Cần quốc sách quan trọng và lâu dài

TTCT - Sự kiện GS Ngô Bảo Châu được giải Fields đã làm rạng danh dân tộc VN nhưng cũng là một cảnh báo cho sự phát triển của những ngành khoa học cơ bản (KHCB) ở nước ta.

Nhà nước cần có chính sách để các tài năng trẻ thi vào những ngành thuộc khối khoa học cơ bản. Trong ảnh: Một buổi học tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

KHCB là khoa học đặt cơ sở lý luận cho các ngành khoa học ứng dụng, các ngành kỹ thuật như toán học, vật lý, hóa học, kinh tế học, khoa học môi trường...

Từ trước đến nay, đội ngũ khoa học, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản, hầu như ít được quan tâm. Ví dụ điển hình là hằng năm có vài chục học sinh VN được giải thưởng Olympic quốc tế về toán, lý, hóa, sinh học và tin học, nhưng khi các em về nước chỉ có gia đình, thầy cô và bạn bè của mình ra đón ở sân bay.

Khoa học cơ bản - “Hàng hóa công”

Dường như các quan chức nhà nước chưa thấy rõ vai trò của học thuật, của nghiên cứu cơ bản mà chỉ quan tâm tới nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cho ra các sản phẩm phục vụ hiện tại. Thật ra, không thể có nghiên cứu ứng dụng tốt mà lại thiếu nghiên cứu cơ bản chất lượng cao cho cả hai lĩnh vực KHCB và khoa học xã hội.

Đành rằng đầu tư cho KHCB hoàn toàn không rẻ nhưng nó lại không thể đem lại lợi ích ngay, thường có độ trễ khoảng 15 năm (và hơn nữa). Bản thân nghiên cứu KHCB không đem lại cho một cá nhân hay tập đoàn kinh tế lợi ích được biểu hiện là lợi nhuận, nhưng nó rất quan trọng đối với sự phát triển của một đất nước nói riêng hay cả cộng đồng thế giới nói chung. Do vậy, KHCB được các nhà kinh tế gọi là “hàng hóa công”, ví dụ như ngọn hải đăng, đèn chiếu sáng ngoài phố, giáo dục phổ thông hay một hệ thống quốc phòng.

Báo cáo “Khoa học - biên giới vô tận” của một nhóm nhà khoa học Mỹ khẳng định rằng chi phí cho nghiên cứu cơ bản, dù sớm hay muộn, đều sẽ đóng góp vào sự giàu có, sức khỏe người dân và an ninh của quốc gia, và rằng người ta không nên quá lo lắng liệu những lợi ích này sẽ xuất hiện chính xác dưới hình thức nào và vào lúc nào.

Đầu tư vào KHCB, lợi nhuận 28%

Nhìn chung các nhà phát minh trong KHCB không trở nên giàu có, bởi vì các nghiên cứu cơ bản thường không được ứng dụng ngay và cũng không có nhà KHCB nào đăng ký bản quyền cho các phát minh tiên phong của mình. Ví dụ, những người phát minh ra transitor chẳng bao giờ lấy được một xu nào từ các nhà sản xuất máy tính. John von Neumann, cha đẻ của máy tính cá nhân, không bao giờ đòi hỏi bản quyền của mình với các hãng máy tính khổng lồ như Dell hay IBM. Một nghiên cứu có nhiều trích dẫn bởi Mansfield vào năm 1991 đã chỉ ra rằng đầu tư của cộng đồng vào KHCB có tỉ lệ lợi nhuận là 28%, gấp đôi so với suất sinh lợi thông thường.

C. H. Llewellyn Smith, cựu giám đốc Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu, viết: ”KHCB rất quan trọng, về mặt văn hóa cũng như kinh tế. KHCB nên được hỗ trợ từ các chính phủ, ưu tiên hơn so với hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng”.

Hi vọng rằng sau thành công của GS Ngô Bảo Châu, chúng ta sẽ có một quốc sách quan trọng và lâu dài cho sự phát triển các nghiên cứu KHCB. Trước hết theo chúng tôi, Nhà nước nên có chủ trương và chính sách để các tài năng trẻ thi vào các ngành thuộc khối KHCB bằng cách miễn học phí và cấp học bổng cho các sinh viên thi vào các ngành như toán, vật lý, địa, hóa, triết học, kinh tế học, những ngành rất khó tuyển người giỏi thật sự.

Bản thân người viết đang giảng dạy chuyên ngành kinh tế học, một ngành thuộc khối nghiên cứu cơ bản, rất buồn lòng khi điểm cao nhất vào ngành này chỉ khoảng 21-22 điểm, trong khi ngành này rất khó và kén người học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận