V-League: Thầy ngoại không thiêng

HUY ĐĂNG 11/04/2021 19:05 GMT+7

TTCT - V-League 2021 chỉ mới trôi qua vài vòng đấu, nhưng năng lực của các HLV ngoại tiếp tục là một đề tài gây tranh cãi. Trong lúc những tên tuổi lớn như Alexandre Polking (người Brazil/Đức, TP.HCM), Ljupko Petrovic (Serbia, Thanh Hóa) đứng trước nguy cơ bị sa thải thì cựu danh thủ Thái Lan Kiatisak lại bay cao cùng HAGL.

Thật ra Kiatisak cũng chẳng khác gì “người nhà” với bóng đá Việt. Ông từng có kinh nghiệm hơn 5 năm gắn bó với V-League trước đây, chưa kể Thái Lan và VN quá đỗi quen thuộc nhau ở bình diện bóng đá quốc tế.

Là Mourinho cũng chào thua

V-League thực sự không phải là đất lành cho các HLV ngoại. Chỉ tính khoảng 3 năm trở lại đây, đã có gần chục HLV nước ngoài gây thất vọng ở giải đấu quốc nội của VN. Từ những ông Tây như Fabio Lopez (Ý), Petrovic, Alain Fiard (Pháp) cho đến các HLV châu Á là Chung Hae Seong, Lee Tae Hoon (đều Hàn Quốc), Masahiro Shimoda (Nhật Bản, mới bị Sài Gòn FC sa thải mùa này)… Hầu hết đều phải ra đi khi chưa thể hiện được gì nhiều. Phải chăng vì họ không đủ tài năng?

Nỗi cô đơn của HLV Polking ở V-League. Ảnh: Hoàng Tùng

 

Chuyện HLV ngoại thất bại ở vùng trũng Đông Nam Á vốn không xa lạ. Điển hình như Milovan Rajevac (Serbia), người từng thành công vang dội ở World Cup 2016 với Algeria, lại thảm bại khi dẫn dắt Thái Lan.

Trong khi đó Park Hang Seo, một HLV không mấy tên tuổi ở Hàn Quốc, làm nên kỳ tích với bóng đá Việt. Vài năm qua, góc nhìn của giới chuyên môn về việc cầm quân ngày càng thay đổi, theo hướng chọn người phù hợp, chứ không chọn người nổi tiếng.

Với riêng V-League, khả năng thành công của các HLV ngoại càng gần như là con số 0. Đó không chỉ là chuyện thích ứng về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống, mà bởi V-League chính là biểu trưng cho một nền bóng đá “không giống ai” của VN. “Có Mourinho cũng phải chào thua nếu đến V-League”, nhiều người đùa vậy.

Trong các đời HLV ngoại đến làm việc ở V-League, Petrovic là tên tuổi nổi bật nhất. Chiến lược gia người Serbia từng giành vô số danh hiệu ở châu Âu, bao gồm cả chức vô địch Champions League vào năm 1991 (khi đó còn mang tên European Cup) cùng Sao Đỏ Belgrade. Nhưng có lẽ ông chưa bao giờ phải đối mặt tình cảnh “tứ bề thọ địch” như hồi dẫn dắt Thanh Hóa mùa giải 2017.

Năm đó, Thanh Hóa chơi cực hay dưới tay HLV người Serbia, nhưng đến phút cuối cũng phải chịu thua trước cái boongke 4 đội bóng nhà bầu Hiển. 

Thanh Hóa về nhì, còn vô địch là Quảng Nam, hạng ba là Hà Nội, hạng tư Quảng Ninh - tất cả đều có liên quan đến bầu Hiển. Đó là chưa tính Đà Nẵng nằm trong nhóm giữa bảng xếp hạng. Có lẽ cũng vì ức chế mà người ta thường xuyên thấy ông Petrovic lao vào sân cãi cọ với trọng tài suốt giải đấu.

Rồi Fabio Lopez - chiến lược gia người Ý có vẻ ngoài lịch lãm - cũng làm việc ở Thanh Hóa chưa đầy một năm, trước khi bị sa thải vào giữa mùa giải trước. Về nước rồi, HLV Lopez liên tục “tố” chuyện bầu Đệ can thiệp quá nhiều vào công việc chuyên môn của ông.

Nói đến những ông bầu quyền lực trong làng bóng đá thế giới, không ai hơn được Roman Abramovich của Chelsea. Nhưng khi Chelsea vô địch Champions League, người được các cầu thủ công kênh trên vai lại là Roberto Di Matteo - một chiến lược gia người Ý còn khá vô danh mới nắm đội được nửa mùa giải khi đó. 

Còn ở VN, người hâm mộ chẳng ai lạ gì cảnh bầu Hiển được tung hô lên trời mỗi khi Hà Nội vô địch một giải đấu.

Những chuyện không giống ai kiểu đó của V-League đầy rẫy. Có HLV ngoại nào quen được?

Giá trị của tư duy

Chính các đội bóng V-League dường như cũng không rõ mình thuê HLV ngoại để làm gì. Như ông Masahiro Shimoda - vốn là giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Nhật, ban đầu được Sài Gòn FC mời về dưới cương vị quản lý đội bóng. 

Nhưng rồi chẳng hiểu sao, đầu mùa giải này ông lại được trao luôn ghế HLV trưởng. Kết quả là chỉ sau 3 vòng đấu, ông bị Sài Gòn FC sa thải.

Nhiều khả năng sẽ nối tiếp ông Shimoda ra đi là HLV Polking - người hưởng mức lương cực cao ở CLB TP.HCM, nhưng cũng bất lực trong việc tạo ra một lối chơi tích cực cho đội bóng. 

Giới chuyên môn khẳng định dẫn dắt đội như ông Polking thì bất kỳ HLV nào của VN cũng làm tốt hơn. Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta khinh nhờn năng lực của HLV ngoại?

Nói đến các HLV phương Tây từng thành công với bóng đá châu Á, Guus Hiddink là cái tên số 1. Chiến lược gia người Hà Lan chỉ có một năm làm việc cùng tuyển Hàn Quốc trước khi tạo ra kỳ tích vào tới bán kết World Cup 2002. 

Trong một năm đó, ông cũng từng bị báo chí xứ kim chi chê bai hết lời vì khởi đầu không tốt. Nhưng đến ngày nay, người Hàn Quốc xem ông như một tượng đài trong lịch sử phát triển của đất nước họ. Đó không chỉ là câu chuyện thể thao, hay những vấn đề chuyên môn của sân bóng.

Trong hồi ức về hành trình thay đổi bóng đá Hàn Quốc, HLV Hiddink đặc biệt nhấn mạnh một câu chuyện liên quan đến bữa ăn của đội. Khi đến nhà ăn và thấy cảnh các cầu thủ trẻ - dù tới trước vẫn phải chờ các đàn anh rồi mới dám ăn, chiến lược gia người Hà Lan nổi giận. Từ đó ông ra luật, ai đến trước thì ăn trước. 

Đó là một ví dụ tiêu biểu cho thấy cách phá bỏ những rào cản văn hóa bất lợi cho việc gắn kết đội bóng. Cho đến ngày nay, bài học này vẫn còn được nhắc đến ở các công ty Hàn Quốc.

Philippe Troussier - người dẫn dắt tuyển Nhật ở World Cup 2002 - cũng nhắc nhiều về việc thay đổi tư tưởng của cầu thủ Nhật. Đó là giá trị của những chiến lược gia nước ngoài. Họ không mang đến một công thức chiến thuật thần kỳ, mà là sự cách tân từ gốc rễ, bắt đầu trong tư duy, với những nền bóng đá kém phát triển hơn.

Trước khi đến TP.HCM, Polking từng dẫn dắt qua 3 CLB ở Thái Lan và có hai năm làm trợ lý tuyển Thái Lan. Ông không đến nỗi không biết chút gì về bóng đá VN. 

Nhưng chiến lược gia người Brazil có thể thay đổi được gì ở một đội bóng có chủ tịch, đội trưởng, đội phó và nhiều cầu thủ khác xuất thân từ Nghệ An, và mới vòng 5 của giải, đội phó Ngô Hoàng Thịnh đã tự loại mình khỏi danh sách thi đấu bằng một pha chơi xấu - gần như là truyền thống của bóng đá xứ Nghệ?■

Tương phản với đội tuyển quốc gia

Trái với V-League, các HLV ngoại thích ứng khá tốt với đội tuyển quốc gia. Thậm chí, gần như chỉ khi được dẫn dắt bởi các HLV nước ngoài, đội tuyển VN mới gặt hái thành tích tốt. Đã có 9 HLV nước ngoài từng dẫn dắt tuyển VN, trong số này chỉ Dido và Falko Götz có thể coi là hoàn toàn thất bại, còn lại đều ít nhiều tạo được dấu ấn. Mọi danh hiệu và thành tích đáng kể của đội tuyển quốc gia VN cũng đều gắn liền với HLV ngoại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận