Từ kim bản vị đến quản lý kinh doanh vàng

TRẦN KHUÊ (MBA - HOA KỲ) 10/07/2011 01:07 GMT+7

TTCT - Dự thảo cuối cùng của nghị định kinh doanh vàng miếng vừa được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất. Hãy nhìn lại tâm lý dùng vàng của người Việt để nói về việc quản lý kinh doanh vàng.

Sự ổn định của nền kinh tế là một công thức khá đơn giản bao gồm (1) chính phủ độc quyền in tiền, (2) có giới hạn lượng tiền in ra, (3) ngân hàng trung ương phát hành và khống chế giới hạn số lượng tiền mới, (4) trữ lượng ngoại tệ và quý kim (thường được hiểu là vàng) đáp ứng được nhu cầu thanh toán quốc tế. Bất cứ ảnh hưởng nào đến một trong các yếu tố trên đều dẫn đến kinh tế bất ổn. Nhân tố quý kim chỉ là một nhưng lại có bề dày lịch sử ở Việt Nam lẫn quốc tế, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Lịch sử tâm lý dùng vàng phức tạp

Đối với hoạt động sản xuất vàng miếng, dự thảo đưa ra hai phương án: Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp muốn kinh doanh đầy đủ vàng miếng, vàng trang sức từ sản xuất, gia công đến kinh doanh phải xin từ 6-7 giấy phép; nhập vàng trang sức, mỹ nghệ trên 20kg cũng phải xin phép. Hiện có tám thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Yếu tố vàng trong thanh toán và phát hành tiền ở Việt Nam có vai trò lịch sử quan trọng, cần nghiên cứu sâu để hoạch định chính sách quản lý vàng cho phù hợp. 500 năm trở lại đây, ta có thể thấy nhiều loại tiền khác nhau lưu hành trên những vùng khác nhau ở Việt Nam theo sự thăng trầm của các vương triều, các quốc gia đô hộ, các chế độ chính trị và những cuộc chiến tranh chia cắt đất nước. Các yếu tố lịch sử này đã góp phần hình thành và củng cố tâm lý tích trữ, dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Việc chuyển đổi giá trị vật chất qua vàng đã trở thành công cụ tiện lợi phục vụ thực tế đời sống đại bộ phận người dân. Tâm lý ấy đã thành nếp, không dễ dàng thay đổi được. Thời gian và điều kiện thích hợp để thay đổi tâm lý cố cựu này cũng nên căn cứ vào kết quả trắc nghiệm, đo lường và nghiên cứu khoa học về tâm lý của người dân nhằm tránh gây sốc.

Kim bản vị, tức quy đổi tỉ giá chính thức giữa đồng nội tệ và kim loại quý (vàng, bạc), rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới đến mãi gần đây (năm 1971). Đã có vài lúc việc chuyển đổi ở châu Âu và Mỹ bị dừng đột ngột phần lớn do nguyên nhân khẩn cấp (thường là chiến tranh xâm lược hoặc nội chiến). Sau những cuộc khủng hoảng ấy, các nhà nước với chế độ kim bản vị đều cho vận hành trở lại việc chuyển đổi tự do theo một tỉ giá tương đối ổn định giữa tiền và kim loại quý dùng để bảo đảm.

Việc chấp nhận dùng vàng để tính toán trong các hợp đồng kinh tế và các văn bản tòa án tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến đến tận gần đây, mà vụ việc về 37 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân (TP.HCM) mua nhà trả vàng từ năm 2000 là một ví dụ.

Đến năm 2006, TP.HCM mới có quyết định 26262 bãi bỏ việc tính giá nhà tái định cư theo giá vàng. Năm 2009, đến lượt UBND TP Đà Nẵng quyết định giảm giá trị vàng cho các hộ nợ tiền sử dụng đất tái định cư quy ra vàng nhưng vẫn không loại bỏ hoàn toàn yếu tố giá vàng trong cách tính toán.

Minh bạch với vàng

Khi việc sử dụng vàng lẫn tiền mặt làm công cụ thanh toán còn tồn tại song song, việc quản lý kinh tế sẽ gặp khó khăn trong công tác ước lượng và tính toán GDP do giá vàng biến động. Nếu không thể xác định được tổng giá trị giao dịch bằng vàng và yếu tố trượt giá của vàng, hoặc bỏ qua không tính những giao dịch đó vào GDP thì lượng tiền mặt trong nền kinh tế sẽ có kết quả sai lệch với giá trị thực tế, từ đó có thể khiến Ngân hàng Nhà nước bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế và gây ra lạm phát. Ước lượng tổng giao dịch bằng vàng cũng như dự trữ vàng của quốc gia cần phải được công bố.

Không rõ dự thảo quản lý vàng miếng có cấm đưa yếu tố giá vàng trực tiếp hay gián tiếp vào trong cách tính toán của các giao dịch hay không? Nếu không thì đây sẽ là một kẽ hở quan trọng, là nguồn của bức xúc dư luận. Cấm thì khó nhưng để lấp kẽ hở này chỉ cần có quy định cho phép tòa án “áp dụng giá vàng bình quân từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến khi thanh toán từng phần hoặc toàn bộ”, và quy định công thức tính “bình quân” để xử lý vấn nạn giá vàng biến động thất thường gây bức xúc dư luận xã hội.

Vì có sự giới hạn các đầu mối kinh doanh vàng, có lẽ Nhà nước nên tổ chức đấu giá các giấy phép kinh doanh và đấu giá quota để tạo nguồn thu cho ngân sách, tương tự việc đấu giá băng tần 3G trước đây. Nếu không có quy định rõ ràng sẽ có nhiều khả năng xuất hiện tình trạng hối lộ để được giấy phép, tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh. Cũng chưa rõ dự thảo quy định việc xác lập giá mua và bán như thế nào để giá vàng Việt Nam gần với thế giới và bảo vệ người tiêu dùng. Tất cả điều này đều cần công khai sớm để thảo luận và góp ý kiến, nhất là các nội dung liên quan đến sản xuất, cấp phép cũng như các tiêu chí chọn doanh nghiệp cho sản xuất vàng.

Cuối cùng là cân nhắc kỹ về vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hoạt động quản lý kinh doanh vàng miếng diễn ra theo đúng phạm vi khoa học của nó, tránh ôm đồm, quá tải và những nguy cơ do thiếu minh bạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận