TTCT - 1. Người đến nhận phòng trước tôi là một chị đã tàn mùa nhan sắc nhưng nét kiều mị còn phảng phất trông cứ tiếc tiếc, tội tội. Áo quần, giày dép lạc mấy mốt. Không láp tốp láp tiếc gì cả, cứ như từ trong cái chợ lẹp xẹp hay cái bếp đen sì bồ hóng đi lạc vào. Chị ta cũng không biết điều chỉnh máy điều hòa. Co ro lạnh. Đàn bà lõi đời, ranh ma, sành sỏi tôi gặp quá nhiều nhưng ngác ngơ, cũ kỹ như chị ta thì mới thấy! Lại là nhà văn, loại người có thể sáng tạo thánh thần lẫn ma quỷ. Dãy phòng này được nhà xuất bản Bút Mới đặt cho những người ở xa tới nhận giải cuộc thi truyện ngắn kéo dài hai năm ròng. Minh họa: Hoàng Tường Chào tôi bằng nụ cười lặng lẽ. Đôi vai gầy hơn cả tưởng tượng. Dáng đổ về phía trước, dáng của người luôn cúi xuống bởi những thứ việc tàn phá người đàn bà âm thầm mà đáng sợ nhất. Những gì còn lại đáng kể của chị ta là một khuôn mặt từng đẹp trên cái cổ từng cao ba ngấn! Mọi ánh sáng trên khuôn mặt chị ta đều tắt, chỉ còn nỗi niềm gì đó leo lét. Tạm gọi chị ta là Mặt Buồn. - “Chị xuống ăn trưa chưa?” - tôi gợi chuyện. - “Tôi ngại đi thang máy”. - “Thế chị chưa hề ở khách sạn hả?”. - “Chưa” - chị ta bẽn lẽn. 2. Người thứ ba ào vào như cơn lốc. - “Hi! Tôi chung phòng với mấy chị”. Vừa dậy lên mùi quen thuộc của phụ nữ siêu hiện đại, tóc tai, váy áo, đi đứng. Thả vali, cô ta nằm dài gọi điện, váy tốc lên, giọng mượt như lụa. Đúng là phụ nữ! Có mặt là phả mùi. Gợi và gọi. Quả là Feminin. Gọi điện xong, Feminin lấy đồ đi tắm. Tiếng nước chảy cũng tưng bừng. Khi Mặt Buồn bước đi, mới biết chị đau chân. Ngón chân cái bị băng. Vệt máu khô thẫm lại. Xuống ăn, Feminin đòi đi cầu thang bộ cho thon thả. Cô đánh mông đi trước, lập tức có mấy ông nện gót chạy theo. Mặt Buồn đau chân nên tôi đi thang máy cùng chị. Tôi bấm nút, còn chị nhìn mọi thứ với đôi mắt lạ lẫm, bơ vơ. Bước vào phòng ăn, một cô bạn quen níu tôi lại huyên thuyên. Quay lại không thấy Mặt Buồn đâu nữa. 3. Hà Nội chớm thu. Se lạnh và gió. Có phải vì thế mà căn phòng ba người cũng xao xác. Mặt Buồn vô ra toalet hoài. Feminin rúc rích như chuột qua điện thoại. - “Nghe bà rủ rỉ môbai sởn da gà, ngủ hết nổi!“ - tôi tung mền càu nhàu. - “Sống không yêu thì sống làm gì, hở?”. - “Chồng không ghen à?”. - “Ly dị rồi. Tự do từng centimet!”. - “Sao ly dị? Tò mò chút xíu nghen”. - “Tại cái bếp. Tui để nó lạnh quanh năm suốt tháng. Cơm hộp là nguyên do!”. - “Thế mà đọc văn bà... tưởng bà nấu ăn giỏi lắm - tôi phì cười - Bữa ăn như nhân vật. Hồn phách đầy đủ”. - “Trong văn chương mọi cái đều có thể!”. - “Viết khỏe quá há!“. - “Văn giờ không cần đẹp. Truyện không cần cốt. Ninh nhừ cái ta, nêm nếm chút tâm trạng và đừng quên sex. Phân mảnh tung tóe thế là xong. Tớ viết tháng mấy cái đấy chứ! Thế là đủ 3 T - tiền, tiếng, tình”. Feminin đưa mắt nhìn theo Mặt Buồn đi vào toalet. - “Ai đấy nhỉ? Ngó phát bực!”. - “Ngó phát bực?” - tôi trố mắt. Dường như thấy mình quá đáng, cô nàng lảng: - “Công tác ở đâu?”. - “Giáo viên. Nghe có giải, cả trường làm như đi nhận giải Nobel. He he, oai thiệt!”. - “Biết mình giải mấy không?”. - “Không. Ban tổ chức không cho biết để mọi người đi vì ai cũng hi vọng mình giải nhất”. Điện thoại Feminin réo. - “Thế hả? Em xuống ngay!”. Quay qua tôi, cô rủ: - “Đi uống cà phê với mấy anh không? Nghe nói có nhà văn H, nhà phê bình D...”. - “Tui ngủ kẻo mai dung nhan tiều tụy. Biết đâu giải nhất!” - tôi lắc đầu. 4. - “Chị ngủ chưa?” - tôi quay qua hỏi Mặt Buồn. Giường chị ta trống không. Chắc lại vào toalet. - “Chưa! Tôi tưởng cô ngủ”. Câu trả lời làm tôi quay lại. Lại thấy chị trên giường. Cái bà này. Tích tắc hiện. Tích tắc biến. - “Không muốn đi nên nói thế. Khác giới lạc lõng”. - “Thế mình đi với nhau?”. - “Chị muốn thăm Hà Nội đêm?”. - “Tôi ra lần đầu. Nghe nhạc Phú Quang thèm biết đêm Hà Nội”. - “Đó là nhạc. Ừ, thì đi! Học đại học ngoài này nên biết kha khá. Nhưng đi bằng cách nào?”. - “Đi bộ. Bằng đôi dép lê này!” - chị chỉ đôi dép của khách sạn. - “Nhưng chân chị...”. - “Tôi quên mất!” - chị nhìn xuống chân, cười. Nụ cười lạ lắm. Như òa khóc. - “Thôi được! Có cô bạn gần đây. Để điện cho nó, lấy xe”. 5. Chúng tôi lòng vòng qua những con phố. Những ngọn đèn cao áp bọc Hà Nội đêm bằng thứ ánh sáng màu vàng trong tranh, hun hút, khắc khoải. Nếu không có những sợi tóc đằng sau lay phay chạm má, tôi tưởng tôi một mình. Mặt Buồn bỗng nhiên câm bặt. Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ. Chúng tôi hít căng lồng ngực bầu không khí nhẹ và thơm, thơm đến nỗi Mặt Buồn cất tiếng: - “Hà Nội đêm xức nước hoa!”. - “Chị nhận ra mùi hoa gì?”. - “Ngọc lan! Cũng không hẳn vì gió đã pha trộn những mùi hương”. - “Chắc đường Thanh Niên”. - “Cứ gọi là đường thơm, cô ạ!”. Hà Nội không ngủ. Dòng chảy cuộc sống vẫn róc rách trong từng ngóc ngách. Hàng cây tĩnh lặng xao xác những nụ hôn tình nhân. Bướm đêm vẫy những đôi cánh tả tơi trong bóng tối. Phố khuya nhọc nhằn cuộc mưu sinh... Mặt Buồn hăm hở lôi tôi sà xuống những gánh quà khuya, huyên thuyên ríu rít, ăn thứ này qua thứ khác như đứa trẻ đói khát lâu ngày. Tôi không còn nhận ra chị nữa. Niềm vui ào tới đuổi thứ tệ hại đi khiến Mặt Buồn thành Mặt Đẹp. - “Khuya rồi. Mai ta còn dự lễ trao giải!” - tôi nhắc. - “Khuya rồi, sao trả xe?”. - “Bạn tôi bảo cứ lấy đi. Trước khi về đem trả”. Chị thẫn thờ đứng dậy. Lại là Mặt Buồn. - “Cô... cô... bày tôi... đi xe được không?” - chị ngượng ngùng lí nhí. - “Chưa biết đi xe hả?” - tôi trợn tròn mắt. - “Chưa nhiều thứ lắm, cô ạ!”. - “Thế đi lại bằng phương tiện gì?”. - “Ngồi sau lưng kẻ khác”. - “Cái chị này! Bà già, con nít còn đi được huống gì nhà văn!” - tôi phá lên cười. - “Nhiều khi đứng nhìn dòng xe cộ cuồn cuộn chảy tôi khao khát được cuốn theo. Biết đi xe máy chắc như được mọc cánh, có thể bay”. - “Sao không thử đi! Đường vắng, tôi bày chị nhé!”. - “Cô không sợ ư?”. - “Sợ gì?”. - “Sợ tôi làm cô chết”. - “Chết dễ mà khó. Chị sợ hả?”. - “Tôi sợ... nỗi sợ hãi. Nó kinh khủng còn hơn cái chết!”. - “Thế thì... giết nó đi!” - tôi vung tay. - “Giết nó đi!” - chị hăm hở hô theo. Gần 2 giờ sáng chúng tôi mới về lại khách sạn. Cưỡi lên nỗi sợ hãi, chị bay. Đôi cánh phần phật gió chở nỗi cô đơn đầy sức mạnh. Ngồi sau lưng chị, tôi thành kẻ sợ hãi. Phố đèn vàng nghiêng ngả. Hàng cây vun vút. Bánh xe lướt như không chạm mặt đường. Tôi hét lên khi quàng tay ôm chị nhưng chỉ chạm gió. - “Lái gì kinh thế?”. - “Tôi không biết lái. Nó lái tôi!”. Trên đường về, tôi đòi đổi chỗ. Tôi không quên cảm giác chạm vào trống không khi chiếc xe vẫn vun vút bay. Khi xuống xe, chị ôm chầm lấy tôi: - “Tôi sẽ nhớ cô và đêm này mãi mãi!”. Chị cười, mắt loang loáng nước. Cái tứa ra không phải là nước mắt mà là nham thạch. Thứ nham thạch dồn nén nóng hổi làm tan chảy cả chính tôi. 6. Sáng hôm sau khi tôi và Feminin thức dậy chuẩn bị đi lĩnh giải, không thấy Mặt Buồn đâu cả. Tôi xuống nhà xe. Con ngựa sắt chị tập bay vẫn còn đó, ở tay lái phất phơ mảnh giấy. Giải thoát sự ham sống quá hăngGiải phóng niềm mong và nỗi sợ Để làm Ngọn gió. 7. Feminin diện váy hoa mỏng thật đẹp. Mùi giống cái tỏa ra ngầy ngật khiến giống đực lượn lờ quanh cô không ngớt. Tôi đi cùng cô nhưng chẳng ai chú ý đến tôi. Cũng chẳng ai nhận ra Mặt Buồn vắng mặt để hỏi lấy một câu. Không khí đậm đặc mùi nước hoa tự bôi cho nhau khiến tôi váng vất. Ban tổ chức đánh giá cuộc thi thành công rực rỡ, một bữa tiệc văn chương đầy màu sắc nhưng không chọn được giải nhất. Bù lại có đến hai giải nhì, mỗi giải 20 triệu. Feminin bê một giải. Cô nàng không tỏ vẻ ngạc nhiên, đầu hất hất, nhún nhảy trên đôi giày cao gót, váy hoa xập xòe. Ban giám khảo nhận định đó là một truyện ngắn hậu hiện đại ấn tượng. Đọc rồi không nhớ nói gì nhưng vẫn không quên, phơ phất ám ảnh. Không một dấu chấm, xổ dài miên man. Tân kỳ đến dường ấy chẳng trách gì cái truyện thiệt thà như người nhà quê của tôi chỉ được giải khuyến khích. Giải nhì thứ hai là một tên lạ chẳng thấy trên văn đàn. Truyện ngắn có tên “Cái chuồng”. Câu chuyện cũ rích như mặt trời mỗi ngày vẫn mọc. Nỗi buồn cũng cũ như thế. Ôi. Thiu. Héo. Quắt. Rời. Rã. Dưới mặt trời. Chẳng có từ nào mang tên buồn đau nhưng đọc chỉ muốn hét lên để thấy mình còn tồn tại... Mọi người ngoái lại tìm tác giả nhưng không thấy ai nhúc nhích. Chẳng ai cười. Chẳng ai bẽn lẽn. Chẳng ai bối rối. Mời đích danh chả ai đứng lên. Hội trường như đông lại trong khoảnh khắc ấy. Chỉ tôi là có cảm giác lạnh người như hồi đêm ngồi sau lưng Mặt Buồn quờ tay chạm gió. Mùi hương ngọc lan thoảng qua. Màu vàng trong tranh khắc khoải. Rồi tan biến. Xong lễ, người ta chụp hình kỷ niệm. Vài phóng viên vây quanh Feminin phỏng vấn. Còn tôi nôn nao trở về. Tôi đã có một tứ để bắt tay viết một truyện ngắn buồn. Gió đi đâu? Gió ơi! Không dưng mà truyện có cùng lúc ba nhà văn nữ ở chung một phòng. Không khí trước thềm vinh quang của một cuộc thi càng làm tính cách của cả ba nổi bật lên. Sứ mệnh hay tình cờ hay phù phiếm đều từ tính cách mà ra. Đúng hơn, phẩm chất làm nên quan niệm của mỗi cá thể nhà văn đối với văn chương. Nhưng đâu chỉ có thế. Nhân vật thứ ba tự nguyện làm một chất dính để hai nhân vật kia dù làm bất cứ nghề gì họ cũng sẽ đối lập nhau như vậy. Chân và giả. Tĩnh và động. Tri và mê. Sẽ tin và sẽ bâng khuâng mãi bởi một tình thân chưa nói nên lời và một con người vừa thoáng qua. Cuộc sống cũ rích, ôi, thiu, héo, quắt, rời, rã - như tác giả cả quyết - và cũng theo tác giả, dù tác phẩm của nữ nhà văn bỗng dưng biến mất khỏi chiếc chiếu vinh quang ấy “chẳng có từ nào mang tên buồn đau nhưng đọc chỉ muốn hét lên để thấy mình còn tồn tại”. Thêm một lần bạn đọc được nhìn vào thế giới nhà văn để thấy họ vừa người vừa khác người như thế nào. Quế Hương không xa lạ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Năm 2004 chị giành giải nhất cuộc thi “Viết về thanh niên học sinh và sinh viên” do Nhà xuất bản Giáo Dục và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Truyện Một cuộc đua hồi ấy đến giờ vẫn là truyện trong mơ của nhiều người từng thử sức bằng truyện ngắn. Tags: Quê hươngGió đi đâu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.