Từ “thiếu đói” đến thiết kế chính sách 

SỸ PHU 06/08/2016 16:08 GMT+7

TTCT - Những con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đưa ra những tính, đếm lạnh lùng: tháng 7 có 97.300 người thiếu đói, dù có giảm so với tháng trước nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số người thiếu đói tăng gấp 4,9 lần, số hộ thiếu đói tăng gấp 5,2 lần. Cộng chung 7 tháng đầu năm, số người thiếu đói lên đến 971.300 người.


Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

“Thiếu đói” là gì?

Có lẽ ít ai biết khái niệm này được định lượng như thế nào. Hộ “thiếu đói”, theo Tổng cục Thống kê, là hộ “có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa, tài sản có thể bán được để mua lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13kg thóc hay 9kg gạo một tháng”.

Đó là ngôn ngữ chính xác của giới thống kê. Còn nói nôm na, người thiếu đói là người xoay xở đủ cách, bán hết đồ trong nhà cũng không đủ tiền mua được 9 cân gạo mỗi tháng. Sao lại ra nông nỗi này, sao ở những năm đầu thế kỷ 21 mà gần 100.000 dân vẫn không đủ tiền mua 9 cân gạo mỗi tháng?

Nhưng con số gần 100.000 này chỉ là do định nghĩa “thiếu đói” của Tổng cục Thống kê, còn nếu hiểu “thiếu đói” theo nghĩa thông thường (bởi cuộc sống bình thường của một con người đâu chỉ có gạo và 9 cân gạo này, mà cần có cả thức ăn, quần áo nữa) thì có lẽ con số phải lên đến triệu và những người “nghèo”, “cận nghèo” chắc lên đến hàng triệu, chục triệu.

Thử tính nhẩm mà xem: GDP bình quân đầu người của Việt Nam nay là 2.200 USD, tức khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; GDP đầu người ở các thành phố lớn còn cao hơn nhiều lần. 

GDP năm nào cũng tăng, thế mà số người mỗi tháng không đủ tiền mua 9 cân gạo (giá thị trường chưa đến 150.000 đồng) lại gấp gần 5 lần so với năm ngoái, nghĩa là dưới góc nhìn thống kê, thu nhập của dân nghèo ngày càng giảm, tiền dồn về phía dân giàu, cho họ ngày càng giàu, thế mới duy trì được hình ảnh GDP vẫn tăng.

Vì sao thiếu đói tăng mạnh?

Vì sao 7 tháng đầu năm, số người dân thiếu đói tăng (tăng 25,2% so với năm ngoái)? Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về sự cố môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung do Formosa gây ra, chỉ tính riêng về hoạt động khai thác hải sản, có gần 41.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, hơn 176.000 người bị ảnh hưởng gián tiếp.

Nếu tính cả các ngành khác như dịch vụ hậu cần thủy sản, làm muối, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch..., số người bị ảnh hưởng lên đến hàng triệu.

Miền Trung đã vậy, ĐBSCL, Tây nguyên và Trung Nam bộ còn chịu nhiều thiệt hại hơn do hạn hán và ngập mặn. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết có đến 360.000ha bị ảnh hưởng, tác động xấu lên 2,3 triệu nông dân, làm sản lượng lúa đông xuân giảm đến 6,4%.

Nếu hạn hán kéo dài đến tháng 9 thì sẽ ảnh hưởng đến 600.000ha đất trồng trọt, số lượng người dân bị ảnh hưởng còn cao hơn nữa. Hiện nay có hơn 1 triệu hộ nghèo cộng thêm 1 triệu hộ cận nghèo (khoảng 8,1 triệu nhân khẩu) đang sinh sống ở vùng bị hạn hán và ngập mặn.

WB tính thu nhập nông nghiệp cứ giảm 10% thì tỉ lệ nghèo đói sẽ tăng 2,6% ở Tây nguyên và 1,9% ở ĐBSCL và Nam Trung bộ. Nói cách khác, gần 760.000 người có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo trở lại.

Đổi mới ở Việt Nam được thế giới đánh giá cao phần lớn nhờ đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói. Tính chính danh của các dự án phát triển, dù xáo động cuộc sống của người dân khi bị di dời, mất đất sinh nhai, là dựa trên việc dù sao nó cũng gián tiếp giúp xóa đói giảm nghèo.

Nay khi nghèo đói quay lại thì các dự án như sản xuất thép của Formosa hay sản xuất bôxit ở Nhân Cơ liệu có ý nghĩa gì? Mỗi khi phân tích thiệt hơn của các dự án như Nhân Cơ, ít ai để ý chính người dân nghèo ở chính địa phương đó là nhóm người dễ bị tổn thương, dễ chịu tác động xấu từ dự án nhất.

Chỉ cần sự cố hóa chất bị tràn ra ngoài nhà máy vào cuối tuần trước, cá tôm quanh đó chết la liệt, người dân tiếp xúc với nước suối ô nhiễm ngay lập tức da bị phồng rộp, tấy đỏ. Hóa ra không cần lập luận cao xa, cái tác động lên môi trường sẽ rơi vào đầu người dân, làm họ đã nghèo càng nghèo hơn.

Làm sao để giảm thiếu đói?

Nghe Chính phủ mới hứa hẹn GDP tăng bình quân 6,5-7%/năm, đến năm 2020 GDP bình quân đầu người lên 3.200-3.500 USD ai nấy đều mừng.

Nhưng sẽ mừng hơn nếu GDP này được san sẻ, chí ít không để ai không làm ra được chỉ 0,2 USD mỗi ngày để mua cho được 3 lạng gạo và thoát cảnh thiếu đói. Nên nhớ thiên tai và sự cố môi trường ở miền Trung góp phần làm thiếu đói 7 tháng đầu năm tăng 25,2% chứ không phải là nguyên nhân duy nhất.

Vậy cái san sẻ đó, nhìn ở góc độ chính sách là gì, nếu loại trừ các yếu tố tăng nặng do thiên tai? Là khi thiết kế chính sách hãy nghĩ đến người nghèo, người thua thiệt trong xã hội.

Lấy ví dụ việc ra đời xổ số điện toán: cho dù công ty tổ chức có là 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, cho dù tiền lãi thu được vẫn dùng vào các chương trình phát triển xã hội như xổ số kiến thiết, nhưng sẽ có hàng chục ngàn người nghèo bị ảnh hưởng.

Ở đây chúng ta không đề cập đến chuyện xổ số nói chung như một thứ thuế đánh lên người có thu nhập thấp (bởi người giàu ít ai chơi xổ số), nhưng hệ thống xổ số truyền thống dù sao cũng tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người đi bán vé số dạo.

Đây chính là bệ đỡ cho nhiều người không rơi vào cảnh thiếu đói bằng cách lê chân khắp phố phường làm hệ thống phân phối vé số rộng khắp. Nay xổ số điện toán ắt sẽ lấy một phần doanh thu của xổ số kiến thiết, tức lấy đi một phần công ăn việc làm của những người bán vé số rong.

Để hỗ trợ người nghèo, khi thực thi chính sách cũng hãy nghĩ đến gánh nặng của xã hội mà chủ yếu sẽ rơi vào vai người nghèo.

Lấy một ví dụ khác, nghe tường thuật các phiên xử liên quan đến các ông chủ ngân hàng rút ruột chính ngân hàng của mình hàng ngàn tỉ đồng, rồi đến giới nhà giàu có cả ngàn tỉ gửi tiết kiệm, người bình thường chắc không hiểu nổi đường đi nước bước của dòng tiền khổng lồ này, cũng như không hiểu nổi cách thức kinh doanh tiền tinh vi đó.

Họ chỉ biết một điều chắc chắn: một khi Nhà nước mua lại các ngân hàng này thì Nhà nước cũng đảm nhiệm luôn các khoản nợ do ông chủ ngân hàng tham lam gây ra. Cuối cùng, chính người dân qua đồng tiền thuế của họ lại phải chi trả cho lòng tham của giới nhà giàu, họ tung tẩy nhau các món tiền hàng trăm tỉ đồng trong khi có người muốn mua 9 cân gạo một tháng cũng không mua nổi.

Chuyện dứt khoát dẹp bỏ các dự án công lãng phí, để dành tiền đó cho các dự án tạo công ăn việc làm cho người nghèo đã rõ về mặt chính sách. Nhưng còn các dự án khác khó thấy tác động hơn?

Ví dụ lấy đất nông nghiệp để xây sân golf, nhìn qua cũng tạo ra nguồn thu cho ngân sách địa phương, một số công ăn việc làm và lợi nhuận cho chủ đầu tư.

Thế nhưng cái mất chỉ có người nghèo gánh chịu: mất đất nông nghiệp là phương kế sinh nhai, mất việc làm bền vững, mất không gian sống quen thuộc. Họ lại phải gánh chịu các chất thải độc hại đi liền với sân golf ra môi trường xung quanh.

Trước đây, một số người nói tham nhũng ở Việt Nam chủ yếu từ nguồn tiền của nước ngoài, ví dụ như vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ tham ô, nhận tiền hối lộ từ vốn vay ODA. Bởi thế, họ nói tham nhũng trực tiếp chưa ăn chặn của người nghèo.

Thật ra nguồn lực của quốc gia, tham nhũng nguồn tiền nào cũng gây hại và trước sau gì cũng hớt tiền của người dân. Vì thế, nếu chính sách được thiết kế không chú ý đến lợi ích của người dân nghèo thì rõ ràng mọi lãng phí, thất thoát và nếu tham nhũng có xảy ra ảnh hưởng ngay lập tức đến túi tiền của dân.

Một con đường BOT làm dối làm ẩu rồi nhờ bắt tay với quyền lực mà thu được lợi nhuận cao thì người dân vừa chịu chất lượng xấu, lại phải nai lưng trả phí mà lẽ ra họ không phải gánh chịu. Một chương trình xây dựng nông thôn mới với những yêu cầu đóng góp phi lý, đến nỗi một đại biểu phải dùng từ “sưu cao thuế nặng không khác gì thời phong kiến” để than thì rõ ràng nó làm dân nghèo hơn chứ giúp được gì họ!

Hàng ngàn trường hợp như thế nếu không làm rõ hệ lụy chi phí xã hội thì dù GDP có tăng, số hộ thiếu đói vẫn sẽ tăng theo - luôn như vậy.■

Thiếu đói trong nông dân

Trong tháng 7, cả nước có 23.200 hộ thiếu đói, giảm 9,7% so với tháng trước, tương ứng với 97.300 nhân khẩu thiếu đói, giảm 11,1%. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng gấp 5,2 lần, số nhân khẩu thiếu đói tăng gấp 4,9 lần, chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại một số khu vực, đặc biệt ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên, làm kỳ giáp hạt kéo dài hơn.

Tính chung 7 tháng của năm 2016, cả nước có 234.400 lượt hộ thiếu đói, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 971.300 lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 25,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 15.400 tấn lương thực và 590 triệu đồng, riêng tháng 7 hỗ trợ khoảng 1.400 tấn lương thực.

(Trích Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Thống kê)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận