Truyện hư cấu của Borges: Thực trong hư, hư trong thực

NGUYỄN AN LÝ 24/04/2023 09:56 GMT+7

TTCT - Borges, 40 năm sau khi ông mất, đã gia nhập hàng ngũ những Hermes, Andreä, Kafka, Lewis Carroll... trong giáo phái giả kim chữ nghĩa của ông.

Năm 1942, Khu vườn những lối đi rẽ đôi - tập truyện ngắn đầu tay của một nhà thơ tên Jorge Luis Borges nào đó - đã giành giải rút trong Giải thưởng văn học quốc gia Argentina. Borges, khi ấy 43 tuổi, khó có thể chấp nhận sự coi khinh này. 

Những truyện ngắn lai tiểu luận ấy công nhận là khó đọc. Nhưng chẳng phải Adolfo Bioy Casares, người bạn vong niên và cộng sự sáng tác của ông, đã ca ngợi chúng là mở ra một thể loại mới, mở ra "những khả thể văn chương của siêu hình học" đó sao?

Chân dung Jorge Luis Borges (1899-1986). Tranh: Emilio Angel Sirimarco

Chân dung Jorge Luis Borges (1899-1986). Tranh: Emilio Angel Sirimarco

Cay cú, ông tranh thủ dịp đầu tiên có thể để đá xéo nó trong truyện ngắn kinh điển sau này, Điểm Aleph.

Tuy nhiên, lịch sử văn học đã báo thù cho ông. Khi phát hành lại năm 1944 cùng các truyện viết sau, lần này dưới tên chung Truyện hư cấu, cuốn sách đã đạt đến cái hình hài rồi đây sẽ thường xuyên đứng trong các bảng xếp hạng top của thế kỷ, một đại diện hiếm hoi của thể loại truyện ngắn. 

Tác giả của nó nay đã trở thành gương mặt sáng giá nhất của văn chương Argentina. Các truyện ngắn trong tập trở thành đối tượng mê say và bắt chước của biết bao nhà sáng tác sau này. 

Còn Khu vườn những lối đi rẽ đôi mãi mãi trở thành ẩn dụ vĩ đại nhất về dòng thời gian và đa thế giới.

Cuốn Khu vườn những lối đi rẽ đôi

Cuốn Khu vườn những lối đi rẽ đôi

Truyện hư cấu không phải lúc nào cũng đến với người đọc dưới dạng một tập sách hoàn chỉnh. Xuất phát điểm là một cuốn sách quy tập những truyện in rải rác trên tạp chí, nó thường đến với độc giả sau này - đặc biệt là độc giả các thứ tiếng khác - qua từng truyện lẻ. 

Có khi các truyện này được tập hợp chung với truyện từ nhiều tập khác, ví dụ tập Labyrinths năm 1962, đã thổi bùng tên tuổi Borges ở thế giới nói tiếng Anh và lót đường đưa ông đến với danh tiếng hoàn cầu.

Tương tự, độc giả Việt Nam phần lớn biết đến Borges một cách hệ thống đầu tiên qua Tuyển tập (2001) cả thơ, truyện, tự thuật và tiểu luận do dịch giả Nguyễn Trung Đức tuyển dịch.

Tuy nhiên cũng có khi người đọc chưa hề biết Borges sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên qua một truyện duy nhất, thường là những truyện đã thành kinh điển như Xổ số thành Babylon, Thư viện Babel, hoặc Khu vườn những lối đi rẽ đôi, do tình yêu mến của từng người dịch riêng lẻ, qua những bản dịch không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc bản quyền.

Nhưng một cuộc tao ngộ như vậy cũng đã là đủ: giống như những điểm Aleph bao hàm mọi điểm, hoặc giống như những gương mặt phản chiếu lại từ một nguồn duy nhất trên "đường đến với Al-Mu'tasim", mỗi truyện Borges dù ngắn đến đâu đều hàm chứa cái rất dễ nhận ra là "chất Borges". 

Và ngay cả một người đọc qua đường, dù có thể tinh tế đến không ý thức, cũng sẽ tiếp tục sống trong thế giới với một cái nhìn thay đổi mãi mãi về sau.

Truyện hư cấu của Borges: Thực trong hư, hư trong thực - Ảnh 3.

Với những người muốn tò mò ở lại, bước sâu hơn vào xứ sở diệu kỳ của Borges, khu vườn này có thể tạm chia làm hai mảnh khác nhau.

Một mảnh, nặng đô hơn, ném họ vào giữa những thế giới lạ lùng nào Tlön nơi không có danh từ, nào Babylon nơi cuộc xổ số hàng năm sẽ quyết định anh là vua chúa hay là kẻ ăn mày năm đó, nào Babel nơi thư viện, theo nghĩa đen, là vũ trụ, nào "Giáo phái Phượng hoàng" tôn thờ một bí mật không tên...

Mảnh thứ hai lấy bối cảnh bình thường, một phần lớn đặt ở Buenos Aires của tác giả và bè bạn, một số trong những thời đại lịch sử dù náo động, vẫn thực tồn, cho đến khi đột ngột, tấm mạng bị xé toang, và mặt đất bằng mang tên thực tại dưới chân bỗng dưng tan chảy.

Trong số này, có những truyện đã tự mình đứng vững như một truyện ngắn đủ hấp dẫn mọi dạng độc giả: Khu vườn những lối đi rẽ đôi, Chủ đề kẻ phản bội và vị anh hùng, Cái chết và la bàn, Phép màu bí mật, Phương Nam... 

Không ít trong số đó đã thể hiện biệt tài của Borges, học theo Edgar Allan Poe cùng nhiều thần tượng khác, là xóa nhòa ranh giới giữa truyện - văn chương và truyện - trinh thám, hoặc kỳ ảo.

Nhưng những người viết (và những nhà Borges học!) hẳn sẽ thích thú hơn cả với những truyện-tiểu luận, hoặc ta có thể gọi là những truyện "giả phi hư cấu". 

Những truyện mà ở lần xuất hiện ban đầu trên tạp chí, không có gì phân biệt với những bài góp thường xuyên đủ thể loại của Borges từ thơ ca, tiểu sử, ký sự, tản văn, triết luận, điểm sách, phê bình văn học, bút chiến, đến những mẩu tạp văn ông chép lại bất kỳ thứ gì thú vị từ việc đọc tạp nham và tham lam hằng ngày của ông. (Một trong số đó chịu trách nhiệm cho việc ra đời Nhà giả kim của Paulo Coelho, người cũng đã tự tin thuổng tiếp hai nhan đề truyện ngắn "Zahir" và "Aleph" về sau làm nhan đề tiểu thuyết cho mình).

Giữa món lẩu thập cẩm đó, thật dễ lẫn vào một bài điểm sách ("Đường đến với Al-Mu'tasim"), điếu văn kiêm hồi ức về bạn bè ("Pierre Menard, tác giả Don Quijote", "Lược khảo tác phẩm Herbert Quain", "Funes toàn ký"), bút ký ("Tlön, Uqbar, Orbis Tertius", "Hình của kiếm"), thậm chí nhật ký sáng tác ("Chủ đề kẻ phản bội và vị anh hùng"). 

Truyện hư cấu của Borges: Thực trong hư, hư trong thực - Ảnh 4.

Người đọc đầu tiên đã tiếp nhận nghiêm túc những bài viết bằng giọng văn tỉnh queo, thậm chí khô như ngói này, hẳn sẽ bất ngờ khi thấy chúng được tập hợp dưới nhan đề Truyện hư cấu!

Sự mờ nhòe này đi xa hơn vấn đề thể loại. Thản nhiên như không, Borges "ghi chép" về những nhà văn có thật tham gia những sự kiện hư cấu; những cuốn sách có thật được dẫn làm nguồn cho những trích đoạn hư cấu; một khách sạn hay quán cà phê quen thuộc với người đọc đương thời là bối cảnh cho cuộc đàm thoại được thuật lại giữa một người nổi tiếng có thực, một nhân vật hư cấu, và một nhân vật từ bộ truyện khác của ông... 

Tới khi, ù đầu nhưng sống sót, ta chắc mẩm mình đã nắm tẩy ông thần bịa, thì bỗng hóa ra là một luận thuyết quá quắt nào đó hay một số phận sửng sốt nào đó mà ông dẫn ra đã có thực trong lịch sử.

Viết, đối với Borges, cơ bản là một sự đùa chơi; xuất bản cũng vậy, với những "chú thích của người biên tập", và ngay cả những lời tựa và chỉnh sửa cùng tham gia trò hư cấu. Ông tung hứng cái thực và cái không thực với một sự dễ dàng thoải mái đến nỗi dường như ông sẽ coi bọn hậu thế đang tìm cách phân tách rõ ràng đâu thực đâu hư trong tác phẩm, là một lũ thô lậu.

Người kể những truyện kỳ ảo đó vẫn là một thủ thư quèn ở một thư viện nhỏ mọn, khi Truyện hư cấu giành Giải thưởng lớn danh dự của Hội nhà văn Argentina năm 1945 (nghe đồn được chế ra ngay năm đó để trao cho ông). 

Một năm sau, Perón thành tổng thống, ông mất việc. Mười năm sau, Perón xuống, ông được trao chức giám đốc Thư viện quốc gia (dù ông cũng chỉ ngồi đó làm vì).

Đến nay, thật khó mà nhớ được cuộc đời ông cũng thăng trầm theo những nổi chìm của đất nước, và những truyện tưởng như tư biện thuần túy này đã viết trên nền Thế chiến thứ hai và chủ nghĩa dân tộc đang lên ở Argentina.

"Borges" ngày nay đã đồng nghĩa với người thủ thư của thư viện vũ trụ, nắm chìa khóa những suy niệm siêu hình học - trong các khả thể văn chương - phổ quát và tiền sử, thậm chí đứng ngoài lịch sử.

Ở vào thời điểm đầu thế kỷ 21, cùng với sự lên ngôi của văn học và sáng tác kỳ ảo - và giả tưởng nói chung - Borges lại đang trở lại, dưới những hình thức bất ngờ. Những tài khoản "của" các nhân vật Borges trò chuyện trên mạng xã hội, những bài hát pop trích theo truyện Borges, và một Thư viện Babel đúng hệt đang lưu giữ tại địa chỉ libraryofbabel.info.

Giống như trong đoạn kết truyện "Tlön, Uqbar, Orbis Tertius", cuộc xâm lăng của thế giới kỳ ảo vào thế giới thực vẫn đang tiếp diễn, và Borges 40 năm sau khi ông mất, đã gia nhập vào hàng ngũ những Hermes, Andreä, Kafka, Lewis Carroll..., trong giáo phái giả kim chữ nghĩa của ông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận