Bầu cử giữa đại dịch: Hai cách làm khác biệt

DANH ĐỨC 24/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Cách nhau đúng một tháng, hai cuộc bầu cử vẫn diễn ra ở Hàn Quốc hôm 15-4 và ở Pháp hôm 15-3 có vẻ như thách thức đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Tuy nhiên, có những khác biệt căn bản giữa hai trường hợp tưởng chừng hao hao này.

Cả cử tri lẫn người làm công tác tổ chức bầu cử ở Hàn Quốc đều rất kỹ lưỡng trong các vấn đề dịch tễ. Ảnh: Sky News
Cả cử tri lẫn người làm công tác tổ chức bầu cử ở Hàn Quốc đều rất kỹ lưỡng trong các vấn đề dịch tễ. Ảnh: Sky News

Điểm tương đồng cơ bản là luật bầu cử của mỗi nước đã quy định sẵn là phải tổ chức bầu cử vào đúng ngày tháng đó. Ở Hàn Quốc, điều 34, khoản 2 của đạo luật bầu viên chức công quy định phải tổ chức bầu các thành viên Quốc hội vào ngày thứ tư đầu tiên tính từ ngày thứ 50 trước khi Quốc hội khóa hiện tại hết nhiệm kỳ, tức vào 15-4 tuần rồi. 

Còn ở Pháp, điều 1.1 hướng dẫn bầu cử cấp thành phố và xã ghi rõ tổ chức vào ngày chủ nhật 15 và 22-3-2020. Tức việc tổ chức bầu cử đều theo ngày tháng luật định, còn chuyện rơi vào giữa đại dịch là... xui! Tuy nhiên, xử lý cụ thể việc bầu cử như thế nào thì lại không hề là chuyện may rủi.

Với người Hàn, COVID-19 không phải là tai trời ách nước

Trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại Hàn Quốc hôm 20-1. Hai tuần sau, hôm 4-2, chính quyền đã cấm cửa tất cả những ai đến từ Hồ Bắc (Trung Quốc). Một tháng sau, con số nhiễm tăng lên đến 346 ca (21-2). Sang đến 23-2, đã có 602 người được xác nhận nhiễm virus và 5 người tử vong, trong đó 95 ca liên quan đến giáo phái Tân thiên địa ở Daegu.

Ngay lập tức, Hàn Quốc đã kết hợp xét nghiệm đại trà với tầm soát các mối liên lạc từ người nhiễm, cách ly bắt buộc. Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tiềm ẩn được ưu tiên nhập viện. Bệnh nhân có các triệu chứng vừa phải được gửi đến những trung tâm cách ly tạm thời, nơi họ được theo dõi và hỗ trợ y tế. Bệnh nhân hồi phục và xét nghiệm âm tính hai lần được cho về.

Những người tiếp xúc gần và những người nhiễm bệnh ít triệu chứng được yêu cầu tự cách ly trong hai tuần. Các đội giám sát địa phương gọi điện cho họ hai lần một ngày để kiểm tra và thăm hỏi về triệu chứng.

Bên cạnh các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, Chính phủ Hàn Quốc cho thấy sự khác biệt ở quyết tâm chống dịch và năng lực xét nghiệm: Ngay từ hôm 28-2, Nhà Xanh (dinh tổng thống) đã công bố so sánh tình hình thực hiện xét nghiệm tại Hàn Quốc với ở Hoa Kỳ và Nhật Bản: số lượt xét nghiệm ở Hàn Quốc là 53.000 ca, cao hơn 26 lần so với ở Nhật (2.000 ca) và 120 lần so với Hoa Kỳ (440 ca).

Về năng lực xét nghiệm tầm soát, tờ Nikkei ngày 1-4 mô tả: “Khi các nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên công bố trình tự di truyền của dòng virus corona mới vào tháng 1, các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu phát triển và dự trữ các bộ dụng cụ xét nghiệm, thậm chí trước khi nước này phát hiện trường hợp đầu tiên”.

Cũng theo Nikkei, chính phủ đã phê duyệt bộ xét nghiệm đầu tiên vào ngày 4-2, của Công ty công nghệ sinh học Kogene có trụ sở tại Seoul, sau khi nước này mới chỉ báo cáo 16 trường hợp. Theo truyền thông Hàn Quốc, tính đến ngày 16-3, bốn công ty trong nước đã được phê chuẩn giấy phép sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm và bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Tổng công suất của các công ty này đáp ứng được nhu cầu trong nước và còn có thể xuất khẩu. Một nghiên cứu của Hội đồng đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) đánh giá: “Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân có thể đem lợi ích cho các nỗ lực sàng lọc và ngăn chặn dịch bệnh”.

Do Hàn Quốc phản ứng quyết liệt và “tận gốc”, nên đến 15-3, The Wall Street Journal đã phải “ngả nón” với bài viết “Hàn Quốc đã thực hiện chương trình xét nghiệm virus corona quyết liệt nhất thế giới ra sao”, với những mô tả: “Tuần trước, trở về nhà sau một ngày làm việc, Kang Min Kyung nhìn chằm chằm vào một thông báo chói mắt dán trước cửa nhà cô: “Chúng tôi muốn bạn được xét nghiệm virus corona”.

Số là một người thuê nhà trong chung cư của cô ở trung tâm Seoul đã có kết quả xét nghiệm dương tính trước đó trong ngày. Cơ quan phòng chống thiên tai và an toàn khuyên cô nên đi khám trong vòng 48 giờ và cung cấp địa chỉ cho một cơ sở y tế gần đó. Cô Kang đã đi ngay tối hôm đó. Xét nghiệm miễn phí mất 10 phút”. Mọi việc được tiến hành quy củ và có hệ thống.

“Cứ 200 người thì xét nghiệm một người theo chính sách sàng lọc được ấn định nhằm kiểm soát dịch bệnh”, bài báo viết và cho biết cả những chi tiết tưởng nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng để người dân xét nghiệm tiện lợi, như việc các cơ sở tạo điều kiện để người dân lái xe vào tận cơ sở và xét nghiệm ngay trên xe.

Đến ngày 1-4, tờ Nikkei tâm phục khẩu phục đặt câu hỏi: “Tại sao Hàn Quốc đã thắng cuộc chiến chống virus corona?”. Câu trả lời của tờ báo là do năng lực của bộ máy chuyên môn: “Dịch COVID-19 là thách thức lớn đầu tiên với hệ thống kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC), kể từ sau khi cơ quan này được nâng cấp từ dịch MERS 2015.

Cuộc cải cách đã trao cho KCDC thẩm quyền cao hơn trong xử lý dịch bệnh, và các bệnh viện được trang bị đầy đủ phương tiện cách ly và xét nghiệm mầm bệnh”.

Cứ như thế, sự bùng phát dịch bệnh trong tháng 2 khiến điều cử tri quan tâm nhất là cách chính phủ của Tổng thống Moon Jae In xử lý khủng hoảng dịch tễ, hơn bất cứ thành tích hay phản thành tích nào của chính phủ ba năm qua. Hai ngày trước bầu cử, The Korea Herald công bố kết quả thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Moon tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng, 54,4%.

Mới vài tháng trước, con số này giao động ở mức chỉ 40%, trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài và các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền.

Dân Pháp thoải mái hơn trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương hôm 15-3. Ảnh: AP
Dân Pháp thoải mái hơn trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương hôm 15-3. Ảnh: AP

Sự lơ là ở Pháp

Tạp chí y học hàng đầu thế giới The Lancet hôm 7-4 công bố một bài viết của Jean-Paul Moatti, giáo sư đại học Aix-Marseille và chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển (IRD) về cách nước Pháp ứng phó COVID-19.

Theo giáo sư Moatti, dù dịch bệnh bắt đầu đồng thời ở Hàn Quốc, Ý và Pháp vào ngày 1-2, với số ca nhiễm đã được xác nhận là 12 ở Hàn Quốc, 6 ở Pháp và 3 ở Ý, Hàn Quốc đã có thể kiểm soát dịch 6 tuần sau đó, trong khi số ca nhiễm ở Ý gia tăng nhanh chóng, còn ở Pháp thì mới bắt đầu.

Mặc dù có khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiến lược xét nghiệm hàng loạt của Hàn Quốc, theo dõi các tiếp xúc và cách ly không được áp dụng ở Pháp và Ý. Hành động quyết liệt nhất là khóa chặt đất nước vào cuối ngày 9-3 ở Ý và ngày 17-3 ở Pháp.

Khác biệt sách lược này còn được đào sâu hơn nữa, gây tác hại vô cùng, bởi điều mà tác giả nghiên cứu mô tả là: “Pháp không có khả năng hậu cần để tiến hành xét nghiệm hàng loạt, do số lượng phòng thí nghiệm được công nhận hạn chế (chỉ có 45 tại các cơ sở công cộng) và lượng thuốc thử SARS-nCoV-2 hạn chế cho các xét nghiệm RT-PCR (xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase trong thời gian thực).

Thế nhưng, thay vì đặt ra mục tiêu tăng cường kiểm tra có ưu tiên (cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các nhóm dễ bị tổn thương) cho đến khi đủ năng lực, nhà chức trách lập luận rằng xét nghiệm có hệ thống là không cần thiết ngay khi dịch bệnh đã lan rộng. Chính sách này chỉ được đảo ngược vào ngày 28-3”.

Kế đến, tác giả nêu rõ nguyên do nước Pháp “tan tác”: Đó là việc duy trì vòng 1 bầu cử quốc gia vào ngày 15-3 trong khi lại đóng cửa trường học, điều trái ngược các khuyến nghị của ngành xã hội học là trong thảm họa nên tránh khiến dân chúng phải đối diện với những tình huống trái nghịch, chẳng hạn bầu cử thì được cổ vũ còn đi học lại không cho.

Trên thực tế, cuộc bầu cử ở Pháp hôm 15-3 diễn ra trong bối cảnh cả nước đã có 5.423 ca nhiễm, trong đó có 127 ca tử vong. 15 ngày sau, tức đủ hết thời gian ủ bệnh, số ca nhiễm lên đến 44.550 và ca tử vong là 3.024.

Tại Paris, chủ tịch một khu vực bỏ phiếu trong quận 17 đã tuyên bố rằng ông có virus trong người. “Tại sao người ta khiến chúng ta đi bầu? Có bao nhiêu chủ tịch khu vực bỏ phiếu trong trường hợp của tôi? Ai là người có trách nhiệm đã khiến chúng ta cúi đầu lao về phía virus?”, ông nêu những câu hỏi không có lời đáp, theo 20 Minutes ngày 25-3.

Tại sao, làm thế nào mà ở Pháp chỉ từ ngày 15 đến 31-3, số ca nhiễm tăng gần 10 lần và số ca tử vong tăng hơn 12 lần? Có thể nghi vấn về một biến cố dịch tễ học 15-3, cũng là ngày diễn ra bầu cử (tỉ lệ đi bầu là 44,66%) hay không? Nếu không có việc bầu cử đấy, liệu số người nhiễm và tử vong nửa tháng sau có lớn thế không? Làm thế nào mà ngày 15-3 nhà chức trách còn cho rằng đi bỏ phiếu là an toàn, rồi ngay tối hôm sau lại ra lệnh cấm túc toàn quốc?■

Không phải do Khổng giáo?

Thành công của Hàn Quốc hay một vài nước châu Á có do gốc gác Khổng giáo như một số nhân vật phương Tây giải thích? Tờ Foreign Policy ngày 2-4 bác bỏ: “Đó là nhờ vào sự lãnh đạo có thẩm quyền đã truyền cảm hứng cho niềm tin của công chúng. Không kinh điển Nho giáo nào khuyên giới chức y tế Hàn Quốc triệu tập các công ty thiết bị y tế và bảo họ tăng cường năng lực xét nghiệm khi Hàn Quốc mới có 4 trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận.

Không có trí tuệ châu Á nào khiến bác sĩ Hàn Quốc nghĩ rằng họ nên kiểm tra tất cả mọi người có triệu chứng viêm phổi, bất kể lịch sử di chuyển, dẫn đến việc phát hiện ra bệnh nhân số 31 khét tiếng, và sau đó là việc trấn áp ổ virus corona khổng lồ ở thành phố Daegu do giáo phái Tân thiên địa bí mật gây ra”.

Theo tác giả, dân chúng không vì truyền thống Khổng giáo mà thành bầy cừu: “Công chúng Hàn Quốc không tích trữ giấy vệ sinh không phải vì họ là những con cừu mà vì họ thấy rõ chính phủ của họ cam kết minh bạch và tin tưởng rằng chính phủ hành động vì lợi ích của họ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận