Từ hạt tới bàn ăn

LƯ THẾ NHÃ 22/04/2017 02:04 GMT+7

TTCT - Tổ chức Seed to table Nhật Bản đang hỗ trợ nông dân Bến Tre trồng rau theo chuẩn PGS (Participatory Guarantee System - hệ thống bảo đảm có sự tham gia) hữu cơ tại hai huyện Ba Tri và Bình Đại.

Nông dân Bến Tre bán rau hữu cơ PGS tại Phiên chợ xanh tử tế (TP.HCM) vào tháng 10-2016 -Ino Mayu
Nông dân Bến Tre bán rau hữu cơ PGS tại Phiên chợ xanh tử tế (TP.HCM) vào tháng 10-2016 -Ino Mayu

 

Rau này được nhiều khách hàng ở TP.HCM thích dùng và giá bán rau hữu cơ tại ruộng cao hơn 10 lần rau thường. Nhưng để được cấp giấy chứng nhận rau trồng đạt chuẩn PGS không đơn giản.

Sáu tháng nay, các nông dân ở ấp An Phú, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri (Bến Tre) làm quen với một cách trồng rau mới, với sự giúp đỡ của Tổ chức Seed to table Nhật Bản.

Khác với cách trồng rau truyền thống, dọn cỏ, xới đất, lên liếp và gieo cấy, cách trồng rau hữu cơ PGS của Nhật Bản tỉ mỉ hơn nhiều. Xung quanh khu vực trồng rau là hàng rào đệm trồng cỏ sữa nuôi dê, bò để ngăn các chất vô cơ từ nước của đất liền kề chảy qua.

Cách hàng rào đệm 1m là nhiều loại hoa nở đang khoe sắc trồng xen kẽ các liếp rau. Các liếp rau nằm song song, cải ngọt nằm cạnh rau mồng tơi, liếp hẹ nằm giữa rau dền, cải ngọt.

Diệt sâu bằng... “rượu thuốc”

Mới nhìn, ruộng rau của bà Hồ Thị Hồng (ở ấp An Phú, xã An Hòa Tây) như một liếp rau tạp, đủ thứ hoa và rau trên một liếp: rau muống xen cây hẹ, cây mùng tơi với rau muống, đu đủ cạnh giàn bầu... Bà Hồng giải thích trồng hoa để dẫn dụ các loại côn trùng gây hại cho rau.

Trồng các loại rau như hẹ, mồng tơi, đu đủ để xua đuổi các loại sâu, rầy, rệp... Các loại rau này trồng cạnh rau mà sâu hay ăn, côn trùng ngửi mùi không bén mảng tới. Lỡ vẫn có sâu thì sao? Một bình rượu ngâm tỏi, gừng, ớt... sẽ giúp họ giải quyết bọn sâu triệt để.

“Rượu thuốc” này không gây hại đến sức khỏe con người. “Khi nhà hết rượu, mình cũng có thể uống được” - một nông dân trồng rau hữu cơ nói vui.

Ngoài phòng sâu ăn phá rau bằng “rượu thuốc”, các hộ trồng rau hữu cơ còn dùng đèn pin soi tìm diệt sâu vào ban đêm. Có hộ còn dùng lưới mùng phủ liếp rau đến thời kỳ thu hoạch ngăn côn trùng phá hại.

Bà Hồ Thị Hồng trồng giàn bầu cạnh cây đu đủ để ngăn côn trùng xâm hại-Lư Thế Nhã
Bà Hồ Thị Hồng trồng giàn bầu cạnh cây đu đủ để ngăn côn trùng xâm hại-Lư Thế Nhã

 

Việc trồng rau hữu cơ kỹ lưỡng từ khâu hạt giống, ông Hồ Văn Châu - một thành viên của nhóm rau hữu cơ An Phú - cho biết ông vẫn mua hạt giống của nông dân tại địa phương, ngoài thị trường nhưng bỏ qua mọi giống biến đổi gen.

Trước khi gieo, hạt chỉ được ngâm nước ấm, không được ngâm trong hóa chất. Các ruộng rau phải trồng xen canh và luân canh để ngăn côn trùng phá hại. Phân bón cho rau phải là phân hữu cơ được ủ đúng quy trình hướng dẫn theo tiêu chuẩn PGS.

Hầu hết các gia đình trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở đây được Seed to table hỗ trợ đều nuôi trên hai con bò. Phân bò thải ra được ủ nóng cùng nấm trichoderma, cá khô, cỏ, rơm rạ mà bò ăn không hết để diệt các vi khuẩn có hại cho cây trồng và hạt cỏ dại.

“Trường hợp liếp rau có cỏ dại phải dùng tay nhổ, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ hóa học. Thời gian ủ phân từ ba tháng trở lên mới sử dụng bón rau. Trồng rau hữu cơ cực nhiều vụ đầu nhưng vụ sau khỏe hơn vì phân bón hữu cơ làm cho đất trồng tốt, khỏe bền lâu, ít đầu tư thêm chi phí” - bà Hồng nói.

Các hộ trồng rau hữu cơ đều có nhật ký ghi chép từ khâu mua hạt giống ở đâu, gieo cấy, thu hoạch lúc nào..., trên mỗi liếp rau đều có đánh số.

Rau thu hoạch phải đúng kích thước quy định. Khi bán rau có bao bì ghi rõ nhóm sản xuất - mã nhóm, điện thoại người làm nhóm trưởng, hóa đơn mua bán...

Anh Lê Quang Hay, cán bộ kỹ thuật trạm khuyến nông Ba Tri, giải thích kỹ lưỡng như vậy để dễ truy ra nguồn gốc khi rau bị phát hiện không sạch. Qua kiểm tra bốn hộ trồng rau PGS hữu cơ ở giai đoạn thử thách, chỉ một hộ bị nhắc nhở cần khơi rãnh thoát nước thải chuồng gia súc ra xa khu vực trồng rau.

Bà Ino Mayu (người ngồi thứ ba từ trái sang) hướng dẫn nông dân nhóm An Phú, xã An Hòa Tây trồng rau PGS hữu cơ-Lư Thế Nhã
Bà Ino Mayu (người ngồi thứ ba từ trái sang) hướng dẫn nông dân nhóm An Phú, xã An Hòa Tây trồng rau PGS hữu cơ-Lư Thế Nhã

 

Khó mà vui

Seed to table Nhật Bản đang thực hiện dự án “Cải thiện sinh kế của nông dân quy mô nhỏ thông qua tiếp cận tốt hơn với thị trường và áp dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ” hỗ trợ nông dân Bến Tre trồng rau theo chuẩn PGS hữu cơ ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại (1.000m2), thị trấn Ba Tri (2.000m2) và xã An Hòa Tây, Ba Tri (3.000 m2).

Ý nghĩa của dự án là cải thiện sinh kế cho nông dân quy mô nhỏ bằng cách áp dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Đồng thời giáo dục về sinh thái cho trẻ em, thanh niên nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bà Ino Mayu (trưởng đại diện Tổ chức Seed to table tại VN)

Những nông dân muốn được hỗ trợ trồng rau hữu cơ phải tự nguyện và được Seed to table chuyển giao kỹ thuật qua các lớp tập huấn cùng chi phí đi dự các lớp học nếu ở xa. Ngoài ra, tổ chức này còn hỗ trợ lưới mùng che bớt nắng cho vườn rau và kết nối thị trường giúp hộ trồng rau hữu cơ bán được giá cao hơn rau thường.

Người nông dân có đất trồng rau PGS hữu cơ, trước hết phải gửi mẫu đất trồng và nước sử dụng tưới rau đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) xét nghiệm.

Khi đất không có dư lượng phân thuốc hóa học và nước tưới sạch có thể uống trực tiếp mới được hỗ trợ trồng rau hữu cơ theo chuẩn PGS.

Trường hợp đất trước đó canh tác bằng phân thuốc hóa học, phải ngưng canh tác một năm, sau đó mới xét nghiệm đất và nước tưới. Ở các nhóm trồng rau hữu cơ: thị trấn Ba Tri, xã An Hòa Tây và xã Lộc Thuận, nước tưới là nước giếng khoan đất giồng cổ được kiểm nghiệm có thể uống trực tiếp được.

Những người nông dân chịu trách nhiệm trực tiếp với các loại rau hữu cơ họ trồng, điều này được đặc biệt nhấn mạnh.

Cứ 1-2 tháng, các hộ đã có giấy chứng nhận kiểm tra các hộ chưa được chứng nhận, hoặc các hộ đã được cấp giấy chứng nhận rồi kiểm tra chéo lẫn nhau. Mỗi lượt kiểm tra đều có đại diện của Seed to table tham dự và giúp điều chỉnh.

Ba tháng đầu, các hộ trồng rau làm quen với phương pháp mới, sáu tháng tiếp theo là để kiểm tra xem còn sai sót gì về quy định và khắc phục, từ một năm trở lên kiểm tra đạt đầy đủ các quy định, Seed to table mới cấp giấy chứng nhận rau PGS hữu cơ.

Khi đã được cấp giấy chứng nhận rồi, hộ trồng rau hữu cơ vẫn phải tuân thủ các quy chuẩn rau PGS hữu cơ, nếu phát hiện có sai trái, nhóm bị rút giấy chứng nhận. Vì vậy, cả nhóm đều phải “canh” nhau làm đúng.

Trồng rau hữu cơ cực và khó, bù lại giá trị cây rau tăng rất cao. Hầu hết các hộ trồng rau hữu cơ ở Bình Đại, Ba Tri đều cho biết giá rau hữu cơ bán cho một công ty ở TP.HCM và tại các phiên chợ xanh tử tế (TP.HCM) đều hơn 10 lần so với loại rau trồng theo phương pháp hóa học. Khách hàng không chỉ mua đủ ăn mà còn mua để dành.

Theo anh Mai Văn Phúc (ở ấp 1, thị trấn Ba Tri), hộ đã được cấp giấy chứng nhận rau PGS hữu cơ, với 1.000m2 rau hữu cơ mỗi tháng thu hoạch từ 400-500kg, giá bán tại ruộng từ 18.000-20.000 đồng/kg (tùy loại rau, trái).

Còn ông Nguyễn Tấn Dũng (ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận) cho biết trồng rau hữu cơ không cần đất nhiều: 500m2 trồng rau hữu cơ của ông cho hoa lợi từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Ở nhóm trồng rau An Phú còn có nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu tiêu chuẩn rau PGS hữu cơ.

Các hộ nông dân ở đây được khách góp ý: nên phát triển trồng rau kết hợp với du lịch phục vụ khách đặc sản với rau hữu cơ.

Bà Ino Mayu, trưởng đại diện Seed to table Nhật Bản tại VN, nói tiếng Việt rất sõi, cho biết nhiều khách hàng của phiên chợ xanh tử tế tại TP.HCM thích dùng rau PGS hữu cơ Bến Tre vì vừa ngon vừa an toàn, vừa giữ được lâu.

Sắp tới Seed to table sẽ hỗ trợ trồng rau PGS hữu cơ cho nông dân ở xã Vĩnh An, An Bình Tây, Ba Tri và tại mỗi huyện của Bến Tre sẽ trồng rau hữu cơ ở một trường THPT.

Riêng tại xã Lộc Thuận và Vang Quới Đông, huyện Bình Đại sẽ triển khai dự án trồng chuối và dừa sạch. Seed to table sẽ hỗ trợ các huyện còn lại của Bến Tre trồng rau PGS hữu cơ trong thời gian thực hiện dự án và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh khác nếu có yêu cầu (do PGS hữu cơ Bến Tre thực hiện).■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận