Các trường đại học chống áp lực làm tiền của các nhà xuất bản

NGUYỄN VŨ 01/04/2019 20:04 GMT+7

TTCT - Ngay cả Trường Harvard giàu có cũng than tiền mua tạp chí hằng năm lên đến 3,5 triệu đôla - một gánh nặng khó kham. Trường này từng kêu gọi các nhà nghiên cứu của trường đăng bài trên các tạp chí open access để chống lại áp lực làm tiền của các nhà xuất bản.

Minh họa
Biểu tượng của nhà xuất bản Elsevier

Nếu có ai bảo có những tờ tạp chí, ai muốn đăng bài phải trả tiền, ai muốn đọc cũng phải trả tiền, ai muốn biên tập bài phải tình nguyện làm không công, ắt chúng ta sẽ nói: hừm, tin giả, làm gì có chuyện ngược đời, kỳ lạ như vậy! Thế nhưng đó là hiện trạng của ngành xuất bản các tạp chí nghiên cứu khoa học, một hiện trạng nhiều nơi đang muốn phá bỏ.

Lấy ví dụ Nhà xuất bản Elsevier, có trong tay chừng 2.500 tạp chí. Ai muốn có bài đăng trên các tạp chí này đều phải trả tiền. Elsevier có hẳn một danh mục giá cả cụ thể cho từng tạp chí, giá đăng một bài bình quân chừng 3.000 đôla.

Trong 2.500 tạp chí này, Elsevier chia làm ba loại: loại phải trả tiền mới được vào đọc, loại vào đọc tự do (gọi là open access) và loại kết hợp cả hai dạng này (gọi là hybrid). Chỉ có 104 tạp chí thuộc dạng open access; đa phần thuộc dạng hybrid nhưng điều mỉa mai là tác giả các bài báo nghiên cứu muốn có đông đảo người vào đọc lại phải đóng thêm một khoản tiền để bài của mình trong một tạp chí hybrid được xếp vào khu đọc miễn phí.

Như vậy các trường đại học, có một đội ngũ giảng viên miệt mài nghiên cứu viết bài, trường phải bỏ tiền ra cho họ nộp phí để bài được xuất bản (dĩ nhiên muốn được xuất bản bài cũng phải qua bình duyệt, biên tập, chọn lọc; ví dụ Elsevier năm 2015 nhận 1,3 triệu bài nghiên cứu và đồng ý xuất bản 400.000 bài).

Ngược lại, để phục vụ việc học của sinh viên và việc nghiên cứu của giảng viên, trường lại phải bỏ tiền ra đăng ký mua các tạp chí này - cũng là những khoản tiền không hề nhỏ. Ăn cả hai đầu như thế nên các nhà xuất bản lãi cực kỳ: tờ Guardian chỉ có số liệu năm 2010, cho thấy Elsevier có doanh thu 2 tỉ bảng Anh nhưng lợi nhuận lên đến 724 triệu bảng, tức biên lợi nhuận lên đến 36%, cao hơn cả Apple, Google hay Amazon.

Mô hình kinh doanh quái lạ này đã bị phản đối từ lâu nhưng không ai làm gì được cả. Mãi đến đầu năm nay University of California mới quyết định ngưng không thèm mua các tạp chí do Elsevier xuất bản nữa, tiết kiệm mỗi năm 10 triệu đôla. Trước đó hai bên đã nhiều lần thương thảo nhưng không có kết quả. Đây là một quyết định táo bạo vì hệ thống các trường đại học California có đến 238.000 sinh viên và 190.000 nhân sự; việc không truy cập được các tạp chí thuộc Elsevier chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, học tập.

Ngay cả Trường Harvard giàu có cũng từng than tiền mua tạp chí hằng năm lên đến 3,5 triệu đôla - một gánh nặng khó kham. Trường này từng kêu gọi các nhà nghiên cứu của trường đăng bài trên các tạp chí open access để chống lại áp lực làm tiền của các nhà xuất bản.

Từ năm 2017, nhiều trường đại học Đức đã từ chối mua các ấn phẩm của Elsevier. (Ảnh: Spiegel)

Một bài viết trên tờ Science theo chân các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới xem họ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để đọc bài của đồng nghiệp, như một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Iran mỗi tuần phải bỏ ra chừng 1.000 đôla để đọc các bài liên quan đến đề tài anh đang nghiên cứu.

Điều phi lý là chính phủ các nước bỏ tiền tài trợ các nghiên cứu, như Mỹ bỏ ra chừng 140 tỉ đôla, nhưng kết quả nghiên cứu này bị nằm đằng sau các bức tường phải trả tiền mới trèo qua để đọc (chi phí này của các trường đại học Mỹ ước chừng 10 tỉ đôla mỗi năm).

Như vậy, rõ ràng mô hình open access, xuất bản bài nghiên cứu trên các tạp chí mở rộng cửa cho bất kỳ ai cũng vào đọc được là mô hình cần theo đuổi để chống lại sự độc quyền quái lạ của các nhà xuất bản. Nhiều nơi đã đi theo hướng này như quỹ của Bill Gates buộc các công trình nghiên cứu nhận tài trợ từ họ phải xuất bản trên tạp chí dạng open access.

Chính quyền Mỹ thời Obama cũng đưa ra yêu cầu tương tự nhưng cho du di một năm; tức chỉ được in trên tạp chí có trả tiền mới vào đọc được tối đa một năm, sau đó phải chuyển công trình nghiên cứu có tài trợ của nhà nước qua tạp chí mở.

Ở châu Âu, các nước cũng dự tính đến năm 2020 sẽ đưa ra yêu cầu theo hướng này. Các áp lực này đã buộc nhiều nhà xuất bản phải tính đến chuyện cho ra đời các tạp chí mở nhưng có nơi đi theo dạng hybrid như Elsevier nói ở trên để vẫn thu được tiền.

Khổ nỗi trong thế giới nghiên cứu, người ta còn coi trọng một yếu tố khác, cái gọi là impact factor, tức một số đo cho biết lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài viết trên tạp chí đó. Các nhà khoa học tìm mọi cách để nghiên cứu của mình xuất hiện trên các tạp chí có chỉ số tác động cao, khi đó mới oai. Uy tín và mức xếp hạng của các trường đại học cũng phụ thuộc vào đây rất nhiều.

Và, như các bạn đoán đúng, đa phần nếu không muốn nói hầu hết các tạp chí có chỉ số tác động cao là thuộc loại khóa kín cửa cao tường, không trả tiền miễn vào đọc. Đó chính là chiếc chìa khóa mà các nhà xuất bản vẫn nắm kỹ để tiếp tục kiếm tiền.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận