Cẩm nang sống cạnh một siêu cường

DANH ĐỨC 31/03/2018 21:03 GMT+7

TTCT - Cùng một lúc tập trận không quân ở Bắc Thái Bình Dương và trên Biển Đông, Trung Quốc phát đi tín hiệu gì? Phản ứng các nước liên quan ra sao?

Đường đi của phi đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản. Eo biển Miyako nằm giữa đảo Okinawa và Miyako. Phía dưới nữa là eo biển Bashi (Ba Sĩ) về phía Đài Loan. Ảnh: Kyodo News
Đường đi của phi đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản. Eo biển Miyako nằm giữa đảo Okinawa và Miyako. Phía dưới nữa là eo biển Bashi (Ba Sĩ) về phía Đài Loan. Ảnh: Kyodo News

 

Hôm chủ nhật 25-3 vừa qua, một phát ngôn viên quân sự Trung Quốc loan báo các máy bay chiến đấu SU-30 cùng máy bay thả bom H-6K và các loại máy bay khác đã bay theo đội hình giữa quần đảo Okinawa và đảo Miyako, giả định tình huống chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương. Cùng lúc, SU-30, SU-35 mới tậu của Nga và H-6K đã tập trận trên Biển Đông, nhằm “đánh giá khả năng chiến lược của không quân Trung Quốc trên các vùng biển mở cũng như chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai, kể cả các xung đột quân sự trực tiếp” - phát ngôn viên này loan báo, theo NHK 26-3-2018.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nói sai sự thật khi phát biểu rằng các cuộc tập trận trên là để “chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai”.

Càng phải “chuẩn bị” hơn khi lần này, không quân Trung Quốc tung ra đến hai phi đội ở Hoa Đông và Hoa Nam, nghe có vẻ rất uy hiếp.

Cả hai mũi tập trận không quân này đều nhằm khảo sát tình hình và tâm lý các đối phương “tiềm năng” trong tình huống chiến tranh giả định, nôm na mà nói là “rung cây nhát khỉ”. Càng “rung cây” hơn khi China Daily 25-3 loan báo tàu sân bay Liêu Ninh cũng sẽ tham gia tập trận thực chiến trên Biển Đông trong thời gian sắp tới.

Tập cho quen?

Ở mũi phía bắc, khu vực giữa quần đảo Okinawa và đảo Miyako mà không quân Trung Quốc bay xuyên qua chính là eo biển Miyako, rộng 250km, eo biển rộng nhất của quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, cách Đài Bắc (Đài Loan) khoảng 400km. Đây là vùng biển và vùng trời quốc tế nên việc không quân Trung Quốc bay trên khu vực này được xem là hợp pháp.

Tuy nhiên, do quá sát các đảo Okinawa và Miyako, trong phạm vi 250km, tức khoảng 15 phút bay ở tốc độ cận âm và hoàn toàn trong tầm bắn lên đến 1.500km của các tên lửa hành trình đối đất CJ-10 (Trường Kiếm-10) còn gọi là DH-10 (Đông Hải-10) trang bị trên các máy bay H-6K, tính chất đe dọa là hiển nhiên.

Các máy bay ném bom tầm xa chiến lược H-6K không chỉ mạnh trong năng lực tiêm kích với đất liền, mà cả trên biển với biến thể tên lửa đối hải YJ-12 (Ưng Kích-12) có tầm bắn 400km, nên mỗi lần Trung Quốc “đột nhiên” tiến vào eo biển này là mỗi lần Nhật Bản căng thẳng đề phòng, tung lực lượng bám sát.

Giai đoạn cuối năm 2016 - đầu 2017, tàu sân bay Liêu Ninh cùng đội tàu hộ vệ đã đi xuyên qua eo biển Miyako sau khi áp sát Đài Loan qua ngả eo biển Đài Loan. Trong mọi trường hợp, các “khổ chủ” đều phải triển khai lực lượng đề phòng.

Không che giấu ý đồ biến chuyện bất thường thành bình thường, Bộ Quốc phòng Trung Quốc “khuyến cáo” các nước láng giềng: “Hãy quen với việc không quân Trung Quốc diễn tập đi”, The Diplomat 17-7-2017 trích thuật.

Thoạt đầu, phát ngôn này nghe có vẻ phách lối, song ngẫm đi ngẫm lại, “triết lý” cho các “khổ chủ” là: nên xem đây là một “lời khuyên” thành thật trong ý nghĩa: (1) tự tin, không run sợ, không để “thần hồn nát thần tính” mà “nhắm mắt rúc đầu xuống cát” như con đà điểu mời “xơi”; (2) sẵn sàng cho mọi tình huống. Đây là điều Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã và đang làm, và mới đây Indonesia cũng thấy phải làm vì sự bình an của bản thân.

Nhật Bản vừa “bắc loa” kêu gọi Trung Quốc thông báo trước các chuyến bay để tránh gây “hiểu lầm”, vừa nhanh nhẹn tung máy bay nghênh đón, chưa sao nhãng một lần nào, không để đối phương hiểu sai ý chí của mình, nhất là khi Nhật Bản có vấn đề không chỉ với Trung Quốc mà cả siêu cường quân sự Nga ở bắc và Đài Loan phía nam.

Tường thuật của nhật báo Nikkei Shimbun 14-10-2017 cho thấy bức tranh tổng thể của những mối đe dọa và triết lý phòng vệ của người Nhật: binh đông, tướng đông không chỉ để đi diễu binh cho đẹp, mà là để chứng tỏ ý chí luôn sẵn sàng. Theo Nikkei Shimbun: “Nhật Bản đã 561 lần tung máy bay chiến đấu từ tháng 4 đến tháng 9 (2017) để đáp lại việc máy bay quân sự nước ngoài vào trong hoặc đến gần không phận của mình, trong đó gần 50% số vụ việc liên quan đến máy bay của Nga.

Tổng cộng số vụ việc ít hơn 6% so với năm trước, vốn là năm có số sự cố kỷ lục, nhưng cũng đánh dấu kỷ lục lớn thứ nhì tính trong sáu tháng đầu năm kể từ năm tài chính 2003. Cộng lại, máy bay Trung Quốc và Nga chiếm 99% số vụ việc - Cơ quan liên quân phòng thủ cho biết”.

Rõ ràng Nhật Bản ở thế tứ phía thọ địch. Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích chính trị - quân sự thuộc Viện Hudson, nhận xét: “Hiện không có dấu hiệu cho thấy có sự phối hợp nào giữa Trung Quốc và Nga..., song điều này có thể thay đổi. Với một nước mới xuất đầu lộ diện lại ở phía bắc, một Triều Tiên ở phía tây nay đã có vũ khí hạt nhân, và một Trung Quốc đã tăng đáng kể sức mạnh cơ bắp ở phía tây nam, Nhật Bản đang kẹt trong rọ”.

Còn một hướng nguy cơ mà Weitz không nêu ra là Đài Loan, vốn cũng là một bên tranh chấp Senkaku (Điếu Ngư). Tuy nhiên, Nhật Bản không nao núng.

Lý do? (1) Họ có nguồn lực kinh tế mạnh và chi tiêu ngân sách cực kỳ minh bạch, những mảng lớn ngân sách quốc phòng, y tế, giáo dục, hạ tầng... về cơ bản là không thể bị “xà xẻo”; (2) Họ không tự trói tay trong tư thế “mồ côi một mình” và hiện đang ráo riết tự cởi trói khỏi bản hiến pháp “chủ hòa”; (3) Họ có ý chí cương quyết không suy chuyển (dù giống Hàn Quốc, họ luôn trong tâm trạng “chén kiểu” ngại bị “chén đá” chèn bể).

Indonesia, Úc kề vai

Gần đây, Indonesia đã chuyển từ giai đoạn “đứng ngoài” qua giai đoạn “dấn thân” khi tình hình chuyển biến bắt buộc chính sách phải chuyển biến theo. Các kinh nghiệm “mồ côi một mình” và “hiếu hòa” xung quanh giúp Indonesia thức thời. Đầu tiên là không nhượng bộ. Trong một sự cố diễn ra tháng 6-2017, hải quân Indonesia đã nã súng vào mũi một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc sau khi chiếc này bỏ chạy, bỏ qua các phát súng cảnh cáo từ tàu hải quân Indonesia. Tới đây thuyền đánh cá mới dừng lại, sau đó lính Indonesia bắt tất cả thủy thủ đoàn của thuyền này.

Phía Trung Quốc phản đối cho rằng vùng biển Natuna là vùng đánh cá “truyền thống” của ngư dân Trung Quốc và nằm bên trong “đường chín đoạn”. Tướng Indonesia Gatot Nurmantyo cho biết sau vụ này, Indonesia sẽ phái năm tàu tuần tiễu tới Natuna, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Đây không phải là sự cố đầu tiên của Indonesia với Trung Quốc, nhưng lần này họ kiên quyết bước ra khỏi những rào cản tự lập và tái lập quan hệ quân sự với Úc vào cuối tháng 2-2017. Hai nước láng giềng nay hợp tác từ huấn luyện chung, chống khủng bố cho tới bảo vệ biên giới và an ninh hàng hải.

Tại thượng đỉnh ASEAN - Úc mới đây ở Sydney, Tổng thống Indonesia Jojo Widodo đã ngỏ ý mời Úc gia nhập ASEAN. Úc tham gia châu Á, điều này đã bắt đầu ở bóng đá.

Và phía Úc cũng gián tiếp bày tỏ ý muốn qua tài liệu do Quốc hội Úc công bố hôm 1-3-2018, theo đó: “Chính phủ Úc... phản đối những sửa đổi nhân tạo hoặc quân sự hóa các hòn đảo hoặc các cấu trúc trên biển; ủng hộ tự do hàng hải và hàng không; và hậu thuẫn một quy tắc ứng xử...” và không quên nhấn mạnh: “Phán quyết từ Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông là chung cuộc và có tính ràng buộc đối với cả hai bên”, cho dù chính phủ hiện nay của Philippines có tự mình “phủi” phán quyết đó.

Úc có ít nhất hai lý do then chốt để “vai kề vai” với Indonesia láng giềng: (1) hải quân Trung Quốc, khi áp “đường chín đoạn”, đã ngày càng xuống sát Úc hơn; (2) không quân Nga ngày càng diễn tập gần Úc. Tháng 12-2017, không quân Úc đã mấy lần lên ruột khi máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga bay diễn tập trong năm ngày sát nước Úc, theo ABC 30-12-2017.

Indonesia và Úc sát cánh cũng là điều tất yếu khi mối nguy cơ bất ổn có vẻ đang lan rộng và leo thang. Tình hình thêm phức tạp khi một láng giềng sát bên Indonesia là Philippines đã “quay đầu” với tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 19-2-2018 trước các nhà kinh doanh Philippines gốc Hoa:

“Nếu Trung Quốc muốn, hãy biến chúng tôi thành một tỉnh của Trung Quốc, kiểu tỉnh Fujian (Phúc Kiến) vậy đó”, dù ngồi ngay dưới trong đám đông khán giả có cả đại sứ Trung Quốc ở Manila, Zhao Jianhua (Triệu Giám Hoa).

Tình hình không khỏi khiến thượng nghị sĩ Benigno Aquino IV đặt câu hỏi: “Philippines đã bị bán chưa? Điều đáng lo ngại là các căn cứ quân sự của Trung Quốc gần như đã hoàn thành trên biển. Trong khi tàu chiến của họ đang vào trong vùng biển của chúng ta rồi, chúng ta vẫn tiếp tục chiều lòng họ, giữ im ỉm trong bóng tối các giao dịch của chính phủ với Trung Quốc”.

Nghị sĩ Carlos Isagani Zarate, thành viên của nhóm cánh tả ở Hạ viện Philippines, kêu gọi chính phủ kết thúc trò “giả mù giả điếc” trước điều mà ông gọi là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của chúng ta”, một thực tế mà Asia Times 6-2-2018 đã tóm tắt bằng tựa đề: “Trung Quốc gần như đã thôn tính hết Biển Đông”.

Đã đành cả Indonesia và Úc đều là đồng minh của Mỹ, song trông cậy “láng giềng gần” vẫn hơn là đợi “anh em xa”, đó có lẽ cũng là bài học cho những ai sống cạnh một siêu cường coi việc cử máy bay quân sự quần thảo trên vùng trời ngay sát không phận láng giềng là chuyện “phải tập cho quen”. Vậy là nước nhỏ vẫn có lựa chọn: hãy tự mình cứng cỏi lên và tìm lấy vài người bạn đáng tin!■

Mỗi ngày phải đối phó 2,43 lượt máy bay đe dọa

Theo Nikkei Shimbun, trong sáu tháng đầu năm 2017 (chưa có số liệu sáu tháng cuối năm), “Các sự cố liên quan đến Trung Quốc đã giảm 29% xuống còn 287 vụ. Hầu hết đều xảy ra ở biển Hoa Đông”. Câu hỏi đặt ra là liệu số lượng các sự cố với Trung Quốc giảm đến 29% so với năm trước có phản ánh chất lượng ý chí phòng vệ của Nhật Bản không?

Tính cả giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2017, mỗi ngày Nhật Bản phải nghênh đón trung bình 2,43 lượt máy bay đe dọa của nước ngoài và họ đã không một lần khiếp nhược. Đây chính là câu trả lời cho tuyên bố hách dịch của phát ngôn viên quân sự Trung Quốc: “Hãy quen với các vụ diễn tập đi”. Câu trả lời ấy nôm na sẽ là: “Xin mời, hãy quen với việc nghênh tiếp đi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận