TTCT - Trong đại dịch COVID-19, hàng loạt quốc gia đã phải trải qua cảnh “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, theo đúng nghĩa đen, khi hệ thống y tế oằn mình trước diễn tiến cấp tập, bất ngờ và dữ dội của dịch bệnh. Trong khi ai cũng hy vọng cho một tương lai sáng sủa nhất - dịch bệnh sẽ sớm kết thúc, mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong nay mai; những người quyết định chính sách chống dịch sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, với quá nhiều bài học đã được nêu ra trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Với 10 năm kinh nghiệm, lẽ ra bác sĩ Erlang Samoedro, chuyên khoa phổi ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Persahabatan, Jakarta, Indonesia không còn xa lạ với cảnh bệnh nhân cấp cứu, tử vong, nhưng ngay cả ông cũng không được chuẩn bị tinh thần để chứng kiến làn sóng dịch COVID-19 thứ hai chết chóc hiện nay. Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em ở một trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 2-7-2021. Ảnh: REUTERS “Chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ”COVID-19 khiến hàng trăm đồng nghiệp của ông tử vong hoặc ngã bệnh, trong khi số ca nhiễm phải nhập viện nhiều đến mức hệ thống y tế Indonesia đã quá tải. “Chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ. Bệnh nhân hết lớp này đến lớp khác trong khi gần nửa y bác sĩ bị ốm”, ông nói.Ngày 3-7, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 kỷ lục: gần 28.000 ca và 493 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên hơn 2,2 triệu và 60.027 ca tử vong. Nước này đang siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát COVID-19 trên đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, và đảo Bali từ ngày 3 đến 20-7: hạn chế đi lại, cấm quán ăn, nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ, ngừng các hoạt động thể thao ngoài trời. Trung tâm thương mại, công viên, đền thờ, thắng cảnh... phải đóng cửa. Người dân phải cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin hoặc kết quả xét nghiệm âm tính để đi qua các điểm kiểm soát giao thông. Mục tiêu là giảm số ca nhiễm mới hằng ngày xuống dưới 10.000. Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Indonesia bắt đầu do nhu cầu đi lại tăng lên trong dịp lễ Idul Fitri, các ngày 12 và 13-5, đánh dấu thời điểm kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo, và sự có mặt của biến thể Delta. Báo chí Indonesia tường thuật, nhiều cơ sở y tế đã hoạt động gần hoặc tối đa công suất. Sảnh văn phòng, bãi đậu xe cải tạo thành phòng cấp cứu. Video đăng trên Twitter cho thấy bệnh nhân nằm trên sân, cạnh lều cấp cứu trước Bệnh viện Bekasi Regional ở Tây Java, bác sĩ khám cho một bệnh nhân nằm trong cabin sau xe bán tải như thời chiến. Dù vậy, bà Siti Nadia Tarmizi, quan chức thuộc Bộ Y tế Indonesia, phủ nhận thông tin một số cơ sở y tế đã “sụp đổ”. Indonesia là ví dụ mới nhất cho thấy COVID-19 trỗi dậy vào những lúc ta lơ là. Để đối phó dài lâu với đại dịch này hoặc những đại dịch mới có thể xuất hiện trong tương lai, một hệ thống y tế khỏe mạnh, có sức chống chịu, không đổ vỡ dù bị thử thách là rất quan trọng.Hạ tầng và con ngườiNghiên cứu trên tạp chí Nature đăng ngày 17-5-2021 cho thấy trong một hệ thống y tế có sức chống chịu, các mảnh ghép về quản trị tài chính, dịch vụ y tế, nhân viên y tế, thuốc men và thiết bị, dự phòng và cộng đồng đều quan trọng. Cuộc sống dần trở lại bình thường ở Anh, một số người dân còn thận trọng vẫn đeo khẩu trang ở London, Anh ngày 4-7-2021. Ảnh: REUTERS Khâu chuẩn bị này phải diễn ra liên tục để đảm bảo năng lực sẵn sàng tối đa có thể.Khi số ca bệnh tăng đột biến, hệ thống y tế nhiều nước nhanh chóng xây dựng hoặc chuyển đổi công năng của các không gian lớn như nhà thi đấu, hội trường, hoặc tái cơ cấu các cơ sở y tế để có thêm giường bệnh. Một số nước cho người nhiễm COVID-19 tự điều trị tại nhà nếu triệu chứng nhẹ hoặc vừa với sự hỗ trợ từ xa của bác sĩ gia đình để sử dụng hiệu quả nguồn lực.Trong khi việc chuyển đổi công năng này là điều khả dĩ ở hầu hết các nước, vấn đề gai góc hơn nhiều là nguồn nhân lực. Một lực lượng nhân viên y tế đầy đủ, được đào tạo và sẵn sàng phản ứng cho những khủng hoảng y tế khẩn cấp như COVID-19 là thách thức lớn, ngay cả với những nước giàu. Vấn đề thêm phức tạp bởi trong đại dịch lần này, không ít nhân viên y tế đã nhiễm bệnh do tình trạng ở tuyến đầu của họ - là những người tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên.Các bệnh viện gặp đủ thứ vấn đề trong một đợt sóng thần thật sự: thiếu y tá, thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, thiếu xét nghiệm tầm soát, thiếu tập huấn, bị bệnh nhân tấn công và khủng hoảng tâm lý. Nhiều nước đã huy động nhân lực ở các vùng địa lý, khoa, phòng khác và cả người đã nghỉ hưu tham gia chống dịch. Việt Nam cũng đã làm như vậy, nhưng công tác tổ chức một số đơn vị viện trợ này thời gian qua cho thấy còn phải cải thiện nhiều.Sinh viên y khoa được huy động làm tình nguyện viên hoặc thực hiện các công việc có sự giám sát của người hướng dẫn. Để bảo vệ và hỗ trợ nhân viên y tế, một số nước như Nhật Bản, Mozambique, Singapore, Hàn Quốc... đã tổ chức lại các ca trực ở cơ sở y tế để cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bố trí chỗ ở gần nơi làm việc, tăng tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, phụ cấp bữa ăn, xác định COVID-19 là bệnh nghề nghiệp để họ hưởng bảo hiểm hoặc chế độ phù hợp... Một số quốc gia có cả chương trình hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần và có khuyến khích người dân thể hiện niềm tự hào, trân trọng đội ngũ này mỗi khi có thể.Đảm bảo dự trữ thiết bị y tế như khẩu trang, trang phục bảo hộ cá nhân, găng tay, thuốc, sinh phẩm... là bài học mà nhiều nước đã thấm thía trong đại dịch. Thời kỳ đầu đã có tình trạng quá phụ thuộc vào một số quốc gia cung ứng, đến nỗi phải cạnh tranh để mua khẩu trang, máy thở...Từ bài học về dịch SARS, Singapore đã duy trì kho dự trữ quốc gia các sản phẩm y tế, phải được coi là một lĩnh vực dự trữ chiến lược, đủ dùng cho 6 tháng. Còn Nhật Bản tăng công suất các nhà máy, đưa năng lực sản xuất lên gấp ba lần để tăng cường cung ứng vật tư y tế. Các nước cũng hướng dẫn kỹ thuật cho các công ty không có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế tham gia. Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất ôtô được huy động để sản xuất máy thở giá rẻ và thiết bị bảo hộ. Tấm che giọt bắn cũng được nhiều cơ sở sản xuất làm ra từ máy in 3D.Y tế cộng đồngXét nghiệm, truy vết, cách ly và giám sát cho thấy tầm quan trọng của chúng trong phá vỡ chuỗi lây truyền của virus. Nhưng để hiệu quả, các biện pháp này phải đồng bộ. Xét nghiệm và chẩn đoán xác định luôn cần kết hợp với cộng đồng để truy vết toàn diện và sau đó là cách ly để ngăn mầm bệnh tiếp tục lây lan.Tuy nhiên, giám sát dựa trên báo cáo ca bệnh được xét nghiệm có thể dẫn tới bỏ lọt nhiều ca bệnh trong cộng đồng. New Zealand, Thụy Điển, Mỹ... là những nước chọn giám sát dựa vào triệu chứng lâm sàng - không cần xác nhận bằng xét nghiệm. Bằng cách này, các nước có thể mở rộng phạm vi giám sát từ các cơ sở y tế đến cộng đồng.Kết nối sâu sắc với cộng đồng là trọng tâm của một hệ thống y tế có khả năng phục hồi. Khi hàng loạt các biện pháp không dùng thuốc như đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội... được áp dụng, sự hợp tác của cộng đồng trên tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm... là rất quan trọng.Thực tế hơn một năm qua chỉ ra rằng luôn có người xây, kẻ phá, 100 người tuân thủ lại có vài ba người không đeo khẩu trang, khai báo y tế gian dối, nên các ổ dịch vẫn xuất hiện. Nhiều nước trên thế giới, cộng đồng chính là các nhân viên xã hội, là đội tình nguyện viên làm hàng trăm đầu việc như đưa nhu yếu phẩm cho người cần; khuyến khích khai báo y tế; giám sát tuân thủ quy định cách ly; hỗ trợ những người bị các loại bệnh khác được thăm khám, lấy thuốc; hỗ trợ tâm lý cho những người bị suy sụp do COVID-19.Quản trị, tài chính và hợp tácĐể kiểm soát COVID-19 cần xét nghiệm với cơ số cực kỳ lớn đồng thời cung cấp dịch vụ điều trị và vắc xin miễn phí một phần hoặc toàn phần từ ngân sách. Các biện pháp hỗ trợ khác như cứu trợ các doanh nghiệp để bảo vệ việc làm, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và người thất nghiệp cũng góp phần quan trọng giúp ngành y tế làm tốt việc của mình. Khi không phải lo “ngày mai ăn gì”, người dân sẽ yên tâm hơn để tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng như phong tỏa, giãn cách, yêu cầu xét nghiệm hay tiêm vắc xin.COVID-19 đã khiến các nhà hoạch định chính sách và công chúng nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa hệ thống y tế, nền kinh tế trong nước và quản trị. Quyết định của chính phủ định hình, định dạng cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế, chất lượng thuốc và điều trị, mức hỗ trợ chi trả viện phí và ngân sách của bệnh viện... Các quyết định như phong tỏa hay mở cửa, bắt buộc đeo hay không đeo khẩu trang... đều có khả năng làm xói mòn hoặc gia tăng lòng tin của công chúng.Xuyên suốt công tác quản trị phòng chống dịch, công nghệ có vai trò quan trọng. Các nước đã ứng dụng công nghệ vào truy vết, khai báo, và cập nhật thông tin ca bệnh, nghi bệnh kịp thời, giúp phát hiện sớm nguy cơ, dự báo thay đổi trong diễn tiến của dịch để có kế hoạch phản ứng phù hợp.Khái niệm năng lực chống chịu rất phổ biến trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai, nhưng trong y tế thì còn mới. Hệ thống y tế có sức chống chịu thì mới có năng lực để chuẩn bị, hấp thu các cú sốc và phục hồi trong khi vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động và dịch vụ thông thường. Thử thách lớn với hệ thống y tế và năng lực quản trị của Việt Nam có lẽ vẫn còn ở phía trước. ■Quản trị dịch bệnh dựa trên khoa họcUruguay: Vào tháng 6-2020, Nhóm tư vấn khoa học về COVID-19 được thành lập, với các chuyên gia đa dạng, không chỉ dịch tễ, y tế, mà cả kinh tế, xã hội học... Nhóm gồm 55 thành viên, họp hằng tuần và báo cáo mỗi hai tuần với tổng thống cũng như liên lạc hằng ngày với nội các. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch của nhà nước đều được ủng hộ bởi các nhà khoa học trong nhóm. Một hệ thống y tế trụ vững được trước đại dịch đòi hỏi rất nhiều yếu tố. -Ảnh: The New Yorker Tây Ban Nha: Chính phủ chỉ định các chuyên gia lâm sàng và nhà dịch tễ học uy tín vào Ủy ban Khoa học và kỹ thuật COVID-19 để tư vấn cho chính phủ và cung cấp thông tin cho việc quyết định chính sách. Bộ Y tế, thông qua Trung tâm Điều phối cảnh báo và khẩn cấp y tế, kích hoạt quy trình chống COVID-19 và điều phối phản ứng với 17 cơ quan y tế địa phương trong cả nước.New Zealand: Các nhà dịch tễ học, miễn dịch học, và chuyên gia y tế công khuyến cáo về rủi ro virus gây ra cho cả nước và giúp truyền đạt mối đe dọa cho công chúng và giới chức phụ trách phản ứng đại dịch. Bộ Y tế đưa một số chuyên gia này vào Nhóm tư vấn kỹ thuật do tư vấn trưởng về khoa học của Bộ Y tế phụ trách. Nhóm họp hai lần mỗi tuần để cập nhật các khuyến cáo cho chính quyền.Hàn Quốc: Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đóng vai trò đầu đàn trong phản ứng với COVID-19. Ủy ban Tư vấn chiến lược phản ứng COVID-19 họp thường kỳ để tư vấn cho chính phủ. Chính phủ hỗ trợ cho ủy ban bằng cách cung cấp dữ liệu. Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) sử dụng một siêu máy tính để xây dựng các kịch bản tiên đoán về dịch bệnh mà chính phủ dựa vào để ra quyết định.Con người là quan trọng nhấtNhiều chiến lược huy động nguồn nhân lực đã được các nước triển khai trong bối cảnh dịch lan nhanh và rộng, khó kiểm soát. Ở Uganda, chính phủ ký hợp đồng 6 tháng với những người có kinh nghiệm y tế và dịch tễ để họ nhận thêm thù lao tham gia chống dịch. Ở Thái Lan, Bộ Y tế đã ký hợp đồng thời vụ với 150.000 nhân lực y tế, 40.000 trong số đó sẽ được chuyển hẳn vào làm nhà nước dựa trên đóng góp của họ với hệ thống y tế.Tại New Zealand và Ấn Độ, chính quyền kêu gọi tất cả các bác sĩ và nhân viên y tế đã nghỉ hưu hoặc làm việc trong lĩnh vực tư nhân tham gia hỗ trợ các cơ sở công. Ở New Zealand còn có một hệ thống đăng ký trực tuyến giúp nhà nước xác định những nhân sự nào phù hợp cho vị trí nào và phân bổ theo yêu cầu. Ở Ấn Độ, lời hiệu triệu các bác sĩ về hưu nhận được hơn 30.000 phản hồi. Sinh viên y khoa năm cuối cũng được triển khai để tiến hành sàng lọc, truy vết, và hỗ trợ triển khai vắc xin.Những sự khích lệ tài chính rõ ràng cũng góp phần quan trọng lên tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ. Ở Thái Lan, các mức “bảo hiểm” cho nhân viên y tế tham gia chống dịch trong những tình huống rủi ro được công bố rất minh bạch: Những trường hợp tử vong hay thương tật vĩnh viễn sẽ được nhận khoản hỗ trợ tương đương 7.600 tới 12.800 đôla. Mức thù lao cho các bác sĩ phòng dịch là 48 đôla mỗi ca và cho y tá và các nhân viên khác là 32 đôla mỗi ca. Ở Nga, chính quyền dành ra gần 65 triệu đôla để chi trả phần lương tăng thêm của nhân viên y tế không được nghỉ phép, cho chế độ làm việc trong điều kiện đặc biệt, và các phụ cấp khác. Tags: COVID-19Dịch COVID-19Hệ thống y tếY tế công cộngNhân sự y tế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".