Tứ hải giai huynh đệ

HUY ĐĂNG 25/06/2018 21:06 GMT+7

TTCT - Bạn đến từ Đức, một quốc gia trong top 20 thế giới về GDP đầu người, hay các nước Nam Mỹ, cho chí cả Ai Cập, Morocco và thậm chí là Mông Cổ? Chẳng hề gì. Đã đến World Cup thì ăn chung ngủ chung thôi.

Nhóm CĐV các nước vui vẻ chụp hình cùng nhau mọi lúc mọi nơi. Ảnh: H.Đ.
Nhóm CĐV các nước vui vẻ chụp hình cùng nhau mọi lúc mọi nơi. Ảnh: H.Đ.

 

Khách sạn “hiệp chủng quốc”

Tôi đến Matxcơva trước thềm khai mạc 10 ngày. Khi đó, khách sạn trong khu phố cổ Arbat vẫn còn khá trống và giá còn rẻ. Nhưng chỉ sau một tuần, giá tăng gấp ba và chật cứng chẳng còn một giường. Những CĐV từ khắp mọi quốc gia cứ đến rồi đi, theo chân đội tuyển mà mình ủng hộ. Trong hai tuần trú ngụ ở đây, tôi đã làm quen với CĐV từ hàng chục nước.

Đông nhất là CĐV Nam - Trung Mỹ, Argentina, Colombia, Peru, Mexico... Trong top 10 quốc gia mua vé xem World Cup nhiều nhất, khu vực này có đến 5 nước. Các CĐV Nam Mỹ vừa đông vừa ở xa, lại không rủng rỉnh tiền bạc như dân Tây Âu, Mỹ hoặc Trung Quốc. Những khách sạn vào khoảng 50-60 USD là vừa tầm với họ.

Stanislav, anh chàng nhạc sĩ ưa yên tĩnh ở gần phòng tôi những ngày đầu, đã phải tạm thời “di cư” ra vùng ngoại ô Matxcơva vào mùa World Cup trước cuộc “xâm lăng” của dân Nam Mỹ đó. Những nhân viên an ninh cũng không có cảm tình với dân Nam Mỹ lắm vì họ ngẫu hứng, dễ kích động và sống có phần ồn ào, bừa bãi.

Nhưng World Cup 2018 là thế và samba cùng tango là thế. Thiếu họ, World Cup đã chẳng phải là một ngày hội. Thống kê từ FIFA cho thấy lượng vé của CĐV Đức và Mexico tương đương nhau (cùng hơn 60.000).

Nhưng khi đến sân Luzhniki chiều 17-6, bạn sẽ thấy sắc xanh lá áp đảo, những chiếc mũ sombrero charro dày đặc mọi lối và tràn ngập không gian là điệu nhạc của dân Mễ. Mà CĐV Đức vốn nổi tiếng cuồng nhiệt bậc nhất châu Âu rồi đấy. Ngoài xem bóng đá, với dân Nam - Trung Mỹ, World Cup còn là nơi vui chơi, hội hè và sống ngẫu hứng đúng như bản chất văn hóa của họ.

Trong khách sạn tôi ở cũng có 2 CĐV Đức. “Không phải người Đức nào cũng giàu, chúng tôi chỉ là CĐV và có thể sẽ ở Nga cả tháng. Tôi phải tiết kiệm” - Julian Sandberg nói. Sandberg và bạn chẳng khác gì “dê giữa bầy sói” trong khách sạn còn khoảng 15 CĐV Mexico.

“Mới đầu cũng hơi ngại thật. Họ hát hò nhiều, rất phấn khích, nhưng rồi họ chủ động mời chúng tôi gia nhập, selfie và quàng vai” - Sandberg vui vẻ kể. Không thể nói là may mắn, nhưng trận thua của đội nhà đã khiến hai anh chàng Đức, dù bất đắc dĩ, được an tâm hơn đi uống bia giải sầu, trong khi hội Mexico tiếp tục nhảy múa, ca hát trên đường phố.

Cứ say đi...

Hầu hết CĐV bóng đá đều là dân “mạnh đô”. Quốc gia Nam Mỹ uống bia nhiều nhất là Brazil. Suốt mấy ngày trước thềm khai mạc, nhóm CĐV Brazil ở cùng khách sạn thường xuyên rủ tôi ra các quán nhậu. Mỗi anh chàng Brazil đều uống ít nhất 5 ly bia nửa lít và chẳng bao giờ say. Ricardinho, cao 1,9m, tâm sự: “Ở Brazil, tôi thường uống 10 ly mới ngà ngà. Sang đây vui thật, nhưng dù gì cũng sống chung ngủ chung phòng với khá nhiều phụ nữ. Người Nga khá lịch thiệp nhỉ, tôi không muốn làm phiền họ”.

Nếu ai cũng ý thức được như Ricardinho thì thật tốt. Tôi ngủ chung phòng với bốn anh chàng người Mông Cổ. Họ nói chung hiền lành, tử tế, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và sống đúng như tuổi trẻ của một đất nước có phần hoang dã. Ba ngày trời nhóm này ngụ tại khách sạn là ba ngày căn phòng của tôi ngập ngụa mùi bia. Những vỏ lon vứt tứ tung.

Do là mùa World Cup, du khách từ hàng chục quốc gia cứ đến rồi đi liên tục, hai cô gái quản lý khách sạn cũng mặc kệ. Cứ hễ nhóm nào đi thì họ dọn phòng một lần cho tiện.

World Cup thật xứng danh là một sự kiện “tứ hải giai huynh đệ”: tính cả người Nga, tôi đã gặp các CĐV 11 quốc tịch khác nhau trong hai tuần ngụ tại khách sạn nhỏ ở khu phố Arbat. Lắm chuyện buồn cười xảy ra khi có quá nhiều dân tộc ở với nhau.

Cách đây bốn ngày, một cô nàng Colombia la làng với nhân viên khi chiếc áo màu vàng truyền thống của cô bị nhuộm cả màu xanh lá. Lý do là bởi những anh chàng Mexico giặt đồ trước đó đã lỡ làm vương thuốc tẩy trong máy giặt. Sau cùng rồi cũng cười xòa.

Trẻ trung và đang tận hưởng những năm tháng đẹp nhất đời, họ chỉ cần mấy ly bia và bóng đá là đủ để thành huynh đệ, tỉ muội. Trong nhóm khách nữ ở chung phòng với tôi có cả một cô gái bản địa, Manizhka Abdurakhimova. Manizhka gốc Trung Á, dong dỏng cao, có mái tóc đen nhánh và đôi môi gợi cảm. Mới đầu tôi còn tưởng cô nàng hành nghề về đêm, nhưng sau đó mới biết Manizhka làm nghề phiên dịch tự do. Rõ ràng World Cup là cơ hội tuyệt vời cho cô gái này.

Manizhka có trí nhớ tuyệt vời, hầu như nói tên một lần là nhớ, thậm chí còn đoán chính xác quốc tịch từng người khi mới nghe tiếng. Và những e ngại rằng cánh đàn ông thô lỗ sẽ khiến cô gái Nga xinh đẹp này ngượng ngùng hóa ra ngược lại. Manizhka... “xả đồ” còn khiếp hơn chúng tôi. Cô nàng không uống bia, nhưng sẵn sàng làm vài ly vodka nếu bạn mời. Rồi Manizhka cũng dọn đi, như những CĐV Argentina, Brazil, Mexico, Mông Cổ...

Tuần tới, tôi sẽ lại tiếp đón những người mới, có thể là Pháp, Đan Mạch, Serbia, Tunisia, các quốc gia thật đa dạng về hoàn cảnh chính trị, kinh tế, sắc tộc... Nhưng có hề gì, đã đến World Cup là một nhà hết.■

“Quên” cả cấm luật

Minh chứng cho tinh thần “hội nhập quốc tế” mùa World Cup là khi nhóm CĐV Mexico về đến khách sạn sau đêm “địa chấn” đánh bại Đức. Một anh chàng lôi ra hai chai Tequilla mời mọi người, trong đó có cả Kharouz - CĐV Morocco theo đạo Hồi. Từ chối mãi không được, Kharouz đành uống một ly, điều không được phép với người Hồi giáo. Khi mọi người đề nghị chụp hình thì Kharouz la làng: “Các anh muốn tôi hết đường về nước à”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận