U23 châu Á: Không chỉ là sân chơi trẻ?

HUY ĐĂNG 13/01/2020 09:01 GMT+7

TTCT - Trên sân tập của đội tuyển Việt Nam, người ta dựng lên những mái tôn, cùng một lực lượng bảo vệ, nhân viên điều phối đông đảo để đảm bảo cho nhu cầu bảo mật thông tin của các đội bóng tham dự VCK U23 châu Á 2020.

HLV Park Hang Seo trên sân tập của tuyển U23 VN ở Thái Lan. Ảnh: Anh Tuấn
HLV Park Hang Seo trên sân tập của tuyển U23 VN ở Thái Lan. Ảnh: Anh Tuấn

Hai năm trước, khi thầy trò ông Park Hang Seo làm nên hành trình phi thường trên đất Trung Quốc, nhiều người vẫn còn khịt mũi: “U23 châu Á chỉ là một sân chơi trẻ!”.

Vắng ngôi sao vì bất đắc dĩ

Có một nghịch lý ở các giải bóng đá trẻ: các đội bóng hiếm khi nào mang theo lực lượng mạnh nhất trên lý thuyết. Jack Wilshere - ngôi sao một thời của tuyển Anh và Arsenal - là câu chuyện điển hình. Năm 2011, Wilshere, khi đó mới 19 tuổi, được triệu tập tham dự giải U21 châu Âu.

Theo luật, điều đó không có gì sai, nhưng rồi quyết định triệu tập Wilshere vấp phải làn sóng phản đối dữ dội mà người khởi xướng chính là ông thầy của anh ở Arsenal lúc bấy giờ, HLV Arsene Wenger.

Rất nhiều người ủng hộ HLV Wenger, kể cả các CĐV Anh. Đơn giản bởi Wilshere khi đó đã khoác áo tuyển quốc gia, thậm chí còn là ngôi sao đang lên của “Tam sư”. Nếu đến U21 châu Âu năm đó, Wilshere coi như mất đứt kỳ nghỉ hè, bởi đội tuyển quốc gia cũng quyết không “buông” anh.

Việc HLV Wenger lo lắng cho vấn đề thể lực, rồi nghiêm trọng hơn là nguy cơ chấn thương với cậu học trò là dễ hiểu. Cuối cùng Arsenal và đội tuyển quốc gia đã thắng, Wilshere không tham dự U21 châu Âu.

Làng bóng đá châu Âu từ lâu đã chấp nhận sự thật đó: các ngôi sao dù tuổi trẻ đến đâu đi nữa, một khi đã bước chân lên đội tuyển quốc gia thì gần như đồng nghĩa giã từ các đội trẻ. Khi Pháp tham dự World Cup U20 2017, họ không có sự phục vụ của Kylian Mbappe (mới 19 tuổi khi đó) và hầu như không ai thắc mắc. Hiếm lắm mới có một trường hợp xung đột như Wilshere.

Nhưng các ngôi sao châu Âu còn đỡ - vì họ chỉ đối mặt nguy cơ quá tải. Mùa hè năm 2011, Wilshere trên lý thuyết vẫn vừa có thể tham dự VCK U21 châu Âu, lên tuyển quốc gia sau đó, rồi trở về Arsenal để hội quân cho mùa giải mới vào tháng 8.

Còn với những cầu thủ châu Á, các giải trẻ cấp độ khu vực và châu lục thường xuyên trùng lịch với mùa giải chính của bóng đá châu Âu vào khoảng thời gian đầu hoặc cuối năm. Họ buộc phải chọn một trong hai, và hiển nhiên các CLB châu Âu - mảnh đất “thiên đường” của các ngôi sao châu Á - chẳng bao giờ chịu thiệt.

Trường hợp của Đoàn Văn Hậu - người không thể rời Heerenveen để tham dự VCK U23 châu Á là minh chứng, ngay cả khi anh mới đá vỏn vẹn 5 phút chính thức cho CLB Hà Lan từ đầu mùa tới giờ. U23 Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đội chịu thiệt nhất vì họ có số ngôi sao thi đấu ở châu Âu nhiều nhất.

Những cái tên nổi tiếng của Nhật như Takehiro Tomiyasu (Bologna - Ý), Ritsu Doan (PSV Eindhoven - Hà Lan), hay Hiroki Abe (Barcelona B - Tây Ban Nha) dù đều trong độ tuổi 20-21 nhưng không thể đến Thái Lan là vì vậy. Hàn Quốc thì có Paik Seung Ho (Darmstadt 98 - Đức) và Lee Seung Woo (Sint-Truiden - Bỉ).

Nhưng vẫn nhiều tuyển thủ quốc gia

Cũng vì tình trạng này, người hâm mộ thường có định kiến các đội bóng lớn không quan tâm giải trẻ. Điều này thật ra không hẳn đúng. Nhật Bản không thể mang nhiều ngôi sao đến Thái Lan vì không thể phá vỡ ràng buộc của các CLB châu Âu, đánh đổi tương lai của cầu thủ, chứ không phải vì họ không xem trọng VCK U23 châu Á.

Trên thực tế, Nhật Bản mang đến Thái Lan những cầu thủ tốt nhất không vướng “nghĩa vụ” với châu Âu. Trong số 23 cầu thủ của HLV Hajime Moriyasu, có đến 15 người từng khoác áo đội tuyển quốc gia Nhật Bản, với một số đã chứng tỏ được năng lực như Ayase Ueda hay Taiyo Koga.

Những đội bóng khác cũng vậy. 16 đội U23 mạnh nhất châu Á mang đến Thái Lan gần 100 tuyển thủ quốc gia. Trong số này, Hàn Quốc là có vẻ “thờ ơ” nhất khi không có ngôi sao lớn nào, và chỉ mình Lee Dong Gyeong là từng khoác áo tuyển quốc gia.

Trái lại, các đội tuyển vùng Trung Đông tỏ ra rất nghiêm túc với mục tiêu giành vé dự Olympic (top 3 VCK U23 châu Á đồng nghĩa với suất dự Olympic). Saudi Arabia mang theo nhiều ngôi sao trẻ là trụ cột của tuyển quốc gia như Ghareeb, Abdullah Al-Hamdan, và Al-Buraikan. Qatar cũng có trong đội hình nhà vô địch châu Á Tarek Salman, cùng 7 tuyển thủ quốc gia khác.

Cũng không phải mọi ngôi sao đang chơi ở châu Âu đều không tham dự VCK U23 châu Á. Bộ ba trụ cột Musa Al-Taamari, Omar Hani và Al-Rawabdeh của Jordan là minh chứng. Cả ba cầu thủ đều khoác áo CLB nổi tiếng APOEL của Cyprus - CLB thường xuyên góp mặt ở vòng bảng Champions League những năm gần đây, và được cho phép trở về tham dự giải đấu trẻ cấp châu lục ở Thái Lan.

Trong số này, Al-Taamari là ngôi sao đẳng cấp châu Âu thực sự khi từng tỏa sáng giúp APOEL giành chức vô địch quốc gia mùa giải năm ngoái. Khá may mắn cho VN là Al-Taamari sẽ chỉ góp mặt từ trận cuối cùng vòng bảng của Jordan (gặp UAE), trong khi Hani và Al-Rawabdeh có thể đá suốt từ đầu giải đấu.

Sự nghiêm túc của các đội bóng lớn một phần còn bởi các nền bóng đá Đông Nam Á như VN, Thái Lan ngày càng tiến bộ. Trong khi VN là đương kim á quân của giải thì Thái Lan là chủ nhà giải năm nay.

Sau những gì diễn ra ở Asian Cup 2019, các đại gia vùng Trung Đông, và ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng không thể chủ quan khi đặt chân đến giải đấu cấp độ trẻ của châu lục. Nếu không cẩn thận ngay từ những giải đấu trẻ, trật tự của bóng đá châu Á nhiều thập niên qua có thể bị đảo lộn trong tương lai.■

Phong tỏa giới truyền thông

Một trong những yếu tố cho thấy sự quyết tâm cao độ của các đội bóng khi tham dự VCK U23 châu Á 2020 là tình trạng “thiết quân luật” phong tỏa giới truyền thông. Tất cả các đội bóng đều hạn chế việc cho cầu thủ trả lời phỏng vấn cũng như để cánh phóng viên chụp ảnh, quay phim trong buổi tập.

Thậm chí những ngày gần đây, sân tập của các đội bóng bảng D ở Buriram còn được dựng lên một lớp tôn bao quanh hàng rào sân, nhằm hạn chế tối đa các góc máy của phóng viên. Các đội bóng còn kỹ lưỡng đến mức yêu cầu ban tổ chức không cho phóng viên… đứng trên ngọn đồi bên cạnh sân tập. Giấu kín bài là mục tiêu chính của các đội bóng.

Ngoài ra, việc cánh truyền thông livestream, soi mói quá nhiều các vấn đề đời tư của cầu thủ cũng là lý do khiến ban huấn luyện muốn dựng nên “hàng rào bảo vệ” để cầu thủ được chuyên tâm cho quá trình tập luyện và thi đấu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận