Biển Đông, ADIZ và những hệ lụy

HẢI MINH 24/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Gần như ngay lập tức sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc tuyên bố ngày 13-7 rằng họ sẽ quyết định việc có tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không “tùy theo mức độ mà Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa”. ADIZ là gì và câu chuyện này sẽ đi tới đâu?

ADIZ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông -scmp.com
ADIZ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông -scmp.com

“ADIZ không phải là phát minh của Trung Quốc, mà là của một số cường quốc. Nếu an ninh của chúng tôi bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi có quyền (tuyên bố ADIZ). Tất cả phụ thuộc vào phán đoán tình hình toàn cục” - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói trong cuộc họp báo ở văn phòng thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc.

Tân Hoa xã cũng nói sách trắng với tựa đề “Trung Quốc kiên trì lập trường giải quyết thông qua thương lượng những tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Hoa Nam (Biển Đông)” đã được đăng tải cùng ngày, sau khi Tòa trọng tài tuyên bác bỏ đường lưỡi bò và không thừa nhận bất cứ thực thể nào ở Trường Sa có thể được coi là đảo đủ điều kiện duy trì cuộc sống của con người, và qua đó có thể tuyên bố các quyền chủ quyền liên quan.

Ông Lưu nói các nước khác không nên coi phán quyết của Tòa trọng tài là “cơ hội để đe dọa Trung Quốc”.

ADIZ là gì và những vướng mắc của Trung Quốc

Cho tới nay, tất cả các ADIZ trên thế giới đều là những tuyên bố đơn phương của một nước.

ADIZ được ấn định với những ranh giới rõ ràng đòi hỏi mọi máy bay dân sự khi đi vào vùng không phận này phải tự thông báo nhận dạng, vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia ban bố ADIZ. Theo đó, các máy bay đi vào ADIZ được yêu cầu phải thông báo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều với nước quản lý ADIZ, thông báo vị trí, tuân thủ hành lang bay...

Khác với không phận, ADIZ có thể được mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ một nước để họ có thêm thời gian đối phó với các máy bay có thể có mục đích gây hấn (ADIZ đầu tiên do Mỹ thiết lập năm 1950, không lâu sau khi tổng thống Harry Truman tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong chiến tranh Triều Tiên).

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, ADIZ lại trở thành công cụ quan trọng để Mỹ kiểm soát các máy bay dân sự ra vào nước này. Hiện khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có tuyên bố ADIZ, nhưng đáng nói là khái niệm ADIZ không tồn tại trong bất cứ hiệp ước quốc tế nào, cũng như không có cơ quan hàng không nào mang tính quốc tế kiểm soát điều đó.

Vào đầu tháng 6, nhật báo Hong Kong South China Morning Post dẫn các nguồn tin riêng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nói Bắc Kinh đang chuẩn bị tuyên bố ADIZ ở Biển Đông để đáp lại “những động thái khiêu khích” của Mỹ.

Các nhà quan sát và nghiên cứu về Biển Đông từ lâu đã đưa ra nhiều nhận định về khả năng Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên vùng biển này, giống như với biển Hoa Đông vào tháng 11-2013, khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư lên tới cao điểm.

The Diplomat chẳng hạn, nhận định rằng có nhiều dấu hiệu dọn đường cho ADIZ đã diễn ra từ trước phán quyết của Tòa trọng tài.

ADIZ đòi hỏi cơ sở hạ tầng quy mô để có thể được thực thi đúng. Trung Quốc trước đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông của họ. Ở Biển Đông, Bắc Kinh đã xây mới hai sân bay ở Trường Sa, trên các đá Chữ Thập (Fiery Cross, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) và Subi (Trung Quốc gọi là Chử Bích), để hỗ trợ cho một đường băng đã có trước đó ở đảo Phú Lâm (Woody, Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng).

Các máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc cũng đã diễn tập ngoài khơi đảo Phú Lâm, nơi các máy bay này đồn trú. Trong đánh giá mới nhất về năng lực quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận xét các đường băng ở Trường Sa có thể đón mọi loại máy bay của quân đội Trung Quốc hiện giờ.

Đồng thời, Trung Quốc cũng tìm cách cải thiện năng lực tình báo, thám sát và thu thập thông tin trong khu vực bằng cách bố trí nhiều rađa tầm xa và gần đây nhất, cả những máy bay trinh thám không người lái ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị này của Trung Quốc có thể là “cứ làm trước cho chắc ăn” hơn là thể hiện quyết tâm áp đặt ADIZ, theo một số nhà bình luận khác. Tác giả Ankit Panda của The Diplomat cho rằng có một số lý do chính trị và pháp lý để tin rằng Bắc Kinh chưa thể vội vàng với ADIZ.

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn thích duy trì sự mơ hồ về bản chất những tuyên bố của họ ở Biển Đông trong lúc ráo riết củng cố các căn cứ, thay đổi hiện trạng và thiết lập thế đã rồi.

ADIZ, bởi liên quan tới điều phối không lưu quốc tế, đòi hỏi sự xác định chính xác vùng không phận mà nó cai quản, như thế sẽ làm mất đi tính mơ hồ của “đường lưỡi bò” vẽ tay, không hề có ranh giới rõ ràng mà Trung Quốc đang ra sức bảo vệ và biện minh.

Về mặt kỹ thuật, ADIZ cũng không phải là chắc chắn khả thi. Trong một báo cáo cho Ủy ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ tháng 3-2016, tác giả Michael Pilger đã chỉ ra 8 hạn chế về mặt địa lý, môi trường, hậu cần và điều phối hoạt động với Trung Quốc để thiết lập ADIZ ở thời điểm này.

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn chưa có đủ các sân bay ở Biển Đông. Trong khi ADIZ trên biển Hoa Đông đủ gần đất liền để Trung Quốc liên tục cử máy bay chiến đấu giám sát, thì ở Biển Đông công tác hậu cần cho các máy bay chiến đấu sẽ là một vấn đề lớn.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng về rađa chưa đủ. Thiếu những rađa đủ tầm bao quát các máy bay ra vào ADIZ, việc tuyên bố sẽ không có nhiều ý nghĩa. Hiện Trung Quốc đã có rađa tầm xa ở đá Chữ Thập và một cơ sở nữa ở đảo Phú Lâm. Họ cũng có thể sớm lắp rađa ở đá Subi và đá Vành Khăn (Mischief, Trung Quốc gọi là Mĩ Tế).

Thứ ba là môi trường biển rất khắc nghiệt ở khu vực này. Sự ăn mòn của muối biển sẽ khiến những hạ tầng có kim loại hay bêtông cốt thép xuống cấp nhanh chóng. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ phải duy trì lượng máy bay luân phiên lớn hơn nhiều tại biển Hoa Đông.

Thứ tư là thời tiết bất lợi. Những đảo đá đã được bồi đắp của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng lún sụt, dù nước này đã xây các kè biển ở đá Subi và Vành Khăn. Thêm nữa, những cơn bão theo mùa hoành hành ở Biển Đông có thể sẽ khiến mọi hoạt động của Trung Quốc trở nên tê liệt.

Thứ năm, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc dự trữ và vận tải nhiên liệu. Một báo cáo năm 2015 từ Trung Quốc nói nước này đang xây dựng những cơ sở dự trữ xăng dầu ở đảo Phú Lâm hợp tác với công ty dầu khí nhà nước Sinopec, nhắm tới việc duy trì đủ nhiên liệu cho máy bay và các trang thiết bị liên quan.

Ba điểm cuối cùng liên quan tới thách thức với Trung Quốc trong việc thiết lập ADIZ, theo Pilger, là hạn chế trong cơ sở hạ tầng hỗ trợ các máy bay; hạn chế trong cơ sở hạ tầng hỗ trợ con người; và chưa phát triển được một cấu trúc chỉ huy điều phối chung đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và nguồn lực lớn để duy trì hữu hiệu ADIZ.

Các kịch bản

Ngoài yếu tố chính trị, pháp lý và kỹ thuật, lý do quan trọng nhất khiến Trung Quốc còn ngần ngại với ADIZ có lẽ là phản ứng có thể của các nước liên quan.

Sau phát biểu của ông Lưu Chấn Dân, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã lập tức cảnh báo rằng Mỹ sẽ coi bất cứ động thái thiết lập ADIZ nào của Trung Quốc ở Biển Đông là “hành động khiêu khích và gây mất ổn định”.

Chúng tôi sẽ coi một ADIZ... với những vùng trên biển Hoa Nam (Biển Đông) là hành động khiêu khích và gây mất ổn định sẽ tất yếu làm gia tăng căng thẳng và nêu lên nghi vấn nghiêm trọng về cam kết của Trung Quốc trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Nam bằng biện pháp ngoại giao” - ông Kerry nói.

Tuy nhiên, National Interest cũng nhận định rằng do không phải nước có tranh chấp, các lựa chọn phản ứng của Mỹ là khá giới hạn, giống với phản ứng của nước này khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông.

Washington có thể đưa máy bay quân sự vào ADIZ để bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc, cũng có thể triển khai thêm lực lượng trong khu vực, tăng số lượt tuần tiễu của các tàu chiến và máy bay gần hơn với các đảo do Trung Quốc chiếm đóng.

Nhưng ngay cả nếu Mỹ có thể tăng gấp ba sự hiện diện của họ ở khu vực này từ mức khoảng 700 chuyến qua lại mỗi năm hiện giờ, Washington cũng khó lòng đối phó xuể hàng trăm tàu chiến của Trung Quốc trực sẵn ở đảo Hải Nam và cả Biển Đông.

Bắc Kinh cũng sẽ phải tính tới phản ứng chung của ba nước Đông Nam Á trực tiếp liên quan là Philippines, Malaysia và Việt Nam, cùng những thành viên khác của khối ASEAN, khi ADIZ đe dọa đến tự do không lưu của cả khu vực.

Những phân tích đó cho thấy vấn đề thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông có thể không phải là thời điểm, mà là vào việc các nước khác sẽ phản ứng ra sao. National Interest ngày 6-6, vì thế, nhận định rằng ADIZ ở Biển Đông “giống như một ván bài poker” mà “một trong những lá bài rất mạnh nằm trong tay Việt Nam”, dù “Trung Quốc có thể tố thêm bất kỳ lúc nào”.

Thiết lập ADIZ ở Hoàng Sa và cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận thường xuyên một số vị trí chiến lược ở bờ biển miền Trung Việt Nam có thể là yếu tố thay đổi cục diện - bài báo nhận định - Nếu thông điệp được đưa ra rõ ràng, những hoạt động kết hợp đó có thể khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông”.

Trong một kịch bản khác, Pilger nhận định dù Trung Quốc có thể chưa tuyên bố ADIZ, họ có thể tìm cách áp đặt điều này trên thực tế nhằm kiểm soát không lưu ở một phần Biển Đông.

Tới nay, một số chuyến bay cả quân sự và dân sự của nước ngoài qua các vùng trời gần với những đảo Trung Quốc kiểm soát đã nhận được cảnh báo, với các sự cố chính được ghi nhận bao gồm máy bay viễn thám của Mỹ tháng 5-2015, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ tháng 11-2015, một máy bay viễn thám của Úc và một máy bay riêng chở một phóng viên Hãng tin BBC vào tháng 12-2015, cùng một máy bay của Chính phủ Philippines tháng 1-2016.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận