Truyện ngắn Ý: Mắt đền mắt (Dino Buzzati)

DINO BUZZATI 20/01/2024 04:23 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn Mắt đền mắt (Occhio per occchio) được đăng lần đầu tiên trên nhật báo Corriere della Sera, số ngày 22-9-1956, sau đó được đưa vào tuyển tập Sáu mươi truyện ngắn phát hành năm 1958 và đoạt giải thưởng Strega 1958.

Truyện ngắn Ý: Mắt đền mắt (Dino Buzzati)- Ảnh 1.

Gia đình Martorani đi xem chiếu phim ở gần thành phố, họ quay về ngôi nhà cũ kỹ và to lớn chốn đồng quê của mình rất muộn.

Họ gồm người cha, Claudio Martorani - chủ đất, Erminia - vợ của ông, cô con gái Victoria cùng chồng Giorgio Mirolo - nhân viên bảo hiểm, cậu con trai Giandomenico - sinh viên và bà bác già Matelda hơi lú lẫn.

Trong chuyến đi ngắn ngủi quay lại nhà, họ tranh luận về bộ phim Dấu niêm phong đỏ, một phim cao bồi viễn tây của Georg Friedder với Lan Bunterton, Clarissa Haven và nhân vật cá tính lẫy lừng Mike Mustiffa. Họ tiếp tục nói chuyện sau khi đã cất xe hơi vào garage, trong khi băng ngang qua vườn.

Giandomenico: "Mọi người nghĩ xem, một kẻ mà suốt đời chẳng làm gì khác ngoài nghĩ tới chuyện trả thù, theo con đó là một thứ giun sán, một kẻ hèn hạ. Con chẳng hiểu nổi…"

Claudio: "Con không hiểu biết nhiều thứ… Từ chỗ người đời là hạng nào, một người quân tử phải trọng danh dự, trả thù là một nghĩa vụ sơ đẳng".

Giandomenico: "Danh dự! Cái thứ danh dự nổi tiếng này là gì chứ?".

Victoria: "Sự trả thù, chị thấy nó là một điều thiêng liêng. Với chị, ví dụ, khi một kẻ có quyền lực và lợi dụng nó làm những điều bất chính, giẫm đạp lên kẻ yếu hơn mình, chị thấy tức giận, một sự tức giận…".

Bác Matelda: "Máu… người ta nói sao nhỉ?... À, thế này: máu kêu trả máu. Tôi vẫn còn nhớ, lúc tôi còn bé con, trong cái phiên tòa nổi tiếng của Serralotto… Thế này, ông Serralotto này là một chủ tàu ở Livorno, không, chờ chút, tôi nhầm lẫn…người anh họ mới ở Livorno, là người đã giết ông ta. Ông ấy ở… ở Oneglia, đúng rồi. Người ta nói rằng…".

Erminia: "Tới đây đủ rồi nhé. Mọi người không muốn ở đây cho tới sáng chứ, giữa cơn lạnh cắt này. Gần một giờ sáng rồi. Nhanh lên, Claudio, anh mở cửa đi".

Họ mở cửa, bật đèn, bước vào một tiền sảnh lớn có một lối cầu thang trang trọng, canh giữ bởi những bức tượng và áo giáp, dẫn lên tầng trên.

Họ chuẩn bị đi lên thì Victoria, đi cuối cùng, thét vang:

"Kinh quá! Hãy nhìn, bao nhiêu là gián".

Ở một góc, trên nền nhà đá khảm, có một vệt đen mỏng dịch chuyển hỗn loạn. Chui ra từ dưới một tủ ngăn kéo lớn, hàng chục hàng chục con côn trùng, tuần tự theo hàng một, kéo về phía một lỗ nhỏ nơi nối liền giữa nền nhà và bức tường. Rõ ràng nơi mấy con vật có một sự vội vã đầy kích động. Bất ngờ trước đèn sáng và việc trở về của những người chủ, đám rước đang tăng lần tốc độ.

Cả sáu người xúm đến gần.

"Chỉ còn thiếu mỗi lũ gián - Victoria phản đối - Trong cái xó hoang tàn cũ kỹ này!".

"Nhà mình chưa bao giờ có gián cả" - bà mẹ đính chính một cách cương quyết.

"Vậy những thứ này là gì? Bươm bướm chăng?".

"Có lẽ chúng chui từ vườn vào".

Chẳng hề nhạy cảm với những lời nhận xét này, đoàn diễu hành của côn trùng tiếp tục, không đứt gãy hay tứ tán, chẳng hề biết về số phận sắp tới.

"Giandomenico - người cha nói - Con chạy ra ngoài nhà kho, ở đó chắc phải có bình xịt côn trùng.

"Theo con, bọn này không phải là gián" - cậu thiếu niên nói.

"Những con gián thường chạy lung tung".

"Đúng vậy. Rồi những dải sọc màu mè trên lưng… và những cái mũi này… Ở lũ gián chẳng bao giờ thấy những cái mũi to như thế".

Victoria: "Chà, mọi người làm gì đi. Chẳng muốn chúng chiếm hết cái nhà chứ!".

Bác gái Matelda: "Rồi nếu chúng leo lên trên và bò vào nôi của Ciccino… Miệng của trẻ thơ thơm mùi sữa và lũ gián khoái sữa điên cuồng… ít ra nếu như tôi không nhầm với lũ chuột…".

Erminia: "Làm ơn đi, ngay cả nói cũng đừng… Trên cái miệng nhỏ nhắn của kho báu bé nhỏ đang ngủ yên như một thiên thần!... Claudio, Giorgio, Giandomenico, mọi người còn chờ gì mà không diệt chúng?".

Claudio: "Tôi hiểu rồi. Tôi biết chúng là gì. Chúng là lũ bọ rincoti (*).

Victoria: "Gì vậy?".

Claudio: "Ricoti, từ tiếng Hy Lạp ris, rinos, côn trùng có cái mũi".

Ermiania: "Có mũi hay không có mũi, em chẳng muốn có chúng trong nhà".

Bác Matelda: "Nhưng mọi người cẩn thận: mang tai họa đấy".

Erminia: "Cái gì?".

Bác Matelda: "Giết lũ súc vật sau lúc nửa đêm".

Erminia: "Bác ơi, bác có biết bác xúi miệng lắm không?".

Claudio: "Nào, Giandomenico, đi lấy thuốc xịt côn trùng".

Giandomenico: "Theo con, con để cho chúng được yên".

Erminia: "Con lúc nào cũng trái ngược cả!".

Giandomenico: "Mọi người lo liệu lấy, con đi ngủ đây".

Victoria: "Đàn ông các người, lúc nào cũng nhát cáy như nhau. Nhìn này, thử coi phải làm sao".

Cô tháo một chiếc giày và cúi xuống, giáng một đòn vào đám côn trùng diễu hành. Nghe thấy tiếng bép như tiếng bẹp bụng. Và ba bốn con côn trùng chẳng còn gì ngoài những vết sẫm màu bất động.

Việc làm mẫu của Victoria có tính chất quyết định. Trừ Giandomenico đã leo lên phòng và bác Matelda lắc đầu, những người khác bắt đầu vào cuộc săn, Claudio với đế giày, Erminia với cây đập ruồi, Giorgio Mirolo với cây cời lò sưởi.

Nhưng người hào hứng nhất là Victoria: "Nhìn chúng kìa, cái lũ kinh tởm này, chúng bỏ chạy thế kia… Tao sẽ mở lối cho chúng mày!... Giorgio, anh kéo cái tủ ngăn kéo, chúng phải tụ cả bầy đoàn dưới đó… Phập! Phập! Tóm con này. Mày chết ngắc rồi hử?... Nhìn con khác này, nó muốn trốn dưới chân bàn, nó muốn làm trò ranh mãnh! Ra khỏi đó, ra khỏi đó, phập, mày cũng được xử xong! Còn cái con nhỏ xíu này… nó giơ chân lên, nó muốn nổi loạn…".

Một trong những con côn trùng nhỏ nhất, có thể nói vừa mới sinh ra, thay vì bỏ trốn như mấy con khác, chạy thật sự linh hoạt về phía người đàn bà trẻ, thách thức những cú đập chết người. Không chỉ vậy: đã nằm dưới nhát đập, không hiểu vì sao, nó dựng đứng lên làm một cử chỉ liều lĩnh, giương thẳng hai chân trước ra. Từ cái mũi khoằm phát ra một tiếng rít nhỏ xíu nhưng không ít sự phẫn nộ.

"Thằng khốn này đây, cút đi. Nó rít lên nữa chứ… Mày muốn cắn tao hả, đồ nhóc khốn nạn? Phập… Mày thích chưa? A, mày ngoan cường hả? Còn đi được hả, ngay cả đã lòi phèo ra… Vậy thì nhận này! Phập, phập!" và bẹp dí nó xuống nền nhà.

Trong lúc đó bác Matelda hỏi: "Có ai trên kia?".

"Bác muốn nói gì?".

"Chúng đang nói. Mọi người không nghe sao?".

"Bác muốn nói gì chứ? Trên đó có ai ngoài Giandomenico và em bé".

"Vậy mà có những giọng nói này" - bác Matelda nhấn thêm. Tất cả dừng lại, lắng nghe, trong khi một mớ ít côn trùng sống sót lê lết về những chỗ ẩn nấp gần nhất.

Ai đó đang nói thật sự, ngay phía trên cầu thang lớn. Một giọng nam trung, trầm, nhừa nhựa. Chắc chắn không phải của Giandomenico, cũng không phải tiếng khóc của đứa bé.

"Chúa Mẹ ơi, bọn trộm!" - bà Erminia rên rỉ.

Mirolo hỏi ông bố vợ: "Bố có khẩu súng lục không?".

"Kia, kia, trong cái ngăn kéo đầu tiên…".

Cùng với cái giọng nam trung, lúc này nghe thấy một giọng thứ hai: mỏng, the thé, trả lời giọng kia.

Nín thở, gia đình Martovani nhìn lên trên cầu thang, nơi ánh đèn của tiền sảnh không chiếu sáng tới được.

"Có cái gì đó đang di chuyển" - bà Erminia thì thào.

"Ai đi ở đó?" - Claudio cố hét lên, lấy hết can đảm, nhưng chỉ thoát ra một tiếng hổn hển lạ lùng.

"Nào, đi mở đèn nơi cầu thang - bà vợ nói với ông - Anh đi đi".

Một, đúng hơn là hai, hay đúng hơn là ba cái bóng đen bắt đầu đi xuống cầu thang. Không rõ là thứ gì, trông giống như mấy cái bọc màu đen, thuôn dài và lắc lư, đang nói chuyện với nhau.

Tới lúc này có thể hiểu được những lời nói.

"Nói nghe nào, em yêu", giọng nam trung, vui vẻ, với lối phát âm Bologna không thể nhầm lẫn, cất tiếng nói. "Theo em, lũ này là khỉ phải không?".

"Lũ khỉ nhỏ, xấu xí, kinh tởm, đáng nguyền rủa" - lời xác nhận bằng một giọng điệu tỏ vẻ hiểu biết của kẻ đối thoại, lột tả lối phát âm nguồn gốc nước ngoài.

"Với mấy cái mũi to đó hả" - tên kia hỏi, cười cợt một cách thô lỗ. "Có bao giờ nhìn thấy lũ khỉ với những cái mũi như thế chưa?".

"Nào, nhanh lên, giọng nữ thúc giục - Nếu không cái lũ súc vật này chạy trốn…".

"Chúng chẳng trốn được đâu, kho báu của anh. Trong các phòng khác có những người anh em của anh. Và có cả người canh chừng trong vườn!".

Cộc, cộc, giống như tiếng động của cặp nạng trên những bậc cầu thang. Cho tới khi ló ra từ trong tối, được chiếu sáng bởi ánh đèn của tiền sảnh. Một loại vòi cứng, dài ít nhất một mét rưỡi, phủ sơn đen và quanh cả những chiếc cần dò dài, rồi cái thân thể trơn chắc, kích cỡ của một cái rương, rung chuyển trên những ống khớp của các chân. Bên cạnh nó có con quái vật thứ hai, mảnh mai hơn. Phía sau lưng những con khác áp sát, chồng lên nhau những lớp áo giáp bóng lưỡng. Chúng là những con côn trùng - gián hoặc là bọ cánh nửa hoặc một giống nào khác không xác định mà chỉ chút xíu trước đó gia đình Martorani đã đập bẹp. Nhưng chúng thật đáng sợ và phóng to vĩ đại, chất chứa một sức mạnh quỷ thần.

Kinh hoảng, gia đình Martorani bắt đầu rút lui. Nhưng tiếng nạng di chuyển ồn ào đáng sợ cũng phát ra từ các phòng xung quanh và từ lối trải sỏi trong vườn.

Mirolo nhấc cánh tay, run rẩy, chĩa khẩu súng.

"Bbờ… bbờ…", ông bố vợ rít lên. Ông muốn nói "bắn, bắn" nhưng lưỡi của ông xoắn lại.

Một phát súng nổ.

"Nói nghe nào, em yêu" - con quái vật đầu tiên với giọng phát âm vùng Bologna nhận xét "chúng chưa đủ lố bịch sao?".

Với một bước nhảy, kẻ đồng hành của hắn với giọng phát âm nước ngoài, lướt qua bên cạnh hắn, lao thẳng về phía Victoria.

"Còn cái thứ đỏm dáng này" nó rít lên, nhại lại cái giọng điệu "mài muốn trốn dzưới bàn, con ranh!... Mài thích thú với chiếc dzày lúc nãy hả? Mài thích thấy tụi tao hoảng lạn à? Và còn những bất công, đúng zậy, nàm mài tứt dzận, mà tứt dzận...! Ra khỏi đó, ra khỏi đó, đồ khốn lạn, giờ tao sẽ xử mài!".

Nó kẹp người đàn bà trẻ bằng một bàn chân, lôi ra khỏi chỗ nấp, đè xuống người cô tất cả sức mạnh của đầu mũi. Nó nặng chừng vài tạ.■

(*) Rhynchota là một bộ côn trùng lớn có cánh, có đến 50.000 loại. Gián, rệp, bọ xít… là những họ thuộc bộ này, có tên là Bộ cánh nửa.

Liên Hương (dịch từ nguyên bản tiếng Ý)

DINO BUZZATI

DINO BUZZATI

Dino Buzzati là tác giả của một số lượng lớn tiểu thuyết và truyện ngắn siêu thực và kỳ ảo, và được gọi là "Kafka của Ý". Cùng với Italo Calvino, Tommaso Landolfi và Juan Rodolfo Wilcock, ông là một trong số những nhà văn vĩ đại nhất về tiểu thuyết kỳ ảo của thế kỷ 20.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận