Từ câu chuyện chiếc vé máy bay

QUẾ VIÊN 09/12/2013 02:12 GMT+7

TTCT - Không biết trên cả nước có bao nhiêu cơ quan nhà nước tự đưa ra chủ trương tiết kiệm và nếu có thì việc chấp hành như thế nào, nghiêm túc hay chỉ qua loa lấy lệ?

Phóng to
Trụ sở UBND phường 6, TP Bến Tre bề thế - Ảnh: Vân Trường

Ngày 24-11, báo Tuổi Trẻ đưa tin Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đáp máy bay giá rẻ của Jetstar Pacific khi đi công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng, nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm của bộ này trong việc sử dụng kinh phí đi công tác.

Bản tin cũng nêu rõ Bộ trưởng Đinh La Thăng trước đó đã cùng Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đi công tác bằng vé hạng phổ thông của VietJet Air thay vì đi vé hạng thương gia theo tiêu chuẩn được hưởng.

Chuyện ta, chuyện Tây

Khi mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông đầy những chuyện tham ô lãng phí, chuyện quận A, tỉnh B xây trụ sở hành chính nguy nga hoành tráng như lâu đài... trong phim, nhưng bệnh viện thì không đủ giường cho bệnh nhân, trường học không có nhà vệ sinh hợp vệ sinh..., chuyện Bộ Giao thông vận tải thực hiện tiết kiệm là một tin vui.

Không biết trên cả nước có bao nhiêu cơ quan nhà nước tự đưa ra chủ trương tiết kiệm và nếu có thì việc chấp hành như thế nào, nghiêm túc hay chỉ qua loa lấy lệ?

Nói về chuyện công tác phí thì tháng 10 vừa qua dư luận các nước Scandinavia xôn xao chuyện nguyên thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen bị phát hiện đã đi máy bay hạng nhất (First Class) trong 15 chuyến công tác suốt một năm ông giữ chức chủ tịch Viện Phát triển xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute - GGGI), kể từ tháng 6-2012.

GGGI nguyên là một tổ chức tư nhân về môi trường của Hàn Quốc, tới tháng 6-2010 được Tổng thống Lee Myung Bak chuyển thành một tổ chức quốc tế nhằm quảng bá cho hình ảnh Hàn Quốc là một quốc gia có trách nhiệm với môi trường.

Trong 18 thành viên của GGGI thì các nước phát triển như Anh, Úc, Na Uy, Đan Mạch, UEA, Qatar, Hàn Quốc đóng góp kinh phí hoạt động và hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam, Campuchia, Ethiopia... trong những vấn đề liên quan tới môi trường và biến đổi khí hậu.

Khi bị báo chí đả kích, ông Rasmussen đã biện bạch đó là tiêu chuẩn của chủ tịch GGGI. Về nguyên tắc thì ông không sai nhưng dư luận Đan Mạch, kể cả những người ủng hộ Đảng Tự do mà ông Rasmussen là chủ tịch, đều cho rằng những chuyến bay đắt tiền đó không phù hợp với tôn chỉ của GGGI là hỗ trợ các nước thuộc thế giới thứ ba.

Hơn thế nữa, kinh phí hoạt động của tổ chức này hiện nay là từ tiền dân đóng thuế. Lẽ ra trên cương vị chủ tịch GGGI, ông Rasmussen phải hiểu điều này hơn ai hết và có cách hành xử thích hợp.

Nguyên tắc và “cái tâm”

Đối với nhiều nước trên thế giới thì chuyện các quan chức cao cấp đi máy bay hạng nhất được xem như biểu hiện cho tầm quan trọng và địa vị của họ trong xã hội, nhưng với người dân các nước trong khối Scandinavia là Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch thì lại khác.

Tuy có mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới nhưng họ luôn xem trọng sự cần kiệm (cũng có thể nhờ không hoang phí mà họ giàu!). Điều này không có nghĩa là người Scandinavia không biết hưởng thụ cuộc sống hay hà tiện, mà là họ thích sự khiêm tốn, chừng mực và hợp lý trong mọi việc. Do vậy, những biểu hiện xa xỉ hay khoe khoang sự giàu có hoặc đẳng cấp chẳng những không được ai quan tâm mà còn bị xem là kệch cỡm.

Tất nhiên trong một tập thể thì không phải ai cũng như ai nên để đảm bảo sự minh bạch, chính phủ các nước này từ lâu đã ban hành những quy định rất cụ thể về việc sử dụng công quỹ.

Tại Đan Mạch, khi đi công tác, thủ tướng và các bộ trưởng sẽ đi máy bay hạng thương gia, nhưng bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Phát triển và các bộ trưởng trong Liên minh châu Âu - là những người hay đi công tác nước ngoài, thì sẽ đi hạng tiết kiệm nếu chuyến bay dưới sáu tiếng. Bản thân Thái tử Frederik, chủ tịch Tổ chức Olympic Đan Mạch, khi đi dự các phiên họp của IOC cũng không dùng hạng nhất.

Tuy vậy, tiết kiệm công quỹ không chỉ là chuyện của nguyên tắc, quy chế hay tiêu chuẩn, mà còn tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Nói cách khác là do cái “tâm”. Ví dụ: nguyên thủ tướng Đan Mạch Poul Hartling (1973-1975) khi giữ chức cao ủy viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) từ năm 1978-1985 đã bay hạng tiết kiệm mỗi khi đi công tác, cho dù có tiêu chuẩn đi hạng nhất.

Đây không phải là chuyện đánh bóng tên tuổi, mà vì ông cho rằng những chuyến bay hạng nhất không phù hợp với một người có nhiệm vụ giúp đỡ những người tị nạn!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận