Ai được biết, ai được bàn?

ĐỨC HOÀNG 23/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Người dân đang thắc mắc vì chi phí cắt cỏ ở Hà Nội mỗi năm lên tới hơn 700 tỉ đồng. 53 tỉ đồng để cắt cỏ cho hơn 20km đường cao tốc là ít hay là nhiều, cách chi vậy có đúng? Không thể trả lời được.

Đã có quy định về minh bạch thông tin nhưng....

Nỗi thắc mắc này sẽ cứ là thắc mắc, nếu Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP Hà Nội) như các doanh nghiệp nhà nước khác “im như thóc” trong báo cáo tình hình kinh doanh, điều mà Tuổi Trẻ đã nêu ngày 9-8 vừa qua.

Nghị định 81/2015 về “Công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, có hiệu lực gần một năm nay, chứa đến 10 phụ lục, là mẫu của 10 nội dung quan trọng mà các DNNN buộc phải công bố. Kế hoạch kinh doanh trong tương lai; đánh giá kế hoạch kinh doanh trong quá khứ; báo cáo tài chính; cơ cấu ban lãnh đạo...

Nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, trong đó có những công ty “đầu ngành”, thậm chí còn không biết rằng trên đời có thứ quy định như vậy. Việc thiếu minh bạch này tạo ra những hậu quả gì?

Những kẻ đáng ngờ

Hãy nghiên cứu một số bài học lớn từ quốc tế về công bố thông tin. Theo một đạo luật được ban hành vào năm 2005, các DNNN Brazil buộc phải công bố trên website của mình các thông tin: chi tiêu, các cuộc đấu thầu, nhân sự.

Nhưng đến năm 2012, Tổng thanh tra Liên bang Brazil công bố: vẫn còn rất nhiều tập đoàn nhà nước không thực hiện quy định này. Trong đó, nổi bật hai cái tên: Petrobras và BNDES.

Petrobras là công ty dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ hiện nay, và xét theo tổng doanh thu, lớn thứ 28 trên thế giới, là cột chống của nền kinh tế Brazil. Còn BNDES (Ngân hàng Phát triển Brazil) thì từ lâu là một hiện tượng của kinh tế quốc doanh trên thế giới: các nhà kinh tế học khẳng định rằng Brazil là quốc gia hiếm hoi mà ngân hàng phát triển của họ còn lớn hơn cả World Bank - Ngân hàng Thế giới.

Đến năm 2014, ít ngày trước FIFA World Cup, một vụ tham nhũng lớn được phanh phui. Cựu tổng thống Lula Da Silva bị triệu tập và hỏi cung. Các khoản hối lộ để chỉ định thầu, cùng một đường dây rửa tiền với tổng số tiền giao dịch lên tới 3 tỉ USD đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm, với sự dính líu của nhiều quan chức. Và nhân vật chính là Tập đoàn dầu mỏ Petrobras.

Trong cuộc điều tra siêu lớn mang tên “Chiến dịch rửa xe”, cảnh sát Brazil đã phát hiện những lãnh đạo của tập đoàn nhà nước này liên tục nhận các khoản hối lộ lớn để chỉ định thầu cho bên B với mức giá xuyên tạc.

Chánh văn phòng nội các thời tổng thống Lula da Silva bị bắt. Chủ tịch Hạ viện bị cáo buộc đã nhận tới 40 triệu USD hối lộ. Cựu bộ trưởng Bộ Năng lượng và khai khoáng cũng bị điều tra vì những khoản tiền tổng trị giá 50 triệu USD mà ông nhận từ Petrobras.

Chuyện chưa dừng lại ở đó. Sau khi “Chiến dịch rửa xe” lật mặt được gã khổng lồ Petrobras, những nghi ngờ tham nhũng lây lan nhanh trong hệ thống DN quốc doanh tại Brazil.

Cái tên BNDES xuất hiện: báo chí phát hiện ra rằng một quỹ đầu tư nhà nước đã chuyển hàng chục triệu USD vào ngân hàng này, dù quỹ đó không được phép đầu tư vào ngành tài chính/ngân hàng. BNDES im lặng. Những cuộc điều tra vẫn tiếp diễn. Trong lúc đó, giá cổ phiếu của Petrobras xuống thấp kỷ lục và nền kinh tế hứng chịu nhiều thiệt hại.

Không phải ngẫu nhiên khi mà DNNN lớn nhất, chậm chạp trong việc minh bạch hóa thông tin nhất cũng chính là “con mọt” đáng sợ nhất của nền kinh tế.

Tham nhũng đúng quy trình

Trong một bài luận tại Đại học George Washington (Mỹ) vào năm 2014, Marcelo Pontes Vianna, một nhân viên của Tổng thanh tra Liên bang Brazil, chỉ ra hai yếu tố quan trọng dẫn đến tham nhũng ở các DNNN tại đây: đầu tiên là không có trách nhiệm minh bạch hóa tài chính; thứ hai là việc các lãnh đạo tổng công ty nhà nước được bổ nhiệm trực tiếp bởi các bộ chủ quản chứ không phải do nhân viên hay cổ đông bầu lên.

Nó tạo ra một vòng tròn lợi ích khép kín, như thấy ở trong vụ Petrobras, khi các giám đốc công ty sử dụng quyền lực chính trị của “ô dù” để kiếm tiền hối lộ, rồi lại dùng tiền đó để đem về hầu hạ sự nghiệp chính trị của “quan anh”. Các “quan anh” cũng dựa trên mục tiêu này để bổ nhiệm người về những công ty nhà nước mình quản lý.

Trong vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử Brazil, diễn ra tại tập đoàn bưu chính nước này vào năm 2004, người ta được nghe một đoạn băng ghi âm. Trong đó, Mauricio Marinho, tổng giám đốc Bưu chính Brazil, nhận tiền hối lộ từ một doanh nhân.

Ông ta nói toẹt ra rằng mình nhận hối lộ cho tất cả các hợp đồng được giao phụ trách, tiền này được sử dụng cho các bên có quyền đề cử chức vụ cho Marinho, cũng như đề cử chức vụ cho “sếp”. Thời điểm đó, Marinho chịu sự quản lý trực tiếp của phó tổng thống.

Đoạn băng được công bố đã trở thành một vụ scandal chính trị lớn. Tình báo Brazil vào cuộc. Người ta phát hiện ra rằng tiền có được từ tham nhũng ở các DNNN sẽ được dùng để chi cho các ông nghị để ủng hộ đảng cầm quyền của tổng thống Lula da Silva.

Vụ này được gọi là “mensalão” - tức là “chung chi hằng tháng”. Khoản tiền bị cắt xén chủ yếu là từ ngân sách quảng cáo, một lĩnh vực rất khó định giá cụ thể hợp đồng. “Mensalão” khiến cho nhiều quan chức cao cấp của Brazil từ chức, và khiến chính phủ của tổng thống Lula da Silva mất đi phần lớn tín nhiệm.

Hãy quay trở lại với Petrobras và xem cơ cấu ban lãnh đạo của siêu tập đoàn này. Mặc dù Chính phủ Brazil chỉ nắm giữ 57% vốn của Petrobras, nhưng họ lại chỉ định đến 70% ban giám đốc.

Hội đồng quản trị của Petrobras có 10 người, thì 7 người được bổ nhiệm bởi chính phủ, 2 người được bầu lên bởi các cổ đông và 1 người được bầu lên bởi nhân viên của tập đoàn. Không có gì khó hiểu khi chỉ riêng cựu bộ trưởng Bộ Năng lượng và khai khoáng của Brazil Edison Lobão đã bị cáo buộc nhận đến 50 triệu USD trong vụ tham nhũng tại Petrobras.

Sự cần thiết của công bố

Những bài học của nền kinh tế Brazil - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và từng rất thành công trong việc điều hành và phát triển các tập đoàn quốc doanh (khác với nhiều quốc gia Mỹ Latin khác) - chỉ ra sự bức thiết của hoạt động giám sát toàn dân đối với những DN này.

Rõ ràng các nhà lập pháp nước ta đã tính toán rất kỹ lưỡng khi ban hành nghị định 81/2015 về “Công bố thông tin của DNNN”.

Đơn cử như phụ lục VIII về “Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN”, ngoài đòi hỏi DN phải công bố danh sách lãnh đạo, còn kỹ đến mức bắt thống kê số buổi họp của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, đi họp có đều không, với tỉ lệ bao nhiêu, nếu vắng mặt trong cuộc họp thì ghi rõ lý do là gì...

Nhưng cho đến nay, vẫn rất nhiều DNNN lớn không thực hiện quy định này. Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Trên website của công ty này có hẳn một phần tên là “Công bố thông tin”, chia các chương mục rõ ràng như là “Lao động tiền lương” hay là “Thông tin quản trị”. Nhưng trong các mục đó phần lớn là không có gì.

Trắng trơn. Khi được hỏi đến thì lãnh đạo Vinafood 1 trả lời rằng “đã báo cáo kịp thời cho Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT về hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư...”.

Ở đây phát sinh một câu hỏi: giữa việc công bố thông tin cho người dân, với việc báo cáo cho cơ quan chủ quản có gì khác nhau? Tại sao DN lại cần báo cáo với người dân khi đã báo cáo bộ?

Điểm khác biệt mấu chốt không nằm ở các báo cáo tài chính, mà như các bài học tại Brazil đã chỉ ra, nằm ở mối quan hệ cha - con của bộ chủ quản và các công ty, thứ có thể phát sinh “vấn đề”. Không phải ngẫu nhiên mà nghị định 81 yêu cầu phải ghi rõ cả các chỉ đạo mà cấp trên ban xuống cho DN trong năm là gì.

Trong quá khứ, đã hơn một lần những vụ tiêu cực lớn được phát hiện nhờ vào sự giám sát của báo chí và người dân thông qua những con số báo cáo. Nổi bật nhất là chuyện của ngành than cách đây vài năm.

Khi so sánh báo cáo xuất của TKV với báo cáo nhập của hải quan Trung Quốc, các cơ quan báo chí nhận ra sự chênh lệch đến hàng triệu tấn mỗi năm. Lý do rất đơn giản: than Việt Nam được buôn lậu sang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc thống kê rất đầy đủ khối lượng nhập (vì than nhập được trợ giá) và nguyên nhân là phía Việt Nam không thống kê đủ số lượng xuất. Từ sau khi nghi vấn này dấy lên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và hàng chục kẻ đã ra trước vành móng ngựa.

Mặc dù những đường dây buôn lậu than bị triệt phá được cho là chưa thấm vào đâu so với bức tranh chung, nhưng ví dụ về phép so sánh số liệu hải quan rất đơn giản này cho thấy việc giám sát của đại chúng có hiệu quả thế nào.

Hoặc mới gần đây, căn cứ vào các báo cáo tài chính và các quyết định nhân sự tại Halico (Công ty Cồn rượu Hà Nội), báo chí cũng phát hiện ra sự liên quan của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí (PVC) - đến nhiều hoạt động của công ty này; và phát hiện ra rằng con trai ông Thanh, sinh năm 1992, đang giữ chức phó phòng tại đây.

Sự việc này mới chỉ dừng lại ở những nghi ngờ, nhưng cũng tạo thêm cơ sở thông tin cho cuộc điều tra vụ thua lỗ 3.300 tỉ tại PVC.

Quay trở lại với vụ “700 tỉ cắt cỏ” tại Hà Nội. Số tiền ấy đã được giao cho những DNNN hoạt động trong lĩnh vực môi trường đô thị - như Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Và nếu như nghị định 81/2015 được chấp hành nghiêm túc thì ít ra, người ta sẽ biết rằng nó đã được tiêu như thế nào.

Còn bây giờ, là một sự hoang mang bất tận trong bối cảnh ngân sách mỗi ngày một hạn hẹp, khi báo chí cho biết có “một công nhân của Xí nghiệp duy trì cây xanh số 5 cho biết kể từ tháng 7, lương của chị đã giảm một nửa so với trước.

Một ngày chị chỉ làm 4 tiếng thay vì 8 tiếng, tiền lương cho 14 công/tháng khoảng 2 triệu đồng, nộp bảo hiểm và các loại phí xong còn không đáng bao nhiêu” (VnExpress 16-8-2016) và “tiền tỉ” thì lúc nào cũng là một con số vô cùng lớn trong hình dung của người dân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận