Ứng dụng giúp người mù “nhìn thấy”

LAN CHI 30/04/2016 00:04 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên ông Mark Edwards sử dụng ứng dụng di động Aipoly Vision, ông đã bật khóc nức nở. Ông Edwards bị mù bẩm sinh.

 


Ở tuổi 56, ông là một trong những người đầu tiên đăng ký sử dụng thử nghiệm ứng dụng điện thoại được thiết kế để giúp người khiếm thị “nhìn” thấy thế giới xung quanh họ. “Khi ứng dụng nói cho tôi biết mọi cảnh vật xung quanh, tôi òa khóc vì hạnh phúc.

Điều đó không thường xảy ra đối với một người đàn ông trung niên” - tạp chí Newsweek dẫn lời ông Edwards tâm sự. Những người dùng thử nghiệm khác cũng mô tả Aipoly Vision là ứng dụng làm “thay đổi cuộc chơi”, ngang tầm với xe tự hành xét về tiềm năng làm thay đổi cuộc sống của người khiếm thị.

Aipoly Vision là sản phẩm của Singularity University tại California, được thành lập vào năm 2008 tại Công viên nghiên cứu Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với mục tiêu “sản xuất những công nghệ giải quyết các thách thức to lớn của nhân loại”. Ứng dụng này kết hợp những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với các công nghệ sẵn có trong chiếc điện thoại iPhone.

Mạng lưới “thần kinh” và thuật toán tự học của Aipoly Vision rất phức tạp, nhưng nó hoạt động rất đơn giản. Người dùng cầm điện thoại chỉ vào bất kỳ vật gì lập tức ứng dụng mô tả rõ ràng những gì nó nhìn thấy. “Điều đặc biệt của ứng dụng Aipoly Vision là việc mô tả diễn ra lập tức.

Các phương pháp hiện nay đòi hỏi kết nối Internet và tốn tới hai phút. Hệ thống của chúng tôi có thể nhận biết ba vật thể mỗi giây” - nhà lập trình Cheng nhấn mạnh. Nhưng với Aipoly Vision, “không ai biết người khiếm thị đang nhìn cái gì” - chuyên gia Cheng khẳng định.

Phiên bản ứng dụng mà ông Edwards đang thử nghiệm có thể xác định được 1.000 vật thể và mọi màu sắc. Đợt cập nhật cuối tháng này sẽ giúp Aipoly Vision nhận ra tới 5.000 đồ vật. Với phiên bản hiện tại, Aipoly Vision có thể phân biệt được các nhãn hàng khác nhau và giải thích cho người dùng. Hơn nữa, người dùng có thể “dạy” ứng dụng này về các đồ vật chúng không nhận ra.

Nhận biết chữ viết vẫn là một thách thức đối với người khiếm thị. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết với một ứng dụng tên KNFB Reader.

Đây là sản phẩm của Liên đoàn Người khiếm thị quốc gia Mỹ (NFB) và nhà sáng chế Ray Kurzweii - một trong những người đồng sáng lập Tổ chức Singularity University.

Ứng dụng KNFB Reader cho phép người dùng nghe lời đọc lại các chữ viết. Dù có giá lên đến 99 USD, KNFB Reader đã khẳng định khả năng giúp người khiếm thị làm những việc đơn giản như đọc thực đơn trong nhà hàng, hiểu các bản hướng dẫn in trên giấy... Aipoly Vision tiến thêm một bước nữa, và điều đặc biệt đây là ứng dụng miễn phí.

Trí tuệ nhân tạo của Aipoly Vision chưa đủ phát triển để mô tả các chi tiết cụ thể của đồ vật, nhưng nó đủ sức hiểu một số hình ảnh và truyền tải nội dung tới người dùng.

Ví dụ, khi thấy một bức hình siêu nhân, Aipoly Vision biết đó là nhân vật siêu anh hùng truyện tranh DC Comics, nhưng không thể giải thích rõ trong hình siêu nhân đang làm gì. Đó không phải là hạn chế duy nhất. Ứng dụng này có khả năng phân biệt các nhãn hàng, rất hữu ích khi người dùng phải chọn thực phẩm hay nước uống có bao bì tương tự nhau. Nhưng khi nhìn thấy một lon Coca-Cola, Aipoly Vision xác định nhầm đó là lon bia.

Dù còn nhiều hạn chế và không được quảng cáo, ứng dụng Aipoly Vision đã được tải 35.000 lần từ kho ứng dụng App Store của Hãng Apple. Các nhà sáng chế đang cải thiện công nghệ của Aipoly Vision và phát triển các chức năng mới như nhận diện gương mặt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận