TTCT - Vì sao cuộc xung đột giữa Israel và Hamas lại dẫn đến áp lực dư luận buộc hiệu trưởng ba trường đại học danh tiếng Harvard, UPenn và MIT phải từ chức, và bà hiệu trưởng UPenn đã thực sự phải ra đi? Kể từ cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel vào ngày 7-10 và sau đó là các vụ ném bom trả đũa của Israel tàn phá Dải Gaza, bầu không khí ở các trường đại học Mỹ sục sôi các vụ biểu tình, đụng độ giữa hai phe. Một bên ủng hộ Palestine, lên án Israel dùng vũ lực vô tội vạ, làm chết hàng chục ngàn thường dân vô tội; bên kia ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhất là lên án Hamas giết chết 1.200 thường dân trong vụ tấn công ngày 7-10. Chủ nghĩa bài Do Thái trỗi dậy, buộc Quốc hội Mỹ tổ chức điều trần, cho mời hiệu trưởng ba trường đại học Harvard, UPenn và MIT ra giải trình.Bà Elizabeth Magill. Ảnh: Getty ImagesDiệt chủng mà còn "tùy bối cảnh"?Cả ba hiệu trưởng đều mở đầu bằng cách lên án vụ tấn công dã man của Hamas, tỏ thái độ không chấp nhận các hiện tượng bài Do Thái trong khuôn viên nhà trường rồi trình bày nỗi khó khăn của họ khi xây dựng và thực thi các chính sách tự do ngôn luận cho sinh viên. Nhưng rốt cuộc buổi điều trần chỉ còn đọng lại một chi tiết: Nghị sĩ Elise Stefanik hỏi cả ba bà hiệu trưởng một câu khá đơn giản, "Việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm nội quy hay quy tắc hành xử của nhà trường không?", và cả ba đều trả lời úp mở theo kiểu còn tùy.Như bà Elizabeth Magill (Trường UPenn) nói nếu lời nói biến thành hành động thì đó có thể là quấy rối. Bà Claudine Gay, hiệu trưởng Harvard, lặp lại lời biện bạch còn tùy bối cảnh. Bà Sally Kornbluth, hiệu trưởng MIT, thoạt tiên nói bà không nghe lời kêu gọi diệt chủng dân Do Thái nào ở MIT và khi bị hỏi dồn, bà cũng dùng lập luận tùy bối cảnh của lời nói.Dư luận sôi sục sau buổi điều trần, kể cả người phát ngôn Nhà Trắng cũng phải lên tiếng: Kêu gọi diệt chủng là chuyện quái dị và vô đạo đức. Josh Shapiro, thống đốc bang Pennsylvania, cho rằng phát biểu của hiệu trưởng UPenn là không thể chấp nhận. Ông nói: "Lên án diệt chủng có gì khó khăn đâu, diệt chủng với người Do Thái, diệt chủng với bất kỳ ai".Ngay cả các giáo sư cấp tiến, như Laurence Tribe, Đại học Harvard, cũng phê phán hiệu trưởng của mình đã trả lời theo cách lấp lửng, lẩn tránh, theo công thức. Một kiến nghị với hàng ngàn chữ ký kêu gọi bà Magill từ chức. Thượng nghị sĩ Bob Casey nói: "Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản nhưng kêu gọi diệt chủng dân Do Thái là bài Do Thái và là quấy rối, chấm hết". Bà Magill sau đó xin lỗi nhưng không đủ xoa dịu dư luận và cuối cùng phải tuyên bố từ chức.Đúng lý nhưng sai tìnhXét về lý, về khía cạnh luật lệ thì phát biểu của ba bà hiệu trưởng không có gì sai. Nước Mỹ coi trọng quyền tự do ngôn luận, được luật hóa trong Tu chính án thứ nhất. Trong nhiều vụ trước đây, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết nếu kêu gọi bạo lực nhưng không dẫn đến hành động thì cũng không bị xem là phạm pháp. Nhưng ngược lại, nước Mỹ cũng bảo vệ người dân khỏi bị quấy rối, bị đe dọa; như vậy anh có quyền tự do nói gì thì nói miễn sao nó không được xem là quấy rối, là đe dọa cá nhân khác. Một chuyên gia pháp lý giải thích nếu tôi liên tục gởi email với nội dung bài Do Thái đến một sinh viên Do Thái, tôi sẽ phạm tội quấy rối, còn tôi lập ra trang web đăng các nội dung y chang như vậy cho cả thế giới xem thì không sao.Ảnh: lclark.eduSau vụ Hamas tấn công và Israel phản công, sân trường đại học Mỹ sôi sục các lời kêu gọi "intifada toàn cầu", ám chỉ cuộc nổi dậy của người Palestine và tiêu diệt người Do Thái hay khẩu hiệu "Từ sông đến biển, Palestine sẽ được tự do", ám chỉ việc xóa sổ Nhà nước Israel, giành đất lại cho người Palestine. Chúng rõ ràng là lời kêu gọi bạo lực, nhưng vẫn được phép, là quyền tự do ngôn luận được Tu chính án thứ nhất bảo vệ. Ngược lại, ở các cuộc biểu tình có các lời kêu gọi này, nếu ai tới giật khẩu hiệu của người khác sẽ bị xem là phạm luật. Biểu tình thì được nhưng xua sinh viên Do Thái vào thư viện, khóa cửa, đập phá bàn ghế là không được.Thế vì sao dư luận phản đối ba bà hiệu trưởng dữ dội đến thế mặc dù các bà phải nói đúng thực tế để sau này còn điều hành trường nữa chứ. Chẳng hạn khi bà Kornbluth nói bà đâu nghe ai kêu gọi diệt chủng ai trên sân trường MIT, nghị sĩ Stefanik hỏi dồn nhưng bà có nghe họ hát bài kêu gọi intifada không.Bà Kornbluth mới nói tôi có nghe lời hát có thể xem là bài Do Thái dựa vào bối cảnh khi lời kêu gọi là nhằm tiêu diệt người Do Thái. Các bà nói đúng nhưng lại tỏ ra không nhất quán khi áp dụng bối cảnh vì trong nhiều trường hợp khác, họ lại bất kể chuyện bối cảnh như thế.Nhiều năm qua, giới bảo thủ lên án lãnh đạo các trường đại học hàng đầu Mỹ đã biến môi trường đại học thành nơi chỉ cho tồn tại các luồng tư tưởng được cho là cấp tiến, bóp nghẹt các quan điểm khác biệt, ai nói khác dễ bị "xóa sổ" (cancel). Ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, ủng hộ người chuyển giới, hôn nhân đồng tính chưa đủ, họ còn buộc mọi người phải dùng đại từ nhân xưng theo sự chọn lựa…Chẳng hạn, Hiệp hội Giáo dục quốc gia, một tổ chức nghiệp đoàn của giáo chức Mỹ, đề nghị không dùng từ "mother" (mẹ) nữa, thay vào đó là "birthing parent" (đấng sinh thành). Lâu nay làm mẹ ắt là phụ nữ, nhưng nay có những người chuyển giới, chẳng hạn đang là nữ chuyển sang thành nam nhưng vẫn có khả năng sinh con, gọi họ là "mẹ" thì không đúng với giới tính tự nhận của họ. Ý của đề xuất này là dùng từ "birthing parent" cho bao trùm mọi giới, cả nam chuyển giới hay người phi giới tính nay sinh con!Trong các năm qua, những trường đại học ra điều trần đều có điểm thấp trong lĩnh vực tự do ngôn luận; UPenn và Harvard được điểm thấp nhất. Các trường đều đã từng trừng phạt nhiều nhân vật chỉ vì họ không chịu dè chừng lời ăn tiếng nói sao cho "phải đạo" chiều lòng đám đông. Như năm 2019, Harvard cách chức một trưởng khoa chỉ vì sinh viên phản đối việc ông này tham gia đội ngũ luật sư bào chữa cho nhà sản xuất phim tai tiếng Harvey Weinstein. Năm 2021, MIT hủy bài giảng của nhà khoa học Dorian Abbot nổi tiếng vì ông này phê phán chính sách ưu tiên cho sinh viên da đen. Trường luật thuộc UPenn đang tìm cách trừng phạt giáo sư biên chế Amy Wax vì sinh viên than phiền bà hay có nhận xét về năng lực học tập của sinh viên da màu…Ảnh: ft.comMột độc giả nhận xét trên tờ New York Times, giả thử hãy hỏi các bà hiệu trưởng cùng câu hỏi đó nhưng thay "diệt chủng dân Do Thái" thành "diệt chủng người da đen hay người đồng tính" xem các bà sẽ thay đổi cách trả lời như thế nào. Một người khác nói, nếu "kiểm duyệt" phe bảo thủ để cấm lời nói xúc phạm người da màu, người chuyển giới thì cũng phải "kiểm duyệt" phe cấp tiến không cho họ đòi xóa sổ dân Do Thái.Các tỉ phú tài trợ muốn bé xé ra toPhải nói dân Do Thái hiện đang có tầm ảnh hưởng đáng kể lên mọi mặt đời sống của nước Mỹ, câu chuyện ba bà hiệu trưởng chịu áp lực dư luận dữ dội cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này. Những tiếng nói phản đối các bà lớn nhất đến từ những nhà tài trợ giàu có. Như sau buổi điều trần, Ross L. Steven, quản lý một quỹ đầu tư, rút các khoản tài trợ trị giá 100 triệu đô la với UPenn, đe dọa chỉ xem xét lại sau khi UPenn có ban lãnh đạo mới.Trước đó các tỉ phú là nhà tài trợ cho UPenn cũng yêu cầu bà Magill không được tổ chức một hội nghị văn học Palestine vì họ cho rằng nhiều diễn giả có tư tưởng bài Do Thái; bà Magill không đồng ý, vẫn tiến hành sự kiện và nói đó là quyền tự do ngôn luận. Sau vụ Hamas tấn công Israel, tỉ phú Marc Rowan, cựu sinh viên Trường Wharton trực thuộc UPenn, phát động một chiến dịch chống lại bà Magill vì cho rằng bà đã không lên án Hamas đúng mức. Ông này không những rút tài trợ mà còn kêu gọi các cựu sinh viên giàu có khác tẩy chay theo. Hàng ngày ông gởi thư cho các thành viên trong hội đồng trường, liên tục đánh số ngày để gây sức ép.Với Đại học Harvard, tỉ phú Bill Ackman dẫn đầu chiến dịch phê phán lãnh đạo trường đã không có thái độ rõ ràng trước cuộc xung đột Israel - Hamas, để sinh viên gốc Do Thái sống trong môi trường bị đe dọa, bị ghét bỏ. Ông này cũng dùng những thủ thuật quen thuộc của giới kinh doanh mỗi khi muốn lật đổ một thành viên hội đồng quản trị: gởi thư ngỏ, dùng mối quan hệ với Washington, tận dụng mạng xã hội, sử dụng mối quen biết với báo chí và quan trọng hơn cả là đe dọa rút các khoản tiền tài trợ lớn. ■ Các đại học Mỹ, từng được xem là thành trì của tự do học thuật, tự do tư tưởng và giáo dục khai phóng, nay bị cuốn vào các cuộc xung đột liên miên giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa thái độ "phải đạo" và "tiêu chuẩn kép", có cả sự tham gia của giới chính khách và giới thương trường. Câu chuyện các vị hiệu trưởng bị vạ miệng chưa chấm dứt vì như lời của nghị sĩ Stefanik viết trên X sau khi nghe tin bà Magill từ chức: "Xong một, còn hai". Tags: Đại học HarvardHamasIsraelQuyền tự do ngôn luậnHiệu trưởng MIT
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".