Truyện ngắn: Khẩn cấp

MAURIZIO DE GIOVANNI 26/05/2024 12:34 GMT+7

TTCT - Điều mà tôi cầu xin quý vị là thế này đây, chỉ thế thôi: Quý vị có thể làm ơn ôm tôi một chút không? Chỉ một chút thôi. Để nhớ cái cảm giác có người thương yêu mình.

Xin mời, cứ tự nhiên nhé. Xin lỗi vì tôi tiếp mọi người trong nhà bếp, tôi biết là không nên làm thế, nhưng tôi có vấn đề ở ngay đây. Cái lý do của cú điện thoại chính ở nơi này.

Quý vị đã nói tên cho tôi biết, tôi có một trí nhớ tốt. Thực tình tôi tin rằng đây là nguyên nhân của cái khó khăn của tôi, chính cái trí nhớ mà tôi có được. Sĩ quan cảnh sát Russo và nhân viên cảnh sát Vitale, tôi nhớ đúng phải không? Các vị thật tử tế khi tới ngay lập tức, ngoài sự chờ đợi của tôi. Thực lòng tôi nghĩ rằng các vị không đến kịp. Sự việc chỉ còn tính bằng phút thôi.

Tranh Người đàn ông bên cửa sổ, sơn dầu trên canvas, 1876, họa sĩ Henri De Braekeleer, Bỉ

Tranh Người đàn ông bên cửa sổ, sơn dầu trên canvas, 1876, họa sĩ Henri De Braekeleer, Bỉ

Quý vị nhìn quanh, tôi hiểu. Nó có vẻ như một căn bếp bất kỳ khác, hoàn toàn giống một căn bếp mà các vị có thể tìm thấy trong tất cả các căn hộ ở khu chung cư này. Một ngôi nhà hạng trung lưu, tôi mường tượng rằng trong một thành phố như thành phố này, ai mà biết được công việc của các vị khiến các vị phải đối mặt với những nơi chốn, những loại người nào. Và tôi, trước hết tôi muốn nói rằng, tôi vô cùng tôn trọng những gì các vị làm và cách thức tiến hành chúng. Nếu không thì tôi đã không gọi quý vị, đúng không nào?

Vâng, tôi đã gọi cho quý vị. Bằng cái điện thoại đó, như các vị thấy, nó nằm trên kệ. Tôi chẳng dùng nó bao giờ, tôi gặp khó khăn trong việc phân biệt các con số trên bàn phím, tôi không còn nhìn rõ nữa. Tôi có kính, vâng tôi có kính đeo, nhưng chúng ở kia kìa, trên cái bàn viết. Tôi chẳng bao giờ mang nó vào trong bếp này, chẳng biết vì sao nữa. Quý vị nhìn quanh và hỏi lý do.

Lý do của cuộc điện thoại khẩn cấp này, cho dù tôi nói nó ở ngay đây trong bếp, các vị lại không nhìn thấy nó. Hãy kiên nhẫn một chút và tôi sẽ giải thích cho quý vị. Tôi nghĩ là tôi có thể nói chuyện với bà, đúng không? Một bà, bà sĩ quan cảnh sát Russo. Tôi chẳng chờ đợi điều này, thế giới thay đổi một cách nhanh chóng, tôi thú thật về cái định kiến ngu ngốc này, nhưng may mắn thay bây giờ là thế, phụ nữ các bà thông minh hơn chúng tôi nhiều, cuối cùng thì mọi người cũng hiểu được.

Thế này, tôi tên là Francesco. Tôi là một hưu trí, như quý vị thấy tôi đã khá già. Tôi từng dạy tiếng Latin và tiếng Hy Lạp tại một trường trung học, người ta gọi chúng là thứ ngôn ngữ chết, nhưng thực tế chúng rất sống động. Có thể tìm thấy nhiều cảm xúc trong các ngôn ngữ này, được kể ra cứ như ngày hôm nay chúng ta sẽ kể chúng nếu chúng ta có khả năng. Nhưng đây là một câu chuyện khác, tôi không muốn làm các vị lãng phí thời gian.

Tôi góa vợ. Đây là một thông tin quan trọng, không có nó thì không thể hiểu được vì lý do vào tôi đã gọi cho quý vị. Trước hết tôi muốn nói rằng cú điện thoại của tôi không phải là một trò ngớ ngẩn. Nó thực sự, như tôi đã nói với đồng nghiệp tử tế của quý vị ở tổng đài, một vấn đề sinh tử. Chính xác từng chữ.

Tóm lại, như đã nói, tôi là một kẻ góa vợ. Vợ tôi mất vào năm ngoái. Theo một cách nào đó nó là một sự phản bội, bởi vì chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là tôi sẽ chết trước, tôi hơn bà ấy năm tuổi. Xin lỗi, phải nói là tôi từng hơn bà ấy năm tuổi. Tôi vẫn còn chưa quen với chuyện này. Chúng tôi có hai con. Đứa con trai lớn ở bên Mỹ, làm kỹ sư, đứa con gái là kiến trúc sư, sống ở Đức. Chúng là những thanh niên tốt, chúng có cuộc sống riêng, có bạn đồng hành, công việc, bạn bè của chúng. Chúng về dự đám tang nhưng có thể thấy rõ là chúng vội vã. Tôi thấy không đành lòng giữ chúng lại.

Maurizio De Giovanni sinh năm 1958 là một nhà văn, nhà biên kịch, nhà viết kịch và tác giả truyền hình người Ý, chủ yếu là tác giả tiểu thuyết trinh thám. Nhiều tiểu thuyết của ông đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.

Thật là vô lễ quá, tôi chẳng mời các vị thứ gì cả. Cà phê nhé? Không à, thật chứ? Tôi hiểu, quý vị không có thời gian, đúng vậy. Tôi sợ là tôi cũng chả giỏi gì việc pha cà phê. Việc đó Elvira vợ tôi hay làm. Một cái tên hay hả? Các vị có biết rằng biết bao lần tôi gọi cái tên đó, trong lặng lẽ. Elvira.

Đôi khi mấy đứa con gọi điện nói chuyện với tôi. Thật sự là không thường xuyên lắm, giờ thì đã một tháng tôi không nghe điện thoại của chúng. Điện thoại reng, thường là những cuộc gọi thương mại, đa số họ là người nước ngoài, những người trẻ đó họ cũng đang làm việc, tôi thường ráng tỏ ra lịch sự và rồi tôi cũng lấy làm thích, đó là những tiếng nói lấp đầy sự im lặng, cứ như khi tôi nói với vợ tôi.

Các vị có biết nơi đây chính là vương quốc của bà ấy. Bà ấy luôn ở trong này. Bà ấy đứng nơi cửa sổ đó, tôi vẫn còn trông thấy, bà ấy đẹp lắm, theo tôi bà ấy chẳng già đi thêm một ngày nào cả. Chúng tôi đã có một thỏa thuận, các vị biết chứ? Vâng, tôi đã nói với các vị. Nhưng bà ấy đã không thể giữ được cái thỏa thuận đó. Lời nói dối duy nhất bà ấy nói với tôi, trong suốt sáu mươi năm chung sống. Cho dù bà ấy đã hứa.

Quý vị muốn biết vì sao tôi đã gọi quý vị và đâu là cái vấn đề sống chết.

Hừm, vấn đề là cái cửa sổ đó. Các vị thấy nó, đúng không? Vâng, nó ở phía sau lưng của các vị.

Quý vị biết rằng có những ngày tháng tôi dường như có thể chịu đựng được. Những lúc trời trong và tôi có thể ra ngoài đi dạo. Thậm chí khi tôi có thể trò chuyện đôi lời với cô bán hàng ở tiệm thực phẩm, một cô gái tử tế hay kể cho tôi nghe về các con cô hoặc khi tôi giả vờ mình không biết đường sá và thế là có vài kẻ qua đường chịu lắng nghe tôi chút xíu.

Đôi lần tôi còn quay lại ngôi trường cũ, nhưng sau nhiều năm chẳng còn ai nhớ đến tôi nữa và tôi áy náy lắm khi phải giải thích mọi chuyện, hỏi thăm về các đồng nghiệp và phát hiện ra rằng họ đã qua đời hoặc tệ hại hơn chẳng ai còn nhớ đến tên của họ. Đó là một cảm giác khủng khiếp: tự cảm thấy dường như mình chưa từng tồn tại.

Và cái cảm giác này vào những năm cuối cùng càng lan rộng, cứ như một trong những vết dầu loang trên biển, một làn sóng đen nhơn nhớt và hôi hám lấn chiếm toàn bộ sự hiện hữu. Những người trẻ các vị liên kết với nhau, kết nối nhau, tôi thấy điều đó trên truyền hình, còn tôi già cả, tôi không biết làm. Và rồi, nói riêng với các vị thôi, lương hưu của tôi còm cõi, chỉ đủ để sống và nếu như tôi không cùng Elvira mua cái nhà này, lúc chúng tôi còn trẻ và nơi này chưa có gì cả, có lẽ tôi đã phải vào một viện nào đó, bởi vì với con cái tôi luôn chỉ cho đi mà không biết đòi hỏi gì. Không phải là chúng đề nghị tôi thế, phải hiểu rõ điều này. Nhưng chúng có cuộc sống riêng, tôi đã nói với các vị rồi phải không nào?

Những năm tháng này. Có những lần nào đó tôi nghĩ rằng tôi muốn mắc cái căn bệnh kia. Có thể là số phận, tôi chả biết. Có lẽ Elvira muốn chúng tôi tái hợp, bà ấy không tin thế và tôi cũng không tin, nhưng ai mà biết được, ai có thể nói được gì. Nhưng tôi lại không mắc căn bệnh. Người gác cổng dính vào nó, đó là một người tốt, còn trẻ hơn tôi nhiều. Người ta không thay người vào chỗ của anh ấy, họ chỉ mong tới lúc tiết kiệm được chi phí chung cư. Chắc có vài người thở phào nhẹ nhõm. Đôi khi người ta thật ác.

Có những ngày nào đó tôi có thể chịu được, tôi đã nói với quý vị rồi. Nhưng chúng càng lúc càng ít đi. Phần lớn các lần tôi tìm cách không vào nơi đây, nơi tôi cảm thấy thiếu vắng Elvira của tôi dữ dội. Bởi vì tôi biết cái sự nguy hiểm. Tôi già nua nhưng tôi không ngu ngốc.

Quý vị phải thừa nhận với tôi rằng tôi chưa từng gọi quý vị, quý vị có thể kiểm tra, tôi biết rằng các vị có lưu các cuộc điện thoại. Tôi chẳng bao giờ gọi cho ai để nhờ giúp đỡ cả. Tôi luôn nghĩ rằng tôi phải tự lo liệu được, dù là ở lại hoặc là bỏ đi. Bởi vì tôi tự hỏi mình: và nếu như, một phần triệu, có thật sự rằng người ta gặp lại được nhau ở nơi nào đó, nếu như tôi làm điều này, cái việc bên cửa sổ mà tôi nói, tôi mất đi cái khả năng được ở bên Elvira của tôi lần nữa sao? Tôi biết, tôi biết, chính tôi cũng chẳng tin, nhưng ở tuổi tôi cần phải tính đến cái khả năng xa vời nhất, phải không nào?

Chính vì điều này mà sáng nay tôi gọi quý vị.

Tôi dừng lại trước cửa sổ. Nó lôi tôi tới, các vị biết không? Nó giống như một mỹ nhân ngư và tôi chẳng phải là Ulisse, tôi không có cái sức mạnh trói mình vào cột buồm trên con tàu, các vị nhớ sử thi Odissea (*) phải không nào? Đây chính là thành phố của các nàng tiên cá. Đám tiên cá rất nguy hiểm. Bởi vì chúng mê hoặc người ta.

Cái cửa sổ, nó là như thế đó. Nó buộc tôi suy nghĩ, trong phút chốc và rơi vào im lặng. Trong sự cô độc. Với những tâm tư đau đớn, với số tiền không đủ trả hóa đơn điện, với xương cốt đau nhức, với mong muốn không phải nhấc mình khỏi giường. Nó đưa ta về với cái điện thoại không đổ chuông, những đứa con chẳng thấy hình bóng, với những kỷ niệm vùi chôn ta, về với hạnh phúc mà ta có nó nhưng chẳng biết mình có nhưng lại không biết hưởng để nhìn tới trước và trái lại phía trước chẳng có gì, chỉ có cái cửa sổ và thời gian không chịu trôi.

Thế là sáng nay tôi nghĩ: mình làm điều đó. Và rồi tôi nghĩ có lẽ tôi đánh mất Elvira. Nhưng sự im lặng thật quá mức, một vết dầu mà tôi ngột chìm trong đó. Và cái ý nghĩ cuối cùng của tôi là quý vị. Quý vị cứu mạng sống con người. Quý vị ngăn chặn những bàn tay của bọn tội phạm, của bọn cướp, của mafia. Quý vị là điều thiện lành và sự im lặng, sự im lặng đáng nguyền rủa chính là cái ác, nó đẩy tôi tới bên cửa sổ.

Tôi dùng chút sức lực cuối để gọi quý vị. Xin hãy tin tôi, nó giống như một nhân chứng của một tội ác sắp xảy ra gọi quý vị, như thể một người thân của kẻ sắp giết hại ai đó gọi quý vị. Một cú điện thoại khẩn cấp, một vấn đề sống chết.

Tôi gọi cho quý vị để không phải chết. Để hỏi xin quý vị một điều lạ lùng, có vẻ như là quá đáng, tôi biết. Nhưng nếu quý vị làm ơn giúp tôi việc này, tức là các vị sẽ cứu sống ai đó, chính xác như các vị chặn bàn tay của kẻ sát nhân.

Điều mà tôi cầu xin quý vị là thế này đây, chỉ thế thôi: Quý vị có thể làm ơn ôm tôi một chút không?

Chỉ một chút thôi. Để nhớ cái cảm giác có người thương yêu mình.■

(Liên Hương dịch từ nguyên bản tiếng Ý "Urgente")

(*) Odyssey, sử thi Hy Lạp.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận