m kéo dài ra cách đảo 0,5 hải lý về hướng đông bắc, và độ sâu dưới 5,5m kéo dài ra cách đảo 0,5 hải lý về hướng bắc. Ở hướng tây và tây nam, độ sâu dưới 5,5m được ghi nhận ra đến phạm vi 0,2 hải lý cách đảo, ra xa hơn độ sâu sẽ tăng đột ngột.

Những hòn đảo, bãi đá, cồn cát... vẫn ẩn chứa rất nhiều điều chưa được khám phá và công bố. Trường Sa không chỉ là đảo nhỏ, là biển cả mà còn là sự sống, danh dự và tương lai của Việt Nam. Để đấu tranh cho chủ quyền Trường Sa, mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ về địa lý, lịch sử và mọi mặt của quần đảo thân thương này. Mỗi người Việt Nam phải được biết rõ về Ba Bình, về Sinh Tồn Đông, về Bến Lạc như người Hà Nội biết bờ hồ, người Huế biết về cửa Ngọ Môn, người Sài Gòn biết về chợ Bến Thành. 

Nhóm tác giả hi vọng “Để đảo xa thành gần” sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, sống động hơn và đến được với nhiều người hơn để góp phần vào con đường “Không xa đâu Trường Sa ơi” cho Việt Nam.

 Đá Gạc Ma (Johnson Reef, 9°42’B, 114°17’Đ) bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp nằm ở đầu tây nam của cụm Sinh Tồn, là đá núi lửa màu nâu với san hô trắng viền rìa bên trong. Đá Gạc Ma bao bọc không hoàn toàn một phá cạn có lối vào từ hướng đông bắc. Mỏm đá lớn nhất trên rạn đá cao 1,2m. Một số mỏm đá khác lộ trên mặt nước trên phần đông nam của rạn đá, phần còn lại của rạn đá được ghi nhận nằm dưới mặt nước.

Nước cũng được ghi nhận (1992) là đổi màu ở phía tây nam đá Gạc Ma ở vị trí 9°32,5‘B, 114°02’Đ. 

Đá Cô Lin (Collins Reef) là một rạn đá nhỏ với một cồn cát san hô ở phần đông nam, nằm cách đá Gạc Ma 1,5 hải lý về phía tây bắc. Nó tách biệt với đá Gạc Ma bởi một kênh có đáy san hô tương đối sâu.

Đá Len Đao (Lansdowne Reef) là một bãi cạn với một đụn cát trắng, nằm cách rạn đá Gạc Ma 6 hải lý về hướng đông bắc.

Gạc Ma đã mất vào tay Trung Quốc sau trận tấn công đẫm máu ngày 14-3-1988, nhiều chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh anh dũng nơi đây. Cũng trong trận hải chiến đó, quân xâm lược Trung Quốc còn tấn công các tàu vận tải và công binh Việt Nam tại đá Cô Lin và Len Đao nhưng ta giữ được hai nơi nà

(trích từ công trình “Để đảo xa thành gần” (*) của nhóm Trúc Nam Sơn)

____________

(*): Độc giả có thể tải toàn văn công trình này trên trang web của Quỹ Nghiên cứu biển Đông, tại địa chỉ www.seasfoundation.org

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận