Vấn đề không chỉ “ĐBSCL có Bình Thuận, Ninh Thuận”

SỸ PHU 15/04/2016 20:04 GMT+7

TTCT - Dư luận đang chê trách người ra đề kiểm tra học kỳ 2 cho học sinh khối lớp 12 ở Đồng Nai vì đề thi nhầm lẫn cho Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thật ra đây là sai sót không điển hình và chính thông tin nguồn mà đề thi trích dẫn trên báo Nhân Dân đã sai ngay từ đầu.

Trang Nhân Dân điện tử
Trang Nhân Dân điện tử


Điều đáng nói hơn là nhiều điều trong đề thi này mang tính điển hình cho sự lạc hậu của nền giáo dục, chính điểm này mới đáng báo động hơn nhiều.

Môn ngữ văn có những mục tiêu rất rõ ràng, có thể gói gọn trong hai mục tiêu chính: dạy học sinh kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) để sử dụng tiếng Việt thành thạo trong giao tiếp và dạy cho học sinh năng lực cảm thụ văn học thông qua một số công cụ tùy theo từng cấp học.

Như vậy dạy một tác phẩm văn học không phải là học về tác phẩm đó như một dạng kiến thức phải mang theo, mà dùng đó như một minh họa để giúp học sinh làm được những điều tương tự ở các tác phẩm khác.

Đối chiếu điều này với đề thi, chúng ta sẽ bất ngờ vì những câu hỏi như: “Phân tích vai trò của tiếng sáo trong việc khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật Mị (trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, SKG ngữ văn 12, tập 2). Đây là loại đề khá phổ biến.

Với loại đề này, điều người ra đề sẽ kiểm tra được không phải là năng lực cảm thụ văn học của học sinh mà sẽ nhận được một đoạn văn mẫu, thường là sáo rỗng, sao chép từ nơi khác. Thử gõ cụm từ “tiếng sáo và vợ chồng A Phủ” trên mạng sẽ thấy hàng chục, hàng trăm bài văn soạn sẵn có thể dùng làm đáp án cho câu hỏi này.

Đọc một số đề thi môn ngữ văn khác, cũng thấy xuất hiện loại câu hỏi như thế. “Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ”; “Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo”; “Cảm nhận về vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Thú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành”...

Điểm chung của loại đề này là gì? Là cảm thụ văn học bị bỏ qua một bên, là học sinh được mớm sẵn những câu trả lời khuôn mẫu và các em chỉ việc học thuộc lòng rồi miệt mài chép ra giấy cho kịp thời gian.

Tại sao không thử trích một đoạn văn bất kỳ, trong đó có sử dụng những biện pháp như ẩn dụ, nhân cách hóa rồi hỏi học sinh về các biện pháp này, xem thử có giúp gì cho việc chuyển tải hình ảnh, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm?

Giả thử với đề thi đang được đem ra mổ xẻ, có em học sinh nào đó viết tiếng sáo không có tác dụng khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật Mị như Tô Hoài mong muốn và dẫn chứng rất thuyết phục để phân tích thì sao? Không lẽ cho em này 0 điểm phần đó?

Quay trở lại câu hỏi bị dư luận chê trách có sai sót. Sai sót không chỉ nằm ở chỗ Bình Thuận và Ninh Thuận được cho là thuộc ĐBSCL. Đề thi xem chuyện hạn hán, xâm ngập mặn là “hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng ở nước ta” và bắt học sinh viết khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ về hiện tượng này.

Ở đây rõ ràng đề thi không kiểm tra được gì về năng lực làm văn của các em, kể cả năng lực tư duy, xử lý thông tin..., bởi một em có theo dõi thông tin thời sự sẽ viết người ta đang tranh luận nguyên nhân trực tiếp của hạn hán, xâm nhập mặn năm nay là do hiện tượng El Nino hay do Trung Quốc xây đập chặn nước từ đầu nguồn sông Mekong; em nào tìm hiểu kỹ hơn thì nói thêm về chuyện Thái Lan, Campuchia đã chuẩn bị chuyện hạn hán từ nhiều năm nay bằng cách làm thủy lợi, hồ chứa nước, lấy hết nước của sông Mekong...

Từ đó suy nghĩ của mỗi em mỗi khác: nào là đấu tranh với Trung Quốc về chuyện xả nước, nào là lo xa như Thái Lan, nào là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sống chung với hạn mặn... Bắt học sinh nói về chuyện xa xôi là biến đổi khí hậu chẳng khác nào bắt các em viết lên những lời sáo rỗng khác nữa.

Hai câu hỏi nói trên là ở phần làm văn, phần đọc hiểu của đề thi cũng có những câu hỏi kỳ lạ không kém. Nguyên tắc của kiểm tra đọc hiểu là dựa vào văn bản để hỏi và ở đây đề thi cũng trích một văn bản là một đoạn từ tác phẩm Người Hà Nội của Nguyễn Khải. Nhưng câu hỏi lại kiểm tra kiến thức chứ không phải đọc hiểu, ví dụ câu: “Nhân vật chính được nhắc đến trong đoạn trích là ai?”. Hỏi vậy chẳng khác nào hỏi nhà văn Nguyễn Khải sinh năm nào, mất năm nào?

Thực tế cho thấy học sinh đang rất kém kỹ năng tiếng Việt, nhất là kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết. Môn ngữ văn lẽ ra phải giúp các em ngụp lặn trong môi trường ngôn ngữ hiện đại để giúp các em hiểu được những vấn đề hiện đại mà xã hội và thế giới đang luận bàn.

Ít nhất trong phần tiếng Việt, các em phải được học như học một ngôn ngữ, trong đó có rèn luyện các kỹ năng nghe nói, đọc viết như khi các em học một ngoại ngữ. Nhìn như thế sẽ thấy các câu hỏi trong đề thi phi lý và trật chìa như thế nào!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận