Ukraine: "Giặc ngoài" chưa chắc bằng "thù trong"

TƯỜNG ANH 23/08/2023 07:26 GMT+7

TTCT - Ngày 11-8, sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sa thải tất cả trưởng ban tuyển quân khu vực, thay họ bằng các sĩ quan từng tham chiến.

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Liệu nỗ lực chống tham nhũng trong đội ngũ quan chức hậu phương có giúp cải thiện tình hình tiền tuyến?

Giải thích quyết định của mình, ông Zelensky cho rằng điều hành văn phòng tuyển quân phải là những người "thật sự hiểu chiến tranh là gì", và "hoài nghi và ăn hối lộ trong chiến tranh cũng có nghĩa là phản quốc". 

Từ nay, theo ông, lãnh đạo các ủy ban quân sự địa phương phải là người từng ra mặt trận, nhưng không thể tiếp tục trụ lại các chiến hào "vì mất sức, tàn tật, vẫn giữ được phẩm giá và không hoài nghi". Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny đã được giao nhiệm vụ bổ nhiệm các vị trí mới theo những tiêu chí này.

Vụ bê bối Borisov

Vì sao ông Zelensky quyết liệt như vậy? Theo truyền thông Ukraine, thời gian qua, Cục Điều tra nhà nước đã phải mở hàng trăm vụ tố tụng hình sự với các ủy viên quân sự địa phương, trong đó vụ bê bối tham nhũng của ủy viên quân sự Odessa, đại tá Yevgeny Borisov, là đình đám nhất.

"Cây kim trong bọc lòi ra" hồi cuối tháng 4-2023, khi cựu đại biểu Quốc hội Ukraine Igor Mosiychuk công khai bằng chứng về việc làm giàu phi pháp của Borisov. Theo tố cáo của Mosiychuk, mẹ ông Borisov, bà Yevgenia Borisova, sở hữu một biệt thự trị giá gần 4 triệu euro ở thành phố Marbella (Tây Ban Nha) từ tháng 12-2022, tức 10 tháng sau khi nổ ra chiến sự với Nga.

Truyền thông Ukraine vào cuộc, phát hiện Borisov còn sở hữu ba xe hơi hạng sang trị giá gần nửa triệu đô, trong đó vợ ông đứng tên chiếc Mercedes G63 AMG 2022 cao cấp nhập vào Ukraine hồi tháng 11, rồi được đưa đến căn biệt thự ở Tây Ban Nha. 

Họ khẳng định tất cả tài sản này Borisov kiếm chác được nhờ bán "vé trắng" (giấy xác nhận mất sức, không đủ sức khỏe hoặc giảm trừ vì những lý do khác) cho người muốn trốn nghĩa vụ quân sự (mức giá đã tăng vọt từ 6.000-7.000 USD trước kia lên 10.000-15.000 USD một vé từ tháng 7-2023). 

Chỉ sau khi báo chí Ukraine công khai các thông tin này, Kiev mới quyết định xuống tay với Borisov. (Hồi tháng 4, sau vụ tố cáo bất động sản, ông này chỉ bị đình chỉ một thời gian).

Điều tra của báo chí Ukraine còn phát hiện các vùng "miễn trừ" tuyển quân. Đó là các câu lạc bộ, một số nhà hàng, trung tâm mua sắm, nơi các ông chủ chi từ 5.000 đến 30.000 đô la/tháng - tùy quy mô cơ sở - cho đại diện các ủy ban quân sự để khách hàng được yên tâm hưởng thụ, mua sắm trong thời thiết quân luật. 

Không chỉ cấp chỉ huy, cả nhân viên các trung tâm tuyển quân cũng có thể kiếm được 1.000-1.500 hryvnia (khoảng 30-40 USD) để "làm mất" giấy triệu tập trên đường đi phát.

Vụ bê bối Borisov cùng các tố cáo mới khiến ông Zelensky yêu cầu rà soát tất cả trưởng ủy ban quân sự cả nước, dẫn đến phát hiện hàng loạt bê bối nơi những người mà ông Zelensky cho là "làm ô nhục đất nước và ký ức về những anh hùng hy sinh ngoài mặt trận". Ông công bố: hơn 112 vụ án hình sự chống lại các quan chức quân đội đã được mở.

Vấn đề tuyển quân ở hậu phương gây ra hậu quả gì cho cuộc chiến nơi tiền tuyến? Cổng thông tin Ukraine Strana.news 10-8 đăng nhận định tình hình ở tháng thứ 15 cuộc chiến với Nga của Andrey Konstantin Proshinsky, một lính bắn tỉa Ukraine, đang chiến đấu gần Bakhmut. 

Theo đó, việc thực hiện không chuẩn xác lệnh động viên đã đưa ra mặt trận những "tân binh" ngoài... 50 tuổi, bị "hàng đống bệnh tật", và không hề được đào tạo bài bản.

Trong số những tân binh được gửi đến Bakhmut gần đây, người trẻ nhất đã... 52 tuổi, có cả người mắc bệnh lao, viêm gan và tiểu đường. Những người này sau khi được "động viên", ngủ qua đêm tại văn phòng tuyển quân, thì sáng hôm sau đến thẳng Bakhmut. 

Nhiều người sau trận chiến đầu tiên đã viết đơn từ chối tham gia chiến sự. Theo luật Ukraine, viết đơn từ chối tham chiến không phải hành vi đào ngũ, nên không dẫn đến trách nhiệm hình sự. Sau đó, những người này được chuyển đến bộ phận hậu cần, và chẳng mấy chốc, những đại đội này "sẽ lên tới hàng nghìn người".

Ông Zelensky ở một trung tâm tuyển quân. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky ở một trung tâm tuyển quân. Ảnh: Reuters

Tham nhũng: Nguy hiểm không kém bom đạn

Cổng thông tin Strana.ua cho rằng vụ Borisov chỉ là một trong nhiều bê bối đang đe dọa uy tín của ông Zelensky. Ngày 9-8, Quốc hội Ukraine đã chấm dứt tư cách đại biểu của đảng viên đảng cầm quyền Đầy tớ nhân dân Andrei Kholodov. 

Vị phó ban chính sách tài chính, thuế và hải quan này hóa ra đã không đi họp Quốc hội và ra nước ngoài từ 21-1-2023 (đại biểu Quốc hội và quan chức cấp cao Ukraine bị cấm rời khỏi đất nước mà không có lý do chính đáng kể từ tháng 1-2023).

Theo một số tin tức, ông Kholodov đi nghỉ ở Cyprus, nơi gia đình ông có một biệt thự ở thành phố Limassol. Khi vụ bê bối nổ ra, ông đệ đơn xin từ chức đại biểu, và nhanh chóng bị khai trừ khỏi Đảng. 

Trước đó ngày 27-7, Quốc hội Ukraine cũng chấm dứt quyền đại biểu của cựu chủ tịch Ủy ban Ngân sách Yuri Aristov, người bí mật đi nghỉ ở Maldives, nại lý do "đưa thân nhân đi chữa bệnh". 

Hay nghị sĩ Bohdan Torohtiy cũng bị các nhà báo tố giác đã đi du lịch nước ngoài tới 8 lần từ tháng 8-2019, có lần đi suốt một tháng. Khi bị truyền thông đặt câu hỏi, ông nghị này xác nhận "có đi thăm vợ con đã ra nước ngoài trước đó", kể cả "sau khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine".

Các nhà báo của Bihus.info thì viết về những vi phạm trong quá trình tái thiết ở vùng Kiev. Các quan chức khu vực được trung ương chỉ định đã cho các nhà thầu và công ty không đủ tiêu chuẩn tham gia tái thiết. 

Hầu hết các hợp đồng trị giá hàng chục triệu hryvnia được ký kết mà không thông qua đấu thầu và không được phản ánh trong hệ thống mua sắm công. Đã "xuất hiện đầy đủ các dấu hiệu tham nhũng và một cuộc điều tra chính thức đã bắt đầu", Bihus.Info thông báo.

Gần đây nhất, an ninh Ukraine thông báo bắt quả tang Anatoly Gunko, nghị sĩ đảng viên Đầy tớ của nhân dân, nhận hối lộ 85.000 đô la để giúp chuyển nhượng các lô đất thuộc Học viện Khoa học nông nghiệp quốc gia. Ông nghị này đã bị tạm giam chờ xét xử.

Không phải vô cớ mà theo kết quả khảo sát của Viện Xã hội học quốc tế Kiev công bố gần đây, tham nhũng được xã hội Ukraine coi là vấn đề thứ hai của đất nước hiện giờ, chỉ sau chiến tranh. 81% những người được hỏi cũng coi tham nhũng chính trị là chính yếu và nghiêm trọng nhất. 94% chắc chắn rằng tham nhũng tràn lan khắp Ukraine, và 22% tin rằng mức độ tham nhũng tăng lên kể từ khi cuộc chiến nổ ra.■

Một vấn nạn lớn nữa với Kiev là tình trạng tham nhũng trong mua bán vũ khí, mặt hàng trở thành lỗ đen của cuộc chiến Ukraine. Điều tra của tờ New York Times ngày 12-8 nói chỉ riêng năm ngoái, công ty mua bán vũ khí tư nhân lớn nhất Ukraine Armored Technology (UAT), đã có tổng doanh thu hơn 350 triệu đô la, cao nhất trong lịch sử công ty.

Vấn đề là công ty này thuộc sở hữu của cựu nghị sĩ S. Pashinsky, người khi tại chức phụ trách giám sát việc chi tiêu quân sự và từng nhiều lần bị điều tra tham nhũng từ năm 2019.

Theo NYT, "cơn khát vũ khí đã buộc Kiev hủy bỏ các quy tắc chống tham nhũng khi nhờ đến mạng lưới trung gian xuyên châu Âu của Pashinsky". Tháng 8 này, theo NYT, các điều tra viên Ukraine đã lục soát văn phòng của một công ty nhà nước Ukraine để tìm bằng chứng thông đồng với UAT.

Theo họ, cơ chế làm ăn của UAT như sau: mua vũ khí rồi bán đi, sau đó mua lại, rồi bán một lần nữa. Với mỗi giao dịch, giá tăng lên - cùng lợi nhuận của ông Pashinsky và các cộng sự - còn người mua và sử dụng cuối cùng là quân đội Ukraine phải trả tiền nhiều nhất.

Phần lớn số tiền mua vũ khí này là từ viện trợ của châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu và Mỹ không muốn thảo luận về Pashinsky, sợ làm mồi cho câu chuyện của Nga rằng Chính phủ Ukraine tham nhũng và phải bị thay thế.

Tuy nhiên, ở chỗ riêng tư, họ nói rằng sự xuất hiện trở lại của những nhân vật như ông Pashinsky là một lý do khiến chính phủ Mỹ và Anh mua đạn dược cho Ukraine thay vì chỉ đơn giản là chuyển tiền. NYT kết luận: "Chính quyền của ông Zelensky đang đứng trước những mâu thuẫn khó xử: chuyển sang giúp đỡ một người mà họ đã coi là tội phạm, mua vũ khí một cách biết ơn, đồng thời lại điều tra ông ta".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận