Văn chương: Đã hết thời của những định chế sang cả?

HẢI MINH 06/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Định chế văn chương lừng lẫy và sang cả nhất của cả một thời đại, Viện Hàn lâm Thụy Điển, đang tan tác vì những bê bối quấy rối tình dục và tham nhũng theo các tiêu chuẩn của một thời đại mới: thời đại của nữ quyền, đa văn hóa, đòi hỏi minh bạch tối đa, và tất nhiên, mạng xã hội.

Những tổ chức sang cả như Viện Hàn lâm Thụy Điển đang bị đời sống thực qua mặt? Ảnh: Rune Fisker, theculturetrip.com
Những tổ chức sang cả như Viện Hàn lâm Thụy Điển đang bị đời sống thực qua mặt? Ảnh: Rune Fisker, theculturetrip.com

 Được thành lập theo chiếu chỉ của vua Thụy Điển Gustav III vào năm 1786, theo mô hình Viện Hàn lâm Pháp, với 18 thành viên được bầu ra trọn đời, nắm quyền trao giải Nobel văn chương và có sứ mệnh bảo toàn “sự thanh sạch, mạnh mẽ và tinh tế của tiếng Thụy Điển” với câu khẩu hiệu “Tài năng và khiếu thẩm mỹ” (Snille och Smak), Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong mắt nhiều người và các viện sĩ, là định chế văn hóa quan trọng nhất thế giới.

Khủng long của thời đại văn chương mới

Mười Tám Người (luôn được viết hoa) được bầu ra trong đội ngũ của họ với nhau (những người tại vị sẽ bầu ra các viện sĩ bổ sung khi cần), gặp nhau ăn tối mỗi thứ năm ở một nhà hàng họ sở hữu tại khu phố cổ của Stockholm, và mỗi năm một lần quyết định ai là nhà văn (và gần đây, cả nhà báo và nhạc sĩ) giỏi nhất thế giới. 

Nhưng năm nay sẽ không có giải thưởng và lễ trao giải nào cả.

Ngay từ ngày thành lập, viện đã là một tổ chức của giới tinh hoa với những tác giả và học giả giỏi nhất Thụy Điển, để bảo vệ và phát huy tiếng Thụy Điển. Viện có một danh sách chính thức tất cả những từ tiếng Thụy Điển được công nhận, và họ vẫn đang thực hiện dự án đã kéo dài hơn một thế kỷ về một cuốn từ điển chính thức cho tiếng Thụy Điển.

Viện cũng rất giàu có với các khoản đầu tư lên tới 143 triệu USD vào nhiều tài sản. Viện sĩ là một lợi ích lớn về tài chính: những căn hộ ở các khu sang trọng của Stockholm, các bữa tối, những văn phòng hảo hạng. Phụ cấp cho viện sĩ không được công bố, nhưng một cuộc điều tra các khoản hoàn thuế từ một tờ báo Thụy Điển cho thấy họ nhận khoảng 52.000 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, giống như nhiều định chế lâu đời khác, viện đang có nguy cơ lỗi thời ở thời đại thay đổi quá nhanh chóng này. Thứ văn chương mà viện chính thức bảo trợ giờ chỉ sống bằng tài trợ. Trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, các viện sĩ khó kiếm sống đủ bằng việc viết lách. 

Tất nhiên, điều đó đúng với hầu hết các nhà văn ngày nay, nhưng trong một thế giới chỉ còn lại vài thứ ngôn ngữ toàn cầu, chủ đạo là tiếng Anh, một ngôn ngữ như tiếng Thụy Điển với 9 triệu người nói (và hầu hết đều lưu loát tiếng Anh), các tác giả ngôn ngữ bản địa khó mà sống được theo nghĩa kinh tế.

Hầu hết những sách bán được ở Thụy Điển cũng là sách phải có lợi nhuận nếu dịch ra tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, tức chủ yếu là tiểu thuyết hình sự, trinh thám, ly kỳ (Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson là một ví dụ điển hình).

Ngay từ những năm 1970, ý tưởng rằng viện này là hòn đá tảng của văn hóa Thụy Điển đã bị tấn công rồi, cùng với trào lưu phủ nhận lòng tin cho rằng văn hóa châu Âu - mà cụ thể là Thụy Điển - là đỉnh cao thành tựu của loài người. Với viện, đó là một mối đe dọa mang tính hiện sinh. 

Tham vọng phi thường của các viện sĩ - không chỉ đọc văn chương nước ngoài ở ngôn ngữ gốc mà còn hơn thế, phán xét mức độ “gốc” và tầm quan trọng của các tác phẩm với từng nền văn học đó, rồi với nền văn học của thế giới - ngày càng trở nên phi thực tế khi bầu trời văn chương dần rộng mở nhờ sự phát tán của công nghệ báo in, xuất bản, phát thanh, truyền hình, và cuối cùng là Internet, để bao gồm châu Mỹ Latin, châu Phi, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Những dấu hiệu tranh cãi đã bùng lên từ khá sớm, như khi năm 1974 viện quyết định trao giải Nobel văn chương cho hai viện sĩ của mình, các nhà thơ Harry Martinson và Eyvind Johnson - một quyết định gặp phải sự phản đối dữ dội (Martinson tự sát bốn năm sau đó).

Hay năm 1989, khi viện từ chối thảo luận một kiến nghị ủng hộ trao giải Nobel cho tiểu thuyết gia gây nhiều tranh cãi Salman Rushdie, sau khi một lệnh ám sát ông được Nhà nước Iran ban bố. Tiếp đó là năm 2005, khi một viện sĩ từ chức vì giải Nobel được trao cho một tác giả cánh tả người Áo mà viện sĩ kia coi là không gì khác ngoài truyện khiêu dâm.

Năm 2015, Nobel văn chương được trao cho một phóng viên báo chí điều tra người Belarus Svetlana Alexievich, và có lẽ đỉnh điểm là năm 2016 với nhạc sĩ Bob Dylan. Tay nhạc sĩ người Mỹ đã cho đám văn sĩ hàn lâm thấy một ngôi sao nhạc rock quậy phá thực sự cư xử ra sao, với sự khinh thị không thể nhầm lẫn trong những tháng trước khi giải thưởng được trao chính thức, và trong cả buổi lễ trao giải với một bài diễn từ đạo văn.

Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Sana Danius từ chức vào tháng 4-2018. Ảnh: Reuters
Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Sana Danius từ chức vào tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

 Vụ bê bối cuối cùng?

Nhưng tất cả những lộn xộn đó chỉ là chuyện nhỏ so với những gì diễn ra năm nay. Tháng 11-2017, báo chí Thụy Điển phát hiện chồng của một viện sĩ bị cáo buộc quấy rối tình dục hàng loạt phụ nữ trong suốt hơn 20 năm, mà vợ ông này hoàn toàn im lặng, thậm chí có thể là “chấp thuận” cho hành vi đó.

Jean-Claude Arnault, một nhiếp ảnh gia và doanh nhân văn hóa người Pháp, kết hôn với nữ thi sĩ và viện sĩ Katarina Frostenson. Nhật báo Dagens Nyheter, trong loạt điều tra dài kỳ, đã đăng tải lời của 18 phụ nữ nói họ bị Arnault xâm hại, trong đó hai trường hợp có thể coi là ngang tội hiếp dâm. 

Cặp vợ chồng này cũng bị cáo buộc sử dụng sai ngân quỹ của viện và Frostenson bị cho là đã tuồn tin tức về người được trao giải Nobel cho chồng để ông này đi đánh cá lớn tại Paris.

Viện lúc này đã tê liệt vì vụ bê bối sau hàng loạt vụ từ chức và cách chức. 6/18 viện sĩ đã rút lui, hai người khác buộc phải rút lui. Quy định nói viện phải có tối thiểu 12 thành viên để bầu ra người mới, hiện giờ họ chỉ có 10 - một tình huống “khủng hoảng hiến pháp” mà chỉ nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf mới có thể can thiệp. Tuy nhiên, đang có tin đồn đoán là nhà vua có thể sẽ giải tán luôn và vĩnh viễn viện.

Không lâu sau khi vụ bê bối bị phát lộ, thư ký của viện hiện giờ, Sara Danius, tuyên bố chính bà từng bị Arnault quấy rối. Bà đã viện tới các luật sư và tìm cách loại Frostenson ra khỏi viện. 

Tuy nhiên, Arnault có một người bảo trợ đầy quyền lực: cựu thư ký viện Horace Engdahl. Engdahl, theo lời một viện sĩ giấu tên được báo khổ nhỏ Expressen dẫn lại, là người chịu trách nhiệm chính cho sự suy tàn của Viện hàn lâm như ngày nay, bởi “những giá trị hung hăng kiểu con đực và sự sang cả kiêu căng” của ông.

Rốt cuộc, cả hai người phụ nữ liên quan đã từ chức. Số thành viên xin từ chức để ủng hộ Danius đủ để viện không còn hoạt động được và Engdahl giờ kiểm soát phần còn lại. Quỹ Nobel, nơi chi tiền cho giải thưởng, từ chối chi tiền cho tới khi tình hình ở viện trở lại bình thường. 

Vụ bê bối là một bi kịch, nói theo kiểu văn chương, “đậm màu Kafka”, trong đó những người được cho là phải phục vụ văn chương và văn hóa phát hiện rằng họ thực ra chỉ phục vụ bản thân. Cuộc đeo đuổi nghệ thuật xuất sắc đã mắc kẹt trong cuộc đeo đuổi uy tín cá nhân.

Viện hàn lâm đã nghĩ rằng họ đại diện cho thứ văn hóa sang cả cổ điển: đầy nam tính, đóng vai tinh hoa và quý tộc không hổ thẹn, quyền lực được phục vụ truyền thống. Nhưng hóa ra họ trở nên rất giống với một ngôi sao nhạc rock đã hết thời: tự mãn, hung hăng, tự cho mình là quan trọng nhờ tiền bạc và danh tiếng.

Báo Anh Guardian bình luận: “Sự hủy diệt với danh tiếng của Viện Hàn lâm Thụy Điển không chỉ là tổn thất cho một định chế Thụy Điển đã cũ kỹ, đã lạ lùng, mà còn là với những lý tưởng mà nó vẫn bấu víu vào, và với giấc mơ về một thứ văn hóa sang cả toàn cầu mà giải Nobel là đại diện”. ■

Những giá trị thay đổi

Từ cuối những năm 1990, Jean-Claude Arnault đã nổi tiếng là một kẻ lang chạ và bừa bãi, nhưng trong văn giới - nhất là văn giới Stockholm - thời đó, chuyện này không có gì to tát. Giống như với những vụ bê bối #MeToo ở Hollywood, cơn thịnh nộ gần đây là bởi sự đánh giá lại những hành vi quá khứ. “Tôi đã nghe nhiều tin đồn thổi nhưng chưa bao giờ lại nghiêm trọng tới mức là hiếp dâm” - Maria Schottenius, biên tập viên văn hóa của tờ Expressen, nói.

Từ năm 1997, Expressen đã có loạt bài về nhân vật này dưới tiêu đề “Khủng bố tình dục trong giới tinh hoa văn hóa”, nhưng rồi đã không có hành động gì từ viện. Frostenson, được Expressen liên hệ (dù không nêu tên), cũng không bình luận. Mọi chuyện được lặng lẽ cho chìm xuồng.

Nhưng giờ tình hình đã khác. Gabriella Håkansson, một tiểu thuyết gia, nói bà đã bị Arnault quấy rối từ lâu. “Ông ta là kẻ khét tiếng nhất trong những nhà văn thế hệ tôi, thậm chí cả những người lớn tuổi hơn - bà nói - Tôi có một người bạn giờ 62 tuổi nói bà từng bị ông ta quấy rối”. 

Håkansson kể lại một vụ năm 2007 khi bà gặp Arnault ở một buổi tiếp tân văn học: “Chúng tôi mới nói được vài câu thì ông ấy đã thò tay vào giữa hai chân tôi. Chuyện đó xảy ra nhanh không tưởng. Tôi tát ông ấy. Nhưng những người chứng kiến chỉ cười lớn, như thể họ chỉ nói: “Xem kìa, lại là trò đó”. Tôi tin rằng hành vi của ông ấy không liên quan gì tới tình dục. Tôi là một phụ nữ hấp dẫn và đã bị trêu cợt nhiều, nhưng chưa bao giờ có điều gì như thế. Trò vồ vập đó chỉ là để thể hiện quyền lực”. Ngày 12-6-2018, Arnault bị truy tố với hai tội danh hiếp dâm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận