Từ người tù vì trồng cần sa đến tác giả sách trẻ: Hướng về ánh sáng, đời không bao giờ tối tăm

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 24/05/2024 12:26 GMT+7

TTCT - Từ một cựu tù vì trồng cần sa ở Úc đến một nhà văn trẻ, anh viết để tự chữa lành cho mình, giải phóng sự u uất và hy vọng nó có ích cho các bạn trẻ.

Trong những ngày tại trại viết văn do NXB CAND tổ chức tại Vũng Tàu ngay trước ngày 30-4 năm nay, các nhà văn chúng tôi chuyền nhau đọc hai tác phẩm của tác giả trẻ Tô Giang, tự truyện Đường xanh viễn xứ (NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam) và cuốn Nếu không có ngày mai (NXB Phụ Nữ).

Cuốn đầu viết về cuộc sống của "dân chăn mèo" (từ lóng chỉ người canh chừng rủi ro trong các hệ thống trồng và mua bán cần sa), những ngôi nhà đóng kín cửa để trồng cần sa, chuyện làm ăn và quan hệ của người Việt tại Úc.

Cuốn thứ hai viết về cuộc đời tù đày, những con người, những mối quan hệ trong tù và sự hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống của chính anh.

Những gì anh viết rất thời sự và hữu ích, khi mà vẫn còn nhiều người Việt liều mình đi tìm tương lai nơi xa xứ bằng những con đường đau khổ như chui trong container hoặc trên thuyền.

Cuộc trò chuyện với tác giả Tô Giang diễn ra ngay tại trại viết văn.

Tác giả Tô Giang

Tác giả Tô Giang

Dưới áp lực phải có tiền

Vì sao đang là một nhà báo trẻ ở Nghệ An, từng 3 năm liên tiếp nhận giải Vàng Phát thanh - Truyền hình - anh lại quyết định ra đi một cách mạo hiểm vậy?

Dù lúc ấy tôi đang có nghề nghiệp hướng về tri thức, nhưng vì áp lực tiền. Xã hội coi rẻ người không có tiền, thực tế tiền có khi mua được cả pháp lý. Tuổi còn trẻ, tôi chưa đủ bản lĩnh nên sa vào cám dỗ, cho rằng kiếm tiền là quan trọng nhất, nhờ tiền mà cái tôi mới được trọng vọng.

Sau nữa, tôi hy vọng có nhiều tiền để trả nợ, rồi thành lập công ty truyền thông và tổ chức sự kiện - nghề mà các bạn trẻ đều mê.

Trong sách anh tả cuộc sống của người Việt làm nghề trồng cần sa lậu phải "chăn mèo", tức là làm mọi cách tránh né cảnh sát, cùng các tai họa thật kinh khủng. Có người sang Úc mà không biết nước Úc thế nào, suốt ngày sống trong bóng tối bí mật của ngôi nhà trồng cần và chỉ được thấy ánh sáng trời khi bị bắt. Anh trải qua những ngày ấy với những trả giá thế nào?

Ngoài việc học kỹ thuật trồng cần, cách ngụy trang ngôi nhà, "dân chăn mèo" phải thường xuyên đối phó với 3 "anh": Anh Nhất là hàng xóm nhòm ngó. Mình phải tỏ ra có cuộc sống của người đi làm việc và có sinh hoạt tự nhiên đàng hoàng. Anh Hai là cảnh sát Úc. Anh Ba là đám cướp từ các sắc dân khác chuyên rình cướp của dân Việt trồng cần, họ theo sát và biết khi nào sắp thu hoạch để cướp.

Gọi là "dân chăn mèo" nghĩa là quản lý rủi ro để tránh ba yếu tố trên. Tôi đã trải qua cả ba, suốt đời sống trong lo sợ, khi có tiền phải đem chôn để đề phòng cướp.

Đấy cũng là công việc khiến người ta phải sống lừa gạt, đóng vai, giả vờ... Việc này khiến không ít người thay đổi luôn tính cách, suốt đời không còn trung thực được với ai. Nghề của bóng tối tội lỗi không dành cho người đa cảm, chân thành. Tất cả đều vì lòng tham, sức mạnh khủng khiếp mà cần sa mang lại, nó biến tất cả những người liên quan đến nó trở nên tồi tệ.

Người Việt vốn được coi là giàu tình thương nhân ái, nhưng trong sách tự thuật của anh, sống ở xứ văn minh mà nhiều người thật xấu xí đáng sợ?

Đúng thế. Làm ăn phi pháp sẽ bộc lộ bản chất xấu. Có những kẻ "cai đầu dài" bóc lột khủng khiếp người mới tới làm thuê, nẫng tay trên thành quả của người khác, làm cho người khác bị hàm oan. Và nhiều ứng xử xấu kinh khủng.

Rồi người Việt với kỹ nghệ kết hôn giả công phu. Tôi từng phải nuôi 3 "gia đình, 3 bà vợ": Một vợ danh chính ngôn thuận, một vợ trong bóng tối, ba là vợ trên giấy tờ để nhập tịch Úc.

Tuy vậy có một điểm sáng là Hội Phụ nữ Việt Nam tự tổ chức bên đó. Các chị ấy có kế hoạch thăm nuôi tù nhân Việt khá đông. Họ biết hoạt động hiệu quả.

Rồi anh bị bắt thế nào?

Trong sách tôi có miêu tả kỹ. Khi đó mùa cần sa sắp gặt hái, buổi sáng tôi phát hiện một chiếc xe Holden màu đen đứng rình. Tôi ra kéo thùng rác đi đổ thì 4 cảnh sát ập vào. Tôi bị đưa đến nhà tù nổi tiếng của Úc - Trung tâm Cải huấn Fulham mà dân chăn mèo vào đó coi như đời kết thúc. Tôi bị án 36 tháng tù, sau được ân xá giảm 6 tháng còn 30 tháng rồi bị trục xuất về nước.

Không có khái niệm may mắn

Anh đã mất những gì?

Tôi mất tất cả. Gia đình, tiền bạc, công danh. Hết hạn tù, tôi bị Úc trục xuất về nước với hai bàn tay trắng. Gia đình riêng tan vỡ. Cha mẹ mất trong lo lắng, bệnh tật. Cần sa thực sự là một nghề biến người hiền lành thành quỷ dữ, những bóng ma lảng vảng luôn rình rập bất cứ ai tìm con đường tưởng là "màu xanh ảo diệu" này.

Trong sách, anh viết "Theo tôi không có khái niệm may mắn. Loài người đã nhầm lẫn từ ngữ". Vậy anh đứng lên cách nào?

Tôi không trốn chạy thân phận. Dũng cảm để làm được, học được, muốn sống lại những ngày yên bình, tươi đẹp. Thành công của tôi chính là không chịu thất bại, càng thấy cuộc sống quý giá. Mất tự do thì càng thấy yêu cuộc sống hơn. Tự do tư duy thì không ai bỏ tù được. Tìm lại tự do là thành công. Sống với niềm vui trọn vẹn, không để thất bại đè bẹp.

Sau khi về nước, tôi viết sách, được xuất bản, được mời đi nhiều trại giam tặng sách và trao đổi với tù nhân về kinh nghiệm vượt qua khó khăn. Tôi cũng trở thành một huấn luyện viên thể hình.

Vì sao về nước anh được mời đi nói chuyện nhiều nhà tù? Anh nói gì ở đó?

Sau khi 2 cuốn sách xuất bản vào năm 2020-2021 cũng là sau 2 năm về Việt Nam, tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của độc giả và giới trí thức.

Đầu tiên là thầy giáo của tôi ở Đại học KHXH&NV Hà Nội nơi xưa tôi từng học - PGS Trần Khánh Thành, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương, chú Lê Doãn Hợp, nguyên bộ trưởng TT-TT, bác Tạ Quang Ngọc - nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản... Họ gửi thư khen ngợi động viên.

Có nhiều học giả từ phương Tây kết nối khi đọc tác phẩm của tôi được chuyển ngữ. Đặc biệt Giám đốc NXB Phụ Nữ, chị Khúc Thị Hoa Phượng, người không chỉ ủng hộ sáng tác của tôi mà còn huấn luyện tôi trở thành diễn giả tham gia Chương trình nhân đạo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hỗ trợ tù nhân hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.

Từ người tù vì trồng cần sa đến tác giả sách trẻ: Hướng về ánh sáng, đời không bao giờ tối tăm- Ảnh 2.

Từ người tù vì trồng cần sa đến tác giả sách trẻ: Hướng về ánh sáng, đời không bao giờ tối tăm- Ảnh 3.

Trong các chuyến đi tới nhà tù, tôi luôn mở đầu bằng cách nói với các tù nhân rằng tôi chưa phải nhà văn, không là học giả, nhà giáo dục hay nhà đạo đức, tôi chính là các bạn. Tôi nghĩ giáo dục là cùng đồng hành với họ. Tôi kể chuyện mình đã cởi bỏ tấm áo tù để khoác tấm áo mới với cuộc đời và đến đây với họ.

Chính vì sự thấu cảm này mà họ lắng nghe với sự chăm chú và hy vọng. Tôi nhớ những điều mà người bạn tù Sanchez đã cùng nhau trao đổi, và đã ghi lại trong sách những lời đó để tặng cho những người tù trong khó khăn đau khổ.

"Lần đầu tiên có tác giả cung cấp cho chúng ta một cách nhìn hiếm có và thuyết phục về chính trải nghiệm của ông trong vai trò của một dân chăn mèo ở Melbourne và các vùng phụ cận. Bên cạnh những trải nghiệm của chính mình, tác giả cũng cho thấy những hạn chế của hệ thống thực thi Pháp luật và lực lượng Biên phòng trong nỗ lực giải quyết vấn đề nhức nhối ở Úc.

Với những người đọc muốn biết sâu hơn về các hoạt động mua bán ma túy có tổ chức hiện nay, quyển sách này sẽ cung cấp một cái nhìn nhiều hơn thế".

Từ người tù vì trồng cần sa đến tác giả sách trẻ: Hướng về ánh sáng, đời không bao giờ tối tăm- Ảnh 4.

Giáo sư Andrew Goldsmith, tổng biên tập tạp chí Tội phạm học Úc và New Zealand, đánh giá về Herding Cats của Tô Giang (Hải Lương biên dịch).

Những người tù thường hỏi anh và chia sẻ điều gì trong những cuộc tiếp xúc đó?

Câu hỏi thì nhiều nhưng phần lớn xoáy vào vấn đề: rồi có thể sống được không khi xã hội có thành kiến với người tù tội? Tôi nói với họ, thành kiến là một trong những bản chất xã hội và ta trước tiên phải thay đổi chính mình, thiện lương để hóa giải thành kiến. Hơn nữa, phải nâng cấp bản thân mình bằng kiến thức.

Có một tù nhân nữ đã 50 tuổi mà thụ án 30 năm. Bà ấy lo rằng sẽ chẳng biết nói sao với con cháu khi chúng phải mang thân phận con cháu một người tù. Tôi đã kể cho bà ấy nghe câu chuyện của mẹ tôi đã đau khổ lo nghĩ hóa thành vô tri, mất trí khi đau khổ xót thương và bất lực trước cảnh con mình bị tù đày nơi xứ người.

Anh mới viết và bước đầu nổi tiếng khi sách được dịch và xuất bản ở Úc với tên Herding Cats (Dân chăn mèo). Các giáo sư Andrew Goldsmith, tổng biên tập tạp chí Tội phạm học Úc và New Zealand và giáo sư Daniel, giám đốc nghiên cứu tư pháp ở Anh có những lời đánh giá cao. Anh đã ra với toàn cầu rồi. Anh sẽ viết tiếp chứ?

Tôi viết để tự chữa lành cho mình, giải phóng sự u uất và hy vọng nó có ích cho các bạn trẻ. Viết những gì nói không thành lời, tập trung vào nó, có ích cho cuộc đời, như người thợ mộc chăm chú sẽ có hiệu quả.

Tôi đang dự định viết tiếp sách về tù nhân nữ, và vừa viết xong một cuốn về Mẹ như chuộc lại phần nào nỗi đau mà cha mẹ tôi đã phải chịu cuối đời vì đứa con lặn lội xứ người.

Tôi sẽ viết nữa với hy vọng sách của tôi sẽ là người bạn tâm tình với người tù khi họ cô đơn. Vì ngay nỗi đau cũng mang một sứ mệnh nào đó. Tôi viết lại nỗi đau ấy của một người còn trẻ đã trải qua đủ thứ đau khổ và sai lạc, nhưng rồi đứng dậy được, vẫn được sống cảm giác thẩm mỹ khi viết ra được những dòng hữu ích.

Tôi viết rất nhanh, chỉ hai tháng là xong một cuốn. Tôi sắp xuất bản cuốn thứ ba, Nơi trái tim tan vỡ, kể về mẹ. Sau đó sẽ là cuốn về các tù nhân nữ, với những câu chuyện tôi đã được nghe khi đi trao đổi và tiếp xúc với 10 phân trại của các nhà tù của Bộ Công an. Có những tâm tư đặc biệt và những câu chuyện nhân văn đem lại nhiều trải nghiệm và sự thấu hiểu cho người đọc.

Anh là tấm gương thất bại rồi đứng lên thành công. Nhưng nếu có bạn trẻ nói rằng anh vốn là trí thức có học và đọc nhiều nên mới được như thế, còn họ bình dân lao động chân tay có vượt qua được không, anh sẽ nói gì?

Trong sách, tôi có lấy hình ảnh một cái cây mà tôi gọi là cây Magdalena (Món quà của Chúa) trồi lên từ bức tường, cắm rễ vào bê tông, vươn lên đón ánh bình minh, tươi xanh mà sống... Ai cũng có thể vượt lên vì vốn dĩ con người nghĩ được sống là hạnh phúc. Sống sao cho bớt khổ thì phải học, phải đọc để có tri thức, không tri thức thì mãi trong kiếp khổ hạnh.

Trước đây ở Úc tôi từng có được nhiều thứ rồi lại mất hết, giờ không có gì nhưng tôi hạnh phúc. Tôi nghĩ học cách sống hạnh phúc là đỉnh cao của sự học.

Nếu chỉ là người lao động bình thường thì vẫn có thể học chấp nhận thực tế, thực tại, không quá tham cầu để có cuộc đời bình an. Tôi có thể là một thí dụ chịu học chịu đọc. Nếu mình sẽ đi thì sẽ tới. Nếu hướng về ánh sáng thì cuộc đời sẽ không bao giờ tối tăm.

Xin cảm ơn anh.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận