​CÁO BUỘC VÀ BIỆN BẠCH 

DANH ĐỨC 11/03/2015 00:03 GMT+7

Trong bất cứ biến cố nào, luôn có bên phải chịu điều tiếng. Vụ ám sát chính khách đối lập Nga Boris Nemtsov cũng thế, nhất là trong bối cảnh cuộc nội chiến Ukraine.

Người dân đặt hoa tưởng niệm ông Boris Nemtsov tại Matxcơva - Ảnh:Reuters

Với cái tít “Vụ ám sát Boris Nemtsov. Một đối thủ khác của Putin bị giết bởi những kẻ thủ ác không rõ danh tính”, tờ Wall Street Journal có 125 năm tuổi nghề của phương Tây hôm 27-2-2015 đã thận trọng nhận định: “Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được ai đã bắn chết Boris Nemtsov giữa Matxcơva đêm thứ sáu, càng khó mà hiểu được tại sao”.

Tờ báo này đưa ra hai dữ kiện: ông Boris Nemtsov là một đối thủ chính trị kịch liệt của ông Putin; đất nước Nga đầy những băng đảng, mà nói tới băng đảng là nói tới câu kết giữa các thế lực ngầm và các thế lực “bảo kê”.

Tuy nhiên, tờ báo không vồ vập đề quyết ngay ai là chủ mưu, kiểu: - ông Nemtsov là đối thủ của ông Putin, - ông Nemtsov làm phiền ông kia quá, => ông Nemtsov bị khử.

Nhiều giả thuyết

Ông Nemtsov bị bắn chết chỉ cách điện Kremlin và quảng trường Đỏ không đầy 200m. Việc chọn lựa địa điểm cực kỳ nhạy cảm này để hạ thủ phải chăng nhằm ngụ ý đã được “bảo kê” hay cố ý tạo ngờ vực rằng có một sự “bảo kê”?

Ngay lập tức, phe đối lập ở Nga lên tiếng. Cựu thủ tướng trào Boris Yeltsin là ông Mikhail Kasyanov phát biểu đầy ám chỉ: “Thật gây sốc việc một thủ lĩnh đối lập bị bắn chết một cách thị uy như vậy ngay kề bên các bức tường điện Kremlin”.

Cựu thứ trưởng năng lượng Nga Vladimir Milov - chủ tịch Đảng Sự lựa chọn dân chủ, một chiến hữu của Nemtsov - cáo giác: “Tôi đã nói chuyện với một số người quen biết của tôi trong các lực lượng an ninh, và tôi càng không nghi ngờ rằng việc sát hại Boris Nemtsov đã được nhà chức trách hậu thuẫn” (The Jewish Press 28-2).

Masha Gessen - một tác giả Mỹ gốc Nga nổi tiếng chống ông Putin, hiện sinh sống tại New York - đã giải thích trên New York Times ngày 1-3 câu chuyện “bảo kê” trên như sau: “Từ khi Nga thôn tính Crimea, điện Kremlin đã tăng tập trung vào kẻ nội thù.

Một phong trào mới gọi là chống Maidan (chống cách mạng kiểu Ukraine) đã tuần hành cách đây hai tuần khắp Matxcơva kêu gọi dùng vũ lực chống lại “đạo quân thứ năm”. Ít nhất một trong những tấm biểu ngữ trưng ra trong cuộc tuần hành có nêu tên ông Nemtsov...

Điện Kremlin đã dựng nên một “đạo quân” gọi là “những kẻ báo thù”, được thả lỏng và sôi sục niềm tin rằng họ đang hành động như thế là vì lợi ích đất nước mà không hề nhận bất cứ chỉ thị rõ rệt nào”.

Và Masha Gessen kết luận: “Cho dù không có mấy ảnh hưởng chính trị, song ông Nemtsov cũng đã là mục tiêu đầu tiên “hợp lý” của lực lượng này”. Liệu có phải do những “dân phòng” cực đoan này nóng mặt muốn dập tan cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Ukraine mà ông Nemtsov dự định tổ chức vào chủ nhật 1-3?

Nếu chỉ dựa vào những thông tin này, không khó hiểu khi mũi dùi dư luận đương nhiên chĩa vào điện Kremlin. Vladimir Markin của Ủy ban điều tra Nga đã đáp trả: “Vụ ám sát này có thể là một hành động khiêu khích nhằm gây bất ổn chính trị trong nước. Ông Nemtsov có thể đã bị chọn làm một “vật tế hi sinh” bởi những ai không ngần ngại sử dụng bất cứ phương pháp nào nhằm đạt mục đích chính trị của mình” (Russia Today 28-2).

Bằng cách ví ông Nemtsov như “vật hiến tế” cho các mục đích chính trị của “ai đó”, điện Kremlin cho rằng biết đâu có “ai đó” muốn sử dụng cái chết của ông Nemtsov để gây khó khăn cho ông Putin.

Trước câu hỏi “Ông có, nước Mỹ có bất cứ tin tình báo hay nghi ngờ gì rằng ai có thể chịu trách nhiệm vụ ám sát đó?”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thận trọng trả lời trên truyền hình ABC hôm 1-3: “Không, chúng tôi không hề có gì cả”.

Nói cách khác, Mỹ chẳng dính dáng gì tới vụ này. Song ông cũng đặt vấn đề: “Hi vọng rằng sẽ có một cuộc điều tra kỹ lưỡng, minh bạch thật sự, không chỉ ai đã nổ súng, mà cả ai đã ra lệnh hay chỉ thị việc đó hoặc đứng sau vụ đó”.

Sau đó, một lần nữa ông Kerry nhắc lại: “Chúng tôi hi vọng nhà chức trách tham gia với thế giới trong việc tạo nên một cuộc điều tra đáng tin cậy, minh bạch cần thiết nhằm tìm ra ai đã làm, tức ai đã đứng đằng sau và ai đã làm việc đó”. Điện Kremlin có sẵn câu trả lời: đích thân ông Putin đứng đầu cuộc điều tra.

Mắt xích Ukraine

Ukraine vô hình trung trở thành một bên liên quan trong vụ ám sát này. Tổng thống Ukraine Poroshenko lên tiếng: “Ông Nemtsov bảo rằng sẽ công bố bằng chứng thuyết phục về sự can dự của quân lực Nga tại Ukraine. Ai đó đã rất sợ điều này (lộ ra). Họ đã giết ông ấy”.

Nói đến Ukraine là nói đến quá trình tham gia chính trường Ukraine của ông Nemtsov. Tiến sĩ Robert Horvath của Đại học La Trobe, trong quyển Putin’s Preventive Counter-Revolution: Post-Soviet Authoritarianism and the Spectre of Velvet Revolution phân tích phương cách đối phó phòng chống các cuộc cách mạng kiểu Ukraine của ông Putin, đã thuật lại rằng vào tháng 12-2013, ông Nemtsov có mặt trong cuộc nổi dậy ở Kiev và hô hào “Ukraine và Nga cùng tự do”.

Hậu quả là các nhóm cực hữu, trong đó có nhà bình luận Mikhail Leontev trên Đài NTV, đã kết tội Nemtsov là “phản bội” nước Nga bằng cách giúp tách Ukraine khỏi Nga. Ngược lại, cũng có thể hiểu tại sao một số dân Ukraine ở thủ đô Kiev đã đến đặt vòng hoa cho ông trước cửa sứ quán Nga tại Kiev.

Không chỉ lên tiếng ở Nga, ông Nemtsov còn bày tỏ ý kiến trên báo chí Ukraine. Ngày 1-9-2014, trên tờ Kyiv Post của Ukraine, bài viết của Nemtsov mang tựa “Tại sao Putin gây chiến ở Ukraine?” viết rằng: “Putin đang tìm cách mổ tách Ukraine ra và dựng ở miền đông nước này một nhà nước bù nhìn gọi là Novorossiya (nước Nga mới)...

Điều đó là tối cần thiết để cánh của ông ta kiểm soát nền kỹ nghệ luyện kim tại miền đông Ukraine, cũng như hệ thống công nghiệp quốc phòng. Còn nữa, miền nam Ukraine giàu dầu hỏa đá phiến sẽ tạo nên sự cạnh tranh thật sự cho việc làm ăn của Công ty Gazprom của Putin...”.

Thật ra, đây không phải lần đầu ông Nemtsov tố ông Putin “làm ăn”. Ông Nemtsov từng công bố một cuốn sách trắng (The Nemtsov white paper) mà phần 5 có tựa là Putin, kẻ cắp!. Tiếng vang của sách trắng đó có thể đo được bằng hai dấu chỉ: sau loạt tố cáo đó, ông Putin chẳng hề hấn gì và ông Nemtsov cũng chẳng bị phiền hà gì!

Sau một vụ ám sát, luôn có nhiều giả thuyết được đặt ra. Tình, tiền, thù? Một vụ ám sát chính trị còn nhiêu khê hơn, nhất là khi có yếu tố nước ngoài. Mỗi bên trong nội vụ, giả sử như định làm chuyện đó, đều cân nhắc: “khử” đương sự sẽ được gì, mất gì, được nhiều hơn hay mất nhiều hơn? Ngược lại, phe bên kia được gì, mất gì? Chưa hết, ai khác nữa sẽ được gì, mất gì?...

Việc Kremlin chịu nhiều bất lợi có thể gợi ý phần nào câu trả lời. Trong khi chờ đợi, có thể theo dõi tình hình Ukraine.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận