Từ NATO đến NAM

D.ĐỨC - H.MINH 28/01/2024 07:50 GMT+7

TTCT - Muốn hay không, cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine cùng những thách thức kèm theo cũng khiến các nước phải đánh giá lại tình hình mà chọn một thái độ cho mình.

Trong bối cảnh đó, thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 19 vừa kết thúc và Thụy Điển sắp được thông qua việc gia nhập NATO.

Ảnh: The Economist

Ảnh: The Economist

Tin Reuters sáng sớm thứ tư 24-1 cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển sau 20 tháng trì hoãn". Tháng 4-2023, Phần Lan cũng đã gia nhập. Mà hai nước Bắc Âu này xưa giờ vốn có tiếng không liên kết và trung lập. 

Họ có còn như vậy nữa không sau khi gia nhập NATO, và trước cuộc chiến tranh Ukraine, không liên kết là làm sao? Tất nhiên, câu trả lời không dựa trên bất cứ tiêu chí đúng - sai đạo đức nào.

Chuyện của Thụy Điển và Phần Lan

Tháng 5-2022, Euronews từng quả quyết: "Cuộc chiến tranh ở Ukraine kết liễu chính sách không liên kết của Thụy Điển và Phần Lan". Trang tin này giải thích: "Đây là sự đổi hướng mang tính lịch sử với hai quốc gia Bắc Âu vốn luôn theo đuổi đường lối không liên kết". 

Cụ thể, theo Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson: "Giải pháp tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển và người dân Thụy Điển là gia nhập NATO, và chúng ta phải làm điều đó cùng với Phần Lan". 

Reuters khi loan tin Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO còn bình luận: "Với Thụy Điển, việc đệ đơn gia nhập đánh dấu thay đổi mang tính lịch sử - rời bỏ chính sách an ninh không liên kết".

Không ít người còn nhớ trong Chiến tranh lạnh, các nước Bắc Âu được coi là hình mẫu của một xã hội khai sáng, chống quân phiệt, quan tâm đến công bằng xã hội và vượt trội về mặt đạo đức so với hai cực đối lập thời đó là Hoa Kỳ và Liên Xô. 

Hai hiện thân nổi tiếng nhất của mô hình này trong một thời gian dài là Thụy Điển và Phần Lan. "Việc từ bỏ tính trung lập, vốn đã được người dân biểu quyết cách đây 6 tháng, khiến hai quốc gia Bắc Âu này từ bỏ những gì đã từng là một phần bản sắc của họ", Le Monde Diplomatique bình luận.

Thiệt ra từ năm 1994, Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia "quan hệ đối tác vì hòa bình" của NATO. Quân đội Phần Lan đặc biệt quan tâm điều chỉnh các hệ thống vũ khí, khí tài quân sự tương thích với NATO. 

Helsinki đã mua 64 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ có thể mang vũ khí hạt nhân. Suốt những năm 2000 và 2010, Phần Lan và Thụy Điển còn tham gia các hoạt động "gìn giữ hòa bình" và ký kết các thỏa thuận với NATO cho phép hỗ trợ hậu cần cho tổ chức quân sự này trên lãnh thổ của họ.

Nếu cho rằng hai nước này gia nhập NATO "một cái rụp" e là không sát với thực tế địa chính trị vô cùng biến đổi ở châu Âu. Từ sau 2008, và nhất là 2014, sau khi Nga tấn công Gruzia và sáp nhập Crimea, chuyện các nước Bắc Âu và Baltic lo lắng là dễ hiểu. 

Hơn nữa, Matxcơva vẫn cứ coi chuyện nước này, nước kia gõ cửa NATO và EU là mối đe dọa với Nga, là NATO bành trướng. Chuyện này cũng là dễ hiểu khi hai bên chưa thoát ra khỏi nỗi sợ kinh niên, chưa tìm cách để hiểu nhau hơn, và chưa có cơ chế giải tỏa các nỗi sợ đó.

Ảnh: The Hill

Ảnh: The Hill

Thượng đỉnh NAM 19

Trùng hợp với tin Thụy Điển sắp gia nhập NATO là tin Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của Phong trào Không liên kết (NAM 19) tại Kampala (Uganda) kết thúc hôm 20-1 với Tuyên bố Kampala được 120 quốc gia thành viên, gồm 28 nguyên thủ quốc gia, cùng ký kết.

Có ý kiến cho rằng NAM đang có một sức sống mới, song cũng có ý kiến ngược lại. Hội nghị lần này tiếp nối NAM 18 tổ chức tại Baku (Azerbaijan) cuối tháng 10-2019 với sự tham dự của lãnh đạo nhà nước và chính phủ của gần 60 quốc gia. 

Từ NAM 18 tới NAM 19 là đại dịch COVID-19, cuộc chiến tranh Ukraine hiện chưa ngã ngũ, và gần đây nhất là cuộc xung đột Israel - Hamas đẫm máu nhất trong nhiều thập niên. Bốn năm sau NAM 18, NAM 19 cũng hô hào hòa bình Trung Đông trong vô vọng, cho dù NAM là phong trào toàn cầu có số quốc gia thành viên đông chỉ sau Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ NAM chỉ có thể hô hào chớ không thể làm gì khác là bởi không giống các tổ chức khu vực và quốc tế khác, như LHQ hay Liên minh châu Phi chẳng hạn, NAM không có điều lệ, hiệp ước thành lập chính thức hay ban thư ký thường trực. Việc điều phối và quản lý các công việc của phong trào là trách nhiệm của quốc gia giữ chức chủ tịch.

Một trong những điều mà NAM hô hào nhiều nhất là vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Tuyên bố chung năm nay nêu rõ: 

"NAM quan ngại sâu sắc trước tình hình ngày càng xấu đi trên thực địa và cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân Palestine đang phải chịu đựng ở Dải Gaza, nơi dân số - hơn một nửa là trẻ em - đang phải chịu những mất mát to lớn về người, sự tàn phá diễn ra trên diện rộng, dân chúng bị cưỡng bức di dời quy mô lớn... Israel tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi khắp Dải Gaza, bao gồm vào cả nhà cửa và trại tị nạn, trường học và cơ sở của UNRWA (Cơ quan LHQ cứu tế và hành động vì người Palestine ở Cận Đông)".

Trên cơ sở đó, Tuyên bố NAM 19 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ nghị quyết 2720 (năm 2023) của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo quy mô lớn cho người Palestine khắp Dải Gaza và đảm bảo an toàn cho các tổ chức nhân đạo.

Hội nghị NAM 19 ở Uganda. Ảnh: Nile Post

Hội nghị NAM 19 ở Uganda. Ảnh: Nile Post

Sẽ càng quan trọng hơn?

Dễ hiểu là trong một bối cảnh như vậy, và chỉ có những hô hào ít được để ý, đã có nhiều ý kiến cho rằng NAM không còn thích hợp với thời hiện đại. Nhưng cũng có nhiều lý lẽ ủng hộ một phong trào không liên kết toàn cầu của các nước nhỏ hơn, ít có tham vọng thống trị, cảnh sát, hay số 1 số 2, mà chỉ đơn giản muốn sống trong một thế giới hòa hoãn và yên bình.

Đơn cử ngay trong cuộc xung đột Ukraine, khi phương Tây lên án mạnh mẽ và áp nhiều lệnh cấm vận với Nga, nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi đã chọn thái độ thận trọng hơn. Mấy chục nước đã không tham gia các lệnh cấm vận. 

Dù cũng chỉ có một số ít quốc gia ủng hộ Nga, nhiều nước thuộc NAM lựa chọn thái độ "chờ xem sao". Brazil tuyên bố rõ, họ sẽ "không chọn phe". Ấn Độ khẳng định lại chính sách không liên kết, tương tự là Nam Phi, Pakistan và nhiều nước khác.

Những phản ứng đó, cũng như phản ứng với cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza tại NAM 19, phản ánh góc nhìn của rất nhiều nước đang phát triển trong bối cảnh một cuộc Chiến tranh lạnh mới đang thành hình: Trừ khi bị đe dọa trực tiếp, các nước nhỏ yếu đều muốn một chính sách không liên kết - không ủng hộ mạnh mẽ và dứt khoát cả phương Tây lẫn đối thủ của họ.

Ý tưởng không liên kết xuất hiện từ những năm 1950, ngụ ý không chấp nhận tham gia cả hai khối thời Chiến tranh lạnh do Washington và Matxcơva lãnh đạo. 

Những người tiên phong bao gồm các lãnh đạo những quốc gia độc lập hậu Thế chiến II Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), Sukarno (Indonesia), Gamal Abdel Nasser (Ai Cập), Kwame Nkrumah (Ghana) và Josip Broz Tito (Nam Tư).

Dù đại diện cho một phổ ý thức hệ rất đa dạng, họ chia sẻ quan điểm không liên kết - đoàn kết để chống lại các cường quốc thực dân và đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc và không muốn dính líu tới xung đột Mỹ - Xô. Những nguyên tắc cốt lõi của phong trào bao gồm phản thực, phản đế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không gây hấn và không can thiệp.

Những thành viên đa dạng của phong trào có lúc có lập trường đoàn kết rất mạnh mẽ, như khi họ cùng lên tiếng phản đối nền cai trị thuộc địa ở Rhodesia thuộc Anh (nay là Zimbabwe) và chế độ apartheid ở Namibia và Nam Phi. 

Nhưng cũng có lúc phong trào bị chia rẽ nghiêm trọng, như vào năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. 56 nước lúc đó đã bỏ phiếu lên án Liên Xô ở LHQ, nhưng 9 nước ủng hộ và 26 không bỏ phiếu, không khỏi gợi lại những cuộc bỏ phiếu ở LHQ về cuộc chiến Ukraine vừa rồi.

Ngày nay, với nhiều nhà lãnh đạo các nước NAM Á, Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, sức hấp dẫn về mặt tinh thần của phong trào vẫn rất mạnh mẽ. Nền kinh tế hầu hết các nước này phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, viện trợ và đầu tư cả từ phương Tây lẫn Trung Quốc (và ở một mức độ thấp hơn, cả Nga). 

Về mặt kinh tế, hầu hết không có được sự xa xỉ quyền chọn phe, hay nghiêng hẳn về bất cứ bên nào. Nhưng kể cả về mặt an ninh, các nước này cũng muốn đa dạng hóa, cả về nguồn cung vũ khí, những đảm bảo an ninh, hạn chế tối đa tình trạng phụ thuộc vào một cường quốc duy nhất.

Vì tất cả những lý do đó, phong trào không liên kết ngày nay có lẽ còn có sức hút hơn cả thời Chiến tranh lạnh.■

Nhân tố Trung Quốc

Trung Quốc không phải là một thành viên của NAM, nhưng quan điểm của phong trào có nhiều điểm có lợi cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện giờ.

Ở NAM 19 tại Uganda, ngoài 70 chiếc xe chở đại biểu mà Trung Quốc tặng cho nước chủ nhà, Bắc Kinh còn cử đại diện là Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Lưu Quốc Trung.

Trung Quốc nhìn nhận NAM là những đồng minh tự nhiên của họ, dù với mục đích khác nhau: Bắc Kinh muốn vươn lên phá thế thống trị của Mỹ "vì một thế giới bình đẳng và đa cực có trật tự và toàn cầu hóa về kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và dung nạp" (thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận