Truyện Giáng sinh của Italo Calvino: Những đứa trẻ của Santa

ITALO CALVINO 25/12/2022 05:01 GMT+7

TTCT - Đối với giới công nghiệp và thương mại, không có khoảng thời gian nào trong năm nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn Giáng sinh và những tuần trước đó.

Truyện Giáng sinh của Italo Calvino: Những đứa trẻ của Santa - Ảnh 1.

Ảnh: Art Station

Đối với giới công nghiệp và thương mại, không có khoảng thời gian nào trong năm nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn Giáng sinh và những tuần trước đó. Từ đường phố ngân lên tiếng kèn túi run rẩy của dân vùng núi; và các công ty lớn, cho đến ngày hôm qua vẫn lạnh lùng lo việc hạch toán tổng sản phẩm và cổ tức, đã mở lòng trước những nụ cười và tình cảm của con người. Suy nghĩ duy nhất của hội đồng quản trị lúc này là mang lại niềm vui cho mọi người, gửi quà kèm theo những thông điệp thiện chí đến các cá nhân và các công ty khác; mỗi hãng đều cảm thấy phải mua một lượng lớn sản phẩm từ hãng thứ hai làm quà cho hãng thứ ba; và những hãng ấy lại mua từ một hãng khác nữa làm quà cho các hãng khác nữa; cửa sổ văn phòng sáng choang đến tận khuya, nhất là bộ phận vận chuyển, nơi các nhân viên làm việc ngoài giờ để đóng gói hàng hộp; bên ngoài những tấm kính mờ sương, trên vỉa hè được một lớp băng bao phủ, những người thổi kèn tiến đến. Từ những ngọn núi bí ẩn tăm tối đi xuống, họ đứng ở các ngã tư trung tâm, có chút lóa mắt vì những ánh đèn thừa thãi, vì những cửa hàng giàu có quá sức; và cúi đầu, họ thổi hơi vào những cây nhạc cụ của họ; trước âm thanh ấy những xung đột lợi ích nặng nề giữa các chủ doanh nghiệp được xoa dịu và chúng nhường chỗ cho một cuộc đối đầu mới: xem ai có thể trình bày món quà lồ lộ và độc đáo nhất theo cách hấp dẫn nhất.

Ở công ty Sbav năm đó, phòng quan hệ công chúng đề xuất cho một người mặc đồ ông già Noel giao quà Giáng sinh đến tận nhà cho những yếu nhân.

Ý tưởng được các giám đốc điều hành đứng đầu nhất trí. Họ mua một bộ đồ ông già Noel hoàn chỉnh: râu trắng, mũ đỏ và áo viền lông trắng, ủng lớn. Họ cho những người giao hàng mặc thử xem ai vừa nhất, nhưng người thì quá thấp làm râu chạm đất, người thì quá mập không chui vừa vào áo, người thì quá trẻ, người thì quá già mà trang điểm lại không đáng.

Trong khi trưởng phòng nhân sự tìm ông già Noel từ các bộ phận khác, các giám đốc điều hành họp lại để phát triển ý tưởng: phòng nhân sự muốn các gói quà Giáng sinh của nhân viên cũng được ông già Noel phân phát tại một buổi lễ tập thể; phòng bán hàng thì muốn ông già Noel làm một tua quanh các cửa hàng; phòng quảng cáo thì lo nghĩ làm sao cho tên công ty nổi bật, đề xuất họ nên buộc bốn quả bóng bay in các chữ cái S.B.A.V. vào một sợi dây.

Tất cả cuốn vào không khí sôi nổi, thân tình lan tỏa khắp thành phố năng suất mùa lễ hội; không gì đẹp hơn cái cảm giác của cải vật chất chảy về mọi phía và cùng với nó là tấm lòng thiện chí của mọi người đối với nhau; bởi điều này, trên hết, như tiếng kèn rền rĩ nhắc nhở chúng ta, điều này mới là điều thực sự quan trọng.

Ở bộ phận vận chuyển, hàng hóa - cả vật chất lẫn tinh thần - được chuyển qua tay Marcovaldo, bởi bốc dỡ là đại diện cho buôn bán. Và anh không chỉ tham gia vào lễ hội chung thông qua việc bốc dỡ, mà còn qua ý nghĩ ở cuối mê cung hàng trăm nghìn gói hàng đó, có một gói hàng dành riêng cho anh, do phòng nhân sự chuẩn bị; và hơn nữa, qua việc tính xem anh phải trả nợ bao nhiêu vào cuối tháng, tính tiền thưởng Giáng sinh và tiền làm ngoài giờ. Với số tiền ấy, anh cũng sẽ có thể lao đến các cửa hàng và mua, mua, mua, để tặng quà, quà, quà, như những tình cảm chân thành nhất của anh và lợi ích chung của ngành công thương đã quyết định.

Trưởng phòng nhân sự cầm bộ râu giả vào bộ phận vận chuyển. "Cậu này! - ông nói với Marcovaldo - Thử đeo bộ râu này đi. Hoàn hảo! Làm ông già Noel nhé. Lên đây. Đi nào. Cậu sẽ được thưởng thêm nếu giao được năm mươi món một ngày".

Vào vai ông già Noel, Marcovaldo đi khắp thành phố, trên yên chiếc xe ba bánh chất đầy những gói hàng bọc trong giấy đa sắc, buộc ruy băng xinh xắn và trang trí bằng những cành tầm gửi và ô rô. Bộ râu bông trắng làm anh hơi ngứa nhưng nó bảo vệ cổ anh khỏi không khí lạnh.

Chuyến đầu tiên của anh là về nhà, bởi vì anh không thể cưỡng lại cám dỗ muốn tạo cho các con một điều bất ngờ. Lúc đầu, anh nghĩ, chúng sẽ không nhận ra mình. Rồi mình cá chúng sẽ bật cười!

Lũ trẻ chơi trên cầu thang. Chúng gần như không nhìn lên. "Chào papa".

Marcovaldo thất vọng. "Hừm… Mấy đứa không thấy bố mặc thế nào à?"

"Bố phải mặc thế nào chứ? - Pietruccio nói - Như ông già Noel?"

"Thế mà vẫn nhận ra bố à?"

"Dễ ợt! Bọn con còn nhận ra bác Sigismondo, bác ấy đóng giả đẹp hơn bố nhiều!"

"Cả anh rể người gác cổng!"

"Cả bố cặp sinh đôi bên kia đường!"

"Cả chú của Ernestina - cô bé tóc bím nữa!"

"Tất cả đều đóng giả ông già Noel à?" - Marcovaldo hỏi, nỗi thất vọng trong giọng anh không chỉ vì các con không ngạc nhiên, mà còn vì anh cảm thấy uy tín công ty cũng bị giảm sút thế nào đó.

"Đương nhiên. Hệt như bố - lũ trẻ trả lời - Như ông già Noel. Đeo râu giả, lúc nào chả thế". Và quay lưng lại với anh, lũ trẻ lại mải mê chơi những trò của chúng.

Hóa ra phòng quan hệ công chúng của nhiều công ty đã có cùng ý tưởng; họ tuyển nhiều người chủ yếu là thất nghiệp, những người về hưu, những người bán hàng rong, cho họ mặc những bộ áo đỏ, đeo râu giả bằng bông. Bọn trẻ mấy lần đầu còn thích thú nhận ra người quen, hàng xóm dưới lớp ngụy trang, nhưng một lúc sau chúng đã chán và không còn để ý gì nữa.

Bọn trẻ như hoàn toàn bị hút hồn vào trò chơi của chúng. Chúng tập hợp trên chiếu nghỉ cầu thang và ngồi thành một vòng. "Cho bố hỏi mấy đứa đang tính kế gì thế?", Marcovaldo hỏi.

"Để bọn con yên, bọn con còn phải chuẩn bị quà nữa"

"Quà cho ai cơ?"

"Cho một đứa trẻ nghèo. Bọn con phải tìm một đứa trẻ nghèo để tặng quà cho nó"

"Ai bảo thế?"

"Trong sách giáo khoa ạ"

Marcovaldo định nói: "Các con chính là những đứa trẻ nghèo mà!". Nhưng tuần vừa qua anh đã trở nên tin chắc mình là một cư dân của vùng đất sung túc nơi người ta mua sắm, hưởng thụ và trao nhau những món quà, đến mức nhắc đến sự nghèo khó thì thật không phải phép; rồi anh tuyên bố: "Làm gì còn những đứa trẻ nghèo!"

Michelino đứng dậy hỏi: "Thế nên bố mới không mang quà về cho bọn con phải không?"

Marcovaldo cảm thấy tim anh nhói lên một phát. "Bố phải kiếm tiền làm ngoài giờ - anh vội vàng nói - Rồi bố sẽ mang quà về cho các con"

"Bố kiếm thế nào cơ?"

"Giao quà", Marcovaldo nói

"Cho bọn con ạ?"

"Không, cho người khác"

"Sao bố không giao cho bọn con? Thế sẽ nhanh hơn nhiều".

Marcovaldo cố gắng giải thích: "Vì bố không phải ông già Noel của phòng nhân sự, bố là ông già Noel của phòng quan hệ công chúng. Mấy đứa hiểu không?"

"Không ạ"

"Thôi bỏ đi". Nhưng bởi vì muốn xin lỗi vì đã về nhà tay không, anh nghĩ anh có thể chở Michelino đi giao quà cùng. "Nếu ngoan con có thể đến xem bố giao quà cho mọi người", anh nói, ngồi vắt qua yên chiếc xe chở hàng nhỏ.

"Đi thôi. Biết đâu con lại tìm được một đứa trẻ nghèo", Michelino nhảy lên, bám vào vai bố.

Trên các con phố của thành phố Marcovaldo gặp toàn những ông già Noel bận đồ đỏ trắng khác, hệt như anh, lái xe tải hoặc đẩy xe hàng, giữ cửa cho các khách hàng ôm đầy quà cáp hoặc giúp mang những món hàng của họ ra xe. Và tất cả những ông già Noel này trông đều tập trung, tất bật, như thể họ chịu trách nhiệm vận hành cỗ máy khổng lồ của mùa lễ hội.

Và hệt như họ, Marcovaldo chạy từ địa chỉ này sang địa chỉ khác, theo danh sách của anh, xuống xe, lục các gói hàng trong xe, chọn một, đưa cho người mở cửa, nói những lời: "Công ty Sbav kính chúc quý khách Giáng sinh vui vẻ và năm mới hạnh phúc", và bỏ túi tiền boa.

Tiền boa có thể đáng kể và Marcovaldo có thể được xem là hài lòng, nhưng có điều gì đó thiêu thiếu. Mỗi lần, trước khi bấm chuông, Michelino theo sau, anh mong đợi sự ngạc nhiên của người mở cửa thấy ông già Noel trước mặt; anh mong đợi một chút rối rít, tò mò, biết ơn. Và lần nào người ta cũng đón anh như đón bưu tá, ngày này qua ngày khác mang báo đến.

Anh bấm chuông một ngôi nhà sang trọng. Một phó mẫu ra mở cửa. "Ồ, lại một gói nữa. Cái này từ đâu đây?"

"Công ty Sbav kính chúc…"

"Thôi, mang vào đây", bà dẫn ông già Noel đi dọc một hành lang đầy những tấm thảm thêu và những chiếc bình gốm quý. Michelino tròn mắt đi theo sau cha mình.

Bà phó mẫu mở một cánh cửa kính. Họ bước vào một căn phòng trần cao, cao đến mức một cây linh sam lớn có thể nằm gọn bên dưới. Đó là một cây thông Noel được thắp sáng bởi những quả cầu thủy tinh đủ màu, trên cành treo quà và bánh kẹo đủ loại. Trên trần nhà treo chùm đèn pha lê nặng trịch, vài hạt lấp lánh mắc vào những cành cao nhất của cây vân sam. Những bình thủy tinh lọ bạc đựng mứt trái cây và những hộp chai lọ đặt trên một chiếc bàn lớn. Đồ chơi nằm vung vít trên một tấm thảm rộng, nhiều như trong một cửa hàng đồ chơi, hầu hết là các thiết bị điện tử phức tạp và mô hình tàu vũ trụ. Trên tấm thảm ấy, ở một góc trống có một cậu bé chừng chín tuổi đang nằm sấp, mặt ỉu xìu, chán nản. Cậu đang lật một tập sách tranh minh họa, như thể mọi thứ xung quanh không phải mối bận tâm của cậu.

"Gianfranco, nhìn này. Gianfranco - bà phó mẫu nói - Con xem, ông già Noel đã quay lại mang thêm một món quà nữa này?"

"Ba trăm mười hai", cậu bé thở dài, không rời mắt khỏi cuốn sách. "Để đấy đi".

"Món quà thứ ba trăm mười hai", bà phó mẫu nói. "Gianfranco thông minh lắm. Cậu đếm không sót một món nào. Đếm là niềm đam mê lớn của cậu". Marcovaldo và Michelino nhón chân ra về.

"Bố ơi, đấy có phải một cậu bé nghèo không?", Michelino hỏi.

Marcovaldo bận sắp lại hàng trong xe nên không trả lời ngay. Nhưng một lúc sau anh vội phản đối: "Nghèo á? Con nói gì vậy? Con có biết bố bạn ấy là ai không? Ông ấy là chủ tịch hiệp hội thực hiện tiêu dùng Giáng sinh. Lãnh đạo…".

Anh dứt lời, vì không thấy Michelino đâu cả. "Michelino! Michelino! Con đâu rồi?". Cậu đã biến mất.

Mình cá là nó thấy một ông già Noel khác đi ngang qua, nhầm đấy là mình nên đi theo rồi. Marcovaldo tiếp tục đi giao quà, nhưng anh hơi lo lắng và sốt ruột muốn về nhà.

Về nhà, anh thấy Michelino với mấy anh em, không chút sứt mẻ.

"Con đi đâu thế?"

"Con về nhà lấy quà… quà cho cậu bé nghèo…"

"Há? Ai cơ?"

"Cậu bé trông buồn lắm ấy ạ… trong biệt thự có cây thông Noel…"

"Bạn ấy? Con tặng được quà gì cho bạn ấy chứ?"

"Bọn con gói quà đẹp lắm… ba món quà, tất cả đều gói trong giấy bạc".

Mấy đứa bé hơn lên tiếng: "Chúng con cùng đi giao quà cho bạn ấy đấy! Bố phải xem bạn ấy vui thế nào cơ!"

"Cá luôn! - Marcovaldo nói - Đấy chính là cái bạn ấy cần để làm bạn ấy hạnh phúc: quà của các con!"

"Đúng thế, quà của bọn con!… Bạn ấy chạy ngay ra mở xem quà là gì…"

"Thế là gì?"

"Thứ nhất là một cây búa: cây búa gỗ, rất to và tròn…"

"Bạn ấy nhảy lên sung sướng! Bạn ấy chộp lấy nó và dùng"

"Dùng thế nào cơ?"

"Bạn ấy đập hết đồ chơi! Đập hết đồ sứ! Rồi cầm lấy món quà thứ hai…"

"Là gì?"

"Một cái ná. Bố phải nhìn bạn ấy cơ. Bạn ấy vui lắm! Bắn hết những quả cầu thủy tinh trên cây thông Noel, rồi bắt đầu bắn đèn chùm…"

"Được rồi. Bố không muốn nghe nữa! Còn… món quà thứ ba?"

"Bọn con chẳng còn gì để tặng, nên bọn con đành lấy giấy bạc bọc một hộp diêm lại. Đó là món quà khiến bạn ấy vui nhất. Bạn ấy bảo: Tớ chẳng bao giờ được động vào diêm cả! Bạn ấy đánh diêm, rồi…"

"Rồi?"

"… rồi bạn ấy đốt mọi thứ!". Marcovaldo vò đầu: "Chết tôi rồi!"

Ngày hôm sau, đến chỗ làm, anh cảm thấy cơn bão sắp sửa ập đến. Anh vội vã hóa trang thành ông già Noel, chất quà lên xe, rất ngạc nhiên vì không ai nói gì với anh, và rồi anh nhìn thấy, tiến về phía mình, ba trưởng bộ phận: một từ quan hệ công chúng, một từ quảng cáo và một từ bán hàng.

"Dừng lại! - họ bảo anh - Dỡ tất cả xuống ngay!"

Thế là hết, Marcovaldo tự nhủ, và có thể mường tượng ra cảnh mình bị sa thải.

"Mau! Chúng ta phải đổi hết quà!", ba vị trưởng bộ phận nói. "Hiệp hội thực hiện tiêu dùng Giáng sinh đã phát động một chiến dịch để thúc đẩy Quà tặng hủy diệt!"

"Phút chót thế này - một vị nói - Đáng lẽ người ta phải nghĩ ra sớm hơn…"

"Ông chủ tịch có một cảm hứng bất ngờ - một vị khác giải thích - Con ông ấy được tặng một món quà cực kỳ hiện đại, đồ Nhật, tôi tin là thế, đấy là lần đầu tiên cậu bé tỏ ra thích thú…"

"Điều quan trọng - vị thứ ba thêm vào - là Quà tặng hủy diệt có tác dụng tiêu hủy mọi vật phẩm: đúng thứ chúng ta cần để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ và thúc đẩy thị trường… Tất cả trong thời gian tối thiểu và trong khả năng của một đứa trẻ… Chủ tịch hội nhìn thấy cả một chân trời mới đang mở ra. Ông đang ở thiên đường thứ bảy, ông sốt sắng lắm…"

"Nhưng mà cậu bé này… - Marcovaldo hỏi, giọng yếu ớt - Có thật nó đã phá hủy nhiều thứ lắm không?"

"Khó mà ước tính được, sơ sơ cũng khó, cả ngôi nhà đã bị thiêu rụi rồi còn đâu…".

Marcovaldo quay trở lại đường phố, đèn rực rỡ như thể ban đêm, chật ních các bà mẹ và trẻ em, các bác, các bà, những gói hàng, bóng bay, những con ngựa bập bênh, cây thông Noel, ông già Noel, gà, gà tây, bánh trái, chai lọ, những người thổi kèn túi, người quét dọn ống khói, người bán hạt dẻ rong lắc những chảo hạt dẻ trên chiếc bếp đen tròn, sáng rực.

Thành phố như nhỏ lại, thu gọn trong một chiếc bình phát sáng, vùi trong lòng rừng tối tăm, giữa những thân cây dẻ già cỗi và lớp tuyết phủ vô tận. Đâu đó trong bóng tối có tiếng sói tru; đàn thỏ rừng có một cái hốc chôn trong tuyết, trong đất đỏ ấm áp dưới một lớp quả dẻ.

Một con thỏ trắng xuất hiện trên tuyết, nó vểnh tai, chạy dưới trăng, nhưng nó trắng quá không nhìn thấy được, cứ như nó không ở đó. Chỉ có những bàn chân nhỏ là để lại một dấu in nhẹ trên tuyết, như những chiếc lá cỏ ba lá. Sói cũng không thể nhìn thấy, vì nó đen và giấu mình trong bóng tối đen của khu rừng. Chỉ lúc nào há mõm nó mới lộ những chiếc răng trắng và nhọn.

Có một đường phân chia nơi khu rừng, toàn màu đen, kết thúc và tuyết, toàn màu trắng, bắt đầu. Thỏ chạy bên này, sói chạy bên kia.

Con sói thấy những dấu chân của thỏ rừng trên tuyết và đi theo, luôn ẩn mình trong bóng tối để không bị nhìn thấy. Lẽ ra con thỏ phải ở chỗ những dấu chân dừng lại, con sói từ bóng tối chui ra, há rộng cái hàm đỏ và những chiếc răng sắc nhọn, táp vào gió.

Con thỏ ở xa hơn một chút, vô hình; nó lấy bàn chân gãi tai, chạy thoát, nhảy đi.

Nó ở đây? Ở kia? Ở xa hơn một chút?

Chỉ có dải tuyết là có thể nhìn thấy, trắng xóa như trang giấy này. ■

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của William Weaver)

Italo Calvino (1923 - 1985), nhà văn người Ý, nổi tiếng với các tác phẩm như bộ ba Tổ tiên của chúng ta (gồm Tử tước chẻ đôi, Nam tước trên cây, và Hiệp sĩ không hiện hữu), Những thành phố vô hình (1972), Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979), và Palomar (1983). Những đứa trẻ của Santa nằm trong tập truyện ngắn Marcovaldo hay các mùa của thành phố (1963).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận