TTCT - Trích từ tập Nửa lời chưa nói, tác phẩm vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7. “Cậu có muốn thứ năm này mình gặp nhau ở thư viện để cùng làm việc không?”, tôi hỏi, và dĩ nhiên cô ấy không từ chối.Việc có cái hẹn với người khác giữa thời tiết lạnh lẽo này làm tôi thấy mình bớt bơ vơ một chút. Dẫu rằng nó chỉ là một buổi gặp mặt bình thường để bàn chuyện học hành, tôi vẫn chăm chút ăn diện trước khi ra khỏi nhà. Cô bạn cùng dự án đã ngồi sẵn ở góc phòng khu tự học, khi thấy tôi thì hơi giơ cánh tay lên để ra hiệu, trông hệt như học sinh cấp hai muốn phát biểu trong lớp. Tôi có hơi buồn cười. Cô ấy không xinh. Ngũ quan bình thường. Mũi tẹt, mặt hơi vuông, lông mày rậm. Cộng thêm tính tình nhút nhát khiến cô càng mờ nhạt giữa đám đông. Thú thực tôi chưa bao giờ để ý thấy sự hiện diện của cô trong lớp, và suýt nữa thì đã quên mất cô ấy trông như thế nào sau lần đầu tiên nói chuyện. Nhưng sự bối rối của cô ấy khi nhác thấy tôi đột nhiên khiến tôi có cảm giác về sự ưu việt. Những cô gái như thế này hẳn có rất ít, hoặc thậm chí chưa từng có người theo đuổi nào. Một mặt thấy tự ti về bản thân, một mặt lại không nhịn được mà hy vọng vào một tình yêu ngọt ngào như mấy bộ phim thanh xuân vườn trường hay tả. “Này cậu” - tôi mở lời chào. Cô ấy lập cập đứng lên đáp lại, chỉ ngồi xuống theo sau khi thấy tôi đã ngồi. Chúng tôi cùng nhau đọc các bản báo cáo về mật độ ô nhiễm nguồn nước ở khu vực chúng tôi sống. “Cậu viết phần mở đầu, phương án kiến nghị và kết luận nhé. Tớ sẽ làm phần phân tích kết quả. Tớ nghĩ mình nên dùng một mô hình hồi quy tuyến tính đa biến để nghiên cứu mối liên hệ giữa mức ô nhiễm và các yếu tố khác. Còn phần này - Tôi đưa tay chỉ lên màn hình - Dùng kiểm định Wilcoxon có lẽ sẽ thích hợp hơn kiểm định t, cậu thấy sao?”. Tôi hỏi cho có lệ, nhưng đã âm thầm quyết định xong xuôi mọi chuyện. Buổi chiều trôi qua êm ả. Chúng tôi chăm chú với phần việc của mình, bao nhiêu sinh viên ra ra vào vào tôi đều không để ý. Thỉnh thoảng cô ấy sẽ quay sang hỏi ý kiến tôi về một câu văn mà cô viết. Khi xong việc, mặt trời đã lặn mất từ lâu. Tôi hơi đói bụng, bèn rủ cô đến một tiệm pizza gần trường, nhưng cô đỏ mặt từ chối. Tôi cũng không rõ cô ấy đỏ mặt vì cái gì. Lúc bỏ máy tính vào cặp tôi thuận miệng trêu: “Cậu cũng dễ thương thật đấy”. Cô gái nhỏ cắm đầu chạy biến như thể tôi vừa buông lời đe dọa cả nhà cô ấy.Nghe bạn bè mách lại, giáo sư lớp thống kê này có yêu cầu với sinh viên khá cao, chấm báo cáo rất gắt. Để đảm bảo độ dài và chất lượng của dự án, chúng tôi gặp nhau nhiều lần sau giờ học. Sau khi nghe tôi thuật lại tin đồn về vị giáo sư, cô trông có vẻ hãi hùng. Hậu quả là cô ấy càng cẩn thận gấp đôi, bất cứ mọi chi tiết nhỏ nhặt nào đều hỏi lại tôi để đảm bảo. Hành động này khiến tôi có hơi khinh thường, cảm thấy đây quả là một cô gái vừa ngốc nghếch vừa không có năng lực. Dù vậy, tôi vẫn giảng giải cho cô, ít nhất lòng hư vinh của tôi cũng được thỏa mãn.Lần hẹn cuối cùng, thư viện vào cuối tuần thường kín chỗ nên chúng tôi đành chọn một chiếc bàn hẹp sát lớp cửa kính. Hôm ấy trời ấm hơn mọi ngày. Bên ngoài như có thêm sức sống từ mấy vệt nắng he hé. Không hiểu sao tâm tình của tôi có chút bấp bênh. Lúc trời lạnh thì thèm hơi người. Lúc nắng lên cũng chẳng vui được, giương mắt nhìn hội sinh viên tụm năm tụm bảy tận hưởng thời tiết ngoài kia mà trong lòng chỉ thấy xa cách. Có lẽ sinh hoạt buồn chán đang mài mòn tôi. “À này...” - tiếng gọi khẽ của cô bạn bên cạnh đánh gãy dòng suy nghĩ vẩn vơ. Lại một câu hỏi tầm thường. Bỗng dưng tôi thấy hơi mất kiên nhẫn. Tôi quay sang nhìn cô ấy. Dung mạo tầm thường, tính tình tầm thường, học lực tầm thường, và đầy những câu hỏi tầm thường.Thấy tôi mãi không đáp, cô ngẩng đầu lên liếc nhìn tôi dò hỏi. Rồi như bị ánh nhìn chằm chặp của tôi dọa sợ, cô lại cúi đầu xuống.- Sao thế? - cô hỏi.- Hừm. Tớ có chút thích cậu rồi đấy.Tôi bình tĩnh đáp. Cô gái giật mình, rồi luống cuống tay chân hẳn. Có lẽ chưa từng ai nói với cô như thế. Mặt cô đỏ bừng. Có những cô gái đỏ mặt trông thật đáng yêu, còn cô trông như một quả cà chua méo. Cả người cô cứng đờ ra. Không biết cô đang nghĩ gì, không biết não có còn hoạt động không. Tôi cứ thế ung dung rời đi. Bài báo cáo đã gần hoàn thành. Những chi tiết nhỏ còn lại tôi đều tự sửa được.oOoSau buổi ngày hôm ấy, cô ấy không nhắn gì cho tôi, vậy là tôi cũng yên lặng. Tôi lơ mơ ngồi trong lớp Nhận thức học. Lớp gì mà chán. Tôi và tên bạn cùng bàn bắt đầu tám chuyện với nhau. Nhân lúc giáo sư nói về thị giác của con người, tôi bèn kể với nó.- Có lần tớ cùng em gái chơi trốn tìm. Lúc ấy tớ không biết nên trốn ở đâu cả, rồi đột nhiên tớ nhớ tới bài giảng trên lớp. Chúng ta nhìn thấy những gì chúng ta nghĩ mình nhìn thấy. Kỳ vọng của chúng ta ảnh hưởng tới cách não bộ chúng ta xử lý hình ảnh. Thế là tớ núp đằng sau một cái ghế ngay trong phòng khách, không phải loại ghế bành hay ghế sôpha đâu, mà kiểu ghế ăn cơm ấy. Gần như nó chẳng che được gì tớ, tớ cứ ngồi im ngay đấy, lù lù một cục, nhìn rõ hết mọi động tác của em tớ. Tớ thấy nó chạy hết từ phòng này sang phòng khác ngó nghiêng. Khi nó lùng sục phòng khách, có lúc nó đứng ngay trước mặt tớ, và tớ nghĩ chắc hẳn nó phải thấy tớ rồi, nhưng mà buồn cười là nó không thấy. Sau đấy ba tớ bước vào và ngay lập tức nhìn thấy tớ chỉ bằng một cái liếc mắt. Em tớ mãi vẫn không tìm được. Cuối cùng sau một thời gian dài, khi nó đang đứng cạnh tớ và cứ làu bàu không hiểu tớ trốn tận nơi nào, tớ không nhịn được mà cười phụt một tiếng nó mới phát hiện ra. Lần đầu tiên tớ áp dụng được việc học của mình vào cuộc sống đấy, dù là cho một trò chơi ngốc nghếch vô dụng, nhưng cảm giác đó rất thú vị. Cậu hiểu không? Vì em tớ nhận định rằng tớ đã trốn kỹ ở góc nào rồi, nên nó không chú ý đến những chỗ lộ liễu nữa. Dĩ nhiên không phải lộ liễu tới mức ngồi chình ình ở đâu đó, mà kiểu núp ở một chỗ không hợp để trốn ấy. Nó tập trung hết tinh thần vào các góc khuất trong nhà, và để xử lý thông tin nhanh những nơi bị xem là không có khả năng trốn sẽ bị bỏ qua. Tớ không thể nào tin nổi nó đứng ngay trước cái ghế mà vẫn không nhìn thấy tớ, cứ ngó quanh quất. Ba tớ thì khác, ông thấy tớ ngay vì tớ trốn mà như không trốn, và vì ông không có cái nhận định nào về việc tớ nên ở đâu trong tiềm thức cả. Có sự khác biệt giữa hình ảnh mắt cậu nhận được và hình ảnh mà não cậu nhận định chúng, âm thanh mà tai cậu nghe được và âm thanh mà não cậu phân tích chúng...Tôi đang kể chuyện hăng say thì có lẽ bị phát hiện nói chuyện riêng trong lớp, giáo sư bỗng dưng chỉ vào tôi:- Trò này. Vì sao mắt chúng ta thấy được sự vật?Tôi giật bắn người, nhưng kịp định thần lại ngay. À, một câu hỏi mẹo. Tôi đắc ý tự nhủ. Những câu hỏi càng cơ bản, càng tầm thường thì lại càng khó trả lời, nhưng tôi biết câu hỏi này.- Chúng ta thấy sự vật dựa vào cách não bộ “phiên dịch” những thông tin mà mắt nhận được. Ví dụ như bầu trời có màu xanh vì chúng ta nghĩ nó có màu xanh. Nếu chúng ta không biết về “màu xanh”, như cách tiếng Hy Lạp cổ không có từ vựng nào để diễn tả màu xanh, thì có lẽ chúng ta đã nhìn thấy sự vật theo một cách khác, như cách Homer tả bầu trời màu đồng, còn biển thì màu rượu. Hai người khác nhau cùng nhìn bầu trời chưa chắc đã thấy một màu giống nhau. Tóm lại, việc chúng ta nhìn thấy gì phụ thuộc vào việc chúng ta nghĩ chúng ta đang nhìn thấy gì.Tôi ngừng lại. Giáo sư trợn mắt nhìn tôi như nhìn kẻ tâm thần. Có lẽ bị câu trả lời của tôi kích thích, ông bất đắc dĩ quay đi và tiếp tục giảng bài mà không nhận xét gì thêm.- Chúng ta nhìn thấy bầu trời có màu xanh vì ánh sáng xanh tán xạ khắp bầu trời. Ánh sáng đi vào mắt và tập trung vào lớp võng mạc. Tế bào nón trong võng mạc phản ứng với các bước sóng màu giúp chúng ta nhận thấy được màu sắc...Có vài người liếc về phía tôi cười khúc khích. Tôi xấu hổ ngồi xuống trong lúc giáo sư nói về cách các giác quan của con người hoạt động.Cuối tiết học, bạn cùng bàn của tôi vừa thu dọn đồ đạc vừa bảo:- Tớ thích câu trả lời của cậu. Dù không phải là câu trả lời mà giáo sư muốn nhưng nó cũng có ý nghĩa đấy.Tôi thở dài, không thuyết phục thêm. Tôi vẫn tin vào tính tương đối của ngôn ngữ. Những gì chúng ta nghĩ, cảm nhận, hay thậm chí nghe, nhìn, chạm, tất cả đều nằm dưới sự nhân từ của ngôn ngữ. Trích đoạn bức tranh "D'où Venons Nous / Que Sommes Nous / Où Allons Nous" - Chúng ta từ đâu tới/Chúng ta là ai/Chúng ta đi về đâu" - một kiệt tác của Paul Gauguin. oOoLần kế tiếp chúng tôi thấy nhau là trong lớp thống kê. Cuối buổi học cô đứng chờ tôi ngoài cửa, nhẹ nhàng hỏi tôi có muốn đi ăn trưa không. Cô trông có vẻ tươi tắn. Chúng tôi thả bộ đến một tiệm cơm sinh viên rẻ tiền ở góc phố. Bữa ăn diễn ra trong im lặng. Tôi quả thực không biết phải nói gì với cô gái này. Chúng tôi hẳn chẳng có điểm tương đồng nào. Ngẫm lại biểu hiện ngớ ngẩn của cô ấy lúc làm dự án, chắc hẳn cô ấy chưa từng đọc sách của Hermann Hesse, không hiểu triết học của Moore, và chẳng biết gì về Sapir-Whorf. Tôi gần như có chút thương xót cô gái này. Dự án nhóm đã kết thúc, chúng tôi phải trở về với quỹ đạo hằng ngày.Chỉ bằng việc cô ấy dường như không có bạn bè và thường chỉ thui thủi một mình đã cho thấy cô ấy rõ ràng không phải là người giỏi bắt chuyện. Nhưng hai người ngồi ăn với nhau mà mãi chẳng mở miệng được một câu thì thật đáng ngại. Hơi cố sức, cô nói:- Bản báo cáo của chúng mình có vẻ ổn nhỉ.- Ừ, chắc khoảng hai tuần nữa thì biết điểm.Tôi nghe được sự run rẩy trong giọng cô.- Lần trước...- Sao?- Lần trước lúc gặp nhau, cậu... cậu nói...Rồi hạ giọng xuống, cô lí nhí:- Cậu thích tớ?- À chuyện đấy hả. Ừ, tớ đã nói thế.Cô trông có vẻ an lòng. Bờ vai thả lỏng xuống.- Vậy chúng mình đang... hẹn hò à?- Không. Không, ai bảo cậu thế? - tôi hỏi.Cô ấy giật mình, nhìn tôi hoang mang. “Điều gì khiến cậu nghĩ chúng ta đang hẹn hò?”, tôi hỏi. Khác với cô, từ đầu đến cuối, giọng điệu lẫn thanh âm tôi chưa hề thay đổi.- Cậu nói, cậu nói cậu thích tớ. Tớ cũng thích cậu...- À - tôi tiếp lời - thế thì cậu hiểu lầm rồi.Vẻ mặt cô vẫn ngơ ngác. Quả thực là một kẻ ngốc, tôi nghĩ bụng. “Cậu đang đùa với tớ à?” - cuối cùng cô nói vẻ suy sụp. Tôi cười khan.- Không. Đừng nói như thể tớ là kẻ xấu tính vậy. Cậu thích cơm trưa ở quán này không?- A...? Ừ... tớ thích.- Tớ cũng thích. Vậy tớ thích cơm trưa ở quán này và tớ thích cậu có gì khác nhau? Cậu có nghĩ tớ muốn hẹn hò với hộp cơm này không? Dĩ nhiên điều này là không thể rồi. Vậy đổi cách nói khác. Một thím bốn mươi tuổi nói thích cậu diễn viên phim truyền hình, thím ấy có muốn hẹn hò với cậu ta không? Nếu tớ nói tớ thích giáo viên lớp thống kê của mình, cậu có nghĩ tớ muốn hẹn hò với ông ấy không?Cô lắc đầu, mặt đỏ bừng. Tôi tiếp tục:- Tớ chỉ nói tớ thích cậu. Vậy thôi. Chưa từng làm gì khác. Chưa từng nói thêm gì khác. Có nhiều kiểu thích trên thế giới này. Người thích đồ chơi. Người thích chó mèo. Anh trai thích em gái. Fan hâm mộ thích thần tượng. Giáo viên thích học sinh. Học sinh thích giáo viên. Bạn bè thích nhau. Trong bao nhiêu là kiểu thích ấy, điều gì khiến cậu nghĩ tớ thích cậu theo cách bạn trai thích bạn gái? Tại sao cậu không nghĩ thuần khiết một chút, ví dụ như “à, bạn này là một bạn chung nhóm tốt, tớ thích làm việc với cậu ấy, tớ thích cậu ấy”?Cô gái như sắp khóc. Cô nói một cách khó khăn:- Cậu từng bảo tớ dễ thương.- À - tôi thở dài - cũng vậy thôi. Có rất nhiều thứ dễ thương trên đời. Chó chihuahua dễ thương và tớ thích chó. Xin lỗi, tớ không có ý so sánh cậu với chó, cái miệng này của tớ. Đổi cách khác nhé. Ca sĩ nọ rất dễ thương và tớ thích cô ta. Điều đó có ý nghĩa gì không? Cậu này, ngôn ngữ là thứ rất mơ hồ. Chúng ta ngày ngày cố gắng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, nhưng từ ý nghĩ của tớ tới lời tớ nói, và từ lời tớ nói tới ý nghĩ của cậu, có quá nhiều thứ bị mất đi, có quá nhiều thứ sai lệch. Không phải lỗi của tớ hay cậu đâu.- Thế nhưng, thế nhưng... - cô òa khóc - tại sao cậu lại phải nói với tớ câu ấy?- Biểu đạt suy nghĩ của mình cũng là tội lỗi ư? Tớ xin lỗi đã làm cậu thất vọng, nhưng tớ có nói dối cậu đâu?- Cậu đoán được tớ sẽ hiểu lầm, đúng không?Điều này thì đúng. Những cô gái ngốc nghếch thế này có khó gì để đoán đâu. Chỉ có thể trách mùa đông ở nơi này làm tôi bải hoải và buồn chán. Tôi vươn vai đứng dậy.- Cậu đừng nghĩ nhiều. Tớ thực sự không lừa gạt cậu đâu. Không phải tớ lấy cậu ra làm trò đùa, mà đây là trò đùa của ngôn ngữ. Bữa ăn này tớ mời nhé.Tôi bước ra ngoài quán. Hai hàng cây bên đường vẫn trơ trụi. Tôi nhớ về hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi, về cô gái xinh đẹp mà tôi sẽ nắm tay đi giữa trên con phố lạnh. Thật là một mùa cô đơn. Ngôn từ như là một viên thuốc chuột bọc đường. Nó khiến người ta có ảo giác rằng họ có thể thông qua nó để hiểu hết những gì đối phương muốn bày tỏ, khiến họ - trong sự huênh hoang và đắc ý mà thứ ảo giác ấy mang lại - thôi để tâm vào những ánh nhìn, vào những cử chỉ nho nhỏ như một cái cúi đầu, một cái nhếch môi hay một bàn tay nắm chặt áo. Chúng ta có thể đến với nhau bằng ngôn từ. Chúng ta cũng có thể đến với nhau không bằng ngôn từ. Tôi, cô gái ngốc nghếch trong quán, cô gái xinh đẹp trong tưởng tượng, tất cả chúng ta đều nằm dưới sự nhân từ của ngôn ngữ mà thôi.■ Tags: Văn học tuổi 20Duy Ân
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.