BV Chợ Rẫy điều trị ung thư hiệu quả với phương pháp mới

KIM SƠN 21/11/2018 05:11 GMT+7

TTCT - “liệu pháp ức chế chốt kiểm soát miễn dịch” được xem là đột phá trong điều trị ung thư. Đó cũng là tin vui cho bệnh nhân ở Việt Nam, khi liệu pháp này đã được triển khai tại nhiều bệnh viện như K Hà Nội, Ung bướu TP.HCM, Chợ Rẫy, Bình Dân...

Xạ trị cho bệnh nhân ung thư trên máy Versa HD tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: Lê Tuấn Anh
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư trên máy Versa HD tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: Lê Tuấn Anh

Trung tâm ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy (TTUB-CR) đã đưa vào sử dụng hệ thống gia tốc xạ trị/xạ phẫu đa năng lượng Versa HD - thế hệ máy gia tốc xạ trị/xạ phẫu hiện đại nhất thế giới hiện nay. Trao đổi với TTCT, phó giám đốc TTUB-CR, TS.BS Lê Tuấn Anh cho biết:

- Trong điều trị ung thư, ngoài trang thiết bị hiện đại còn cần sự phối hợp nhịp nhàng, “ăn khớp” của rất nhiều chuyên khoa. Trung tâm thành lập vào năm 2010 tiền thân là khoa ung bướu trong bệnh viện đa khoa đầu tiên của TP.HCM, được trang bị hệ thống phẫu thuật đa chuyên khoa, các máy xạ trị hiện đại và các thuốc điều trị ung thư tân tiến. Để điều trị tốt cho bệnh nhân, TTUB-CR cần sự liên kết của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện.

Nhờ vậy giúp tầm soát phát hiện sớm ung thư, điều trị hiệu quả và theo dõi tích cực suốt hành trình vượt qua khó khăn của bệnh nhân. Bệnh nhân tại TTUB-CR sẽ được hội chẩn đa chuyên khoa bởi các BS chuyên khoa khác nhau để chọn lựa giải pháp điều trị mang lại ích lợi tối ưu cho bệnh nhân. Đặc biệt, TTUB-CR có một đơn vị pha chế thuốc hóa trị tập trung giúp nâng cao chất lượng hóa trị đồng bộ. Hầu hết bệnh nhân sẽ được hóa trị trong ngày.

Thưa BS, hệ thống gia tốc xạ trị/xạ phẫu đa năng lượng Versa HD có những ưu điểm nổi bật gì?

- Versa HD có khả năng phát tia xạ với suất liều rất cao (có khả năng phát một lượng rất lớn photon trong thời gian ngắn hơn), đồng thời được trang bị nhiều hệ thống phụ trợ đồng bộ giúp cố định bệnh nhân chắc chắn, định vị chính xác vị trí khối u - kể cả khối u di động theo nhịp thở trong quá trình phát tia và có thể tạo hình chùm tia xạ uốn theo hình dạng không đều của khối u.

Do vậy, tất cả kỹ thuật, yêu cầu trong thực tế lâm sàng đều có thể triển khai áp dụng trên máy Versa HD. Tùy từng trường hợp cụ thể, BS sẽ chọn phương án tốt nhất cho bệnh nhân.

Xạ trị vùng thân có định vị (SBRT): điều trị các khối u di động như phổi, gan, tiền liệt tuyến... đưa liều chính xác vào khối u di động, giảm thiểu liều tới các mô lành xung quanh, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân, thời gian điều trị chỉ cần 3 ngày thay vì kéo dài 6-7 tuần, thời gian mỗi phân liều xạ chỉ khoảng 10 phút thay vì 40 phút như xạ trị truyền thống hiện nay.

Với những trường hợp ung thư phổi giai đoạn sớm không thể phẫu thuật (do thể trạng bệnh nhân yếu hay vì lý do khác...), SBRT là giải pháp không can thiệp hiệu quả nhất, tăng hiệu quả kiểm soát tại chỗ...

Xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT): Hệ thống ConeBeam CT XVI được gắn trên khung máy sẽ tạo hình ảnh rõ nét của khối u trong quá trình xạ trị, giúp định vị chính xác vị trí khối u trước và trong quá trình xạ, đảm bảo liều tia chính xác vào khối u. Kết hợp với hệ thống CT mô phỏng 4D, máy gia tốc Versa HD có thể thực hiện kỹ thuật xạ trị 4D giúp kiểm soát chính xác vị trí khối u, đồng thời mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân, giảm thời gian chuẩn bị bệnh nhân.

Kỹ thuật này ứng dụng trong xạ trị nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vùng đầu cổ, ung thư phổi, ung thư vùng bụng chậu.

Với các trường hợp xạ trị bảo tồn vú, hệ thống đồng bộ nhịp thở chủ động trên máy Versa HD tăng độ chính xác khi xạ, giảm thiểu liều xạ tới tim, phổi so với các phương pháp xạ vú hiện nay. Khối u vú hoặc thành ngực sẽ di chuyển theo nhịp thở.

Vì thế trong quá trình xạ, u vú sẽ có sự di lệch so với khi lập kế hoạch, sử dụng kỹ thuật xạ trị đồng bộ nhịp thở (DIBH) giúp đưa được liều chính xác vào khối u, máy chỉ phát tia xạ khi u nằm trong phạm vi tọa độ đã định sẵn.

Xạ phẫu định vị (SRS): Các khối u nội sọ và tủy sống sử dụng chế độ photon suất liều cao (FFF) và bộ MLC 160 lá bao sát quanh khối u, giúp điều trị khối u não chỉ với 1 lần xạ trị, trong khi đầu bệnh nhân được cố định vững chắc bằng bộ khung cố định 3 chiều để tránh di lệch trong quá trình xạ. Kỹ thuật SRS là phương pháp hữu hiệu thay cho phương pháp phẫu thuật truyền thống ở các khối u não và tủy sống.

Vì những tổn thương não và tủy sống thường rất nhỏ và liền kề với các cấu trúc não có vai trò sống còn, nên việc tiến hành SRS phải đảm bảo tuyệt đối chính xác khi phân bố liều bức xạ.

BS Lê Tuấn Anh. Ảnh: Duyên Phan
BS Lê Tuấn Anh. Ảnh: Duyên Phan

Để chọn phương án tốt nhất cho mỗi bệnh nhân thì sự phối hợp cần thiết giữa các chuyên khoa phải liên tục trên từng bệnh nhân?

- Đúng. Việc có đầy đủ các phương tiện điều trị ung thư hiện đại cũng không đồng nghĩa hoàn toàn là bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ các phương pháp trên. Đến đây chúng ta trở lại vai trò của hệ thống y tế, vai trò của các BS chuyên khoa, chuyên môn sâu, tiếng nói chung giữa các chuyên khoa khác nhau, đặt bệnh nhân làm trung tâm và cơ sở vật chất đầy đủ sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều.

Mô hình hội chẩn đa chuyên khoa là một nỗ lực rất đáng giá trong mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư. Mỗi một bệnh nhân là độc đáo và duy nhất, không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào, các đặc điểm di truyền rất khác biệt.

Hội chẩn đa chuyên khoa sẽ giúp các BS lựa chọn chiến lược điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân. Phối hợp các mô thức điều trị khác nhau, theo thứ tự như thế nào, thời điểm nào... sẽ đem lại ích lợi sống còn lớn nhất với tác dụng phụ thấp nhất.

Việc trang bị hệ thống xạ trị thuộc thế hệ mới nhất đòi hỏi công tác huấn luyện nhân sự để vận hành, sử dụng máy đồng bộ và hiệu quả. Các BS, kỹ sư và kỹ thuật viên của TTUB-CR được cử đi đào tạo liên tục ở nhiều nước trên thế giới như Đức, Úc, Áo, Nhật, Hàn Quốc... TTUB-CR cũng đã mời các chuyên gia hàng đầu về xạ trị ở Mỹ, Đức, Úc... đến VN giảng dạy, sinh hoạt khoa học, chuyển giao kỹ thuật, huấn luyện thực tế trên bệnh nhân.

Với hệ thống điều trị hiện đại tại TTUB-CR thì bệnh nhân không cần ra nước ngoài?

- Từ khi đưa vào sử dụng hệ thống xạ trị hiện đại, các máy xạ trị luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình một máy phải điều trị 60-70 bệnh nhân/ngày. Với các kỹ thuật xạ trị phức tạp thực hiện trên hệ thống gia tốc thế hệ mới nhất, bệnh nhân không cần đi nước ngoài điều trị vẫn có thể hưởng được chất lượng điều trị tương đương.

TTUB-CR hiện đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư từng điều trị ở Mỹ, Singapore về tiếp tục điều trị. Các bệnh nhân sẽ được đánh giá lại để có hướng xử trí tốt nhất. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Cảm ơn bác sĩ.

Việc hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) được trao giải Nobel y sinh năm nay nhờ “liệu pháp ức chế chốt kiểm soát miễn dịch” được xem là đột phá trong điều trị ung thư. Đó cũng là tin vui cho bệnh nhân ở Việt Nam, khi liệu pháp này đã được triển khai tại nhiều bệnh viện như K Hà Nội, Ung bướu TP.HCM, Chợ Rẫy, Bình Dân...

Theo TS Lê Tuấn Anh - phó giám đốc Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy), đơn vị đang áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Bên cạnh đó, đơn vị rất tích cực tham gia nhiều nghiên cứu đa quốc gia trong việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch điều trị các bệnh ung thư đầu cổ, ung thư phổi, ung thư bàng quang… Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm ung bướu đều có cơ may tham gia các nghiên cứu về liệu pháp rất mới này.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết khoảng ba năm nay, đơn vị phối hợp với các trung tâm ung thư lớn trong và ngoài nước, các công ty nghiên cứu để triển khai các nghiên cứu lâm sàng trên miễn dịch ung thư. Ngoài ra, việc xét nghiệm đánh giá hóa mô miễn dịch cho thụ thể PD L1 (một loại protein) triển khai hơn một năm với trên 100 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ để xét điều trị miễn dịch với kháng thể nhân bản pembrolizumab...

Hoàng Lộc

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận